Hãy khát khao nên người công chính

 

Hãy khát khao nên người công chính“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó.  Á a a a. Nhấp chén đầy vơi. Chúc người người vui. Á a a a. Muôn lòng xao xuyến duyên đời.

… Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do. Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hoà. Ước mơ hạnh phúc nơi nơi. Hương thanh bình dâng phơi phới.”

Những dòng chữ trên đây được trích đoạn trong bản nhạc “Ly rượu mùng”  tác giả: Phạm Đình Chương. Vâng, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không hơn một lần nghe (hoặc cất tiếng hát) bản nhạc này. Nhất là mỗi khi xuân đến.

Xuân đến, có ai lại không “nâng chén”!  Tết đến, có ai lại không “nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui”! Mừng năm mới, có ai lại không “ước mơ hạnh phúc nơi nơi – muôn người hạnh phúc chan hòa”!

Chúng ta  có rất nhiều ước mơ. Và, chúng ta gửi cho nhau muôn vàn lời chúc phúc. Chúng ta ước mơ một năm mới “an khang thịnh vượng”  Chúng ta chúc nhau một năm mới  “phát tài phát lộc, hạnh phúc tràn đầy, vạn sự như ý.”  v.v…

Nhưng than ôi! như người ta thường nói: “Ba ngày xuân, bốn ngày xẹp”. Mà thật vậy, sau vài ngày xuân, những lời chúc phúc đó “xẹp” như một trái bong bóng hết hơi, nó tuột khỏi tầm tay của ta như bánh xà phòng trơn ướt.

Tại sao? Thưa, vì những lời chúc nêu trên chỉ có giá trị tương đối. Bởi, như có người nói: “Hạnh phúc như một con bướm vậy. Khi bạn càng rượt đuổi thì nó càng bay xa hơn.” Hoặc: “Hạnh phúc là cái gì đó thật mơ hồ khiến ta buộc phải mơ ước.”

 

Xuân đi… mọi người, có thể nói như thế, lại quay về với thực tại của cuộc sống, một thực tại với những lo toan, với những bất an, với những băn khoăn và trắc trở v.v…

Vâng, thật buồn… thật buồn vì hạnh phúc quá mong manh…

Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã vạch ra một lộ trình, một lộ trình cho những ai muốn tìm cho mình niềm hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu.

Lộ trình đó khởi đầu bằng việc: Hãy  “có tâm hồn nghèo khó”. Và, tiếp theo sau, đó là: Hãy sống “hiền lành”. Đừng sợ “sầu khổ”. Hãy “khao khát nên người công chính” Phải biết “xót thương người” Hãy “có tâm hồn trong sạch” Hãy là một con người biết nỗ lực “xây dựng hòa bình” Và, cuối cùng là đừng sợ “bị bách hại vì sống công chính”

Hồi ấy, trên một ngọn núi cao, gần bên là những người môn đệ vây quanh mình, Đức Giê-su đã công bố những điều như thế đấy. Và Ngài đã có lời chúc phúc, rằng: “Phúc thay ai… Phúc thay ai… Phúc thay ai… Phúc thay anh em…”

“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Đấy! Hạnh phúc dành cho những ai đi theo lộ trình Đức Giê-su vạch ra, là như thế đấy.  Đó là: “Nước Trời là của họ. Họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”

Và đây… đây chính là điều “hạnh phúc” nhất,  đó là “Họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (và) Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. (x.Mt 5, 1-12)

Với những cái “được” như thế, tại sao chúng ta không “vui mừng hớn hở” về những lời chúc phúc của Đức Giê-su? Tại sao không, nhỉ!

Thế nên, đừng… đừng xem những lời chúc nêu trên là những lời chúc ngộ nghĩnh. Hãy “ngộ ra” rằng, lộ trình đi tìm hạnh phúc vĩnh cữu là một lộ trình đầy chông gai. Và, để đạt được tới đích, đừng ngại rằng mình rồi sẽ như “các ngôn sứ là những người đi trước… cũng bị người ta bách hại như thế.” (x.Mt 5, …12)

Những điều Đức Giê-su chúc phúc năm xưa, hôm nay chúng ta gọi là “bát phúc – tám mối phúc thật.” Tám mối phúc thật không phải là “Mười Điều Răn”, cũng chẳng phải là những lời khuyên răn.

