Hãy trở thành “Kitô hữu chính danh”

 

Hãy trở thành “Kitô hữu chính danh”

Cv 8,5-8.14-17; Tv 66 ; 1 Pr 3,15-18; Ga 14,15-21

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quý vị,

Hãy trở thành “Kitô hữu chính danh”Nào hãy bắt đầu phần suy niệm của chúng ta. Xem ra không có gì để chia sẻ về bài Tin Mừng hôm nay cả. Tuy nhiên, ngẫm nghĩ kỹ hơn, bài Tin Mừng có thể mở ra cho chúng ta vài điểm suy tư. Làm thế nào trở thành một “người hâm mộ bóng chày cuồng nhiệt” nhỉ? Có người sẽ nói rằng, “người hâm mộ cuồng nhiệt” là người đều đặn theo dõi các buổi phát sóng các trận đấu trên TV; họ cố gắng sắp xếp để đi xem những trận đấu của đội mà họ yêu thích, thậm chí họ còn mua vé cả mùa luôn. Và dù khi không đi xem được, họ cũng sẽ đội mũ, mặc áo đồng phục của đội họ hâm mộ; lúc theo dõi trận đấu, một số người còn vẽ lên mặt những màu sắc đặc trưng của đội tuyển. Một “người hâm mộ cuồng nhiệt” sẽ nhào ngay lên mạng internet hoặc các trang tin tức thể thao hằng ngày để xem tình hình đội tuyển, rồi kiểm tra kết quả đánh trúng bóng của những cầu thủ mà họ yêu thích. Có người thậm chí còn lấy tên đội tuyển đặt cho thú cưng của mình, ví dụ như: “Lại đây nào Dodger!”, “Lộn vòng đi Ranger!” Phải chăng những đặc điểm trên đây là phẩm chất đặc trưng của một “người hâm mộ cuồng nhiệt?”

Chúng ta thử áp dụng một câu hỏi tương tự cho niềm tin của chúng ta. Điều gì giúp cho một người có thể trở thành một “Kitô hữu chính danh?” Đâu là những thực hành hằng ngày họ phải tuân giữ? Họ buộc phải có hiểu biết căn bản nào? Những câu hỏi này cùng nhiều câu hỏi tương tự khác, sẽ tạo nên những chủ đề thảo luận thú vị cho một lớp thông tin hay một nhóm các thành viên mới, những người đang khởi đầu năm RCIA[*] (nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn) của họ. Tất nhiên, có những tiêu chuẩn và niềm tin nền tảng mà những người Kitô hữu chúng ta buộc phải có. Tuy vậy, có một dấu hiệu phân biệt mà mỗi Kitô hữu phải có để trở thành một “Kitô hữu chính danh”, dấu hiệu đó đã được Đức Giêsu chỉ ra trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”

Đó là niềm tin của chúng ta, niềm tin đã được Đức Giêsu tóm kết ngắn gọn để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng và noi theo. Thế nào là một “Kitô hữu chính danh”? Thưa rằng, đó là người yêu mến Đức Giêsu, yêu mến cách thức Đức Giêsu dạy bảo để sống trong trần thế, đồng thời sẵn sàng đem ra thực hành những gì mà Người truyền dạy.

Rất nhiều người ngưỡng mộ Đức Giêsu, nhưng họ chưa bao giờ cùng chúng ta tôn thờ Người. Chúng ta biết rõ về họ, vài người trong số đó là những người thân trong gia đình và bạn bè của chúng ta. Họ ngưỡng mộ Đức Giêsu, thậm chí còn tổ chức kỷ niệm những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Người như lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Tuy nhiên, ngưỡng mộ một người không có nghĩa là yêu mến người ấy và làm cho đời sống của mình phản chiếu tình yêu đó. Và việc “tuân theo” mà Đức Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta được tóm kết thế này: đó là chúng ta tuân giữ những điều răn của Người. Từ mẫu gương và lời nói của Đức Giêsu, chúng ta biết được rằng, “những điều răn” của Người chính là những điều răn yêu thương.

Đức Giêsu không nói cách thức chúng ta cảm nhận về người khác. Làm sao Người có thể đòi buộc chúng ta “cảm thấy” yêu mến người khác? Làm sao chúng ta có thể duy trì một thứ cảm giác như thế với những người mà chúng ta không biết hoặc biết quá ít, những người không phải là người thân của mình? Với những người mà chúng ta thực sự yêu quý, luôn luôn yêu thương trong mọi hành động đã là cả một nỗ lực xuyên suốt cuộc đời. Vậy thì, làm sao chúng ta có thể có cảm xúc và thể hiện những cảm xúc đó với những người không quen biết, thậm chí là kẻ thù nữa? Giáo huấn của Đức Giêsu không chỉ đơn thuần là việc ưa thích một người nào đó. Đúng hơn, Người muốn chúng ta phải thực hiện một hành động của ý chí và thực hiện những việc có ích cho người khác. Giáo huấn của Đức Giêsu cũng không phải là việc yêu thích mọi người, bởi vì tôi không biết gì về anh, nên tôi không ưa thích anh!

Vốn chỉ là những con người bình thường với một bản danh sách trong đầu về những người mà chúng ta yêu thương, quý mến, cùng những người mà chúng ta không ưa, làm thế nào chúng ta có thể sống xứng đáng với điều răn yêu thương của Đức Giêsu? Chúng ta hoàn toàn biết câu trả lời cho câu hỏi này rồi: chỉ bởi sức mình, chúng ta không thể. Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu đã hứa với chúng ta nhiều điều rằng, Người sẽ ban những ơn cần thiết để chúng ta có thể thực hiện điều đó.

