Giáo Dục Kitô Giáo Trong Gia Đình

Giáo Dục Kitô Giáo Trong Gia Đình

 

HỌC HỎI THƯ MỤC VỤ HĐGMVN

Ngày 05–12-2008 Hội Đồng Giám Mục đã ra thư chung về môi trường giáo dục trong gia đình công giáo. Thư chung có 20 số. Nội dung ngoài phần dẫn nhập và kết luận, thư chung xoay quanh ba chủ đề chính:

– Nền tảng của việc giáo dục gia đình (5 số).
– Gia đình trong bối cảnh Việt Nam hôm nay (4 số).
– Một số chỉ dẫn mục vụ (7 số).

Lời mời gọi của các chủ chăn: “chúng tôi mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy cộng tác trong việc vun trồng những thế hệ tương lai. Nếu gia đình là nhân tố quyết định sự tồn vong của Giáo Hội và xã hội, thì việc đầu tiên chúng ta phải nghĩ tới là củng cố và thăng tiến gia đình, để bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống yêu thương tràn đầy và sự thăng tiến về nhân bản cũng như lòng đạo đức.” (số 20).

1. Mẫu gương của Thánh Gia Thất

Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình, mà lại là một gia đình nghèo. Ngài cũng có cha mẹ như bao trẻ thơ khác, như mỗi người chúng ta. Và cha mẹ Ngài cũng là những người lao động, phải sống bằng mồ hôi nước mắt như hầu hết các gia đình khác. Là Thiên Chúa, Ngài đã đến với loài người như một con trẻ, bé bỏng, cần đến sự đùm bọc, che chở của những người thân. Cũng như bao trẻ em khác, Ngài cũng bị những biến cố lớn nhỏ của gia đình và xã hội chi phối, đưa đẩy, ảnh hưởng.

Rồi những năm thơ ấu, những thời kỳ thơ ấu và thành niên, Chúa Giêsu đã sống bên cạnh Đức Maria, Mẹ Ngài và Thánh Giuse, cha nuôi Ngài. Ngài cũng đã phải tập đi, tập nói, tập đọc, tập viết. Ngài cũng đã phải học Thánh Kinh, Lề Luật. Ngài cũng đã phải tập lao động với những dụng cụ như cưa, bào, đục… trên những khúc cây, tấm ván. Ba mươi năm tại Nagiarét là một chuỗi ngày bình dị, như hàng trăm gia đình cùng thôn làng, như hàng triệu cuộc sống của con người qua các thời đại.

Trong thời kỳ ẩn dật, vì Chúa Giêsu không để lộ chân tính đích thực của mình ra cho những người chung quanh biết. Đó cũng là thời gian chuẩn bị cho quãng đời công khai của Ngài, theo nghĩa là Ngài tích lũy cho mình những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho việc rao giảng Nước Thiên Chúa sau này.

Dưới một khía cạnh khác, chúng ta có thể nói, đó là những năm tháng trao đổi, cho và nhận giữa Con Thiên Chúa và gia đình nhân loại, được đại diện nơi Thánh Giuse và Đức Maria. Nếu chỉ là Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế không cần phải nhận ở nhân loại một thứ gì cả. Nhưng vì Ngài là Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta, nên Chúa Giêsu đã nhận rất nhiều của những người thân, nhất là của Mẹ Maria: cưu mang, sinh đẻ, nuôi dưỡng, giáo dục. Ngài cũng đã nhận rất nhiều từ cộng đoàn Nagiarét, từ Hội đường Do Thái, từ cuộc sống của những người chung quanh, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, lao động. Chúng ta khó hình dung được những điều đó, vì chúng ta có khuynh hướng đặt Thiên Chúa ở chốn cao xa mà quên điều hệ trọng là Thiên Chúa đã làm người, đã nhập thể và nhập thế.

Chúa Giêsu đã nhận rất nhiều từ gia đình nhân loại, nhưng thực ra Ngài còn cho nhiều hơn, vì Ngài đã cống hiến tất cả cho chúng ta, cả bản thể Thiên Chúa, cả năm tháng, cuộc sống và cái chết của Ngài, một cách âm thầm, khiêm tốn vô vị lợi.

Trong cuộc sống bình dị nhưng chất chứa bao tình thương ấy, Chúa Giêsu đã sống thân mật với Cha Ngài, đã sống hiếu thảo với cha mẹ trần thế của Ngài, đã sống chan hòa bác ái với những người chung quanh. Rồi cha mẹ Ngài là những người kính sợ Thiên Chúa cũng đã sống hết mình với Thiên Chúa, tận tụy và thương yêu con cưng của mình. Giữa Đức Maria và Thánh Giuse thì thật là một mối liên hệ có một không hai trong lịch sử loài người, chắc chắn tình yêu thương đậm đà và lòng tôn kính là những nét đặc thù nhất, khiến Thánh Giuse được gọi là người công chính, còn Maria là người có phúc hơn mọi người phụ nữ.

