Hành Trình hay là Biến Đổi

Hành Trình hay là Biến ĐổiG. Nguyễn Cao Luật, op

Hành Trình hay là Biến Đổi
Ga 1,35-42

Lời mời gọi làm biến đổi cuộc đời

Giai đoạn từ sau khi Ðức Giêsu chịu phép rửa đến tiệc cưới Ca-na là một thời kỳ chuyển tiếp giữa Cựu và Tân Ước. Ðối với các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, đây là những ngày có tầm quan trọng đặc biệt, có tính cách quyết định : các ông sẽ trở thành môn đệ của Ðức Giêsu, các ông sẽ nhìn thấy nước được biến thành rượu, các lời hứa được thực hiện. Ðêm trở thành ngày, nghi ngờ biến thành đức tin.

Bên bờ hồ, ông Gioan đang đứng với các môn đệ của mình, như tượng trưng cho quá khứ đã dừng lại. Còn Ðức Giêsu đi ngang qua và các môn đệ ông Gioan tiến đến với Ðức Giêsu : hình ảnh của tương lai. Qua lời giới thiệu của ông Gioan, hai người môn đệ bắt đầu cuộc gặp gỡ với Chiên Thiên Chúa, và sau đó chia sẻ cuộc sống với Người : họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy.

Con đường của các môn đệ đến với Ðức Giêsu được mở rộng thêm với lời mời gọi “Hãy đến mà xem” , kèm theo một tình thân mật mà không có gì có thể lật ngược lại. Con đường này diễn ra không phải bằng lời nói nhưng bằng cuộc tiếp xúc với thực tại, bằng việc đi sâu vào cuộc sống và chia sẻ cuộc sống đó.

Ði theo Ðức Kitô, các môn đệ đã xem và đã ở lại với Người. Tuy vậy, các ông không ở lại luôn đó Trong truyền thống Do-thái, việc đặt tên cũng có nghĩa là ban tặng cuộc sống.

Ðức Giêsu ban cho ông Simon một đời sống mới, kiện toàn đời sống đang có sẵn. Ðời sống mới này được diễn tả qua một nhiệm vụ mới : “Phêrô – Ðá”. Như thế Simon Phêrô vẫn là con người đó nhưng đồng thời cũng là một người khác : ngay ở bên trong con người, có một đời sống mới, một trách nhiệm mới. Kê-pha : đó là tên gọi đầy yêu thương mà Con Người dành cho ông Simon. Từ nay trở đi, người thợ chài lưới tên là Phêrô sẽ phải nỗ lực để xứng đáng với tên gọi đó, qua đời sống làm môn đệ Ðức Giêsu, cho đến một ngày chính ông sẽ gọi Người là Con Thiên Chúa.

Câu chuyện về cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Ðức Giêsu với các môn đệ là khởi đầu cho một con đường dài, cho mầu nhiệm hiệp thông : trời cao đã thầm thì những tên gọi vẫn được giấu kín, và ngược lại, trời cao chờ đợi trái đất khám phá và gọi lên danh hiệu của Thiên Chúa.

Một sự gắn bó

Xưa kia, trong Ðền Thờ, cậu bé Sa-mu-en đã nhanh nhẹn đáp lại khi nghe được tiếng nói bí ẩn đang gọi cậu. Cậu đã chỗi dậy, sẵn sàng đón nhận tấm lòng ưu ái giúp cậu nhận ra chính Ðấng đã gọi cậu.

Con đường dài của các ông Phêrô, Anrê, Gioan – và của tất cả mọi người – đã được bắt đầu từ xa xưa với cuộc di cư của tổ phụ Áp-ra-ham và cuộc xuất hành khỏi Ai-cập của dân Ít-ra-en.

Con đường này có đích điểm là Giêrusalem thiên quốc, là tận cùng thế giới. Ðó là một cuộc ra đi đòi phải có lòng kiên trì ; đó là một hành trình rất dài trong sương mờ để dần dần các ông nhận ra người thợ mộc khiêm tốn của làng Na-da-rét cũng chính là Chiên Thiên Chúa.

Một hành trình như thế, một cuộc biến đổi như thế không chỉ là nỗ lực của trí óc, nhưng là một bước nhảy của tâm hồn. Tuy thế, vẫn cần phải có thời gian, phải có sự quen thuộc. Chính vì vậy, Ðức Giêsu đã quay lại nhìn những người đang e dè bước đi theo mình và đưa ra lời đề nghị : “Hãy đến mà xem”.

Có thể giải thích lời đề nghị ngắn ngủi này như sau : “Anh em hãy đến ở với tôi, chia sẻ cuộc sống của tôi. Hãy tiếp xúc với tôi và loại bỏ mọi thành kiến, mọi ý tưởng có sẵn, rồi các anh sẽ dần dần quen thuộc với con người lạ kỳ của tôi, hiểu được con người được sai đến đầy bí nhiệm, con người mang nhiều tước hiệu mâu thuẫn : kẻ bịp đời và Thầy, con loài người và con Thiên Chúa, Chúa và Con Chiên.

