Hãy mở lòng ra…

 

Hãy mở lòng ra…Chia sẻ hay còn được gọi là cho đi, đó là đức tính tốt trong xã hội loài người. Là đức tính tốt, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng thực hiện. Có một số người không thực hiện vì họ biện minh rằng: tôi nghèo quá. Và rằng: “làm đồng nào xào đồng đó” thì lấy đâu của dư mà chia sẻ, mà cho đi.

Lời biện minh này, thoạt nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, đã từ lâu, có mấy ai xem sự chia sẻ hay cho đi (quyên góp cứu trợ, chẳng hạn) là điều bắt buộc! Cứ sự thường, đó là sự tự nguyện. Mà, đã là tự nguyện, thì có cần gì phải dư dật hay giàu có. Chỉ cần có một tấm lòng. Và như người xưa nói: “của ít lòng nhiều”.

Tinh thần của-ít-lòng-nhiều đã làm cho sự chia sẻ hay cho đi được thêm phần trân trọng. Trong cao điểm của đợt bùng phát đại dịch tại Saigon vừa qua, truyền thông mạng đã ghi nhận không ít trường hợp của cho thì ít, nhưng tấm lòng thì tràn ngập tình yêu thương.

Theo “Duyên Trần” tác giả bài viết “Năm bó hành của bà góa nghèo” được đăng tải trên Vatican News, thì đó là một trường hợp đáng nhớ.

Câu chuyện tóm tắt như sau: “Một bà góa nghèo có ba người con, cuộc sống không mấy dễ dàng về vật chất. Vất vả, lam lũ vì mưu sinh nhưng khi nghe nói có cuộc quyên góp để thực hiện ‘Chuyến Xe Yêu Thương’ giúp cho anh chị em khó khăn ở Sài Gòn, bà ta gửi ngay 150.000 đ xin được đóng góp. Số tiền nhỏ, nhưng là tất cả những gì bà ta có. Bà ta cho đi với trái tim chia sẻ và yêu thương.

Thế nhưng, người nhận không nỡ cầm tiền của bà ta, vì biết rõ đó là số tiền lớn đối với bà lúc này. Người nhận nói: ‘Thôi chị cầm về mà lo cho gia đình còn nhiều khó khăn’. Bị khước từ nhưng bà vẫn không bỏ cuộc, bà nghĩ ra cách dùng số tiền đó để mua năm bó hành gửi trực tiếp cho đoàn đi thiện nguyện. Như vậy, chắc chắn ước mong được chia sẻ của bà sẽ thành hiện thực. Và đúng vậy, người nhận quyên góp không thể từ chối được vì quá xúc động trước một tấm lòng.” (nguồn: Vatican. News)

Vâng, nghĩa cử của bà góa nghèo này, đáng trân trọng.. Và, nếu Đức Giê-su có mặt trong đoàn thiện nguyện hôm ấy, có phần chắc, Ngài sẽ nói về người đàn bà này, rằng “bà đã chia sẻ nhiều hơn ai hết”.

Hơn hai ngàn năm xa trước đó, trong một lần lên Đền Thờ, Đức Giê-su cũng chứng kiến một người đàn bà góa đã thể hiện điều người xưa nói: “của ít lòng nhiều” trong việc dâng hiến, và bà ta đã được Ngài tặng danh hiệu  là “người đàn bà dâng hiến nhiều hơn ai hết”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô (x.12, 38-44)

Sự kiện xảy ra ngay tại Đền Thờ Giêrusalem. Hôm ấy, thánh sử Mác-cô kể rằng: “Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ”. Ô, hay chưa! hôm nay, Ngài “hiền” thật.  Hôm nay, Ngài không “xua đuổi chiên bò” của những kẻ “bán chiên bò”. Cũng không “đổ tung, lật nhào bàn ghế” của “những người đang đổi tiền”.  Hôm nay, Đức Giê-su ngồi và “Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”(x.Mc 12, 41)

Thật ra, trước khi “ngồi quan sát”, Đức Giê-su có đôi lời giảng dạy. Ngài đã giảng dạy rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong bữa tiệc.”

Điều tệ hại nhất, Đức Giê-su nói tiếp, rằng: “Họ nuốt hết tài sản của bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.” Cuối cùng, Ngài khuyến cáo: “Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.

