Hãy năng lần hạt Mân Côi

Hãy năng lần hạt Mân Côi“Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi, có Ðức Mẹ Chúa Trời hiện ra uy linh sáng chói. Mẹ nhắn nhủ người đời: hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi…”.

Trên đây là lời một bài thánh ca, chắc hẳn không ai trong chúng ta, lại không hơn một lần cất tiếng hát. Bài thánh ca này có tên là: “Lời Mẹ nhắn nhủ”, tác giả Lm. Huyền Linh.

Vâng, hơn một trăm năm trước đó, năm 1917, Đức Maria đã hiện ra  với ba em bé chăn cừu tại làng Fatima, nước Bồ Đào Nha. Ba em bé tên là Lúcia dos Santos,  Francisco Marto và Jacinta Marto. Đức Maria đã hiện ra sáu lần, bắt đầu từ ngày 13/5/1917 và lần cuối cùng là ngày 13/10/1917.

Trong những lần hiện ra, ngoài những điều được gọi là “bí mật Fatima”,  những bí mật mà nay đã được “bật mí”, chúng ta còn được biết Đức Maria đã gửi đến ba em nhỏ những lời nhắn nhủ, nhắn nhủ rằng: “hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi”. Ba lời nhắn nhủ, có thể ví nó như chiếc kiềng ba chân, một chiếc kiềng ba chân chống đỡ đức tin cho người tín hữu, trước làn sóng chủ nghĩa vô thần đang hoành hành, lúc bấy giờ.

Thật vậy, theo sử liệu ghi lại: “Từ những năm cuối thế kỷ 19, các lực lượng chống Hoàng gia và Giáo hội bắt đầu thành hình. Năm 1900, các lực lượng này kết hợp với nhau trong chủ trương “vị vua cuối cùng sẽ bị treo cổ cùng với ruột gan của vị linh mục cuối cùng”.

Năm 1908, vua Carlos I và Hoàng tử Luis Filipe bị ám sát. Năm 1910, vua Manuel II trốn sang Vương quốc Anh và chính phủ cách mạng lên cầm quyền thành lập Nhà nước  Đệ Nhất Cộng Hòa, đi theo chủ trương Marxist,  độc tài quân sự,  vô thần. Giai đoạn năm 1911-1916 là giai đoạn đẫm máu nhất đối với Giáo hội Bồ Đào Nha.

Các Giám mục, linh mục và nhiều giáo dân bị bỏ tù và xử tử. Theo thống kê là ít nhất 17 ngàn linh mục, tu sĩ nam nữ bị giết, hoặc riêng rẽ hoặc tập thể. Đôi khi ruột gan và đầu của người bị giết bị treo vào cây sào đem riễu ngoài đường phố để khủng bố tinh thần các linh mục, tu sĩ, còn sót lại.

Tất cả các Thánh đường và dòng tu đều bị đóng cửa và phá hủy. Không một ai dám đi dự Thánh lễ. Ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh bị chà đạp giữa đường phố.” (nguồn: Wikipedia)

Như đã nói ở trên, Đức Maria đã để lại ba lời nhắn nhủ. Và, thật phước hạnh thay, hôm nay, chúng ta được thừa hưởng những lời nhắn nhủ đó. Những  “Lời Mẹ nhắn nhủ”, năm xưa. Bây giờ, hãy lên “jiu-tút” nghe lại bản tình ca “Lời Mẹ nhắn nhủ”, nhắn nhủ chúng ta. Rồi, từ từ… từ từ dừng lại lời nhắn nhủ thứ nhất: “Hãy ăn năn đền bồi”.

Vâng, đối với những kẻ “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (những người vô thần), thì lời nhắn nhủ này, thật lòng mà nói, “nước đổ đầu vịt”, vô ích. Nhắn nhủ họ “hãy ăn” ư! Chắc rồi, họ sẽ ăn… ăn-hối-lộ, ăn-xi-măng, ăn-sắt-thép, ăn-cắp-của-công v.v…

Là người Công Giáo, đừng dửng dưng trước lời nhắn nhủ này. Ai trong chúng ta dám nói mình không phạm tội? Thánh Phao-lô nói: “Mọi người đều phạm tội”. Thế nên, chúng ta hãy ăn-năn-tội. Nhiều tội lắm và tội chúng ta thường mắc phải, đó là “nghi ngờ Thiên Chúa”, “trách móc Thiên Chúa”.

