Hãy ở lại trong Chúa

 

Hãy ở lại trong ChúaCuộc sống đời thường là một chuỗi dài của những mối liên hệ. Có mối liên hệ giữa ông bà với các cháu. Có mối liên hệ giữa cha mẹ với con cái. Có mối liên hệ giữa anh với em, vợ với chồng, hàng xóm láng giềng với nhau. Với những mối liên hệ nêu trên, thật đẹp thay nếu những mối liên hệ đó luôn được duy trì ở mức độ “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Cuộc sống tâm linh, cuộc sống của một người tin vào Thiên Chúa, cũng không là ngoại lệ, nếu không muốn nói là hơn cả ngoại lệ. Tại sao lại hơn cả ngoại lệ? Thưa, hơn là bởi, cuộc sống của một người tin Chúa không chỉ có những mối liên hệ với đồng đạo, với những vị mục tử, mà còn phải có mối “liên kết” chặt chẽ giữa ta với Chúa và giữa Chúa với ta. Mối liên kết đó có thể ví “như chim liền cánh, như cây liền cành”.

Mối liên kết “như chim liền cánh, như cây liền cành” cũng chính là giáo huấn được Đức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ xưa, qua hình ảnh rất gần gũi với các ông, đó là hình ảnh “cây nho và cành nho”. Lời giáo huấn này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (x.Ga 1, 1-8)

Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại, thì hôm đó là ngày Thầy và trò đang họp lại để mừng lễ Vượt Qua. Tưởng chúng ta cũng nên biết, lễ Vượt Qua là một ngày lễ của niềm vui, niềm vui ngày dân Do Thái thoát khỏi kiếp nô lệ tại Ai Cập xưa kia. Ấy thế mà hôm đó, với các môn đệ, lại là một ngày buồn. Các ông buồn vì “có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. các ông buồn vì “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”…

Cảm thông nỗi buồn cùng với những âu lo của các môn đệ về sự việc “Thầy ra đi”, Đức Giêsu củng cố niềm tin của các ông bằng một ẩn dụ rất đời thường, ẩn dụ “cây nho”. Hôm đó, trước các môn đệ, Ngài nói: “Thầy là cây nho thật. Và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn”.

Sau lời giáo huấn này, Đức Giê-su  đã nói đến một chân lý quan trọng, một chân lý mà những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài, cần phải ghi khắc trong con tim mình, rằng: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh  em”.

Rồi, Ngài cho một lời giải thích: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh  em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh  em chẳng làm gì được”.

Hơn cả lời mời gọi “Hãy đến cùng ta”, hôm ấy Đức Giê-su có lời khuyến cáo rằng: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”

Và, sau đó Ngài để lại một lời thổ lộ chân tình: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh  em sẽ được như ý”. Cuối cùng, Đức Giê-su truyền đạt đến các môn đệ một thông điệp, thông điệp rằng: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.

Đức Giê-su đã có những lời giáo huấn như thế. Và, các môn đệ đã có một kết quả như lòng Ngài mong ước. Các ông đã tuân theo lời giáo huấn của Thầy mình, và kết quả là “sinh nhiều hoa trái”.

Thật vậy, theo sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại thì: “Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (x.Cv 9, 31).

“Hội Thánh được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa” chẳng phải là  đã “Ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh  em”, đó sao! Và, Hội Thánh ngày-một-thêm-đông chẳng phải là đã sinh nhiều hoa trái,  đó sao!

***

Hôm nay, khi đã là một Ki-tô hữu, tất nhiên chúng ta là môn đệ của Đức Giê-su. Và, đó là lý do chúng ta (phải) tự hỏi mình rằng: Tôi đã ở lại trong Chúa và lời Chúa đã ở lại trong tôi? Tôi đã có sự liên kết mật thiết với Đức Giê-su như cành nho gắn liền với cây nho?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, thật không phí thời gian để nghe lời chia sẻ của Lm Charles E.Miller, lời chia sẻ rằng: “Mỗi Chúa Nhật, anh chị em đến dự thánh lễ để thắt chặt ‘mối liên kết’ giữa chúng ta với Đức Ki-tô. Ta nài xin Thiên Chúa thương xót và tha tội cho mình. Đây là một tiến trình cắt tỉa mọi người đều phải kinh qua. Tiếp đến, ta thông chia Mình và Máu Chúa, thức dinh dưỡng cần thiết để giữ chúng ta được tràn đầy sinh lực và lớn lên, một sức sống bắt nguồn từ Đức Ki-tô Cây Nho”.

Thật đúng vậy. Chính Đức Giê-su cũng đã công bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sự sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”(x.Ga 6, 54-56)

Ở lại trong Đức Giê-su và Đức Giê-su ở lại trong ta, nói mà không sợ sai, đó chính là lúc “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x.Gl 2, 20)

Tuy nhiên, sẽ chỉ là lý thuyết nếu chúng ta không sống một đời sống “tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa”. Sẽ chẳng có Đức Ki-tô sống trong tôi, nếu tôi ủng hộ phá thai. Sẽ chẳng có Đức Ki-tô sống trong tôi nếu tôi ủng hộ hôn nhân đồng tính. Sẽ chẳng có Đức Ki-tô sống trong tôi, nếu tôi thỏa hiệp với những gì đi ngược lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Bởi vì, nếu chúng ta ủng hộ hay thỏa hiệp với những điều nêu trên, dẫu chúng ta có là một Ki-tô hữu, thì chúng ta cũng chỉ là loại Ki-tô hữu     hữu-danh-vô-thực.  Nói theo ngôn ngữ Cựu Ước, chúng ta đang là “cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng” nay “thoái hóa thành những cành nho tạp chủng” (Gr 2, 21)

Tông đồ Gio-an có lời rằng: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”(1Ga 3, 21).

Thế giới hôm nay đang ngày càng suy đồi. Suy đồi đến độ người ta chuẩn bị soạn thảo một đạo luật cho phép cha mẹ có quyền lấy con ruột mình làm vợ hoặc làm chồng. Hoặc cho phép phá thai, dẫu cho bào thai đó đã ở thời kỳ tháng thứ bảy, thứ tám.

Có… có rất nhiều “cành nho Ki-tô hữu”  đã tự ý rời bỏ “Cây Nho Ki-tô”. Họ đã tháp vào “cây nho satan” (đạo satan) và đã sinh nhiều hoa trái đắng chát, những loại hoa trái “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, tranh chấp, chia rẽ, bè phái”, và đang ra sức gieo cấy vào  mảnh đất tâm hồn của chúng ta, cũng như con em chúng ta.

Nói lên tình trạng này để làm gì? Thưa, để chúng ta, là những cành nho Ki-tô, hãy tự nhìn lại mình và tự hỏi: tôi vẫn còn là một cành nho gánh liền với Cây Nho Ki-tô? Tôi có sinh nhiều hoa trái ngon ngọt, những hoa trái của Thần Khí là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?

Vâng, là một cành nho Ki-tô, chúng ta phải là đối trọng với cành nho satan.  Muốn làm được điều này ư! Đừng lìa bỏ Cây Nho Ki-tô. Nói cách khác: “Hãy ở lại trong Chúa”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời