Hãy “tái sinh và đổi mới”

 

Hãy “tái sinh và đổi mới”Vào những ngày Đức Giê-su còn tại thế, trong một lần đến Ca-phác-na-um, khi nhận thấy dân chúng đi tìm mình “không phải vì… đã thấy dấu lạ, nhưng vì đã được ăn bánh no nê”, Đức Giê-su lập tức lên tiếng khiển trách họ, rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x.Ga 6, 27).

“…Chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”, thật vậy sao! Thưa, đúng vậy, Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận ngay từ những ngày đầu “Con Người” ra đi rao giảng Tin Mừng. Biến cố trọng đại này đã được  ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (x.Lc 3, 15-16 21-22)

Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng: “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Messia!” (x.Lc 3, 15) Ông Gio-an ư! Vâng, đây là một nhân vật, không có Mùa Vọng nào mà không được nói đến. Và theo những gì thánh sử Luca ghi chép lại, chúng ta được biết, vào  “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời Phongxio Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit… Khanan và Caipha làm thượng tế…”, ông Gio-an đã xuất hiện tại sông Giodan và đã truyền giảng cho mọi người rằng: “hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Có rất nhiều người đến với ông. Và ông đã không bỏ lỡ cơ hội khuyến cáo họ rằng: “Các ông hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”. Chính những lời truyền giảng, cũng như những lời khuyên này, đã khiến cho dân chúng ngỡ ông là Đấng Messia.

Để đánh tan dư luận, ông Gio-an đã thẳng thắn nói với dân chúng rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (x.Lc 3, 16)

Và rồi Đấng đó đã đến. Đấng đó không ai xa lạ, chính là Giê-su người Na-da-rét. Đấng đó đã xuất hiện tại sông Gio-đan và… và thật kinh ngạc, Người “cùng chịu phép rửa… khi toàn dân đã chịu phép rửa” (x.Lc 3, 21)

Kinh ngạc hơn nữa, “đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra”. Và liền đó: “Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài”. Chính trong giây phút đó, “có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (x.Lc 3, 22). “Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Vâng, một lời công bố chứng tỏ rằng, Đức Giê-su đã được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận.

Hôm nay, Chúa Nhật 10/01/2016, lễ kính Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đừng ngạc nhiên về việc Chúa Giêsu, có tội tình gì đâu, thế mà đã “cùng chịu phép rửa” với mọi người, một phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Tại sao? Thưa, là bởi, Ngài muốn biểu lộ sự khiêm nhường hạ mình, “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Ngài chấp nhận “dìm-mình-xuống”, để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian, đúng như lời ông Gio-an đã công bố: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Hôm nay, nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, cũng là dịp để tái nhắc nhở cho chúng ta về Bí Tích Rửa Tội mà chính chúng ta đã lãnh nhận. Vâng, thật cần thiết để nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhớ lại để chúng ta tái khám phá một ân sủng, ân sủng được trở nên “con Thiên Chúa”.

Muốn vậy, muốn tái khám phá ân sủng, ân sủng được trở nên Con – Thiên – Chúa, thứ nhất, và quan trọng nhất, theo lời tác giả thư Ti-tô dạy, đó là “phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (x.Tt 2, …12)

Thứ hai, cũng không  kém phần quan trọng, đó là, đừng cho rằng Bí Tích Rửa Tội chỉ là thủ tục hành chánh để gia nhập đạo Công Giáo, hoặc tệ hơn là để “kết hôn”, rồi sau đó là “tôi lấy được vợ (chồng) tôi thôi nhà thờ”.

“Thiên Chúa”, tác giả thư Ti-tô dạy tiếp, “Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới”(x.Tt 3, 4-5).

Thưa bạn, bạn đã chịu phép Rửa Tội? Vâng, có phần chắc chúng ta sẽ trả lời rằng: “đã”. Vậy, hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi mình, rằng: tôi đã  tái sinh và đổi mới? Tôi đã tái sinh là một con người mới với lối sống đổi mới, một lối sống biết “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”? Tôi đã tái sinh là một con người “Biết thương nhau. Không oán ghét. Không gây hận sầu”?

Hay tôi vẫn còn mang nặng con người cũ với lối sống cũ, một lối sống “ích kỷ, ganh tỵ, chia rẽ, bè phái, nóng giận, say sưa, chè chén”, nói tắt một lời, một lối sống “nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc”?

Thưa, câu trả lời, tất nhiên là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, Đức Giê-su, trong một buổi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái, Ngài đã khuyến cáo, rằng: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh một lần nữa bởi ơn trên” (x.Ga 3, …3)

Phải “tái sinh và đổi mới”. Tại sao? Thưa, tác giả thư Ti-tô cho biết: “Sở dĩ  như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang”(Tt 2, 13)

Thưa bạn, bạn có muốn trong ngày Đức Giê-su xuất hiện vinh quang, Người sẽ nói với bạn rằng “Con là con của Cha”, không? Nếu muốn… nếu muốn, ngay hôm nay, tôi và bạn, hãy quỳ dưới thánh giá Chúa Ki-tô, cùng cất tiếng cầu khẩn với Người, rằng: Lạy Chúa, xin Người  “ban ơn Thánh Thần, để chúng (con) được tái sinh và đổi mới”(x.Tt 3, 4-5). Vâng, là một Ki-tô hữu, là một người đã chịu Bí Tích Rửa Tội,  chúng ta không thể không “tái sinh và đổi mới”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời