Hãy “để cho Chúa quyến rũ” ta

Hãy “để cho Chúa quyến rũ” ta

Hãy “để cho Chúa quyến rũ” taTừ khi con người biết cầu nguyện cùng Thượng Đế, cho đến nay, trên toàn thế giới có rất nhiều tôn giáo. Riêng ở Việt Nam cũng không ít, thật vậy, ngoài Ki-tô giáo (Công giáo và Tin lành), chúng ta còn thấy có Phật  giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Dừa, Đạo Ông Bà v.v…

Tuy là nhiều, với mỗi tôn giáo là một tôn chỉ,  một giáo lý khác nhau, nhưng,  tựu trung cũng chỉ khuyên người tín hữu “ăn ngay ở lành”. 

Riêng Ki-tô giáo thì khác hẳn. Ki-tô giáo không dừng lại ở chuyện khuyên răn ăn ngay ở lành. Ki-tô giáo còn gửi đến người tín hữu thông điệp, thông điệp rằng: trước tiên phải “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng đó chính là tin vào “một Đấng Cứu Độ đã sinh ra, Người  là Đấng Ki-tô Đức Chúa”,  là tin vào chính Đức Giê-su. Và sau là lời mời gọi, hãy“từ bỏ mọi sự” để theo Người. 

Thông điệp và lời mời gọi này không do Giáo Hội đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su loan báo và mời gọi. Thông điệp và lời mời gọi này, được ghi  trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Vâng, tin mừng thánh Mác-cô thuật lại rằng: Hồi ấy, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Na-da-rét, và sau bốn mươi ngày sống trong hoang địa chay tịnh, nguyện cầu, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Tại nơi đây, Người công bố một thông điệp,  rằng:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. (Mc 1, 14-15).

Thông điệp được đưa ra, phản ứng của người nghe thế nào, không thấy thánh sử Mác-cô ghi lại. Nhưng… nhưng tại biển hồ Ga-li-lê thì có. Có bốn người, được biết, họ là những ngư phủ, họ đã có phản ứng, phản ứng rất nhiệt tình và đầy quyết tâm khi họ gặp Đức Giê-su.

Chuyện được kể rằng,  hôm đó, khi  “Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá”. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi…”

Không khó hiểu cho lắm về lời mời gọi này của Đức Giê-su. Loan báo Tin Mừng, lại là Tin Mừng cứu độ, cứu độ qua cái chết của mình, Ngài cần có những người môn đệ, là những người sẽ được  giao trọng trách tiếp tục sứ mạng của Ngài. Chính vì thế, sau lời mời gọi “hãy theo tôi”, Đức Giê-su nói tiếp “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, biển hồ là nơi tụ tập rất nhiều ngư dân và chắc hẳn khi Đức Giêsu đi ngang qua đó, không thiếu những ngư phủ đang  vất vả “quăng lưới cá”, nhưng tại sao Đức Giêsu lại gọi đích danh Simon, An-rê?

Chưa hết, sau khi gọi Simon và An-rê. Đi xa hơn một chút, Đức Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêdê, và người em là Gioan. Hai người này đang vá lưới trong thuyền. Đức Giê-su, một lần nữa, “Người liền gọi các ông” (Mc 1, 16-… 19). Phải chăng Đức Giêsu đã biết bốn anh chàng ngư dân này?

Thưa, đúng vậy. Hôm trước, khi ông Gioan tẩy giả thấy Đức Giê-su đi ngang qua và đã giới thiệu các môn đệ của ông ta rằng, Người chính là “Chiên Thiên Chúa”, lập tức, hai trong bốn người được Đức Giêsu gọi hôm nay, là ông Anrê và một người môn đệ khác, họ đã đi theo Đức Giêsu. Có phần chắc, họ đã, một cách nào đó, tiết lộ thân thế và nghề nghiệp của họ. Hơn nữa, họ đã đến xem chỗ Đức Giêsu ở và đã ở lại với Người.  Vì thế, không ngạc nhiên cho lắm khi Đức Giêsu gọi đích danh họ.

Hôm ấy, đích thân Người đến gọi các ông, rằng “các anh hãy theo tôi”…  Phản ứng của hai ông Si-mon và An-rê thật nhiệt tình. Chuyện kể rằng: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài”.

Còn Gia-cô-bê và Gio-an thì sao? Thưa, dù đang mải mê “vá lưới ở trong thuyền”, nhưng khi nghe Đức Giê-su gọi, hai ông cũng đã “bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1, …20).

Không thấy Kinh Thánh ghi lại, nhưng, có lẽ hôm đó, bốn chàng ngư phủ An-rê, Simon, Gia-cô-bê và Gio-an vừa đi theo Đức Giê-su vừa cất tiếng ca “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (x.Tv 121, 1)

Vâng, hôm đó, bốn chàng ngư phủ không “đến mà xem” nơi ở của Đức Giê-su, nhưng  đã đáp lời mời gọi, họ bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài.

“Anh em hãy sám hối”. Vâng, đây là một mệnh lệnh, một mệnh lệnh như là điều kiện tiên quyết để được nhận lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tấm gương dân thành Ninivê  được “cứu” là một minh chứng hùng hồn về sự “ăn năn sám hối”.

Chuyện kể rằng : Dân thành Ninivê đã có những hành động “gian ác thấu tận trời cao” nhưng nhờ nghe tiếng cảnh cáo của Thiên Chúa, qua lời ngôn sứ Giôna, rằng “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ”.   

Nghe thế, từ vua quan cho tới dân đen, họ đã “khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3, 8). Cuối cùng “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10)

Hãy nhớ rằng, Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang của Thiên Chúa”, thế nên, tại sao chúng ta không nghĩ đến một sự sám hối ngay hôm nay?

Bây giờ, chúng ta hãy nghe thêm một lời mời gọi của Đức Giê-su: “Các anh hãy theo tôi”… Vâng, chắc chắn lời mời gọi này cũng là lời mời gọi được Ngài gửi đến cho mỗi chúng ta.

Tất nhiên, khi đáp lời mời gọi, mà-đi-theo-Ngài, chúng ta cũng phải “bỏ hết mọi sự”, thế nhưng, điều chúng ta phải “bỏ” không phải là bỏ công ăn việc làm, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa như  Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã thực hiện năm xưa.

Điều chúng ta phải “từ bỏ”, đó là, từ bỏ “những việc do tính xác thịt gây ra” những việc, “ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén…” (x. Gl 5, 19).

Trong một ý nghĩa cao cả hơn, “bỏ hết mọi sự” có nghĩa là chúng ta dám sống một cuộc sống hy sinh ngay cả bản thân của mình cho chân lý mà chúng ta tin theo. “Bỏ hết mọi sự” có nghĩa là chúng ta dám sống một đời sống phục vụ cho một lý tưởng mà chúng ta đã chọn lựa.  Đừng… đừng bao giờ có tư tưởng chủ bại mà nghĩ rằng: Ôi! theo Chúa sao phải từ bỏ nhiều thứ như thế!

Vâng, ngày xưa, niên trưởng Phê-rô, cũng vì ám ảnh chuyện phải  “từ bỏ mọi sự”  nhiều quá, nên đã hỏi Đức Giê-su, rằng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Đây, hãy nhớ, hôm đó, Đức Giê-su đã đáp rằng “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử… Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất, vì danh Thày, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19, 27-29)  

Được quá nhiều đấy chứ! Khoái nhất là “sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử…” – xét xử những tên độc tài, những tên tham quan bán nước hại dân v.v.. và v.v… phải không, thưa quý vị? Thế nhưng, đó là chuyện “đời sau”. Còn “đời nay” thì sao?

Thưa, nếu chúng ta từ bỏ những việc do tính xác thịt, được nêu trên, cái “mất” chẳng bao nhiêu, nhưng cái “được” rất nhiều. Đó là, chúng ta sẽ có một cơ thể cường tráng trong một tinh thần minh mẫn, và điều tất yếu sẽ xảy ra, “đời nay” chúng ta sẽ có một cuộc sống “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Bây giờ, chúng ta hãy trở lại lời mời gọi và lời hứa của Đức Giê-su. Thưa Bạn, bạn có thấy lời mời gọi và lời hứa của Ngài đầy quyến rũ?

Nếu có… Vâng, bạn và tôi, chúng ta hãy   từ bỏ hết mọi sự,  từ bỏ tiếng gọi của nhục dục, từ bỏ tiếng gọi của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực, là những tiếng gọi của ma quái, của quỷ thần, “mà đi theo Người”.

Đi theo Người rồi, đừng quên… chúng ta đừng quên, quỳ dưới chân Thánh giá Chúa Ki-tô mà cất lên lời nguyện, nguyện rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (x.Gr 20, 7)

Vâng, hãy “để cho Chúa quyến rũ” ta.

Petrus.tran

Trả lời