Hãy chỗi dậy mà đi…

 

Hãy chỗi dậy mà đi…“Con phải làm gì” Vâng, đây là tựa đề của một bài thánh ca. Tác giả: Lm. Xuân Đường.  Lên YouTube nghe bài thánh ca này, có thể nói rằng, lời ca tiếng nhạc đã làm ray rứt biết bao con tim khán thính giả.

Không ray rứt sao được, khi cô ca sĩ Diệu Hiền cất tiếng hát lên: “Con phải làm gì ôi Lạy Chúa? Khi quê hương Tin Mừng chưa lớn. Con phải làm gì ôi Lạy Chúa? Khi bao người còn yếu niềm tin. Con phải làm gì, con phải làm gì, con phải làm gì thì Lạy Chúa xin Ngài phán đi.”

Rất… rất nhiều ray rứt (khác) cũng đã được Lm. Xuân Đường giãi bày qua từng lời ca. Chúng ta cùng nghe nhé: “Con phải làm gì ôi lạy Chúa? Khi anh em chưa tìm lẽ sống. Con phải làm gì ôi lạy Chúa? Khi bạn bè lạc mất đức tin. Con phải làm gì, con phải làm gì, con phải làm gì, thì Lạy Chúa xin Ngài phán đi.” Và, cuối cùng tác giả có lời mời gọi: “Hãy trỗi dậy mà đi…

Vâng, hãy-trỗi-dậy-mà-đi là một nan đề, một nan đề không phải bây giờ mới làm ray rứt thế hệ của chúng ta hôm nay, nhưng nó đã làm ray rứt cho chính Đức Giê-su vào những ngày Ngài còn tại thế.

Hồi ấy, trong nỗi ray rứt khôn nguôi, Đức Giê-su đã có lời phán dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Hãy trỗi dậy mà đi…” hay, nói theo cách nói của Đức Giê-su: “Hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”,  đều cùng chung một lý tưởng. Lý tưởng rằng, đây là việc hệ trọng. Và,  Đức Giê-su đã hóa giải nan đề hệ trọng này.

Đức Giê-su đã hóa giải như thế nào! Thưa, ngay khi bắt đầu sứ vụ, Ngài đã cất tiếng mời gọi một số người để họ trở thành những thợ-gặt-người. Mười hai “thợ gặt” đầu tiên được Ngài tuyển chọn. đó là An-rê và Simon Phêrô, kế tiếp là Giacôbê và Gioan, sau đó là Philipphê, Nathanael, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông An-phê, Tađêô, Simon thuộc nhóm quá khích và Giuda Itcariot.

Không dừng ở đó. Một nhóm “bảy mươi hai người khác” cũng đã được Đức Giê-su tuyển chọn để làm những người thợ gặt cho Ngài. Câu chuyện về bảy mươi hai người thợ gặt này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Vâng, câu chuyện về nhón bảy mươi hai đã được thánh sử Luca tóm tắt rất ngắn gọn. Chuyện rằng: “Sau đó,  Chúa  chỉ định bảy mươi hai người khác và sai các ông cứ từng hai người một đi trước vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”. (Lc 10, 1).

Nếu trước đó, nhóm-mười-hai, mười hai vị tông đồ ra đi với sứ vụ “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Thì, hôm nay, hôm nay nhóm bảy mươi hai ra đi với sứ vụ loan báo cho mọi người biết: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Với nhóm Mười Hai, các ông đã “trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa trị họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13) Còn với quý ông ở nhóm Bảy Mươi Hai, ư! Vâng, các ông đã ra đi và rồi khi trở về thì hớn hở nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. (x.Lc 10, 17)

Vâng, Nhóm Mười Hai và bây giờ là nhóm “bảy mươi hai môn đệ” đã làm cho chúng ta nhớ lại lời ngôn sứ Isaia nói năm xưa: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7)

***

Như đã nói ở trên, thánh Luca đã kể câu chuyện về bảy mươi hai người “thợ gặt” của Đức Giê-su quá ngắn gọn. Ngắn gọn đến độ ngài thánh sử không nói gì đến tên tuổi, quê quán của những vị này tên gì và ở đâu.

Điều này có làm cho chúng ta ngạc nhiên! Vâng, đừng ngạc nhiên. Đừng ngạc nhiên vì một số nhà thuyết giảng suy luận rằng, không đặt tên một số nhân vật trong một số câu chuyện là với hàm ý rằng, rất có thể nhân vật đó, một lúc nào đó sẽ là chúng ta, chăng!

Vâng, nhân vật ông nhà giàu (không có tên) trong “dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô”,  rất có thể, một lúc nào đó sẽ là chúng ta, chăng! Nhân vật “người con thứ” (không có tên) trong “dụ ngôn người cha nhân hậu” , một lúc nào đó sẽ là chúng ta, chăng!

“Bảy mươi hai vị thợ gặt không tên” trong câu chuyện thánh Luca kể, liệu có thể, một lúc nào đó sẽ là chúng ta, chăng! Mà, có lý do gì lại không thể, nhỉ!

Không biết tự bao giờ, hễ nói tới việc trở thành “thợ gặt của Chúa”, không ít người (Công Giáo) cho rằng, đó là việc làm của  các linh mục, tu sĩ nam nữ.