Đó chỉ là những lời công bố. Nhưng, những lời công bố này có giá trị như một “chiếc xe” một chiếc xe chở chúng ta về Nước Trời. Đó là sự thật, sự thật Đức Giê-su đã công bố:  “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Thiên Chúa không cấm ta làm giàu, vì giàu cũng là ơn phước Chúa ban, như Người đã ban cho các tổ phụ Apraham, Isaac và Giacop. Thế nhưng, khi ta sống với một “tâm hồn nghèo khó”, đó là ta đã “sống theo Giê-su”,  sống nghèo khó như Ngài, như Ngài đã sinh ra “trong máng cỏ” và sau đó là một cuộc sống nghèo khó tại Nadarét.

Sống, với một “tâm hồn nghèo khó”, chúng ta sẽ nhận ra: tiền bạc, quyền lực, danh vọng chỉ là những thứ phù phiếm, nay có mai mất. Sống, với một “tâm hồn nghèo khó”, chúng ta sẽ nhận ra: “được cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì.”

Tấm gương thánh Phan-xi-cô Assisi, còn đó.  Tuy là một người giàu có, nhưng  ngài đã dám từ bỏ tất cả, sống suốt cả một đời người với một “tâm hồn nghèo khó”.

Rồi khi chúng ta biết “xót thương người”! Vâng, đó là chúng ta “học theo Giê-su”, một Giê-su luôn chạnh lòng thương xót đối với ai chạy đến cầu xin mình.

Thưa quý vị, gặp một người hàng xóm nghèo, là một Ki-tô hữu, lẽ nào ta không xót-thương-họ! Chẳng lẽ ta không “cho kẻ đói ăn” sao!

Vâng, các vị linh mục, khi chia sẻ về “tám mối phúc thật”, hầu như các vị đó đều có chung một lời khuyên, khuyên rằng: chỉ cần thực hiện một trong tám phúc nêu trên, cũng đủ nên thánh rồi.

Một trong tám phúc mà các vị linh mục thường khuyên giáo dân của mình thực hiện, đó là: “(hãy) khát khao nên người công chính”.

Quả… quả là một lời khuyên rất thực tế,  một thực tế của một đất nước, của một xã hội, mà chúng ta đang sống, hôm nay. Đâu đâu chúng ta cũng phải đối diện với sự bất chính. Từ nơi học đường, ngoài xã hội, nơi công sở, (nếu không muốn nói là ngay cả trong giáo hội), kẻ bất chính tràn làn. Tại nơi được gọi là “nhà thương”, nhưng hỡi ơi! để tìm một người biết “xót thương người” thật không dễ dàng.

Vâng, chúng ta hãy-khát-khao-nên-người-công-chính. Rất cần có nhiều người sống-công-chính. Nếu không có, coi chừng chúng ta sẽ chung số phận với dân thành Sodoma, khi xưa.

Thành Sodoma xưa bị tiêu diệt vì “tội lỗi chúng nặng nề” (x.St 18, 20) Nếu trong thành đó có “năm mươi người lành”, Thiên Chúa “sẽ dung thứ cho thành đó”. Giả như mười người!  Thưa, “Thiên Chúa sẽ không phá hủy thành đó”.

Chỉ cần mười người “làm lành lánh dữ”, một tiêu chuẩn đã được Kinh Thánh gọi là sống-công-chính. Tiếc thay! Sodoma không có.

Nhắc lại câu chuyện này làm gì? Thưa, để chúng ta tự hỏi: tôi có là một trong số mười người… mười-người-công-chính, hôm nay?

Hôm nay, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, rất cần nhiều nhiều người, nên-người-công-chính. Bởi vì, “miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan và lưỡi họ nói lên điều chính trực. Luật Thiên Chúa, họ ghi tạc vào lòng, bước chân đi không hề lảo đảo.” (x.Tv 37, 30-31)

Sống…  ở một nơi mọi người đều nói-lên-điều-chính-trực, luật-Thiên-Chúa, mọi người đều ghi-tạc-trong-lòng… chẳng phải là một nơi “đáng sống”, sao!

Vì thế, ngay hôm nay – bây giờ, cái bây giờ của một năm mới. Khi mà con người lần lượt “tiến về tuổi già”, khi mà chúng ta trong niềm tin “tiến về Trời Mới Đất Mới”,  khi mà mọi người có những lời chúc loạn xạ, chúng ta hãy gửi đến nhau lời chúc mà Đức Giê-su đã chúc năm xưa, chúc rằng: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính!”

Vâng, chúng ta hãy-khát-khao-nên-người-công-chính.

Petrus.tran