Hãy vâng nghe lời Chúa…

 

Hãy vâng nghe lời Chúa…Thiên Chúa là tình yêu”. Và, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).  Vâng, đó là niềm tin mà tông đồ Gio-an đã tuyên xưng.

Còn, theo cách tuyên xưng của chúng ta, thì: Đức Giê-su: “Người là Con Một Thiên Chúa. Sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời”. Và, với những ai “vâng nghe lời Ngài” thì sẽ được cứu độ. Đây không phải là một niềm tin mơ hồ, nhưng là một niềm tin đã được chứng thực,  được chứng thực bởi chính Thiên Chúa Cha.

Thật vậy, hơn hai ngàn năm xa trước đó, vào một ngày nọ, trong một dịp Đức Giê-su cùng với ba người môn đệ lên một ngọn núi. Tại nơi đây, một cuộc thần hiện đã xảy ra. Và, trong cuộc thần hiện này, Thiên Chúa đã chứng thực cho niềm tin này. Sự kiện thần hiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Sự kiện này được kể lại như sau: Hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình”.(x.Mc 9, 2)  Ba vị môn đệ này đã được “Người đưa đi riêng ra một chỗ”.  Chỗ đó, chính là “một ngọn núi cao”. Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su “lên núi”.

Hôm trước, hôm Ngài “chay tịnh bốn mươi ngày trong hoang địa”, Sa-tan  cũng đã “đem Người lên một ngọn núi rất cao”. Ở đó, Sa-tan đã đem những “vinh hoa lợi lộc” của thế gian và hứa sẽ ban cho Đức Giê-su, nếu Ngài “sấp mình bái lạy” nó.   Hôm đó, Đức Giê-su đã không nghe theo lời dụ dỗ của Satan, trái lại Ngài đã “vâng nghe Lời Thiên Chúa”, lời được truyền dạy, rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi”(x.Mt 4, 8-10).

Lần “lên núi” tiếp theo, Đức Giê-su đã công bố những việc làm, những việc làm mà bất cứ ai muốn trở thành công dân Nước Trời đều phải thực hiện. Những việc làm đó, ngày nay chúng ta gọi là “tám mối phúc thật”.

Còn hôm nay, khi Đức Giê-su cùng ba người môn đệ đang ở trên núi, một sự huyền diệu xảy ra. Chuyện kể rằng: Đức Giê-su “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”. Chưa hết, các người môn đệ cùng đi với Đức Giê-su còn thấy “ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su”. Ôi! Các ông đã nằm mơ chăng! Hay đây là hiện thực!

Vâng, đó là hiện thực. Và, khi chứng kiến hiện thực này, “ông Phê-rô (đã) thưa với Đức Giê-su rằng: Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông E-li-a”.

Ông Phê-rô nói là để nói, chứ thực ra, theo lời kể của thánh sử Mác-cô: “ông không biết phải nói gì, vì các ông (đã) kinh hoàng” (x.Mc 9, 6). Và, quả đúng là kinh hoàng vì liền theo đó, thánh sử Mác-cô cho biết: “Có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.” (Mc 9, …7). Sau tiếng phán đó, chuyện kể tiếp rằng: “Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su và các ông mà thôi”.

Thế rồi, tiếp sau đó, Thầy và trò cùng “hạ sơn”. Các ông đã hạ sơn trong nỗi lòng băn khoăn, băn khoăn về sự việc “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?”. Vâng, hôm ấy, khi “ở trên núi xuống, Đức Giê-su đã truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê có vâng nghe lời truyền dạy của Đức Giê-su? Thưa, có. Các ông đã “vâng nghe lời Người”. Thật vậy, sau khi Đức Giê-su chịu nạn, chịu chết và sống lại,  sự kiện đó như một nguồn nội lực giúp các môn đệ mạnh dạn loan báo những gì đã được thấy và đã được nghe.

Với tông đồ Phê-rô, ngài khẳng định rằng: “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người : Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến ” (2 Pr 1,16-17). Thánh Phê-rô nói tiếp rằng “Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.

Tông đồ Gioan cũng đã làm chứng rằng : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

Niềm tin Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” cùng với việc “Vâng nghe lời Người” là một mệnh lệnh. Vì thế tông đồ Phêrô mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29). Và quả thật, chính ông chứ không ai khác, đã vâng nghe lời Người cho đến chết, một cái chết như chính người Thầy của mình. Một cái chết như lời đáp trả cho lời phán truyền “từ trời cao” năm xưa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.

