Hãy đầy dẫy Chúa Thánh Thần

 

Hãy đầy dẫy Chúa Thánh Thần

 

Hãy đầy dẫy Chúa Thánh ThầnTheo truyền thống, hàng năm, sau lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, giáo lý Công Giáo dạy rằng, “Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy”

Khi nói đến Chúa Thánh Thần, có một thực tế là, một số tín hữu Công Giáo, dường như, chỉ biết đến Chúa Thánh Thần trong ngày “lễ Thêm Sức”, rồi sau đó, khi trưởng thành thì thường lãng quên vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của mình. Đó là một điều hết sức nguy hiểm.

Thứ tư, ngày 08/05/2013 vừa qua, trước khoảng 75.000 người hiện diện ở quảng trường thánh Phêrô trong buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một bài giảng về Chúa Thánh Thần.

Ngài nói: “Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: ‘Tôi kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.’ Chân lý đầu tiên mà chúng ta xác tín trong kinh Tin Kính đó là Chúa Thánh Thần chính là Kyrios, nghĩa là Chúa. Điều này có nghĩa là Ngài là Thiên Chúa thật cũng như Chúa Cha và Chúa Con là Thiên Chúa… nhưng tôi muốn tập trung chính yếu vào sự kiện này là Chúa Thánh Thần chính là nguồn mạch vô tận của sự sống Thiên Chúa trong chúng ta.”

**

Đúng vậy, Đức Giêsu, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, qua những lời giảng dạy, Ngài đã công bố với mọi người, rằng “nguồn mạch vô tận của sự sống Thiên Chúa” sẽ được ban cho bất cứ ai tin và muốn đón nhận ơn cứu độ. 

Muốn đón nhận ơn cứu độ, để được thấy Nước Thiên Chúa, để được vào Nước Thiên Chúa ư! Vâng, Đức Giêsu đã nói, “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ở trên… Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3, 3…5)  

Riêng với các môn đệ, trong bữa tiệc ly, trước giờ tử nạn, Đức Giêsu đã hé mở cho các ông biết “nguồn mạch vô tận của sự sống Thiên Chúa” sẽ được trao ban cho các ông, chính là lúc “Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh  em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh  em” (Ga 14, 26).

Lời hứa đó phải chăng vẫn chỉ là lời hứa? Thưa không, lời hứa đó đã được Đức Giêsu thực hiện ngay sau khi Ngài phục sinh.

Vâng, hôm đó, đúng “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã hiện đến với các môn đệ trong một ngôi nhà “các cửa đều đóng kín”. Các ông đóng kín cửa vì sợ người Do Thái.

Lúc đó,  thế quyền Roma và thần quyền Do Thái vẫn tiếp tục toa rập nhau để tìm cách hãm hại các ông. “Truyền thông nhà nước”  vẫn ra rả vu khống các ông đã lợi dụng ban đêm lén đến: “lấy trộm xác” rồi phao tin rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết.(Mt 28, 13).

Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu hiện đến. Sự hiện đến của Ngài không chỉ làm tan biến những lời huyền hoặc mà còn làm cho các môn đệ, từ chỗ bất an, nay, cảm nhận được sự “Bình An”, một sự bình an do chính Thầy của mình đem lại.

Sự bình an đó đã được đóng ấn bởi Thánh Thần Chúa khi Đức Giêsu “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Bốn mươi chín ngày sau, tính từ ngày đó, ngày Chúa Giêsu “thổi hơi” vào các ông, không ai có thể tưởng tượng được “từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”.

Câu chuyện được chép lại rằng, các môn đệ thấy xuất hiện “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” tràn ngập căn phòng các ông đang ở. Và, kỳ diệu thay, những lưỡi lửa đó “tản ra đậu xuống từng người một”.  Các ông “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”.

***

Các môn đệ “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. Vâng, một trong các ơn rõ nét nhất, đó là “ơn biến đổi”.

Thánh Thần Chúa đã biến đổi ngôn ngữ của các môn đệ. Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”. Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình”(Cv 2,6). Dù là : “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập”. Tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ : “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).

Thánh Thần Chúa còn biến đổi con người các ông, từ một kẻ nhát đảm thành một con người can đảm, dám hiên ngang “chứng thực sứ mạng của Đức Giêsu” cho mọi người nghe.

Thánh Thần Chúa, như lời Đức Giêsu đã nói “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính” (Ga 16, 8).

Thật vậy, ơn Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi các tông đồ, đã cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.

Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người”, họ đã được biến đổi, từ người không theo đạo, họ trở thành “người theo đạo” (Cv 2,…41).

****

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, đây không phải là ơn dành riêng cho các môn đệ mà cũng là ơn dành cho mỗi chúng ta, là những người Kitô hữu.

Hơn thế nữa. một Kitô hữu không chỉ nhận lấy Chúa Thánh Thần nhưng còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần”(Ep 5,18).

Tại sao phải đầy dẫy Chúa Thánh Thần? Thưa, bởi vì có Chúa Thánh Thần và đầy dẫy Chúa Thánh Thần là hai sự kiện khác nhau. Thật sai lầm khi nghĩ rằng, có Chúa Thánh Thần là đủ, không cần thiết phải ‘đẫy dẫy Chúa Thánh Thần”.

Người có Chúa Thánh Thần, thì mới chỉ là “những trẻ nhỏ trong Đức Kitô”. Còn người đầy dẫy Chúa Thánh Thần, thì “sống theo Thần Khí”.  

Vâng, hãy nhìn xem, tại Corintô, nơi mà thánh Phaolô đã “không thể nói với (họ) như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô” thì hỡi ơi! giữa họ luôn có sự “ghen tương, cãi cọ… sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm” (x.1Cor 3, 1-3)

Còn cộng đoàn Galati thì sao? Họ đã “nhận được Thần Khí… đã khởi sự nhờ Thần Khí” thế nhưng, thật đáng tiếc, họ “lại kết thúc nhờ xác thịt” (x. Gl 3, 2-3).

“Kết thúc nhờ xác thịt”, thánh Phaolô gọi đó là sự “ngu xuẩn”. Vâng, ngu xuẩn, phải chăng vì họ đã không “đầy dẫy Thánh Thần”?  

*****

Có phần chắc, ai trong chúng ta cũng đã chịu “phép thêm sức” và như vậy, chúng ta đã có “Chúa Thánh Thần”. Cho nên, đừng quên lời thánh Phaolô khuyên bảo, rằng “Hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” và “chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa”.

Vâng, chúng ta sẽ “đổi mới tâm trí” mình “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác”? Chúng ta sẽ không làm “phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” khi được mời gọi “phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”? (x. Ep 4, 30-32)

Hãy thử nghĩ xem, chúng ta, là một người vợ, là một ông chồng, là một người hàng xóm, nói tắt một lời, dù ở bất cứ vai trò nào, nếu chúng ta thực thi trọn vẹn những điều nêu trên, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là, trong gia đình “Anh em hòa thuận. Vợ chồng ý hợp tâm đầu” và ngoài xã hội “láng giềng thân thiết”?

Kinh Thánh có chép rằng, cả ba điều trên, nếu được thực hiện, “cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa và người ta”(Cn 25,1). Một khi cả ba điều trên được chúng ta thực hiện một cách trọn hảo, đó chính là lúc “hoa trái Thánh Linh” trong ngôi vườn tâm hồn chúng ta nở rộ. Và chúng ta hãy tin, đó cũng là lúc chúng ta “Đầy dẫy Chúa Thánh Thần”.

Petrus.tran

 

Trả lời