Hãy Nên Hoàn Thiện Như Cha Trên Trời Là Đấng Hoàn Thiện

Hãy Nên Hoàn Thiện
Như Cha Trên Trời Là Đấng Hoàn Thiện

Lv 19, 1-2.17-18; Tv 102; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

Lm. Jude Siciliano, O.P.

Kính thưa quý vị,

Hãy Nên Hoàn Thiện Như Cha Trên Trời Là Đấng Hoàn ThiệnQuý vị không nghĩ rằng hôm nay Đức Giêsu đi hơi quá xa trong sự lựa chọn từ Bài giảng trên núi đó sao? Trong bài Tin Mừng tuần trước, Người dạy rằng: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi.” Điều này nghe có vẻ cực đoan, nhưng chúng ta biết rằng thói quen cường điệu của vùng Địa Trung Hải như thế là nhằm nhấn mạnh ý muốn nói. Phải chăng đó là điều hôm nay Đức Giêsu cũng đang thực hiện khi Người khuyên: giơ cả má bên trái ra nữa, tình nguyện đi hai dặm khi bị buộc phải đi một dặm, hay có ai hỏi thì cho vay mượn?

Nếu những điều trên còn chưa thực hiện được, thì nói chi đến việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi? Vì yêu thương vẫn còn nhiều khó khăn hơn, nên sự chọn lựa của chúng ta cần sát với giáo huấn của Đức Giêsu, đó là: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Phải chăng những người đang ngồi trên những hàng ghế trong nhà thờ chỉ biết nhún vai tỏ vẻ hoài nghi, và cho rằng Đức Giêsu không thực tế chút nào, hoặc những gì Người nói chỉ có thể áp dụng trong “thời cổ đại”, chứ không thể áp dụng được trong thế kỷ 21 này chăng? Là một nhà giảng thuyết, tôi phải thừa nhận rằng tôi thích giảng từ câu chuyện phép lạ hoặc từ dụ ngôn hơn. Tôi nhận thấy trí tưởng tượng của tôi dễ tiếp cận hơn với câu chuyện phép lạ và dụ ngôn. Nhưng bài giảng hôm nay dường như đi thẳng vào nội dung chính, chứ không thể hiểu cách nào khác được. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, bài giảng này lại kích thích trí tưởng tượng.

Trước hết, chúng ta phải nhận ra rằng Đấng đang nói là chính Đức Giêsu, Người không như bất cứ vị thầy đạo đức nào khác đang quy định một kiểu mệnh lệnh luân lý duy nhất. Người còn đưa ra nhiều mệnh lệnh hơn thế nữa. Những giáo huấn của Người phát xuất từ mối tương quan duy nhất với Thiên Chúa. Trước hết, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng chúng ta ngoảnh mặt đi và chọn theo đường lối riêng cho mình. Điều này khiến chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn mà không thể chọn lựa cho mình theo cách riêng. Đức Giêsu trao ban chúng ta niềm hy vọng để xây dựng một thế giới mới, và cho chúng ta nhìn thấy thế giới mới đó qua việc Người chữa bệnh, rao giảng và trong những giáo huấn rất cụ thể mà chúng ta nghe trong Bài giảng.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta biến những xung đột thành những cơ hội để tha thứ. Người đang hướng dẫn chúng ta để cùng với Thiên Chúa tạo nên một thế giới không bạo lực. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Khi giáp mặt với kẻ thù, chúng ta dễ có khuynh hướng xung đột – nếu không động thủ thì cũng động khẩu. Đức Giêsu đang chỉ dẫn chúng ta thay đổi thế giới của mình bằng cách chuyển thù thành bạn. Đây là một công việc mạo hiểm và khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, việc sử dụng sức mạnh và sự áp bức sẽ chẳng bao giờ đạt tới vương quốc mà Đức Giêsu mong muốn khi Người nói về sự hiện diện của Nước trời đang ở giữa chúng ta.

Chỉ cần đọc lướt qua bài đọc thứ nhất, chúng ta cũng thấy được mẫu gương về những gì Đức Giêsu đã nói trước đó về việc “kiện toàn Luật Môsê” (Tin Mừng tuần trước). Qua tuyên phán với ông Môsê, Thiên Chúa chỉ dẫn cộng đồng rằng: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Còn Đức Giêsu dạy các môn đệ mình: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Vậy, ai có thể trở nên hoàn thiện? Tự sức mình thì chúng ta không thể làm được, nhưng có một lời mời gọi trong những giáo huấn từ sách Lêvi và từ Đức Giêsu để phó thác đời mình vào tay Thiên Chúa, và để cho sức sống của Thiên Chúa tuôn trào trên chúng ta, nên: Thiên Chúa hằng yêu thương kẻ thù và luôn tha thứ. Những gì chúng ta không thể thực hiện được thì Thiên Chúa có thể thực hiện qua chúng ta.

Tôi đã nghe một cuộc phỏng vấn với một vị thầy Do Thái giáo. Cuộc thảo luận bàn về ông Cain và Aben. Người phỏng vấn hỏi: “Tại sao Thiên Chúa không giết Cain vì điều Cain đã gây ra?” Vị thầy đó trả lời rằng: “Vì Thiên Chúa đã ngăn chặn vòng luẩn quẩn bạo lực.” (Tôi nghe nói rằng ở Texas, Mỹ có hành hình một phụ nữ. Liệu điều đó có phải là ý định mà Thiên Chúa muốn ngăn chặn vòng luẩn quẩn bạo lực hay không?) “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Đức Giêsu đang đòi hỏi chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa tình yêu, như vị thầy đã nói: Người muốn ngăn chặn vòng luẩn quẩn bạo lực thông qua chúng ta.