Hãy quên đi những kiểu suy nghĩ như thế này. Bảy-mươi-hai-vị-môn-đệ-không-tên chính là bất cứ người nào được gọi là Ki-tô hữu. Đã đến lúc  chúng ta phải ý thức rằng,  là một Ki-tô hữu, dù được gọi ở vai trò nào trong Giáo Hội, công việc làm thợ-gặt-cho-Chúa là công việc không của riêng ai.

Không của riêng ai là bởi, làm thợ-gặt-của-Chúa nào có khó gì đâu!. Đâu cần phải có bằng tiến sĩ thần học Roma. Đâu cần phải biết năm bảy thứ ngôn ngữ ngoại quốc.

Vâng, chỉ cần chúng ta đến với “chủ mùa gặt” với một “con tim”, một con tim: bác ái, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường. Nói cách khác, đó là một con tim “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” Phụng-sự-Chúa trong-mọi-người, thưa quý vị.

Lịch sử truyền giáo của Giáo Hội đã cho chúng ta biết rằng, tất cả những sứ giả loan báo Tin Mừng, động lực thúc đẩy các vị đó ra đi đều phát xuất bởi “con tim”.

Đức Giê-su, khi chỉ định “bảy mươi hai người khác”, Ngài đã nói: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép”. Trái lại,  Ngài đã khuyên những vị sứ giả của mình “vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”. Vâng, đó chẳng phải là một cử động của con tim, một con tim tràn đầy lòng nhân ái, sao!

Về chuyện “tiền bạc”, tưởng chúng ta nên nhìn tấm gương hai vị sứ giả tiên khởi là tông đồ Phê-rô và Gioan. Ra đi không tiền bạc, nhưng hai vị vẫn được xem là những vị sứ giả  đem đến sự bình an và hạnh phúc cho tha nhân.

Chuyện kể rằng: Một hôm, ông Phê-rô và ông Gioan lên Đền Thờ. Cùng lúc đó, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày người ta đặt anh ta bên cửa Đền Thờ, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí.

Vừa thấy hai vị tông đồ đi đến, anh ta liền xin bố thí. Hai vị tông đồ nhìn thẳng vào anh ta, và niên trưởng Phê-rô nói: “Anh nhìn chúng tôi đây”. Ôi! trời ạ! Tưởng rằng ngư phủ Phê-rô cho anh ta vài ký lô cá, cá khô Biển Hồ, thế nhưng, ai ngờ ông Phê-rô nói: Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây”.

Tông đồ Phê-rô có cái gì? Thưa,  “lòng thương xót của Đức Giê-su người Nazareth”. Hôm đó, ngài Phê-rô lớn tiếng nói với anh ta rằng: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi”.

Đẹp thay dấu chân người sứ giả loan báo Tin Mừng. Hôm đó, anh què “đứng phắt dậy, đi lại được” (x.Cv 3, 1-10)

Thế nên, dù tôi không phải là giám mục, cũng chẳng phải là linh mục hay là tu sĩ, mà tôi chỉ là một bác sĩ, một nữ điều dưỡng, một giáo sư, một người công nhân, một anh chạy Grab, một người phu quét rác bên đường, một người chồng, một người vợ v.v… chúng ta vẫn có thể là một người thợ gặt của Chúa. Chúng ta vẫn có thể “ra đi”.

Vâng, chúng ta hãy ra đi. Nói theo cách nói của Lm. Xuân Đường, chúng ta “Hãу chỗi dậу mà đi, vì Thiên Chúa đang chờ mong con. Hãу chỗi dậу mà đi, trọn con tim dâng về Thiên Chúa.”

Thiên Chúa đang mong chờ chúng ta, chờ chúng ta đến với một thế giới, một thế giới đang ngày càng “bệnh hoạn”, những căn bệnh bại liệt tâm hồn, què quặt bác ái, điếc lẽ thật, mù chân lý v.v… , để chúng ta “Đem yêu thương vào nơi oán thù.  Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”

Chúng ta “phải” chỗi dậy mà đi, nhưng đừng “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” mà hãy đi “đến với người anh em, truyền tin vui: Chúa yêu gian trần.”

Đừng quên, Đức Giê-su đã nói với bảy-mươi-hai-vị-môn-đệ-không-tên, rằng: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh  em đã được ghi trên trời” (Lc 10, 20)

Xin hỏi nhỏ với quý vị một câu hỏi nhé. Tên quý vị đã-được-ghi-trên-trời? Sao! Câu hỏi sao mà “cắc cớ” quá hả! Không, không cắc cớ đâu! Câu hỏi rất dễ trả lời. Rất dễ trả lời, nếu chúng ta không còn ngồi đó mà ray rứt, ray rứt rằng: “Con phải làm gì, con phải làm gì, con phải làm gì, thì lạy Chúa xin Ngài phán đi.”

Chúa Giê-su phán rồi. Ngài chẳng đã phán rằng: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”, đó sao! Vâng, hãy thực hiện lời Đức Giê-su phán truyền. Và, khi chúng ta thực hiện, có phần chắc, tên chúng ta sẽ “được ghi trên trời”, đúng như lời Đức Giê-su đã nói với bảy mươi hai vị môn đệ, năm xưa.

Thế nên, đừng chần chờ gì nữa, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta “Hãy chỗi dậy mà đi.”

Petrus.tran