Hãy ra khỏi mồ

Hãy ra khỏi mồCuộc sống của một đời người, như một vòng tuần hoàn sinh-lão-bệnh-tử.  Khi nói tới “tử”, có thể nói rằng, đó là nói đến một nỗi buồn, một nỗi buồn không của riêng ai.

Nghĩ tới “tử”, có không ít người mong sao y học tìm ra được thần dược làm cho con người trường sinh bất tử. Thế nhưng, tất cả vẫn chỉ là ước mơ. Ước mơ đó, con người đã mang theo mình cho tới lúc chết.

Vâng, ai ai cũng sợ chết. Nhưng, với đức tin Ki-tô giáo, “chết” không có gì đáng sợ. Không đáng sợ là bởi: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm im giấc ngủ mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai.” Không đáng sợ vì “tương lai” mà người Ki-tô hữu sẽ thấy là một tương lai: “chẳng có chia lìa, chẳng có hợp tan.”

Đây không phải là niềm tin mơ hồ, do con người bịa đặt ra. Nhưng, đây là niềm tin được đặt trên nền tảng những lời Đức Giê-su đã tuyên phán.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã từng tuyên phán rằng: “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Rồi một lần khác, Đức Giê-su cũng có lời phán tương tự:  “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”.(Ga 11,25)

Và để củng cố cho những lời tuyên phán của mình, Đức Giê-su đã hơn một lần làm phép lạ cho người chết sống lại. Phép lạ làm cho một người đã chết bốn ngày, được sống lại, như một điển hình.  Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an.

**   

Sự việc xảy ra tại làng Bêtania. Nơi đây, một gia đình có ba chị em Mác-ta, Maria và La-da-rô, cùng sinh sống. Gia đình này rất thân thiết với Đức Giê-su.  Cuộc sống của gia đình họ đang trong cảnh an lành, thì bỗng nhiên anh La-da-rô, em của cô Mác-ta, bị đau nặng.

Bị đau nặng ư! Vâng, cứ sự thường, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ đem người bịnh đến nhà thương hay chí ít cũng tìm đến phòng mạch một ông bác sĩ nào đó, phải không, thưa quý vị!

Thế nhưng, hai chị em Mác-ta thì không.  Hai cô cho người tìm đến Đức Giê-su để báo tin, dù biết Ngài không phải là bác sĩ.

Vâng, không phải là bác sĩ, nhưng có gì ngăn cản Đức Giê-su cứu chữa anh La-da-rô! Thì đây, sự kiện cậu bé con của một bà goá tại thành Nain đã chết và được Thầy Giê-su cứu sống lại, có phải là điều đã được chứng minh! Và phải chăng, hai chị em Mác-ta và Maria cũng đã biết đến sự kiện này!

Thánh sử Gio-an không có lời lý giải, nhưng có phần chắc là như thế.  

Rồi… Đức Giê-su cũng đến nhà hai chị em Mác-ta và Maria.  Lúc đó, “anh La-za-rô đã chôn trong mồ bốn ngày rồi”. Chuyện kể rằng: “Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Maria”.

Và khi nhận được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây , em con đã không chết.”

Đừng, đừng vội suy diễn, rằng thì-là-mà cô Mác-ta “than thân trách phận”. Không…  cô ta, qua lời nói với Đức Giê-su,  đã chứng tỏ đức tin mãnh liệt của mình.

Vâng, ngọn lửa đức tin trong cô đã bùng lên, bùng lên khi cô nói tiếp, rằng: “Nhưng bây giờ con biết…”  Bây-giờ-con-biết: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, người cũng sẽ ban cho Thầy” . (Ga 11, …22).

Kinh Thánh có chép rằng: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.” (Tv 103, 3-5) 

Và, quả thật, Đức Giê-su đã làm cho lời Kinh Thánh nêu trên, thành sự thật. Hôm ấy, Đức Giê-su đã cứu-La-da-rô-khỏi-chôn-vùi-đáy-huyệt… khiến-tuổi-xuân-Ladaro-mạnh-mẽ-như-xưa.  

Vâng, Ngài nói với Mác-ta: “Em chị sẽ sống lại”. Mác-ta ơi!  em-chị-sẽ-sống-lại, nhưng không phải “sẽ sống lại, khi kẻ chết sẽ sống lại trong ngày sau hết” như lời chị tuyên xưng, đâu! Em chị sẽ được chính Thầy Giê-su “đưa lên khỏi huyệt”, ngay hôm nay.

“Chính ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt” Vâng, lời loan báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en xưa kia, nay đã ứng nghiệm. Và, hôm nay, Đức Giê-su thêm một lần công bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”

Công bố xong, Đức Giê-su đã hỏi cô Mác-ta: “Chị có tin thế không?”  Có Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”

*** 

Có cái chết nào lại không làm cho lòng người thổn thức và xao xuyến! Nếu cái chết của Abel kêu thấu tận Trời cao. Thì hôm nay, cái chết của Ladaro đã làm cho Con Trời “bật khóc”.

Hôm đó, Đức Giêsu đã khóc. Ngài khóc không phải bởi tại không có mặt kịp thời kể cứu Ladaro. Chính Đức Giêsu, khi nhận được tin xấu về Ladaro, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy không có mặt ở đó, để anh em tin.”(Ga 11,15).

Đức Giê-su khóc là do “tình bạn”. Tình bạn giữa Ngài và gia đình ba chị em Mác-ta, Maria và Ladaro.

