Hãy “nào mau tới”…

 

Hãy “nào mau tới”…Sách Công Vụ Tông Đồ có ghi lại đời sống của cộng đoàn tín hữu đầu tiên, như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”(x.Cv 2, 42)

“Bẻ bánh” là gì? Thưa, “Bẻ bánh” là một trong những tên gọi xưa nhất để chỉ Thánh Thể. Khi còn tại thế, Đức Giê-su đã thực hiện cử chỉ này hai lần, một lần khi Ngài làm cho bánh hóa nhiều và lần khác lúc Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể.

Các Kitô hữu tiên khởi, trong những ngày đầu tuần, tụ họp nhau để cử hành nghi thức mà chính Đức Giê-su đã thiết lập, và các vị Ki-tô hữu tiên khởi đã gọi việc này là “lễ bẻ bánh”. Với chúng ta hôm nay, đó chính là tham dự “Bí Tích Thánh Thể”.

Việc Đức Giê-su thiết lập bí tích Thánh Thể đã được thánh Mác-cô ghi lại như sau: hôm ấy vào “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua…”

“Ngày sát tế chiên Vượt Qua”, tưởng chúng ta nên biết, đó là ngày lễ kỷ niệm dân Do Thái được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Hồi ấy, Thiên Chúa, qua ông Mô-sê, đã  truyền con dân Israel “ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con… Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn… rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên… Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã; đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa… Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là quy định cho đến muôn đời ”. (x.Xh 12, 1-14)

Vì là “quy định cho đến muôn đời”, thế  nên, hôm ấy, các môn đệ đã thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.

Đáp cho câu hỏi là việc Đức Giêsu: “sai hai môn đệ đi và dặn họ: ‘Các anh đi vào thành và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn. Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào? Và ông ấy sẽ chỉ…” (Mc 14 : 13-14).

Hai môn đệ tuân lệnh và ra đi, theo như lời Thầy mình căn dặn, có vẻ mọi sự  như đã được sắp sẵn từ trước thì phải !

Thật vậy, khi “vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói”. Các ông ngỡ ngàng vì từ trước tới giờ đã rất nhiều lần cùng Thầy mình dự tiệc Vượt Qua, thế nhưng, lần này linh cảm mách bảo các ông rằng có điều gì đó khác thường trong bữa tiệc hôm nay.

Và, quả đúng thật, thật đúng như những gì các ông đã linh cảm, bữa tiệc hôm nay không phải là một bữa tiệc bình thường, nó là một bữa “Tiệc Thánh”,  bữa tiệc đã được chính Đức Giê-su chúc phúc rằng: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).

Hôm ấy, tại căn phòng mà các môn đệ đã dọn tiệc Vượt Qua, “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.  Người bảo các ông: Đây là máu Thầy, máu Giao Ước , đổ ra vì muôn người.” (x.Mc 14, 22-24).

Vâng, đó là bữa tiệc cuối cùng giữa Đức Giê-su và các môn đệ, một bữa tiệc của GIAO ƯỚC MỚI.

“Đây là mình Thầy”… cái gì là “mình” Thầy? Thưa, bánh. “Đây là máu Thầy”… cái gì là “máu” Thầy? Thưa, rượu.

Mặc dù chính Đức Giê-su tuyên bố như thế, thế nhưng, thật đáng tiếc khi còn một số người, miệng xưng danh Ki-tô, nhưng lại chống lại Đức Giê-su Ki-tô qua việc phủ nhận điều này. Họ cũng dẫn chứng Kinh Thánh, để phủ nhận việc “bánh và rượu” trở thành “Mình và Máu Thánh Đức Giê-su”.

Thật đáng tiếc, lời dẫn chứng của họ, chỉ là dẫn chứng nửa vời. Họ quên rằng, “nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa”.

Tông đồ Phao-lô, một nhà truyền giáo nổi danh thời đó, xác tín điều này khi nói với cộng đoàn ở Cô-rin-tô rằng: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: ‘Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x.Cor 1, 23-25).