Chúa ơi! bốn tháng phong tỏa, cách ly, rồi biệt ly. Dịch bệnh tràn lan, chết… chết… người dân chết nhiều lắm! Phá sản rồi Chúa ơi! Quyền năng Chúa đâu rồi!

Vâng, lời cầu nguyện đúng và rất “cảm động”. Thế nhưng, sao chúng ta không cầu nguyện như vua David, xưa đã cầu nguyện, rằng: “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi, nhưng (những người dân) đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè lên con và nhà cha con” (x.2Sm 24, …17)

Chúa ơi! Chúng con đã lỡ vỗ ngực tự mãn, rằng: mình “thần tốc” dập dịch. Chúa ơi! chúng con đã lỡ tự kiêu, cho rằng: mình đã sản xuất vaccine một cách “thần kỳ”. Chúng con quên: Trước mặt Chúa không được có “thần” nào hết.  Chúng con quên, còn có “Thần Linh Chúa”.

Chưa… còn nữa. Ăn năn tội xong còn phải “đền bồi”nữa. “Đền những thiệt hại vật chất mình đã  gây ra cho người khác. Bồi thường danh dự , bồi thường những xúc phạm về mặt tinh thần. Cuối cùng là bồi đắp , vun trồng những gì tốt lành lẽ ra mình phải làm , mà do nhiều lý do , chủ quan hay khách quan , mình chưa làm được , như sự tha thứ , như việc truyền giáo, chẳng hạn”. Cô Maria H. một người bạn của tôi, cũng là con cái Chúa, có lời chia sẻ, như thế. Đừng quên lời Mẹ nhắn nhủ “hãy ăn năn đền bồi”.

“Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ơi, con vâng nghe Mẹ rồi, sớm chiều từ nay thống hối”.  

Vâng, sự thống hối tuyệt vời nhất, đó là chúng ta “Hãy  tôn sùng Mẫu Tâm”.  Đó cũng là lời-nhắn-nhủ thứ hai của Đức Maria. Tại sao lại hãy-tôn-sùng-Mẫu-Tâm? Thưa, là bởi, khi thực hiện điều này, chúng ta tiếp tục  ca ngợi “lượng từ bi hải hà của Chúa đến muôn đời, khi đoái nhìn phận hèn nữ tỳ của Chúa, nhờ Người, Chúa đã ban cho nhân loại Đấng Cứu Độ là Con Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con” (kinh tiền tụng Đức Mẹ II).

Hơn hai ngàn năm trước đó. Lượng từ bi hải hà của Chúa đã được thực hiện tại Ga-li-lê. Chuyện được kể rằng: khi “Bà E-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gapriel đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một người trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria”.

Gặp để làm gì nhỉ! Thưa, trước hết, sứ thần Chúa đã gửi đến Đức Maria một lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Đức Maria nghe xong, thì: “bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29). Nhìn nét mặt bối rối của Đức Maria, sứ thần Chúa giải thích: “Thưa bà Maria,  xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.

Sau lời giải thích, Sứ thần Chúa tiếp lời bằng một thông điệp, một thông điệp từ trời gửi đến Đức Maria: “Và, này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David”

Vâng, có lẽ… có lẽ nghe xong điều sứ thần nói, Đức Maria sẽ cho rằng, đó là chuyện thần tiên! Biết, mình chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của “miền Galilê, gọi là Na-da-rét”, một địa danh được biết đến như là nơi “chẳng có cái gì hay cả”, thì làm sao con mình được ngồi chễm chệ trên “ngai vàng  vua David”! Hơn nữa, vâng, Đức Maria đã nói lên những trở ngại của mình với sứ thần, rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”!

Dù đã đưa ra  sự “trở ngại” rất hợp lý. Thế nhưng, thông điệp của Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, vẫn phải thực thi. Để Đức Maria vững tâm thực thi thông điệp từ trời, sứ thần Chúa tuyên bố: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Và, để cất đi băng khoăn mà Đức Maria  nêu ra, sứ thần Chúa đã đưa ra một nhân chứng, một nhân chứng giúp Đức Maria vững tin. Sứ thần Chúa nói tiếp: “Kìa bà Ê-li-da-bét người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”. Cuối cùng, để Đức Maria vững lòng đón nhận lệnh truyền, sứ thần Chúa  nói tiếp: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Nghe thế, Đức Maria làm gì nhỉ! Thưa, “Ðôi môi như hoa cười, Mẹ Maria XIN VÂNG”. (xin lỗi ngài Lm. Huyền Linh, con mạn phép sửa hai chữ “vui tươi” ạ.) Bây giờ, chúng ta lên “jiu tút” lần nữa. Và, chúng ta cũng nghe bài “Lời Mẹ nhắn nhủ”. Ca sĩ của chúng ta là những bạn trẻ người Ghana. Các em thuộc giáo xứ St. Charles Lwanga Parish thuộc giáo phận Yendi miền bắc Ghana. Tôi đếm, nếu không sai, ca đoàn có hai mươi hai ca viên. Người đệm đàn là Lm. Phê-rô Trần Quốc Tuấn.

Hai mươi hai ca viên cất tiếng “nhắn nhủ” Lời-Mẹ-nhắn-nhủ. Hai mươi hai ca viên da đen, tôi nhìn họ, như nhìn thấy hai mươi hai Đức Mẹ da đen. Hai mươi hai Đức Mẹ da đen, hiện ra ở Ghana, không phải ở Fatima. Hai mươi hai Đức Mẹ da đen, tiếp tục “nhắn nhủ người đời… hãy năng lần hạt Mân Côi”. Đó… đó là lời nhắn nhủ thứ ba, của Đức Maria.

Hãy năng lần hạt Mân Côi. Vâng, với tín hữu Công Giáo, lời mời gọi này nghe rất quen. Tạ ơn Chúa. Không một linh mục nào, lại không kêu gọi giáo dân mình “đọc kinh Mân Côi”.

Linh mục dòng (Đa Minh, Phanxico, DCCT) mỗi người đều đeo bên chiếc áo dòng một xâu chuỗi 150 hạt. Không biết có phải vì thế mà có người gọi 150 kinh Kính Mừng là 150 Thánh Vịnh! (Bây giờ là 200 kinh. Thêm năm sự sáng).

Còn với giáo dân thì sao? Hầu như gia đình nào cũng xem xâu chuỗi như là “kỷ vật của (tôi)”. Nhiều quý bà còn khoe, xâu chuỗi của tôi mua tận Roma đấy! Chỉ tiếc rằng, bây giờ, việc “năng lần hạt Mân Côi” không còn là “chuyện thường xảy ra ở …nhà”, nữa.

Thưa quý vị, đáng tiếc lắm! Một trăm năm mươi lời kinh kính mừng, là một trăm năm mươi lời chào Mẹ Maria. “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…” Ơ hay! Đó không phải là lời sứ thần Gabriel đã chào Đức Mẹ năm xưa, đó sao!

Có ai chào chúng ta mà chúng ta lại không vui, nhỉ! Cứ thử chào Đức Mẹ đi! Một ngày chào Mẹ năm chục lần đi! Hãy tin, Mẹ sẽ “hớn hở vui mừng”.

Mẹ đã hớn-hở-vui-mừng, thì sao nữa nhỉ! Thưa, hãy tin, Giê-su con Mẹ sẽ “đoái thương nhìn tới” chúng ta. Hãy tin, Giê-su con Mẹ sẽ “giơ tay biểu dương sức mạnh” dẹp tan (dịch bệnh Covid 19), ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Và, tất nhiên, Giê-su con Mẹ sẽ còn làm “biết bao điều cao cả” cho chúng ta.

Thế nên, hãy cùng hợp tiếng với thiên sứ Gabriel “Dâng lời chào Mẹ”. Hãy cùng hợp ca với thiên sứ Gabriel “ngợi ca Mẹ đầy ơn phúc”. Hãy tin, nếu chúng ta có bị sa cơ, có bị nghèo túng vì mất công ăn việc làm do cơn đại dịch, Giê-su con Mẹ,  sẽ lại “ban của dư đầy”, cho chúng ta.

Hai mươi hai ca viên người xứ Ghana, một xứ sở chiến tranh, nghèo đói (nếu tôi không lầm) có cả dịch bệnh. Thế mà, các em vẫn không than thân trách phận, các em vẫn “ngước trông về Mẫu Tâm, sống bên tình Mẹ yên vui.” Và, tôi tin, các em vẫn “năng lần hạt Mân Côi”.

Còn chúng ta thì sao, nhỉ! Nếu còn thờ ơ với chuỗi Mân Côi, hãy nghe hai mươi hai Đức Mẹ da đen (không phải Măng Đen), ở xứ Ghana, nhắc nhở chúng ta, lẫn nữa: “Hãy năng lần hạt Mân Côi.”

Saigon – tháng Mân Côi – 2021

Petrus.tran