Đức Giêsu cũng dạy rằng: đưa cả má bên trái ra nữa, đi thêm một dặm, đưa cả áo ngoài cho ai muốn kiện anh để lấy áo trong. Đúng ra, chẳng ai mong được cư xử như thế “trong thế giới hiện thực.” Có lẽ đó chính là điểm nhấn của Đức Giêsu – quý vị hãy dùng sự sáng tạo của mình mà thực hiện điều bất ngờ để phá bỏ xung đột, và tạo điều kiện thuận lợi cho mối tương quan.

Có giả thiết được đặt ra thế này: Một người lính Rôma ép buộc một người nông dân mang vũ khí cho anh ta đi một dặm. Người lính đó xem ra có toàn quyền, còn người nông dân thì chẳng có sự lựa chọn nào vì không có phẩm vị. Giả sử nếu người nông dân đó quyết định không mang vũ khí thêm một dặm. Lúc bấy giờ nếu người lính không dùng sức mạnh thì quyền lực căn bản của ông ta sẽ bị sụp đổ. Do đó, người lính đã tấn công và trừng phạt người nông dân. Tuy nhiên, nếu lúc này hai người có vị trí ngang nhau thì mối tương quan có thể xảy ra, và người nông dân lấy lại được phẩm vị của mình mà đã bị những kẻ áp bức chối bỏ.

Cứ cho là việc đưa cả má bên trái và đi thêm một dặm nữa không phải là những chiến lược luôn mang lại hiệu quả. Đức Giêsu đề ra những chiến lược này như những cách thức chọn lựa để đối phó khi một người gặp cảnh bạo lực hay bị áp bức. Người cho rằng làm điều bất ngờ sẽ phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực giữa người đang tấn công và người bị tấn công. Có nhiều cách thức để đối phó trong những tình huống xung đột. Chúng ta có thể đáp lại bằng nhiều bạo lực hơn, hoặc dùng sự sáng tạo của mình để kiên nhẫn với tha nhân, cũng có thể tạo ra nhiều mối tương quan hơn – nghĩa là biết xây dựng trong khả năng của mình.

Vì Đức Giêsu đang ám chỉ đến người nghèo, là những người bị hạ nhục, nên sự khích lệ của Người đối với cách trả lời sáng tạo cũng sẽ giúp giải phóng con người khỏi não trạng nô lệ, và cho họ một phẩm vị mà họ chưa bao giờ có được. Với phẩm vị và sự tự do, con người có thể hành động như thể một kỷ nguyên mới đã đến, và kỷ nguyên mới đã đến cùng với Đức Giêsu. Hãy nhớ rằng Người đã gọi “phúc” thay cho những ai chẳng có của cải gì.

Như đã nói, tôi thích giảng về những dụ ngôn hay những câu chuyện phép lạ hơn, vì chúng thu hút trí tưởng tượng của tôi. Khi Đức Giêsu kể những dụ ngôn thì Người đang nói với trí tưởng tượng của những thính giả. Đó là những điều Người đang thực hiện trong Bài giảng trên Núi, nhưng theo một cách thức khác. Người đề nghị chúng ta hình dung ra một thế giới không bạo lực. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ ngồi đó mà mong ước một thế giới như thế, nhưng phải bắt tay làm điều gì đó để cho thế giới ấy trở nên hiện thực. Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta bước vào thế giới của Thiên Chúa; Người mời gọi chúng ta trở nên “hoàn thiện” như Thiên Chúa, qua việc cùng với Người tạo nên một thế giới không bạo lực.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tin tức về bạo lực xảy ra mỗi ngày. Đức Giêsu không khuyên chúng ta đừng làm gì cả, nhưng khuyên phải nói và làm điều gì đó, chẳng hạn như: đáp trả một lời mời gọi, tác động làm xoa dịu vấn đề bạo lực. Qua việc hình dung ra một thế giới không bạo lực rồi đưa những giáo huấn của Đức Giêsu vào hành động, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy như bị lưu đày trong chính quê hương của mình. Từ những thời điểm Kinh thánh, các tín hữu đã thường trải nghiệm những giá trị của họ đối lập với giá trị của thế gian. Sách Lêvi kêu gọi hãy nỗ lực để sống niềm tin mà cộng đoàn tuyên xưng nơi một Thiên Chúa thánh thiện bằng cách yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương ta vậy, đó là bỏ đi sự căm ghét, quan tâm đến nhau và thoát khỏi những hận thù. Và sách Lêvi nói rất rõ rằng, yêu thương chứa đựng uy quyền của Thiên Chúa, và uy quyền đó ẩn sau những mệnh lệnh của yêu thương: “Ta là Đức Chúa.”

Ngay ở đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã loan báo nước trời đang đến gần. Ân huệ hay ân sủng của vương quốc giúp cho những đòi hỏi của Bài giảng trở nên hiện thực, không phải trong cách thức nặng nề, nhưng với niềm vui thâm sâu. Đức Giêsu được gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu và trong câu cuối của Tin Mừng, Người nói với chúng ta: “Hãy biết rằng Thầy luôn ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế.” Đức Kitô phục sinh có thể thực hiện điều đó cho chúng ta, để chúng ta sống trong lời và hành động yêu thương mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Đức Kitô.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời