Hãy làm vì lòng tin…

 

Hãy làm vì lòng tin…Thuế là gì? Vâng, “Cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm nào trên thế giới thống nhất về thuế. Đứng ở các góc độ khác nhau của các nhà kinh tế khác nhau lại có các khái niệm khác nhau về thuế.

Một trong những khái niệm phổ biến về thuế đó là ‘Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung’.

Ngoài ra còn có khái niệm khác: ‘Thuế là một khoản phí tài chính bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho một tổ chức chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau’. Thuế được áp dụng lần đầu tiên ở Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 3000-2900 TCN, nếu không trả tiền hoặc trốn thuế chống lại việc nộp thuế sẽ bị phạt theo quy định của Pháp luật”. (nguồn: internet)

Khi nói về thuế, phải nhìn nhận rằng, nó là một đề tài “nóng” trong suốt chiều dài lịch sử con người. Gọi là nóng vì nó là một thứ “vũ khí” có thể triệt tiêu nền kinh tế của cả một quốc gia. Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung đang xảy ra như một điển hình.

Nó còn có thể được dùng như là một “lá bài” để hạ uy tín của một lãnh tụ, của một chính trị gia. Câu chuyện “New York Times nói Donald Trump chỉ đóng 750 đôla thuế lợi tức liên bang cho 2016, năm ông tranh cử tổng thống Mỹ và cho 2017, năm đầu tiên tại Tòa Bạch Cung”, như là một chứng minh.

Nó còn là gì nữa nhỉ ? Thưa, nó còn được dùng như một ngón đòn lợi hại để “gài bẫy”, gài bẫy nhằm gây hại đến chính danh, chính nghĩa của một chính nhân, của một con người, nào đó. Câu chuyện “Nộp thuế cho César”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, như một minh chứng cho lời nhận định này. Câu chuyện xảy ra trong bối cảnh Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt Qua, một kỳ lễ cuối cùng trong đời của Ngài.

Đức Giê-su biết rằng, chỉ còn một tuần nữa thôi, Ngài sẽ phải chịu chết trên thập giá. Và đó là lý do Ngài nói đến cuộc thương khó mà mình sẽ gánh chịu cho các môn đệ biết, rằng:  “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy”.

Vâng, hôm ấy, quả đúng là người Pha-ri-sêu đã liên kết thành một liên minh, liên minh Hê-rô-đê Phariseu, tìm sự sơ hở về lời giảng dạy hoặc lời nói của Ngài để hạ độc thủ.

Khi thì họ chất vấn Ngài về luật giữ ngày Sabat. Lần khác họ đòi xin Ngài “một dấu lạ” từ trời. Nặng ký hơn, họ đòi Đức Giêsu chứng minh rằng “Ai đã cho Ngài quyền” rao giảng Tin Mừng! (Mt 21, 23).

Đức Giêsu luôn là người chiến thắng trước những cuộc tranh luận hay chất vấn của họ. Thế nhưng, như những con đỉa đói, họ vẫn bám chặt đôi chân của nhà truyền giáo Giêsu để tìm cách hãm hại Ngài. Và rồi, quá tức giận vì Đức Giêsu đã ví họ như “những tá điền sát nhân”. Nhóm Phariseu “bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22, 5).

Người Pha-ri-sêu sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê lập thành một liên minh. Một liên minh giữa “đạo và đời”. Liên minh đạo-và-đời đến gặp Đức Giêsu. Rút kinh nghiệm của những lần trước. Lần này, họ không tấn công Đức Giêsu trực diện bằng những câu hỏi “tại sao Thầy làm thế này!  tại sao môn đệ Thầy làm thế kia! v.v…”.

Rất quỷ quyệt, chẳng khác con rắn xưa trong vườn Eden đã tâng bốc bà Eva, hôm ấy họ tâng bốc Ngài bằng những lời tâng bốc thật ngọt ngào. Nào là  “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa”. Nào là “Thầy cũng chẳng vị nể ai… Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” v.v…  Nói nào ngay, những lời tâng bốc đó không sai. Đức Giêsu đã chẳng từng nhận mình: “Là đường, là sự thật” đó sao! Ngài cũng đã chẳng “vị nể ai” khi đã dám “đuổi hết những người đang mua bán trong Đền Thờ”.

Thật ra những lời tâng bốc của nhóm liên minh này, nó chẳng khác nào một cú đấm thăm dò mà những tay đấm boxing thường sử dụng. Thật vậy, vừa tâng bốc xong, họ quay ngoắt 180 độ bằng một câu hỏi đầy ác ý: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho César hay không?”

Vâng, rất ác ý. Nếu Đức Giê-su trả lời không, nhóm “những người phe Hêrôđê” sẽ tố cáo Ngài không trung thành với Hoàng đế César. Và điều gì sẽ xảy ra? Đương nhiên sẽ sập bẫy họ. Sẽ trúng kế “tá đạo sát nhân – mượn dao giết người” của họ chứ còn gì nữa! Một lũ quần-chúng-tự-phát sẽ xuất hiện, sẽ lớn tiếng gọi Đức Giê-su là “tên phản động”… Và chúng sẽ bắt Đức Giê-su nộp cho tổng trấn Phi-la-tô, ngay lập tức.

Còn nếu trả lời có, thì sao! Thưa, mấy ông “thần quyền” Phariseu dễ gì ngồi yên. Họ sẽ huy động “các môn đệ của họ” đi khắp Palestina ra rả vu khống Đức Giêsu là một tên “phản dân tộc”…

Binh pháp Tôn Tử có chép “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vâng, Đức Giêsu “biết họ có ác ý…”. Chính vì thế Ngài đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để lôi cổ những con hổ giả hình Phariseu và phe nhóm Hêrôđê ra ánh sáng của chân lý và sự thật.

Dùng phương pháp thính thị, Đức Giêsu yêu cầu họ “cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Khi đồng tiền được đưa ra, Ngài hỏi họ rằng “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Không quá một  giây đồng hồ, họ đồng thanh đáp “Của César”.

Vâng, trên mặt đồng tiền là ảnh chân dung của César. Thế là… thế là Đức Giê-su liền bảo họ rằng: “Thế thì của César trả về César”. Và, tiếp đến Ngài đưa ra một lời truyền dạy, dạy rằng: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

Và, tới đây thì cuộc chất vấn giữa nhóm người phe Hê-rô-đê cùng Pha-ri-sêu và Đức Giê-su chấm dứt, chấm dứt trong sự “ngạc nhiên” của họ. Thánh sử Mát-thêu cho biết: Họ đã “để Người lại đó mà đi”.

 

“Thế thì của César trả về César, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Vâng, thông điệp Đức Giê-su đã tuyên bố với nhóm người phe Hê-rô-đê và Pha-ri-sêu là như thế đấy. Rất rõ ràng và rất dễ hiểu.

Vấn đề của chúng ta, hôm nay, là hiểu thế nào về thông điệp này? Phải chăng nên hiểu rằng: cái-gì-của-thế-gian-trả-về-thế-gian? Phải chăng nên hiểu rằng: Đức Giê-su muốn gửi đến chúng ta một thông điệp, thông điệp rằng: Đừng nhập nhằng giữa Đạo và Đời?

Suy nghĩ về điều này, thật phải đạo khi chúng ta cùng nghe lời chia sẻ của  Lm Charles E. Miller, lời chia sẻ, rằng: “Đức Giê-su không định làm nhục nhóm Pha-ri-sêu, mà chỉ thách thức họ. Tất nhiên họ phải đóng thuế cho hoàng đế, bởi người La Mã sẽ quán xuyến việc đó bằng vũ lực, nếu cần. Song Thiên Chúa không ép buộc ta làm bất cứ gì, mà chỉ trông đợi ta tự nguyện phụng sự Ngài. Trên hết, Ngài đòi hỏi một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta”.

Đúng thế, sống Đạo, hay nói đúng hơn, sống đức tin là phải sống như thế. Nói rõ hơn, khi chúng ta “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục”, đó chính là lúc chúng ta biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta.

 

Biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta, chẳng phải là chúng ta thực hiện đúng lời yêu cầu của Đức Giê-su: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, sao!

Khi gia đình chúng ta có một cuộc sống: “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”, đó chính là lúc chúng ta biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta.

Biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta, chẳng phải là chúng ta thực hiện đúng lời yêu cầu của Đức Giê-su: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, sao!

Xưa kia, khi Đức Giê-su nói với nhóm người phe Hê-rô-đê cùng Pha-ri-sêu rằng: “Thế thì của César trả về César, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.  Họ trả lời thế nào nhỉ! Họ… họ không trả lời và đã “để Người lại đó mà đi”. Nếu hôm nay Ngài nói với chúng ta như thế! Đừng sợ và đừng để-Người-ở-đó-mà-đi. Hãy nói với Đức Giê-su rằng: chúng con sẽ làm. Vâng, chúng ta sẽ làm…làm vì lòng tin. “Hãy làm vì lòng tin”, quý vị nhé!

Petrus.tran

 

 

Trả lời