2. Gia đình và việc giáo dục đức tin

Gia đình là Giáo Hội thu hẹp, chính trong gia đình, đức tin được đón nhận, được thể hiện, được chuyển dịch vào cuộc sống và được thông truyền từ người lớn. Nơi đây đức tin được truyền thụ qua những buổi tối cầu nguyện chung: “Hình ảnh một gia đình công giáo Việt Nam được ghi đậm nét do việc mọi thành viên cùng cầu nguyện chung với nhau. Giờ cầu nguyện chung giúp các thành viên trong gia đình gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn. Cầu nguyện chung là yếu tố quan trọng giúp hòa giải những mâu thuẫn gia đình và làm cho mọi người dễ tha thứ cho nhau.” (số 14).

– Đức cố Hồng Y Marty, nguyên Tổng Giám Mục Giáo phận Paris, gợi lại những kỷ niệm đáng nhớ của gia đình mình: “Tôi đã bập bẹ những tiếng đầu tiên về Thiên Chúa, khi nhìn mẹ tôi và cha tôi đọc kinh cầu nguyện. Tôi đã học biết sự sống, học biết sự chết, tôi đã học biết thế nào là yêu thương trong cuộc sống hằng ngày, khi tôi giao tiếp với thân nhân và những người quen thuộc. Tôi yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Giáo Hội như đã yêu mến mẹ tôi. Tôi không học mà cũng biết người phụ nữ đó đã cho tôi sự sống và mạc khải cho tôi tình yêu”.

Con cái được truyền thụ đức tin ngay từ tấm bé. Con vừa mọc răng đã được học “ạ Chúa ạ Mẹ”, con vừa bập bẹ đã được dạy cho làm dấu thánh giá. Tất cả tưởng chỉ là thói quen của lòng đạo đức bình dân, nhưng đã trở thành lối sống tự nhiên như hơi thở cần thiết cho mọi gia đình công giáo.

Gia đình ông Renaud và bà Bernadette đã tâm sự: Chúng tôi không có lý thuyết nào về việc giáo dục Đức Tin cho con cái. Ngay từ đầu, chúng tôi chỉ có một mơ ước nhỏ bé. Đó là hết lòng yêu thương cũng như trìu mến chăm sóc con cái. Về phương diện thiêng liêng, trái tim cần lớn lên. Do đó, lời chúc lành và kinh nguyện đọc bên cạnh chiếc nôi là phương thế hữu hiệu nhất giúp trẻ thơ làm quen với sự hiện diện của THIÊN CHÚA, Chủ Tể trời đất muôn vật.

Chúng tôi giáo dục và thông truyền Đức Tin bằng chính cuộc sống. Chúng tôi sống sâu xa Đức Tin và dành thời giờ phụng sự THIÊN CHÚA cũng như giúp đỡ tha nhân.

Một gia đình trẻ đã chia sẻ: sở dĩ anh chị thuộc kinh là vì cậu con trai đầu lòng 6 tuổi. Anh chị bận đi làm, bé ở nhà với bà nội và được bà dạy cho đủ thứ kinh và các bài hát đạo, tối nào cứ 8 giờ, bé trao cho mỗi thành viên trong gia đình những chuỗi hạt và xin đọc kinh tối gia đình.

Đức tin là hồng ân đến từ Thiên Chúa nhưng cha mẹ không truyền đức tin cho con cái bằng chính cuộc sống đức tin của mình.

Điểm nhấn mục vụ:

– Cổ võ đọc kinh tối gia đình. Khuyến khích thói quen cả gia đình đều đi dâng lễ.
– Cổ võ năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.

3. Gia đình và giáo dục đức ái

Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. (số 15).

Gia đình là cái nôi đầu tiên đón tiếp con người và cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết của cuộc sống và hạnh phúc. Đối với các kitô hữu, gia đình còn mang một ý nghĩa khác nữa: đó là một cộng đoàn yêu thương phản ảnh cộng đoàn của Thiên Chúa, theo gương gia đình Nagiarét.