Nói về tình bạn, Lm Thái Nguyên, trong bài chia sẻ “Huyền Nhiệm của tình bạn” có nói: “Thiếu tình bạn thân, người ta dễ rơi vào bệnh lạnh lùng, hoặc hung hăng hiếu chiến, hoặc bệnh chủ quan, hà khắc và độc đoán. Các thể chế hay cộng đoàn nào không cho tình bạn phát triển đều là những hình thức bất nhân. Một môi trường không được phép phát triển một tình yêu chan hòa với bạn hữu, dù chung hay riêng, thì đều là môi trường chết.”

Một nhà truyền giáo khác, có lời chia sẻ: “Tình bạn là điều quan trọng đối với những người có đức tin. Nếu chúng ta chọn bạn một cách khôn ngoan, biết giúp đỡ và trung thành với nhau thì đức tin của chúng ta có thể được củng cố trong thời kỳ lạnh nhạt.”

Alexandre Manzoni cũng  rất  quý  trọng  tình  bạn  khi nói: “Một trong những sung sướng lớn lao nhất ở đời này là tình bạn,  và một trong những sung sướng của tình bạn là có người để ký thác những điều thầm kín”.

Vâng, Đức Giê-su khóc là do tình bạn. Suy tư về tình bạn của Đức Giê-su với  gia đình cô Mác-ta, Lm.Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Là người thật, Đức Ki-tô đã khóc La-da-rô,  bạn hữu Người, là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho La-da-rô sống lại ra khỏi mồ.”

Bắt nguồn từ sự bội phản và bất trung của nguyên tổ Adam và Eva, con người đã bị Thiên Chúa đoán phạt “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”. Án phạt đó cho thấy “Thiên Chúa là thẩm phán công minh”(Tv 7,12).

Thế nhưng, không vì sự phản bội bất trung của nguyên tổ mà Thiên Chúa bỏ rơi con người. Thiên Chúa còn là “Đấng từ bi nhân hậu. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9)

Lòng nhân hậu đó được biểu lộ qua việc “sai Con của Người đến thế gian”. Người Con đó chính là Đức Giêsu “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Mác-ta và Maria “đã tin”. Hai cô tin rằng: “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Mà, đúng vậy. La-da-rô đã sống lại. Hôm đó, sau lời cầu nguyện của Đức Giê-su và qua lời phán bảo của Ngài với người chết, rằng: “Anh Ladaro, hãy ra khỏi mồ”. Kỳ diệu thay! “Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn”. 

Sau đó, Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, và để anh ấy đi” Chứng kiến việc Đức Giê-su làm “có nhiều kẻ đã tin vào Người”.

****   

Hôm nay, qua Tin Mừng thánh Gio-an (Ga11, 1-45), chúng ta cũng đã “chứng kiến việc Đức Giê-su làm”.  Vấn đề là “chúng ta đã tin vào Người”, như xưa kia “có nhiều kẻ đã tin vào Người!” Chúng ta có tin rằng: “có sự sống lại và sự sống đời sau” không?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, hãy nhớ rằng: “Sự sống lại và sự sống đời sau”  là món quà không chỉ dành cho anh La-da-rô, xưa. Mà, còn là món quà dành cho những ai tin vào Đức Giê-su, hôm nay.

Chỉ những ai tin-vào-Người, mà thôi. Nếu chúng ta tin vào Chúa, thánh Phao-lô nói: “…thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính”.

“Lại nữa…” ngài Phao-lô nói tiếp: “nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Rất, rất để cho chúng ta suy ngẫm về những gì thánh Phao-lô chia sẻ. Vâng, chúng ta hãy suy ngẫm xem, thân xác của mình có được “sự sống mới”, kể từ khi mình bước ra khỏi “nấm mồ tội lỗi”, nhờ Bí Tích Rửa Tội?

Chúng ta hãy suy nghĩ xem, thân xác mình có “tái sinh” kể từ khi Thần Khí Chúa ngự trong ta, qua Bí Tích Thêm Sức?

Cũng đừng quên, thánh Phao-lô có lời truyền dạy: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (x.Gl 5, 25)

Đừng quên để biết rằng, khi chúng ta sống nhờ Thần Khí và nhờ Thần Khí mà tiến bước, không ai… không ai dám nói thân xác chúng ta chỉ là một đống “xương cốt đã khô” (x.Ed 37, …11)   

Trở lại với Lm.Thái Nguyên, qua biến cố sống lại của anh La-da-rô, ngài có lời chia sẻ: “Sự sống lại của Ladarô dù sao cũng chỉ là tiếp nối cuộc sống dương trần, điều quan trọng là sự sống đời đời mà chính Chúa Giêsu sẽ đem lại cho chúng ta nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài.  Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho Chúa, để Chúa đưa chúng ta vào cuộc sống mới từ hôm nay. Chỉ khi gắn bó với Chúa Giêsu, nhờ quyền năng Ngài, ta mới có khả năng ra khỏi nấm mộ của bản thân mình, và có khả năng thông truyền niềm vui sự sống cho những người chung quanh, đúng theo ơn gọi của mình là môn đệ Đức Giêsu.”

Vâng, đã là môn đệ của Đức Giê-su, ơn gọi của chúng ta, đó là: “hãy ra khỏi mồ”, nấm mồ tội lỗi của mình.

Petrus.tran