Hãy nương cậy nơi Chúa

 

Hãy nương cậy nơi ChúaCuộc sống của con người là một chuỗi dài của những ước mơ. Bên cạnh những ước mơ, còn đó là những  định hướng cho tương lai của mình.

Những ước mơ và sự định hướng đó  thành công hay thất bại luôn phụ thuộc vào khát khao của ta có cháy bỏng hay không. Nó cũng không loại trừ ta phải có sự tự tin, sự kiên trì và có kế hoạch.

Khi nói tới kế hoạch, có thể nói rằng, mỗi người là một cách thức riêng tư. Và cứ sự thường thì, dựa vào sự hiểu biết của mình, người ta luôn nghĩ rằng, tốt nhất là hãy nương cậy vào vào một ai đó (có thế lực) như một bảo đảm cho thành công của mình.

Thế nhưng, với cuộc sống hôm nay, nói theo nhận xét của người Roma xưa “Homo homini lupus – Con người đối xử với nhau chẳng khác gì chó sói”, thì ai sẽ là người để ta nương cậy?

Tạ ơn Chúa, Kinh Thánh cho ta biết, có một Đấng có thể điều khiển được kế hoạch của ta theo ý Người, mà chúng ta không thể làm khác đi được.

Thật vậy, nếu người xưa cho ta biết “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, thì Kinh Thánh nói rõ hơn, rằng : “Hãy hết lòng tin tưởng vào ĐỨC CHÚA, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước. Người sẽ san bằng nẻo đường con đi” (Cn 3, 5-6)

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã không ít lần truyền dạy mọi người hãy phó thác mọi kế hoạch cho cuộc sống của mình vào Thiên Chúa. Rõ nét nhất, đó là câu chuyện một người đến xin Ngài làm thẩm phán để chia gia tài.

Vâng, chuyện được kể rằng: Một hôm, có một người trong đám đông đến gặp Ngài. Người này gặp Đức Giêsu để xin Ngài chữa bệnh ư! Thưa không, người này đến xin Ngài đứng ra dàn xếp việc “chia gia tài”…

Chia gia tài ư! Vâng, theo truyền thống Do Thái, rabbi chính là người có thẩm quyền phân xử và có lẽ người này nghĩ rằng Đức Giêsu cũng là một rabbi, nên đã đến với Ngài và nói “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, Đức Giêsu đã từ chối, từ chối bằng một câu trả lời như trách khéo, rằng “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện, hay người chia gia tài cho anh?” (Lc 12,14).

Tại sao Đức Giêsu không phân xử? Thưa, khi đến gặp Ngài, qua câu nói: “bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”, vâng, có vẻ như người này muốn áp đặt, muốn ra lệnh Đức Giêsu phải thực hiện rốt ráo điều anh ta xin. Mà, Đức Giê-su đến thế gian nào phải để làm thẩm phán hay quan tòa của thế gian!

Giêsu đến thế gian là để  “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.

Muốn Giê-su trở thành một rabbi sao! Được thôi! Nhưng Rabbi-Giêsu, sẽ không là thẩm phán,  Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống”, nói tắt một lời là để  “ai tin vào Người thì được sự sống muôn đời”.

Chia gia tài để số tiền đó thuộc về ta ư! Đúng vậy… “Đồng tiền là tiên là phật. Là sức bật của tuổi trẻ. Là sức khỏe của tuổi già.  Là cái đà của phát triển. Là nổi điên của kẻ giàu. Là nỗi đau của kẻ yếu. Là điểm yếu của kẻ tham. Là đam mê của kẻ trộm. Là nỗi hỗn độn của thị trường. Là chặng đường của doanh nhân. Là cái cân của công lý. Có tiền là hết ý” (nguồn: internet)

Đồng tiền như thế, đồng tiền có mua được sự sống đời đời?

Chính vì thế, Đức Giêsu cho người này một lời khuyên, Ngài khuyên rằng, “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Và sau đó, Đức Giêsu đã kể một dụ ngôn, dụ ngôn nói về “người phú hộ thu tích của cải cho mình”.

Dụ ngôn được kể rằng, “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”.