Chức năng nhiệm vụ ấy cha mẹ chỉ có thể hoàn thành được nếu biết yêu thương và tha thứ như chính Chúa Kitô đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Đó là quy luật trọng yếu trong mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa con cái và cha mẹ. Vì trong cuộc sống gia đình, con người có thể biến cuộc sống ấy thành thiên đàng hay hỏa ngục trần gian. Cuộc sống gia đình tạo cho cha mẹ những cơ hội quý báu để thực hiện tinh thần yêu thương quên mình, mưu tìm hạnh phúc cho người khác.

Bầu khí yêu thương trong gia đình trở thành mái ấm, thành dòng suối mát, để con cái lớn lên. Chúa Giêsu may mắn được hưởng bầu khí yêu thương của mái ấm gia đình Nagiarét: “còn hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Chính bầu khí yêu thương sẽ là môi trường tuyệt hảo để gia đình sẵn sàng đảm nhận vai trò là trường đào tạo đầu tiên và có ảnh hưởng suốt đời của một con người. Những đức tính nhân bản được tuần tự xây dựng ở đây để từ hạt mầm nguyên mẫu sẽ được lớn lên và tăng trường theo tuổi đời.

Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy con từng bước theo tuổi: từ mầm chồi lá, đến tiểu học, trung học, đại học và sau đại học. Tất nhiên theo mỗi giai đoạn cần có sự hướng dẫn thích hợp. Đó là thiên chức và cũng là trách nhiệm của đấng bậc sinh thành.

Chim dạy con vỗ cánh, và gà dạy con kiếm mồi, cha mẹ trong gia đình dạy con lẽ phải, tình người, lễ nghĩa, gia phong, để khi cất lời, con cái sẽ hòa chung tiếng hát: Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực.

Trong một cuộc khảo sát nơi các bạn trẻ, chúng tôi đặt ra câu hỏi: con cái cần gì nhất nơi cha mẹ?

Một số bạn trẻ đã trả lời: họ mong được dạy dỗ hướng dẫn, mong được lắng nghe, mong được chăm sóc vỗ về thương yêu, nhiều bạn ấn tượng ghê sợ khi chứng kiến cha mẹ cãi vã đánh nhau. Có một bạn đã tâm sự:

“Tôi luôn bị ám ảnh, ngay cả trong giấc ngủ, bởi tiếng chửi mắng của mẹ tôi, những từ ngữ thật nặng nề. Tôi chưa bao giờ dám tâm sự điều gì với ba mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã tập cho mình cách sống chịu đựng, phải tự giải quyết những khó khăn đến với mình. Vì có ngu mới đi kể cho ba mẹ tôi những khúc mắc của bản thân, kết quả nhận được sẽ là những lời chửi mắng ít nhất là 3 ngày 3 đêm…

Ba mẹ luôn muốn tôi đi nước ngoài. Không biết vì ba mẹ muốn tôi sung sướng hay vì để tôi có thể giúp đỡ gia đình. Từ khi tôi học lớp 9, mẹ tôi đã đầu tư để tôi có thể đi nước ngoài. Nhưng thật xấu hổ, tôi học không giỏi vì thế không thể theo con đường du học.

Trong gia đình, ba mẹ tôi đặt ra các quy tắc sống cho các con. Mỗi khi vi phạm những quy tắc khắt khe ấy là tôi lại sợ đến run người, không dám và không muốn về nhà. Gần 10 năm nay, gia đình tôi chưa có một bữa cơm thân mật đúng nghĩa. Không phải riêng tôi có cảm giác sợ ba mẹ mà 2 người anh em tôi cũng chưa bao giờ dám kể chuyện gì với ba mẹ tôi.

Tôi có bạn trai vào lúc đang học năm thứ 4 đại học. Ba mẹ tôi không chấp nhận chuyện này, họ đã gây áp lực bằng cách không chu cấp tiền cho tôi. Nhiều hôm, tôi đến lớp buổi sáng với cái bụng trống rỗng. Bạn trai tôi đã chia sẻ với tôi khó khăn này. Anh không những không hề có lời lẽ không hay với ba mẹ tôi, trái lại còn khuyên tôi nên về với gia đình. Tình cảm giữa chúng tôi mỗi ngày thêm sâu đậm. Khi anh đến xin ba mẹ cho chúng tôi được lấy nhau thì ba mẹ thẳng thừng không đồng ý. Lý do của họ là không môn đăng hộ đối (gia đình bạn tôi buôn bán). Không biết ba mẹ tôi có đúng hay không, nhưng tôi chỉ cảm nhận một điều, khi ở bên gia đình anh ấy, tôi thấy thật thoải mái, mọi người cởi mở với nhau, tôi thấy mình được “có tiếng nói”… Rồi, trước sự kiên trì của chúng tôi, ba mẹ cũng đã chấp nhận trong miễn cưỡng. Hễ có điều không hài lòng với bên gia đình sui gia tương lai, ba mẹ lại lôi tôi ra để dạy bảo, làm tôi luôn nơm nớp lo sợ…”

Không biết ba mẹ có hiểu cho tâm tư của anh em chúng tôi không… (Bạn Nhị Thảo).

