Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy

 

Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy

St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quí vị,

Hãy làm việc này mà nhớ đến ThầyCó một thời người Công Giáo hiếm khi được rước lễ. Chính vì thế mà việc tạ ơn và chầu Thánh Thể trở nên phổ biến. Người ta đã thay việc lãnh nhận bánh rượu bằng việc chiêm ngắm và dâng lời cầu nguyện trước Thánh Thể trong mặt nhật trên bàn thờ. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiệp lễ, Giáo hội đưa ra luật buộc mỗi người phải hiệp lễ một năm ít là một lần.

Điều này đã thay đổi. Ngày nay hầu hết chúng ta đều lên rước bánh rượu Thánh Thể. Chính những hành vi này nhắc nhớ về sự hiện diện của Đức Kitô và cuộc sống của Người trao ban cho chúng ta. Như trong trình thuật Tin mừng hôm nay, một lần nữa Đức Kitô chúc tụng, bẻ bánh và trao chính mình cho chúng ta. Chén sự sống của Người đổ ra cho chúng ta. Với bánh và rượu chúng ta trao dâng chính mình trên bàn thờ hôm nay. Khi nhận lại những của lễ đã được biến đổi chúng ta được nhắc nhớ rằng chính mình cũng đang được biến đổi. Cùng với Đức Kitô chúng ta được chúc tụng, bẻ và đổ ra với tình yêu dành cho người thân cận. Ở bàn tiệc Thánh Thể hôm nay chúng ta được sẻ chia đời sống của Đức Kitô hầu có thể chia sẻ với thế giới.

Phép lạ hóa bánh xuất hiện trong cả bốn Tin mừng, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phép lạ. Nhưng, mỗi tác giả lại diễn tả theo cách của mình, với mục đích riêng. Cũng như các trình thuật khác, Luca đã gói gọn trong một vài câu khi thuật lại phép lạ về những chiếc bánh và cá. Độc giả Kinh thánh lưu ý sẽ phát hiện ra ngay rằng tác giả đang quay trở lại lịch sử Israel và đang dẫn chúng ta tới những biểu tượng và lễ hội.

Đây là chút ít cơ sở cho việc đó. Những người đến gặp Đức Giêsu để nói với Người về nhu cầu của con người thì không được gọi là môn đệ hay tông đồ. Họ là “Nhóm Mười Hai”, ám chỉ đến 12 chi tộc Israel. Một Israel mới ở trong “nơi hoang địa” và phải tin tưởng vào Thiên Chúa ban “manna” mới mỗi ngày. Nhớ rằng, nếu thiếu sự hướng dẫn của Thiên Chúa, những người Israel trong sa mạc đã bị lạc lối. Thiếu sự nuôi dưỡng của Thiên Chúa, dân sẽ bị chết đói và Israel sẽ không còn tồn tại. Dân Israel mới đến với Đức Giêsu để được lương thực hằng ngày và là đường dẫn qua sa mạc hiện đại. Thiếu sự dưỡng nuôi chúng ta cử hành trong bữa tiệc này, chúng ta cũng sẽ lạc đường và tinh thần của ta sẽ đói khát khi chúng ta bánh hằng ngày không đúng chỗ.

Những con số trong câu chuyện cũng mang tính biểu tượng. Năm chiếc bánh và hai con cá tổng cộng là số Bảy, nhắc ta nhớ đến bảy ngày tạo dựng. Một cái gì đó mới đang được tạo dựng nơi sa mạc này. 5000 người ngồi thành 50 nhóm; có lẽ đó là kích cỡ về những cộng đoàn giáo hội sơ khai. Nhưng con số 50 là con số Năm thánh, người ta đề nghị một sự nghỉ ngơi không làm việc và một thời gian để bắt đầu tất cả lại. 50 cũng mang âm hưởng lễ Ngũ tuần, một mùa thu hoạch diễn ra 50 ngày sau lễ Vượt qua. Luca chuẩn bị cho chúng ta việc Thánh Thần đến vào lễ Ngũ tuần, mà ông sẽ kể cho chúng ta trong sách Công vụ tông đồ.

Lễ Ngũ Tuần tượng trưng cho việc trao Lề Luật cho ông Môsê. Một mùa gặt bội thu báo trước những phúc lành và bữa đại tiệc mà dân chúng đã hy vọng sẽ chia sẻ vào thời sau hết. Trong khi Đức Giêsu cung cấp cho dân những nhu cầu hiện tại, bữa ăn cũng ám chỉ đến lời hứa về yến tiệc trên trời khi họ được dùng ê hề đủ món. Điều này đúng với bữa tiệc Thánh Thể hôm nay: đây là “bánh hằng sống” nếu muốn, chúng ta phải theo con đường của Đức Kitô, nhưng đó cũng chỉ đến bữa ăn cánh chung chúng ta chờ đợi trong hy vọng.

Việc thờ phượng của chúng ta hôm nay nhắm đến Mình và Máu Chúa Kitô và những hàm ý về những ai được gọi là “môn đệ”. Bánh được bẻ ra; Chúa Kitô chia sẻ cuộc sống của Người với chúng ta hầu chúng ta được bẻ ra cho tha nhân nhân danh Người. Chén được đổ ra cho chúng ta, đến lượt mình, chúng ta sẽ đổ chính mình ra khi tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình; cho kẻ đói ăn và trở nên sự hướng dẫn cho những ai đang ở “những nơi bị bỏ rơi”.

Trong một số truyền thống Phúc âm có một “lời mời gọi đến bàn thờ”. Sau khi nghe giảng dân chúng được mời đến trao dâng cuộc sống của mình cho Chúa Kitô. Những gì chúng ta làm hôm nay có đôi chút tương tự. Trước hết, chúng ta nghe Lời Chúa và được nhắc nhớ về những gì Thiên Chúa đã thực hiện và đang thực hiện cho chúng ta; tiếp đến, chúng ta dâng “Lời nguyện Thánh Thể”, kinh nguyện tạ ơn và chúc tụng. Sau đó, chúng ta có được “lời mời gọi đến bàn thờ”, đến lãnh nhận cuộc sống mà Chúa Kitô ban cho ta và canh tân lời cam kết để thực hiện tương tự như thế – vác thánh giá và sống theo gương Chúa Kitô. Hay, như Phaolô nhắc tín hữu Côrintô: sau khi Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn và bẻ ra Người nói, “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Mệnh lệnh này làm thành khuôn mẫu cho cuộc sống chúng ta.

Tin mừng thuật lại bài giảng tương tự từ Đức Kitô. Đức Giêsu nhận ra rằng những kẻ ở với Người trong hoang địa đang đói. Người bảo các môn đệ hãy cho họ ăn. Người muốn chúng ta chia sẻ lương thực ta có và, như các môn đệ, đến với “đám đông” và phân phát cho kẻ đói. “ Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Khi chúng ta làm thế, Đức Giêsu sẽ cầm những gì chúng ta trao dâng, chúc tụng và bẻ ra hầu nó sẽ dư đầy.

Chúng ta cử hành sự tôn kính Mình Chúa Kitô hôm nay, khi làm như vậy là đào sâu sự kính trọng của chúng ta đối với cộng đoàn Kitô hữu – Thân Thể Chúa Kitô – ở với chúng ta, cùng thờ phượng, được dưỡng nuôi và cũng được mời gọi cho kẻ đói ăn. “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”.

Anh Em Nhà Học Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.

Trả lời