“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Đây là một mệnh lệnh, một mệnh lệnh không chỉ dành cho những người môn đệ xưa, nhưng cũng là mệnh lệnh dành cho mỗi chúng ta, hôm nay. Thế nên, hãy tự hỏi, qua  biết bao nhiêu tháng năm là một Ki-tô hữu,  tôi đã thực sự nghe được “tiếng phán” này? Và tôi đã “tuân lệnh”?   Hay tôi chỉ để tai mình nghe muôn vàn tiếng phán hỗn tạp khác trên thế gian này?

Thế giới hôm nay là một thế giới “Bị bao vây bởi rất nhiều tiếng phán gọi. Hiếm có giây phút nào trong đời sống mà chúng ta không có ai hay không có cái gì đang gọi tới, ngay cả trong giấc ngủ, những giấc mơ và những cơn ác mộng cũng bắt chúng ta phải chú ý”.

Đó… đó là lời cảnh báo của ngài Ronrolheiser, Omi. Rất khủng khiếp, thưa quý vị. Khủng khiếp vì  “…Mỗi một tiếng gọi đều có nhịp điệu và thông điệp riêng của nó. Một số giọng mời gọi chúng ta bước vào, hứa hẹn một cuộc sống tươi đẹp nếu chúng ta làm cái này hay cái nọ, mua sản phẩm này hay ý tưởng kia; một số giọng đe dọa chúng ta.

Một số giọng dẫn dắt chúng ta đến gần với thù hận, cay đắng và tức giận, có những giọng khác đòi hỏi chúng ta cố gắng hướng tới thương yêu, lòng biết ơn và tha thứ.

Một số tiếng gọi nói với chúng ta rằng chúng đùa cợt và vui nhộn, chứ không phải là chuyện nghiêm túc, lại có những tiếng gọi khác tuyên bố hùng hồn rằng mình là cấp bách và quan trọng, là tiếng gọi của chân lý không thể kỳ kèo, tiếng gọi của Thiên Chúa”.

Vâng, ngài Ronrolheiser chia sẻ tiếp: “Trong tất cả những tiếng đó, đâu là tiếng gọi của Thiên Chúa? Làm thế nào chúng ta nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa giữa tất cả những giọng đó và khi đang theo những tiếng gọi đó?”

Và, ngài cho chúng ta câu trả lời rằng: “Thánh Kinh và từ những nguồn mạch sâu thẳm của truyền thống Ki-tô giáo của chúng ta vốn có thể giúp  ích cho chúng ta”.

  1. Thánh Kinh, thưa quý vị! Thánh Kinh chính là “tiếng phán” của Thiên Chúa.  Thánh Kinh chính là tiếng phán từ trời cao mà Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta. Tiếng phán này (Thánh Kinh) giúp chúng ta nhìn “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy… phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12)

Có được “tầm nhìn” như thế, một tầm nhìn do “Thần Khí Chúa” ban cho, chúng ta không khó để nhận ra rằng, đâu là tiếng phán gọi của Thiên Chúa, và đâu là tiếng mời mọc, tiếng cám dỗ của satan… là những thứ tiếng của ma khóc quỷ hờn… là những thứ tiếng gọi dẫn chúng ta đến sự đau khổ “trong lửa và diêm sinh”(x.Kh 14, …10)

Thế nên, hãy đọc Kinh Thánh, thưa quý vị. Nơi đó, có rất nhiều “tiếng phán gọi” của Thiên Chúa. Nơi đó có rất nhiều “tiếng phán dạy”  của Thiên Chúa.

Người đã phán gọi chúng ta, rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Người đã phán dạy chúng ta, rằng: “Được cả thế gian mà mất linh hồn (thì) nào ích gì”.

Đó là những tiếng phán gọi, và là những tiếng phán dạy, dẫn chúng ta đến nơi “không còn vất vả nhọc nhằn nữa”. Nói cách khác, đó là “Nước Trời”. Cuối cùng,  và là điều tối quan trọng, đó là chúng ta: “hãy vâng nghe lời Chúa”.

Petrus.tran

 

Trả lời