Điểm nhấn mục vụ:

– Tập cho cha mẹ biết đối thoại với con cái: anh chị đã thực sự lắng nghe con mình chưa? Anh chị có nói cùng một “ngôn ngữ trẻ” với con cái mình không? Có gặp riêng con cái mình từng đứa hay chỉ có những lời khuyên bảo chung chung cho tất cả?

– Cổ võ mọi thành viên trong gia đình có trách nhiệm về nhau, tôn trọng nhau, nhất là đối với người già.

– Phát huy những sáng kiến xây dựng gia đình hạnh phúc.

4. Gia đình và việc giáo dục các đức tính nhân bản

“Gia đình là môi trường thuận lợi giúp cho các thành viên sống tình liên đới, vị tha, hài hòa, quảng đại, khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái.” (số 17).

Nếu bầu khí yêu thương trong gia đình được xem như trường dạy nhân bản, thì gương sáng của cha mẹ anh chị là những bài học thực tiển, ảnh hưởng đến tâm hồn của trẻ. Đối với trẻ em, cha mẹ là tất cả: từ cơm ăn áo mặc đến yêu thương dạy dỗ. Vì thế trẻ em hoàn toàn tin tưởng nơi cha mẹ và làm theo những gì cha mẹ dạy.

Cha như đỉnh núi Thái Sơn cho con cái nương thân.
Mẹ như nước nguồn cho con tắm mát.

Ngoài ra trẻ em vẫn bắt chước người lớn nên cha mẹ anh chị trong gia đình chính là những người mẫu cho trẻ em rập khuôn bắt chước. Ngay từ bé đã phải tập cho con biết lễ phép kính trên nhường dưới, dạy cho con biết chia sẻ cảm thông với người khác. Biết đem quà biếu ông bà, cha mẹ, tặng anh chị, tặng bạn bè. Trẻ thường hay có tính ích kỷ, nên việc chiều con càng làm cho chúng ra hư, hay dòi hỏi một cách vô lối. Tập cho con biết thương những bạn nghèo, kính trọng các bạn khuyết tật. Giám hi sinh những gì mình đang có cho cha mẹ ông bà hay cho công việc chung của gia đình của hàng xóm láng giềng, cho các bạn có hoàn cảnh kém may mắn.

Trong một xã hội đề cao lợi nhuận, chỉ lo hưởng thụ, người ta dễ trở thành ích kỷ, với lối sống cái gì cũng vơ vào cho mình, thì việc hy sinh cho người khác quả là khó. Tập sống không vô cảm với nỗi đau của người khác nghĩa là biết thông cảm sẻ chia và đến với những người bất hạnh. Đức Kitô đã ao ước biến thế giới này thành một tổ ấm, biến cộng đồng nhân loại thành một gia đình con cái Chúa. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì, nếu chính gia đình nhỏ bé của chúng ta, vẫn hoang tàn lạnh lẽo, thiếu hơi ấm yêu thương, tôn trọng và đối xử nhân ái với nhau… thì kết cuộc chỉ là cãi cọ, xích mích và đay nghiến.

Điểm nhấn mục vụ:
– Giáo dục nhân bản rất cần thiết: Từ việc lễ phép chào hỏi đến việc quét dọn sạch sẽ phòng ngủ nhà ở… đến sống liên đới trong việc thực thi công tác gia đình.
– Sống là chia sẻ. Chia sẻ là niềm hạnh phúc của người con cái: thắm tình Chúa đượm tình người.
-Sống chân thành không giả dối. Biết xây dựng mối tương quan thân ái với mọi người.
– Giúp tập làm việc theo nhóm, chung vai gánh vác công việc chung.

Thay lời kết:

Xây dựng gia đình là xây dựng xã hội.

Thư chung mời gọi chúng ta hãy mở mắt nhìn xem thế giới bên ngoài. “Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người.” (số 10).

– “Giáo dục tại gia đình là vấn đề quan trọng và cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển nền giáo dục nói chung, vì gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Nếu nền tảng gia đình được củng cố chắc chắn, Giáo Hội và xã hội tương lai sẽ phồn thịnh và phát triển.” (số 3).

Dom. Đinh Viết Tiên op

Trả lời