Cuối cùng, chúng ta đừng quên, “Đây là Mầu Nhiệm đức tin”.

Hơn 20 thế kỷ trôi qua, “Bàn Tiệc Thánh”, bàn tiệc của Giao Ước Mới, vẫn luôn được tái thực hiện mỗi ngày, mỗi giờ trên toàn thế giới.

Hôm nay, bàn tay Đức Giê-su, qua các Linh Mục, vẫn “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Hôm nay, lời mời gọi của Đức Giêsu, qua môi miệng các Linh Mục,  vẫn vang vọng đến với chúng ta: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 27-28).

Buồn thay! Có vẻ như không ít người trong chúng ta vẫn cứ thờ ơ, làm ngơ trước lời mời gọi này!

Có vẻ như, không ít người trong chúng ta thích đến những bàn tiệc khác hấp dẫn hơn,  những bàn tiệc thâu đêm suốt sáng, với sự phục vụ của những “hot-girl” nhiệt tình, sáng tạo… đầy quyến rũ, hơn là bàn  “Tiệc Thánh Thể”!

Hãy coi chừng, nơi bàn tiệc này, chúng ta tốn tiền, thậm chí tốn rất nhiều tiền, nhưng chỉ đem đến cho ta “chút ít” thỏa mãn xác thịt, để rồi sau chút ít thỏa mãn đó, lại là những nỗi sầu, nỗi sầu của căn bệnh “sầu riêng” mà không ai có thể gánh thay cho ta.

Có vẻ như, không ít người trong chúng ta thích những bàn tiệc khác hấp dẫn hơn, đại loại như tiệc buffet, chỉ tốn kém chừng 150K, nhưng tha hồ nhồi nhét thức ăn vào bụng mình, hơn là  bàn “Tiệc Thánh Thể”!

Hãy coi chừng, nơi bàn tiệc này, bàn tiệc chỉ đem lại cho ta chút ít thỏa mãn cái miệng, nhưng rồi sau đó là nhưng khốn khổ của bệnh tật, của tăng huyết áp, của tiểu đường, của ung thư v.v…

Còn nơi bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta không mất tiền mua. Tại bàn tiệc này, chúng ta được “miễn phí”, được ăn một thứ “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.  Và, hơn tất cả, đó là được Đức Giê-su “gánh tội cho chúng ta”.

Đừng quên, xưa kia Giuđa, khi rời bỏ “Bàn Tiệc Thánh” ra đi…  kết cuộc mà y nhận được chỉ là bóng tối và sự chết… Còn những ai, Đức Giêsu phán: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (x.Ga 6, 48-58).

Đức Giêsu, hôm nay Người vẫn hiện diện ở đó, trong “ngôi-nhà tạm” và vẫn mời chúng ta, với lời mời gọi đầy trìu mến: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 3, 20).

Chúng ta có nghe tiếng gõ cửa và sẵn sàng đáp lời mời gọi của Thầy Giêsu? Nếu chúng ta đáp lời, vâng,  đứng chần chờ gì nữa; hãy mau mau mở rộng tâm hồn ta,  đến ngay bàn tiệc Thánh Thể, mặc lấy tâm tình của Da-kêu mà “mừng rỡ đón rước Người”.

Chỉ có thế, chỉ khi đến “Bàn Tiệc Thánh”,  chúng ta mới có được niềm vui trọn vẹn là sẽ được cùng: “Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. (Mc 14, 25).

Là một Ki-tô hữu,  chúng ta có tin Chúa sẽ cho ta được hưởng trọn vẹn niềm vui này! Nếu tin, chúng ta hãy “Nào mau tới thờ lạy Chúa. Đồng thanh hợp chung tiếng hát ca khen. Cảm mến ơn Chúa ban tràn lan cho trần gian mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm”.

Vâng, nếu tin, chúng ta hãy  “Nào mau tới”.

Petrus.tran

 

Trả lời