“Nuốt hết tài sản của bà góa” hỏi sao không kết án nghiêm khắc hơn được! Người đàn bà góa thời đó, họ thật đáng thương. Lề luật áp đặt lên họ rất khắc nghiệt. Phụ nữ khi kết hôn phải chấm dứt liên hệ với gia đình ruột thịt.

Và rồi, nếu chồng chết cũng là lúc mất hết mọi quyền lợi vật chất từ nhà chồng. Người góa phụ, lúc đó, chỉ còn biết cất tiếng ca, ca rằng: “Con ra đi tay không còn gì. Như vào đời con chẳng có chi…”

Hôm nay, ngồi quan sát đám đông, Đức Giê-su không khỏi bùi ngùi khi nhìn thấy “có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm”,  trái hẳn với những người giàu, họ “bỏ thật nhiều tiền”.

Chúng ta cùng xem lại cảnh “quay chậm” hình ảnh bà góa tiến về tùng tiền dâng cúng nhé. Vâng, từng bước, từng bước bà ta tiến đến thùng tiền, nơi luôn có những vị “cảnh sát tôn giáo” hiện diện canh chừng. Khi đến sát cạnh thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ, với một khuôn mặt căng thẳng, bà ta nhè nhẹ “bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm”.  Rồi bà ta vội vã đi ra.

(Sao lại vội vã ra đi! Thưa,  rất có thể, có thể bà ta sợ có người phát giác mình đã dâng cúng một số tiền “chẳng đáng vào đâu”, để rồi sau đó là những lời chê bai chỉ trích, chăng!)

Đúng, có người đã phát giác. Người đó là Đức Giê-su. Như một chiếc camera,  Ngài đã thu hết tất cả hình ảnh, hình ảnh của tất cả những ai đã “bỏ tiền” vào thùng tiền dâng cúng. Và, sau khi đã loại bỏ những hình ảnh bình thường,  Ngài đã chọn một tấm hình độc nhất vô nhị, đó là tấm hình bà góa nghèo.

Và rồi, Đức Giê-su gọi các môn đệ lại, (chỉ vào bà góa nghèo) và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”.

Bà góa nghèo này có nghe được lời Đức Giê-su nói về mình? Thưa, thánh sử Mác-cô không nói gì cả. Vâng, cứ cho là bà ta không nghe. Không nghe, nhưng điều đó cũng không thể mất đi hình ảnh một bà góa rời Đền Thờ, một bà góa rời Đền Thờ tràn đầy niềm vui “nhẹ bước trên đường về”.

Bà góa nghèo tràn đầy niềm vui, hẳn là thế. Và, Đức Giê-su đã có lời khen ngợi bà ta.  Thế nhưng, sẽ có người không vui (trong đó có ta không nhỉ!), không vui vì lời khen ngợi của Đức Giê-su.

Chỉ “có hai đồng kẽm”, sao lại được xem là “nhiều hơn” những người “bỏ thật nhiều tiền”?

Thưa, lời nhận định của Đức Giê-su không quá đáng đâu. Chúng ta thử nghĩ xem, bà góa này đã “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”, thì chẳng phải là nhiều hơn, sao!

Nói theo cách nói của dân miền nam, bà góa nghèo này đã dám dâng hiến “hết bóp”. Còn, nói theo cách nói của Kinh Thánh, bà góa nghèo này đã dâng hiến “hết lòng, hết sức lực” của mình. Có ai trong chúng ta đã dám thực hiện như bà ta! Thế nên, đừng phàn nàn khi Đức Giê-su tặng cho bà ta danh hiệu “người đàn bà dâng hiến nhiều hơn ai hết”.

Mẹ Têrêsa Calcutta có nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.

Tác giả bài viết “năm bó hành của bà góa nghèo” có lời chia sẻ: “Tôi… nhìn vào những bó hành với niềm cảm kích vô cùng. Những lá hành bên ngoài có chút vàng úa nhưng gói trọn vẹn trái tim của ‘Bà góa nghèo’. Chỉ bấy nhiêu đó thôi (cũng đủ) làm sáng ngời tình người trong lúc khó khăn vì đại dịch.”

