Hãy tỏ lòng sám hối…

 

 

Hãy tỏ lòng sám hối...Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng. Nói tới Mùa Vọng, không ít người trong chúng ta nghĩ rằng: đây là thời gian chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại, ngày kỷ niệm Đức Giê-su xuống thế làm người.

Nghĩ như vậy không sai, nhưng chưa đủ. Mùa Vọng, theo Lm. An-tôn Lê Ngọc Thanh chia sẻ, thì: có bốn tuần và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu (hai tuần), hướng tới mầu nhiệm “cánh chung và quang lâm”.

Mà thật vậy. Với tuần thứ nhất, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được cảnh báo về sự bất ngờ của “ngày ấy” sẽ xảy ra, ngày mà Đức Giê-su đã truyền dạy rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức”.

Phải tỉnh thức không chưa đủ. Với tuần thứ hai (hôm nay),  lời cảnh báo tiếp theo cho chúng ta, đó là “hãy sám hối”.

Vâng, phải sám hối (tất nhiên), kẻo lỡ ngay hôm nay, Đức Giê-su “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”, thì sao đây!

“Mùa Vọng” đầu tiên, nếu được phép gọi như thế, lời cảnh báo “hãy tỏ lòng sám hối” cũng chính là lời được sứ giả Gio-an Tẩy Giả lớn tiếng khuyến cáo.

Vâng, rất mạnh mẽ và quyết liệt. Lời khuyến cáo của ông Gio-an đã được thánh sử Mác-cô ghi lại như sau: “Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Mc 1, 4)

Những lời rao giảng đó, cứ tưởng rằng, chỉ là những tiếng phèn la chập choãng, lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những lời của ông có sự truyền cảm, sự truyền cảm đó truyền đến tâm lòng nhiều người. Để rồi “từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem”, từng đoàn người đã lũ lượt “kéo đến với ông”.

Với hình ảnh của một vị ẩn sĩ “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, qua đó, những người đến với ông đã không thể không cảm nghiệm ra cuộc sống thật của mình.

Để rồi, hôm đó, dòng sông Giodan tràn ngập một làn-sóng-người, làn sóng người quỳ xuống “thú tội”, và ông Gioan đã “làm phép rửa cho họ…”

Ông Gio-an Tẩy Giả là ai? Thưa, là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, ông có người vợ tên là Elisabeth, cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, mặc dù vợ ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của ông, Người đã cho ông sinh được một cậu con trai, một cách đặc biệt.

Cậu con trai đó, sau khi sinh được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên là Gio-an, thì người cha là Dacaria được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.” (Lc 1,76).

Về điều này, sách ngôn sứ Isaia cũng có chép:  “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”.

Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, nhắc đến Gioan Tẩy Giả, Giáo Hội muốn mỗi Kitô hữu chúng ta cũng phải là một “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao”. Một người ngôn sứ trung thực dám sống cho sự thật và chết cho sự thật như chính Gioan Tẩy Giả khi xưa.

Để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm “thần quyền” giả hình Phariseu và Sa-đốc,  chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng xấu hổ của bạo chúa Hê-rô-đê.

Chưa hết, nhắc tới Gioan Tẩy Giả, còn là để nhớ những gì ông đã loan báo và kêu gọi, bởi vì những loan báo và kêu gọi của ông vẫn còn giá trị cho chúng ta hôm nay, giá trị cho sự chờ đợi Chúa Giê-su sẽ đến lần thứ hai.

Một lần nữa, chúng ta hãy nghe ông loan báo và kêu gọi, rằng “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” và rằng: “hãy tỏ lòng sám hối”.

Vâng, đừng bao giờ nghĩ rằng, tôi chẳng làm gì gây ra  tội lỗi, nên không cần ăn năn,  tôi sống ăn-ngay-ở-lành, không làm gì nên tội vì thế cần “quái” gì phải sám hối…

Nghĩ như thế là một sai lầm lớn. Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân.

Từ đáy lòng của chúng ta, có ai mà không hơn một lần có những ý tưởng xấu, như: “ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ganh tỵ, chia rẽ, bè phái, say sưa…” v.v…

Có ai dám khẳng định, những ý tưởng nêu trên, chưa một lần “tạo ra dịp tiện” dẫn đưa chúng ta vào con đường phạm tội!?

Về chuyện này, Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phaolô đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Roma 3, 23).

Hãy nghe vua David diễn tả rõ nét hơn, thân phận của một “phàm nhân” đầy tội lụy: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7).

Đó…  đó, phải chăng đó chính là tội “nguyên tổ”, bản chất tội lỗi di truyền! Vì thế, có gì để chúng ta không hiểu, rằng: Nguồn nước dơ bẩn dẫn đến một dòng sông dơ bẩn.

Ai mà không hơn một lần sa chước cám dỗ! Vì thế, lời khuyến cáo của Gio-an Tẩy Giả: “hãy tỏ lòng sám hối”, có gì sai!

Thế nên, ngay hôm nay, mỗi chúng ta hãy tự nhìn lại bản thân của mình. Hãy tự hỏi, tôi có“ tỏ lòng sám hối”, tôi có sẵn sàng “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”?

Nói một cách cụ thể, con đường tâm hồn của ta có “quanh co dối trá”, và đầy “rác rưởi tham lam, rác rưởi hận thù, rác rưởi ích kỷ”? Con đường đức tin của ta có “lồi lỏm sự hoài nghi”, hoài nghi do bởi những thực tế trần tục của cuộc đời, chi phối?

Trong tháng vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều thực tại phũ phàng. Bà giết cháu, con gái giết cha, con trai giết mẹ, thầy cô đánh học trò dã man v.v… Tội ác đầy dẫy… Do đâu mà ra? Phải chăng là do những “gồ ghề của phóng đãng, nóng giận, say sưa, chè chén”? Phải chăng là do những “hố sâu tranh chấp, ganh tị, ghen tuông… ?”

Vâng, một điều chắc chắn, đó là vì con người không thèm nhận biết Thiên Chúa, thù ghét Thiên Chúa, không muốn Thiên Chúa cùng đồng hành với  mình.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta chỉ là một kẻ lữ hành trên thế gian này. Chúng ta phải có Thiên Chúa cùng đồng hành với ta. Thế nên, chúng ta không thể không “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người (cùng) đi.

Vâng, rất giản dị, hãy phủ lên con đường đó những thảm nhựa-bí-tích: “Bí Tích Thánh Thể – Bí Tích Giao Hòa”.

Đừng quên phủ lên con đường đó thảm nhựa, nhựa-Thánh-Kinh, một loại nhựa đem đến cho chúng ta niềm tin vững bền, đức cậy vững chắc và lòng mến bao la.

Chỉ khi  làm như thế, “con đường cho Đức Chúa” mới có thể được gọi là con đường “…Nắng vàng tươi đẹp đẽ. Bóng (Người) dài trên hè. Con đường tình ta đi”.

Chỉ khi ta “dọn và sửa” như thế, con đường đó mới có thể được gọi là con đường “tinh tuyền, không chi đáng trách và… bình an ” (2, Pr 3, 14)

Cuối cùng, chỉ khi dọn và sửa “con đường cho Đức Chúa” như thế, chúng ta mới có thể chứng minh cho mọi người thấy rằng, tôi đã thật sự tỏ lòng sám hối.

Thánh Cyprian  có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn rộng mở”.

Vâng, con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn-rộng-mở, rộng mở cho những ai “tỏ lòng sám hối”.

Petrus.tran

 

Trả lời