Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

 

Hành hương đến với
Cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp

+ Tiểu sử cha PX. Trương Bửu Diệp.
+ Clips hình : Hành hương Tắc Sậy.
+ Video : Hành hương Tắc Sậy
+ Chủ Chí : tình thương mến thương.

Hành hương đến với cha Trương Bửu DiệpTắc Sậy vẫy gọi

Tắc Sậy. Tên gọi cho chúng ta cảm giác về một địa danh xa xôi hẻo lánh. Mà quả đúng như vậy vì Tắc Sậy thuộc tỉnh Bạc Liêu, vùng tận cùng đất nước. Thế nhưng, có lẽ không tín hữu Việt Nam nào lại không biết đến địa danh này, vì nó gắn liền với một nhân vật nổi tiếng, cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp (1897-1946).

Từ ba thập niên qua, Nhà thờ Tắc Sậy với cha Trương Bửu Diệp đã trở thành một địa chỉ hành hương. Số người tuốn về dây ngày càng đông. Bao nhiêu ơn lành đã được Thiên Chúa trao ban nhờ lời chuyển cầu của Cha Phanxicô. Mộ phần của Cha đã đón nhận vô số người từ thập phương tề tựu về đây xin khấn, trong đó có đông đảo bà con lương dân. Nhiều Việt kiều về thăm gia đình ít ngày cũng cố thu xếp để đi Tắc Sậy. Năm 1997, Giáo Phận Cần Thơ đã chính thức đặt nhà thờ Tắc Sậy thành Trung tâm Truyền giáo Phanxicô của Giáo Phận.


Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

Chính vì thế, khi Hội đồng Mục vụ giáo xứ Đaminh lên kế hoạch tổ chức chuyến hành hương Tắc Sậy vào thứ bảy 03.03.2012, số người đăng ký tham gia vượt mức dự tính, đến 225 người ngồi kín năm xe 45 chỗ. Đặc biệt trong chuyến đi này, có sự tham gia của năm cha trong Tu viện thánh Anbêtô. Các cha Giuse Công Chỉnh, Phanxicô Trung Hiệu, Phêrô Mạnh Hùng, Giuse Quốc Văn và Đaminh Bình Tiên. Mỗi cha xe một xe, thật đẹp … như đã được an bài.

Hành hương đến với cha Trương Bửu DiệpHương – Hoa và Nến nơi mộ phần

Hành Trình và Linh Địa

Kinh nghiệm các chuyến hành hương trước, HĐMV đã tổ chức cách khoa học. Mỗi người được phát một bảng tên có mầu riêng theo số xe, trên đó ghi tên và số ghế. Nên mọi người chỉ cần đến trước giờ khởi hành, vì trước khi lên xe họ đã biết chỗ của mình. Mỗi xe có một người chịu trách nhiệm, nước non và ẩm thực đều được chuẩn bị và phân phối.

Đúng giờ hẹn, 21 giờ tối thứ sáu 02.03, năm chiếc xe khách cùng chuyển bánh, cùng ngừng một chặng giữa đường. Dĩ nhiên hoàn cảnh mỗi xe có khác. Có xe bị chặn vì chạy lố tốc độ, có xe đi đường khác đến Cà Mâu rồi mới vòng ngược trở lại. Nhưng tất cả đều có mặt tại khuôn viên thánh đường Tắc Sậy trong khoảng 4g15 đến 4g45 sáng hôm sau.

Hành hương đến với cha Trương Bửu DiệpNhà thờ Tắc Sậy – Click để xem hình lớn

Với những ai đi lần đầu, chắc chắn họ phải bất ngờ trước những công trình kiến trúc tại đây. Thánh đường có ba tầng, tầng trệt dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, tầng hai có nhà nguyện riêng cho các phái đoàn muốn dâng lễ riêng, và trên cùng là Thánh đường chính, rộng lớn với sức chứa trên ngàn người, chưa kể phần gác đàn và hành lang cánh.

Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

Nơi an nghỉ của cha FX Trương Bửu Diệp

Không kể khu vực nhà xứ và nhà trọ phía bên phải, thì phía bên trái thánh đường là “Nơi An Nghỉ Cha F.X. Trương Bửu Diệp”, xây dựng theo kiến trúc Á Đông với cửa tam quan, vừa vững chãi vừa uy nghi. Phần chánh điện được thiết kế như một nhà thờ, với mộ phần cha Phanxicô ngay trước bàn thờ giữa cung thánh. Ngay từ lúc tinh sương, nơi đây đã đông đảo người kính viếng, nghi ngút hương trầm, rực rỡ hoa thơm cộng với hàng trăm cây nến lung linh, tạo nên một bầu khí linh thiêng kỳ diệu. Một số người đem theo những chai nước, cầu khẩn bên mộ vị chứng nhân đức tin và đem về nhà như một thứ nước phép.

Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

Khu mộ phần cũ của cha Phanxicô

Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên đã cử hành nghi thức di hài cốt của cha Phanxicô đến vị trí hiện nay ngày 04.03.2010, trước khi Cung hiến Thánh Đường Tắc Sậy ngày 03.12.2010. Khu vực mộ phần cũ, giờ đây được xây trùm lên một kiến trúc xinh xắn, được coi như nơi lưu trữ các di tích của cha Phanxicô.

Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp


Tạ Ơn và Cầu khẩn

Hiệp dâng thánh lễ 5 giờ với cộng đoàn, chúng tôi hoà vào dòng người hành hương đông đảo ngồi kín cả nhà thờ. Được sự uỷ quyền của cha sở Tắc sậy Gioan Nguyễn Thanh Bình, cha Giuse Lưu Công Chỉnh chủ sự thánh lễ, cùng đồng tế với ngài có Cha sở Gioan, quý cha trong đoàn và một cha gốc giáo phận Vĩnh Long. Khởi đầu thánh lễ, cha kêu mời mọi người dâng lời tạ ơn Chúa, cám ơn cha Trương Bửu Diệp và cầu khẩn cho tiến trình phong chân phước của Ngài được tiến triển tốt đẹp.

Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

Dựa trên lời Chúa trong bài tin mừng : “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Cha PX. Đào Trung Hiệu nhắc cộng đoàn nhớ lại mình đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên phải học nơi Ngài lòng quảng đại yêu thương, noi theo mẫu gương tình yêu của Chúa Giêsu, và dõi theo mẫu gương của cha Trương Bửu Diệp, vị mục tử sẵn sàng thí mạng cho đoàn chiên, và không ngừng thi ân giáng phúc cho những ai tin tưởng nhờ ngài chuyển cầu.

Hành hương đến với cha Trương Bửu DiệpBầu khí thánh đường – Click để xem hình lớn

Kết thúc thánh lễ, tất cả đoàn hành hương cùng đến bên mộ phần cha Phanxicô. Cùng với cộng đoàn chúng tôi gửi gắm nơi ngài lời cầu nguyện cho giáo hội, cho giáo xứ, và những tâm sự cá nhân, đặc biệt xin biết noi theo gương đời sống của ngài.

Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

Chúng tôi họp thành những nhóm nhỏ để điểm tâm, tiếp tục cuộc tham quan và khẩn nguyện. Nhân dịp này, quý cha và cộng đoàn cũng ghé thăm Phòng triển lãm tác phẩm điêu khắc của Duy Chinh và Ban Mỹ Thuật Đaminh. Riêng cha nguyên Chánh xứ Phanxicô và Hội đồng Mục vụ thì đại diện cộng đoàn, thực hiện chuyến thăm viếng và chia sẻ bác ái với bà con giáo xứ Chủ Chí.

Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

Tâm sự – nói nhỏ với cha

Khoảng 8 giờ sáng, tất cả đoàn đều lên xe và về đến nhà thờ Đaminh vào khoảng 16 giờ.
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được hoà vào dòng chảy niềm tin của Dân Chúa, để nhớ rằng cuộc đời chúng con là một chuyến lữ hành. Nhờ lời chuyển cầu của cha Phanxicô, xin Chúa nhậm lời chúng khẩn nguyện, sống công chính và bác ái, để danh Chúa được tỏ rạng, và mọi người được sống trong tình yêu của Chúa.

Hành hương đến với cha Trương Bửu Diệp

Có lẽ với mọi người, khó có thể quên được những hàng chữ ghi trên cuốn sách mở trên tay pho tượng cha Trương Bửu Diệp đang ngồi, đó là câu Lời Chúa “Anh hãy về, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.


Trả lời