Như vậy, quả là một hành trình khó khăn đối với các môn đệ cũng như cho tất cả mọi người. Người ta không thể lấy làm thoả mãn vì những điều đã có. Ðức tin chỉ sáng tỏ dần vào cuối một con đường, nó mọc lên như bình minh rực rỡ thêm dần theo bước chân của người đi săn.

Phải nói thêm rằng, hành trình này là một khát vọng, một sự biến đổi không ngừng. Sau một chặng đường tìm kiếm, ông Anrê đã nói với em mình là ông Simon : “Chúng tôi đã gặp thấy Ðấng Mêsia”. Lời giới thiệu này khởi đầu cho cuộc hành trình của ông Simon để “sẽ được gọi là Kêpha”, đồng thời cũng đưa tất cả các ông vào một chặng đường mới. Ðức Giêsu luôn nhấn mạnh với các ông về sự thay đổi, về sự hoán cải dựa trên những xác tín đã có. Nếu người ta đã tìm thấy Ðấng Mê-si-a, thì vẫn chưa phải là lúc nghỉ ngơi, vẫn chưa có quyền ở lại một chỗ ; trái lại, đó là lúc chấp nhận cách mãnh liệt hơn, cách tin tưởng hơn thân phận của Ðấng Mê-si-a theo cách thức của Thiên Chúa, và cũng là dám phiêu lưu trong niềm tín thác để vừa là chính mình vừa là một người khác, vừa là con người vừa là con Thiên Chúa.

Gặp gỡ để đáp trả

Vậy, bài Tin Mừng này khích lệ và củng cố chúng ta.

Trước hết, chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và trao tặng cho mỗi người một tên gọi riêng phù hợp với con người và sứ mạng của chúng ta. Mỗi người đều có một tên gọi riêng, tên gọi vĩnh cửu được khắc vào một viên sỏi trắng mà chỉ chúng ta mới biết (x. Kh 2,17). Mỗi chúng ta có nhiệm vụ khám phá tên gọi đó và đáp lại tình thương của Thiên Chúa bằng một đời sống phù hợp. Ðó chính là hành trình của chúng ta.

Ngoài ra, bài Tin Mừng còn an ủi chúng ta nếu chúng ta gặp thấy những vấn đề trong đời sống đức tin. Ðó là chuyện bình thường. Tuy vậy, chúng ta không được khép kín nơi chính mình, không được đứng yên một chỗ và thoả mãn với những điều đã tìm được. Ðức Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy đến mà xem căn nhà của Người, hãy đến gặp gỡ Người. Hãy đến mà xem Người sống thế nào và múc nước từ nguổn mạch nào. Hãy đi sâu vào bí mật của Người và hãy để lòng mình được sưởi ấm nhờ sự hiện diện của Người. Hãy tiếp xúc với Người và mắt của chúng ta sẽ bừng sáng.

Ngạn ngữ cỗ có câu : “Hãy cho tôi biết anh tiếp xúc với ai, tôi sẽ cho anh biết anh là ai”. Chúng ta có thể áp dụng câu ngạn ngữ này vào bài Tin Mừng hôm nay và thấy thật là thích hợp. Nếu chúng ta thường xuyên tiếp xúc với Ðức Giêsu, nếu chúng ta sống trong tình thân mật với Người, thì chúng ta sẽ dần dần nên giống như Người, sẽ trở nên môn đệ đích thực của Người.

Sống với Ðức Giêsu, đó là nhìn xem với cặp mắt của Người, yêu thương với tấm lòng của Người và hành động với sức mạnh của Người.

Hãy dành những khoảnh khắc để nghe được lời mời yêu thương của Ðức Giêsu. Hãy dành thời gian để đến xem chỗ Người ở. Mỗi lần hãy ở lại lâu hơn. Hãy trở lại đó thường xuyên và dần dần chúng ta sẽ được biến đổi.

* * *

Lạy Chúa,
Chúa muốn chúng con đưa Chúa đi
trên mọi hành trình của cuộc sống
trên những lối quen thuộc hằng ngày.

Chúa muốn chúng con thưa lên với Chúa :
Xin hãy đến và bước đi cùng với chúng con,
xin đừng chậm trễ,
xin đến và nhìn xem
nơi chúng con đang ở ;
xin ở bên chúng con
để mắt chúng con bừng mở
và hy vọng được nảy sinh.

Bấy giờ, nếu Chúa muốn,
chúng con sẽ bước đi theo Chúa
đến những miền xa xăm.
(theo J.Y.Quellec)

Trả lời