Gioan B., chứng nhân khiêm nhường

 

Gioan B., chứng nhân khiêm nhường

 

 

Gioan B., chứng nhân khiêm nhườngThế kỷ thứ 19, có thể nói, đó là một thế kỷ của “trăm hoa đua nở” những phát minh khoa học. Nói đến những phát minh khoa học, chúng ta không thể không nhắc đến một nhà phát minh vĩ đại thời đó: ông Thomas Edison với kỷ lục 1097 bằng phát minh hữu dụng cho nhân loại.

Trong 1097 phát minh, có thể nói, phát minh bóng đèn điện chính là phát minh đã đưa Thomas Edison lên đến đỉnh cao của danh vọng.  

Vào thời đó, người ta sử dụng đèn hồ quang, một loại đèn được phát minh vào khoảng năm 1809. Có quá nhiều bất cập khi sử dụng loại đèn này, nào là luôn phải thay thỏi than, rồi đèn còn phát ra tiếng cháy nghe như tiếng ong kêu, chưa nói tới sức nóng quá cao, kèm theo một mùi khó chịu, thật không thích hợp cho việc xử dụng trong nhà.

Với phát minh ra bóng đèn điện, “Thầy phù thủy ở Menlo Park” – danh hiệu một nhà báo đặt cho ông – đã đem “ánh sáng” đến tận phòng ngủ cho mỗi gia đình.

*****

Hơn hai mươi thế kỷ trước, nhân loại cũng đã nhận được một thứ “ánh sáng” nhưng không phải là thứ ánh sáng được hình thành bởi những nguyên lý hay định luật, mà là một thứ “ánh sáng – ánh sáng thật” phát xuất bởi tình yêu của Thiên Chúa.

“Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan”. Ông như một chứng nhân về nguồn “ánh sáng thật” đó. Ông không phải là người ban nguồn “ánh sáng thật”, nhưng “ông đến để làm chứng” rằng “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”.

Ông Gioan là ai ? Kinh Thánh ghi lại rằng : Ông là “một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ” (Mc 6, …15). Đây không phải là danh hiệu “tự phong” của một số người mến mộ ông.

Chính sứ thần Chúa, trong một lần hiện đến với cha của ông, đã loan báo về điều đó rằng, “Ngay khi còn trong lòng mẹ em đã đầy Thánh Thần.. Được đầy Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1, 15… 17).

Quyền năng của ngôn sứ Êlia là gì ? Xin thưa, đó không phải là thứ quyền năng “hô phong hoán vũ” mà xưa kia ngôn sứ Êlia đã dùng để đánh bại “bốn trăm năm mươi người ngôn sứ của Ba-an” nhưng là thứ quyền năng làm cho “nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ”… một thứ quyền năng làm cho “tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay…” (Lc 1, 16-17).

Nhận được từ Thiên Chúa một thứ quyền năng như thế, vâng, hỏi sao sau này Đức Giêsu lại chẳng nói về ông rằng “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lc 7, 28).

Cao trọng là thế nhưng cuộc sống của ông Gioan lại rất âm thầm. Ông đã sống “trong hoang địa cho đến ngày ra mắt Israel” (Lc 1, … 80).

Một chút tâm tình…

Sống trong hoang địa, “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, một cuộc sống như thế ông Gioan không thể đứng trong “top” những người “sang trọng” nhưng trong sứ mạng của ông, ông lại là một người rất “quan trọng”.

Bởi nếu không là người quan trọng thì cớ gì ngay khi mới chào đời được tám ngày, người ta đã phải “để tâm suy nghĩ và tự hỏi : Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”. Không là người quan trọng thì Đức Giêsu đã không nói ông “còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Lc 7, … 26) !!!

Quan trọng như thế nhưng Gioan lại rất khiêm nhường. Thật vậy, “Khi sắp hoàn thành sứ mạng, ông Gioan đã tuyên bố : Tôi không phải là Đấng anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Ngài” (Cv 13, 25).

Ông Gioan, môt con người như thế, hỏi sao Đức Chúa lại không gọi ông “Từ khi còn trong lòng mẹ”. (Is 49, …1).

Một phút suy tư…

Mùa Vọng hay Mùa Chay, ông Gioan được nhắc đến như là một người “sứ giả của Chúa”. Còn hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa cho chúng ta thấy Gioan xuất hiện trong hình hài “con trẻ được tám ngày và chịu phép cắt bì”.

Có bao giờ chúng ta nhớ lại ngày chúng ta tròn tháng và được cha mẹ đem đến nhà thờ để chịu “bí tích Rửa Tội” ?

Ngày Gioan chịu phép cắt bì cũng chính là ngày ông mang tước hiệu là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao”.

Còn chúng ta ! Đừng quên, bí tích Rửa Tội không chỉ cho chúng ta được sinh lại vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở nên con Thiên Chúa và con Hội Thánh, nhưng còn cho chúng ta được dự phần vào những chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Giêsu Kitô.

Chính vì thế, cũng như ông Gioan xưa, chúng ta cũng được Chúa “nhắc đến tên” và dùng chúng ta để “biểu lộ vinh quang” của Người. Và nhất là để mang “Ánh Sáng Chúa Kitô” đến tận tâm hồn mỗi người.

Đã bao nhiêu năm là Kitô hữu, chúng ta đã làm điều này ? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay hôm nay. Bởi vì “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49, …1)

Petrus.tran

 

Trả lời