Với “hai đồng tiền kẽm” thì sao nhỉ! Này nhé, hãy tưởng tượng xem, nếu đem “hai đồng tiền kẽm” này, gửi ngân hàng, kỳ hạn một năm, với lãi xuất là 6,80%. Điều gì sẽ xảy ra, “sau hai ngàn năm”? Vâng, “bèo” lắm cũng phải thu về vài nghìn tỷ “đô”.

Nói như thế không phải là chúng ta ngụy biện. Nhìn vào góc độ khác, góc độ “thuộc linh”, sự dâng hiến của bà góa này còn tạo ra một hiệu ứng “domino” rất ấn tượng.

Thật vậy, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, kể từ khi bà góa nghèo này “bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm”, có biết bao nhiêu Ki-tô hữu “nghèo” trên khắp thế giới, (mà người nghèo bao giờ cũng nhiều hơn người giàu), sau khi nghe bài Tin Mừng này, nhờ đó, họ đã có cảm hứng cho việc “dâng hiến”. Họ hiểu rằng, chỉ cần dâng hiến một cách đơn sơ, chân thành, của ít lòng nhiều, cũng đủ được kể là người dâng hiến nhiều nhiều.

Vâng, không thể ngờ được đâu! Cứ thử tính số tiền đó, do cả tỷ người nghèo dâng hiến, sau hơn hai ngàn năm, con số sẽ thật là khủng khiếp, đúng không, thưa quý vị?

Vậy, hôm nay, gọi bà góa nghèo này là “tỷ phú của Chúa” được chăng!

Thiên Chúa không phân biệt kẻ giàu, người nghèo. Người, qua môi miệng ngôn sứ Hô-se, có lời phán: “Vì ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” (x.Hs 6, 6)

Đức Giê-su  muốn chúng ta “nhận biết”, nhận biết rằng “hy lễ” mà Thiên Chúa  “thích”,  không phải là dâng hiến “thật nhiều tiền”, nhưng là “thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời” (x.Mt 7, …21). Ý muốn của Cha Thầy, Kinh Thánh cho biết: “Đừng xòe tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi”. (Hc 4, 31)

Thế nên, nếu chúng ta là một trong số những người nghèo… Chẳng sao, cứ chia sẻ, cứ cho đi, cứ dâng hiến như bà góa nghèo đã cho đi, đã dâng hiến, với tinh thần “của ít lòng nhiều”.

Còn nếu chúng ta là một trong số những người giàu có ư! Cũng chẳng sao. Cứ chia sẻ, cứ cho đi, cứ dâng hiến, cho tha nhân, cho nhà thờ “thật nhiều tiền”.

Đó là việc đáng hoan nghêng. Trong Tân Ước, chúng ta được biết đến một người phụ nữ tên là Maria Mác-đa-la. Bà này “và nhiều bà khác nữa… đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ” (x.Lc 8, 3). Vâng, một sự cho đi rất đáng trân trọng. Trân trọng vì quý bà đã thực hiện đúng lời giáo lý Công Giáo truyền dạy: “Rộng rãi chớ hà tiện”.

Tuy nhiên, sau khi dâng hiến, chớ gì chúng ta không yêu cầu Cha Sở “phải” ghi tên mình vào sổ vàng. Chớ gì chúng ta không yêu cầu Cha Sở “phải” khắc tên mình vào góc bức tượng do mình đã dâng hiến.

Nói tắt một lời, đừng lợi dụng sự dâng hiến để quảng bá tên tuổi mình. Đừng lợi dụng sự dâng hiến để quảng cáo công ty mình. Chuyện này thường xảy ra trong việc dâng hiến “ghế đá” cho nhà thờ.

Vâng,  không quá khắt khe đâu. Qua Tin Mừng thánh Mát-thêu, có Lời Chúa truyền dạy, rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.”

Bà góa nghèo, thánh sử Mác-cô không cho biết tên bà là gì. Phải chăng, đó là ngụ ý của ngài, ngụ ý rằng: tên tuổi không làm trổi nhân đức!

Đúng vậy. Tên tuổi không làm cho chúng ta trổi nổi trong việc chia sẻ, cho đi, dâng hiến. Điều làm cho chúng ta trổi nổi, đó là tấm lòng. Nói rõ hơn, đó là  mở lòng ra. Bà góa nghèo đã làm như thế. Và, chúng ta cũng nên làm như thế. Vâng, “Hãy mở lòng ra”.

Petrus.tran