Ơ kìa! Chuyện nhà nông mùa màng bội thu và lo ngại kho bãi không còn chỗ chứa thì có gì để lên án! Đúng, đúng là không có gì đáng lên án, mà còn phải khen nhà phú hộ là khôn ngoan biết lo xa với những dự tính như “xây những cái kho lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó”. Kinh Thánh chẳng đã khen “Người khôn ngoan biết để dành” đó sao!

Thế nhưng, điều cần nói ở đây, đó là nhà phú hộ kia, trước những thu hoạch đạt được, lại dương dương tự đắc coi trời bằng vung, cho rằng, tất cả “của cải ê hề, dư xài nhiều năm”, mà ta có, không liên quan gì đến trời đất gì cả, chỉ duy nhất một người sở hữu đó là “ta”. Đáng trách hơn, ông ta ngạo mạn vung vít rằng, “Hồn ta hỡi… cứ ăn uống vui chơi cho đã!”

Ông ta không cần biết, ai đã tạo dựng “hồn-ta”? Ai… ai đã “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Vâng, quả là một lời tuyên bố rất kiêu căng ngạo mạn. Ông ta quên rằng: Kinh Thánh có nói “Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại theo sau”.

Qua câu chuyện dụ ngôn, Đức Giê-su cho chúng ta biết, sau lời tuyên bố đó, Thiên Chúa đã lên án ông ta rằng: “Đồ ngốc!”

Vâng, đúng là ngốc thật, vì như lời Thiên Chúa nói tiếp, thì giả như “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Thiên Chúa không chúc dữ người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban. Thật vậy, sách sáng thế ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”. Và còn Gióp nữa, ông ta được mệnh danh là người giàu có số một trong số các con cái Phương Đông (x.G 1, 2)

Điều Đức Giê-su muốn truyền dạy, qua dụ ngôn nảy, đó là: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. “Đồ ngốc” phải chăng, đó cũng là lời Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay?

Đúng vậy, nếu chúng ta chỉ biết “thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa”.

Vâng, trong thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, thánh Phao-lô có lời cảnh báo cho những ai làm giàu trước mặt thế gian, rằng: “Còn những kẻ muốn làm giàu thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong”.

Và sau đó ngài nói tiếp: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã xa lạc đức tin và chuốc bao nỗi đau đớn sâu xé”(x.1Tim 6, 9-10).

Thực tế trong cuộc sống hôm nay, điều cảnh báo của thánh Phao-lô đã xảy ra nhan nhản khắp nơi, không chỉ ngoài xã hội mà ngay cả trong đời sống giáo hội.

Trở lại dụ ngôn “nhà phú hộ”. Vâng, qua dụ ngôn này, thông điệp Đức Giê-su đưa ra, đó là, trước hết hãy nương  cậy vào Thiên Chúa.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã từng có lời truyền dạy, rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia. Người sẽ thêm cho” (x.Mt 6, 33)

Với Lm. Charles E. Miller, ngài cho thêm lời khuyên “Chúng ta có thể và phải cầu nguyện cho các nhu cầu cá nhân của mình và của những người thân, đồng thời cũng nhớ đến lời thánh Phao-lô nhắc nhớ: ‘anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”.

Thế nào là hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới? Thưa, đó là: “đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4,31). Phải chăng, lời Kinh Thánh này như là một kế hoạch tốt nhất cho việc xây cất kho lẫm cho cuộc đời mình?

Thưa, đúng vậy. Bởi, như lời Đức Giê-su đã nói “Mỗi lần các người làm như thế cho một trong những người anh  em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”. Làm-cho-chính-Ta-vậy, có khác nào là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”!

Vâng, chúng ta có quyền lựa chọn, hoặc theo kế hoạch của nhà phú hộ, hoặc theo kế hoạch của Đức Giê-su truyền dạy. Nhưng, có một điều chúng ta cần nhớ, đó là, đừng để sự lựa chọn của chúng ta trở thành nguyên cớ, mà sau này, nơi tòa phán xét, quan tòa Giêsu sẽ nói với chúng ta rằng “Đồ ngốc!”

Thưa bạn, bạn có sợ vào ngày sau hết Đức Giê-su sẽ nói với mình câu nói đó? Nếu sợ, điều tốt nhất của chúng ta hôm nay, đó là  “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Nương cậy vào Người, Người sẽ ra tay”(x.Tv 37, 5)

Petrus.tran

 

Trả lời