Trong Tin Mừng thánh Gioan, Lễ Ngũ tuần diễn ra khi Đức Giêsu Phục Sinh thổi Thần Khí vào cộng đoàn những kẻ tin đang ẩn núp sau những cánh cửa khóa kín (20,19-23). Thánh Thần mà Đức Giêsu hứa ban sẽ lo liệu những ơn cần thiết để người môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu, cách đặc biệt là sứ vụ yêu thương trần thế như Đức Giêsu đã yêu thương. Thánh Thần sẽ đến từ Thiên Chúa nhờ lời thỉnh cầu của Đức Giêsu (“Thầy sẽ xin Chúa Cha”) và Người sẽ thay thế Đức Giêsu như một “Đấng Bào Chữa khác.” Đấng Bào Chữa này, Đấng thay thế cho Đức Giêsu, sẽ làm những gì mà Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ, Người sẽ là bạn đồng hành, an ủi và trợ giúp họ. Đức Giêsu sẽ sớm ra đi, nhưng Thánh Thần mà Người gởi đến sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta, bởi lẽ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.”

Thánh Gioan không phân định rạch ròi sự khác biệt giữa giáng lâm của Thánh Thần với quang lâm lần thứ hai của Đức Kitô. Điều rõ ràng ở đây là Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Vì thế, Thánh Thần ở cùng chúng ta, và Đức Giêsu cũng vậy, và sau đó, Người sẽ nói cho chúng ta biết, chính Người và Chúa Cha sẽ đến và ngự trong tâm hồn những ai yêu mến Người (c.23).

Khi bước vào một ngôi nhà cảm thấy vắng vẻ, chúng ta có thể kêu lên rằng: “Có ai ở nhà không?” Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy rất cô đơn trong một ngôi nhà rộng lớn và trống rỗng, nhất là khi trải qua một giai đoạn khó khăn. Trong sự tuyệt vọng và thiếu thốn đó, chúng ta có thể sẽ gào lên rằng: “Có ai ở đây với tôi không?” Theo lời hứa của Đức Giêsu hôm nay, nếu chúng ta biết chăm chú lắng nghe, chúng ta có thể nghe được tiếng của Chúa Cha và Người Con cùng Thánh Thần đáp lại: “Đừng sợ, chúng ta đang ở đây với con.”

Chúa Nhật trước, chúng ta đã được nghe lời than phiền của “các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp” (những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp) rằng, các bà goá của họ bị “các tín hữu Do Thái bản xứ” (những người Do Thái nói tiếng Aram) bỏ quên trong việc phân phát lương thực hằng ngày. Nhóm Mười Hai đã yêu cầu cộng đoàn chọn ra bảy người có tiếng tốt để thi hành bổn phận phân phát lương thực.

Hôm nay, ông Philipphê, một trong bảy người “có tiếng tốt” đã được chọn ấy, là một mẫu gương của thánh Luca về cách thức mà thông điệp của Đức Kitô được nhanh chóng lan truyền ra khỏi miền Giuđê tới tận miền Samari, nơi người Do Thái xem là vùng đất của lạc giáo. Đức Giêsu đã hứa rằng, chính Người cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sẽ cư ngụ trong cộng đoàn các tín hữu. Nhưng những môn đệ khác đã không có mặt sau những cánh cửa đóng kín, an toàn và thoải mái ấy. Thay vào đó, sau cuộc tử đạo của ông Stêphanô, Giáo hội đã phải trải qua “cơn bách hại dữ dội” (Cv 8,11) và đã bị tản mác khắp nơi. Ông Philipphê, một trong những người bị trục xuất khỏi thành Giêrusalem, đã đi tới Samari và rao giảng Tin Mừng cho dân cư ở đó. Ngày nay, chúng ta đều biết đến sự thành công của ông. Bởi lẽ, “trong thành, người ta rất vui mừng.” Ông Philipphê là một chứng nhân cho lời hứa của Đức Giêsu:“Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em.” Đó là kinh nghiệm những nhà giảng thuyết tiên khởi có được; họ không cậy dựa sức mình khi đi rao giảng ở những vùng đất xa lạ.

Vì được toàn thể cộng đoàn Kitô hữu Do Thái đáp lại, nên những lời rao giảng của ông Philipphê như là một dấu chỉ cho thấy họ là những “Kitô hữu chính danh.” Họ yêu mến Đức Giêsu và giữ các điều răn của Người là yêu thương tha nhân, khi gác sang một bên sự chia rẽ và đối đầu kéo dài suốt bao thế hệ, vốn đã chia cắt người Do Thái và người Samari. Ông Philipphê đích thực là người rao giảng Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi người Kitô hữu được rửa tội phải là một người rao giảng Tin Mừng trong chính các tác vụ của mình.

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ dẫn, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Người là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi người ở những vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Niềm vui của Tin Mừng, số 20).

Hôm nay, thánh Phêrô trao cho chúng ta, những người rao giảng Tin Mừng, lệnh truyền lên đường rằng: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng…”

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ



*  RCIA (The Rite of Christian Initiation of Adults): Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn. Tiến trình gia nhập Kitô giáo gồm nhiều chặng: (a) thời kỳ dự tòng có thể kéo dài nhiều năm; (b) thời kỳ khai sáng (chuẩn bị gần, thường là vào đầu Mùa Chay); (c) nghi thức lãnh ba bí tích khai tâm (Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể) thường vào Vọng Phục sinh; (d) thời kỳ huấn giáo về nhiệm tích (GLCG, số 1229-1233).

Trả lời