Hãy can đảm đón nhận sứ vụ Chúa trao

Hãy can đảm đón nhận sứ vụ Chúa trao

Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Kính thưa quý vị,

Hãy can đảm đón nhận sứ vụ Chúa traoNhững ai từng làm tình nguyện cho việc mục vụ giáo xứ, hay cho các tổ chức phục vụ người nghèo, đôi khi nói rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy công việc phục vụ chiếm quá nhiều thời gian và sức lực”. Những nhân viên được trả lương trong các giáo xứ cũng nói với tôi tương tự như thế. Một số người được trả lương cho những việc bán thời gian thường tiêu phí 40 giờ hoặc nhiều hơn nữa. Những nhân viên làm việc cả ngày nhận thấy họ làm việc nhiều giờ hơn hợp đồng thoả thuận, và quên cả những ngày nghỉ cuối tuần! Không ai trong số những nhân viên này xem ra nhận được tiền lương tương tự như những công nhân lành nghề trong các lãnh vực khác. Tăng giờ làm – giảm tiền lương, hoặc không trả toàn bộ tiền lương. Tại sao họ hành động như thế?

Thưa rằng vì họ cảm thấy được mời gọi làm việc đó. Và công việc giáo xứ có thể làm người tình nguyện tiêu hao nhiều sức lực; nói khác đi, hầu hết họ không có được công việc đó. Họ yêu thích những gì họ làm, mặc dù nhức đầu và công việc khó nhọc. (Tất nhiên họ sẽ không từ chối tăng lương!) Nếu những người này phản ánh bài đọc ngôn sứ Giêrêmia thì có lẽ họ sẽ nói với vị ngôn sứ rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng”.

Đoạn lời Chúa hôm nay là một trong những “Lời Thú nhận” của ngôn sứ Giêrêmia (xc. Gr 15,10-21.17,12-18). Những “Lời Thú nhận” cho chúng ta một cái nhìn sơ lược vào đời sống nội tâm của vị ngôn sứ và bày tỏ lòng bác ái của ông. Hãy nhớ rằng, lần đầu khi ông được mời gọi làm ngôn sứ, ông đã quả quyết: “Ôi! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1,6). Thiên Chúa phán với ông: “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA”. Ông Giêrêmia đón nhận sứ vụ của mình, nhưng mặc dù Thiên Chúa diễn tả sứ vụ của ông là “để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,10), thì có người thắc mắc rằng ngôn sứ Giêrêmia chỉ nghe thấy phận vụ xây và trồng. Phải chăng ông quên rằng Thiên Chúa cũng phán với ông rằng ông phải nhổ và lật sao? Hay ông nghĩ rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa trong sứ vụ ngôn sứ của ông sẽ làm cho phận vụ của ông được dễ dàng?

Quả thực, xét thấy đoạn lời Chúa hôm nay thật không dễ dàng chút nào, và ngôn sứ Giêrêmia không ngần ngại thốt lên lời than phiền: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Ngôn sứ Giêrêmia hết sức can đảm; nghe như ông đang buộc tội Đức Chúa đã làm cho ông mê muội. Ông giống như những người tình nguyện và những nhân công trong giáo xứ, họ lấy làm lạ vì đã không đảm nhận nhiều hơn những gì họ có thể đảm nhận với lòng nhiệt thành giúp đỡ người khác, hay phục vụ theo đúng chức vụ. Tôi cam đoan chúng ta, những người đã từng “ở trong vườn nho” đã lâu, đôi khi cũng cảm nghiệm như ngôn sứ Giêrêmia, nhất là khi phải đương đầu với những ai làm những điều bất công, hay những người mạnh thế áp bức người yếu đuối và vô tội. Như ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta có thể cảm thấy mình còn trẻ và thiếu kinh nghiệm (bất kể tuổi tác) khi lần đầu tiên đón nhận sứ vụ.

Các bậc phụ huynh có thực sự biết họ đang dính líu vào những gì khi họ có con cái hay không? Các cặp vợ chồng có ý kiến gì không khi việc kết hôn diễn ra? Những tu sĩ chúng tôi có lý do gì cho việc thi hành những lời khấn hứa trong vòng 20 giây sẽ đòi hỏi chúng tôi vượt qua trong suốt cuộc đời hay không? Những người độc thân, chọn ở một mình và không kết hôn chỉ vì mục đích lập gia đình, có hoài nghi những gì mà cảnh cô đơn đang ở trước mắt họ hay không? Còn các thầy cô giáo thì sao, họ có thắc mắc vì sao họ có đủ nghị lực để duy trì suốt sự nghiệp hay không? Những ai làm việc vì hoà bình, hay hiến dâng đời mình cho việc nuôi dưỡng người nghèo, có biết công việc đó có thể làm nản lòng bất cứ lúc nào hay không?

Chúng ta chẳng khác gì so với ngôn sứ Giêrêmia. Chắc hẳn chúng ta sẽ có những khoảnh khắc, như Giêrêmia, khi chúng ta tìm đến Đức Chúa cùng với sự thất bại không nhỏ vì chúng ta không thành công hay hoàn toàn mệt mỏi và thốt lên rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ…”

Ban đầu, ngôn sứ Giêrêmia cưỡng lại ơn gọi của ông, nhưng giờ đã quá trễ rồi. Thiên Chúa đòi ông loan báo sứ điệp về “bạo lực và lăng nhục” cho dân riêng của Người – cho dân tộc ông biết và yêu mến. Quả là một sứ điệp đầy khó khăn phải không!? Còn gì tệ hại hơn khi dân tộc ông không hiểu rõ giá trị sứ điệp ông loan báo, bởi vì, xét cho cùng, họ là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa không bao giờ để họ ngã xuống hay bị dân tộc khác khuất phục. Vì thế, họ nhạo báng ngôn sứ Giêrêmia.

Trước lời khước từ này, Thiên Chúa không an ủi người tôi trung bị bủa vây. Trong câu trả lời, ngôn sứ Giêrêmia quyết định sẽ không nói nhân danh Thiên Chúa nữa. Nhưng quý vị nhớ rằng Lời Chúa đã được gieo vào lòng ông, đó là Lời hằng sống bừng cháy, không thể làm ngơ được. Ông chống chế trong vô vọng: “Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được”. Giêrêmia là khí cụ của Thiên Chúa và ông không thể cưỡng lại trách vụ Thiên Chúa đã đặt nơi ông – dầu ông bị dân chúng chế giễu khi thi hành nhiệm vụ Thiên Chúa trao.

Chúng ta có thể cảm thông với cuộc đấu tranh ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia. Làm sao ông có thể hoàn trọn sứ vụ khi ông cảm thấy bị Thiên Chúa phụ bạc? Thực ra, Giêrêmia cảm thấy bị Thiên Chúa bắt phải đón nhận sứ vụ Người trao cho ông, “…Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng”. Giêrêmia đã không nắm bắt thời cơ và xem ra ông tự hỏi: “Làm thế nào mà tôi đã rơi vào hoàn cảnh thế này đây?”

Thật không dễ tìm ra câu trả lời trong đoạn Lời Chúa hôm nay. Nhưng phải chăng lời ấy khích lệ và làm tỉnh táo khi nghe lời than phiền thẳng thừng và táo bạo của ngôn sứ Giêrêmia đối với Thiên Chúa? Thiên Chúa của ông đích thân mạc khải cho ông để bày tỏ cơn thịnh nộ mà ông nhận ra. Chúng ta giống như những khán giả đang xem trận đấu vật và biết chắc ai sẽ giành chiến thắng!

Chúng ta biết câu chuyện sẽ bộc lộ ra sao. Giêrêmia sẽ trung thành với sứ vụ làm ngôn sứ, bất kể sứ vụ ấy khó khăn thế nào. Mẫu gương trung tín của ông là cách thức chúng ta mong muốn trong cuộc đời mình, vì thế, chúng ta có thể dừng lại và hoàn trọn lời mời gọi mà mỗi chúng ta đã được trao cho khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, đó là trở thành “tư tế, ngôn sứ và vương giả”. Nếu Giêrêmia là mẫu gương, phận vụ ngôn sứ trong lời mời gọi của chúng ta có vẻ là phận vụ khó khăn nhất. Tuy nhiên cuộc đời ông, gặp nhiều khó khăn, được trợ sức bởi Thiên Chúa, Đấng đã phán với ông trong khi ông còn trẻ: “Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi” (Gr 1,9). Những gì Thiên Chúa gieo vào lòng chúng ta, Người sẽ nuôi dưỡng và dõi theo cho đến khi hoàn tất.

Gần đây, tôi được nhắc nhớ về những lời đã nghe ở đây trong tu viện chúng tôi. Chúng tôi tiếp nhận 3 tập sinh mới vào cộng đoàn của mình. Gần cuối nhiệm kỳ, vị giám tỉnh của chúng tôi, người đã tiếp nhận 3 tập sinh vào Dòng Đa Minh, đã nói: “Nguyện xin Thiên Chúa hoàn tất những gì tốt đẹp Người đã khởi sự nơi anh em”. Những lời này thật đúng cho các tập sinh của chúng tôi; cho ngôn sứ Giêrêmia cũng như cho chúng ta. Thiên Chúa sẽ hoàn trọn công việc riêng tư và khó khăn mà Người đã trao cho chúng ta. Chúng ta cầu nguyện để có được cảm thức sâu sắc về ơn gọi trong cuộc đời mình, đồng thời trong Thánh lễ này, chúng ta cũng cầu xin có đủ ý thức để nhận biết khi nào phải từ bỏ, và để Thiên Chúa là Thiên Chúa đối với chúng ta.

Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ

Trả lời