Giáo dân châu Á: Người khổng lồ thức dậy

Giáo dân châu Á:
Một người khổng lồ ngủ vùi nay đang thức dậy


Giáo dân châu Á: Người khổng lồ thức dậy

Seoul (AsiaNews) – Người giáo dân châu Á đã được so sánh như một “người khổng lổ đang ngủ”, bị kiềm chế bởi quá nhiều nhiệm vụ trong phạm vi cơ chế của hàng giáo sĩ. Nay là lúc đánh thức họ dậy để thực thi sứ vụ chuyên biệt của họ, đó là sống trong thế giới này như một chất men, để biến đổi nó, để biểu hiện tính đa dạng của đời sống đức tin, nhằm khơi dậy lòng ngưỡng mộ và tra vấn nơi những người chưa có niềm tin.

Đó là tóm lược nội dung các cuộc thảo luận và đàm thoại thực hiện vào ngày thứ hai của Hội nghị Giáo dân Công giáo Á châu họp tại Seoul từ ngày 31.08 đến 05.09.2010, nhấn mạnh đến thời gian hiện tại như là một giao điểm để bước vào sứ vụ toàn diện của người giáo dân, trong đời sống ở gia đình, nơi sở làm, và trong chính trường.

Hội nghị đã tìm được sự hỗ trợ có thẩm quyền đối với lực đẩy đi vào thế giới này trong lời phát biểu của Đức ông Josef Clemens, thư ký Hội đồng Tòa thánh về Giáo dân. Nhờ kinh nghiệm cá nhân của Đức ông từng là người cộng tác thân tín của Josef Ratzinger trước khi được bầu chọn làm giáo hoàng (trong vai trò thư ký riêng), Đức ông Clemens đã nhấn mạnh đến các lời phát biểu của Ratzinger khi bảo vệ nhiệm vụ của người giáo dân “không phải trong cơ chế của giáo hội, mà là những người lãnh đạo trong xã hội”, trong lúc tiếp cận với thế giới.

Đức ông cũng tóm lược tính cách thích đáng vẫn còn tiếp nối của Tông huấn Christifideles laici, để yêu cầu thực thi Tông huấn này 22 năm sau ngày được ban hành.

Nhưng những đóng góp tạo được nhiều quan tâm nhất lại là của hai người Á châu phát biểu đầu tiên tại Hội nghị.

Người thứ nhất là Đức ông Đinh Đức Đạo, giáo sư Chủng viện tại Xuân lộc (Việt nam), nhấn mạnh rằng bất cứ nhiệm vụ nào của Giáo hội mà không bao gồm sứ mạng ad gentes (cho người không theo Kitô giáo) thì không phải là một cam kết đích thực của Giáo hội. Nhiệm vụ này được thực thi chính yếu bởi người giáo dân, hàng ngày sống trực tiếp với thế giới. Điều đáng e ngại là tình trạng có giáo dân “chỉ hiện diện trong cơ cấu của Giáo hội mà không đáng kể trong xã hội.”

Sứ mạng ở trần gian này không nên chỉ dựa vào những khẩu hiệu đã bị lạm dụng quá nhiều, nhưng phải làm sống động đức tin trong văn hóa. Ngài nói thêm: Về vấn đề này, “phục vụ người nghèo” là chưa đủ: chúng ta phải bảo đảm rằng Tin Mừng được đưa tới “cả cho những người giàu có, người quyền hành, giới trí thức, người hoạch định chính sách, các sinh viên đại học… bởi vì số phận của kẻ nghèo cũng còn tùy thuộc vào những người đó.”

Người thứ hai, giáo dân Á châu đầu tiên phát biểu trước hội nghị, là Jess Estanislao. Ông đã tích cực hoạt động trong chính trường, là thành viên trong chính phủ Phi luật tân, và trước đây từng là một doanh nhân. Cũng là thành viên của phong trào Opus Dei, Estanislao trình bầy phạm vi của sứ vụ người giáo dân: chuyên biệt và hoàn thiện tại môi trường làm việc, trung thành với gia đình và cuộc sống (ông hiện vẫn còn đang tranh đấu cạnh Giáo hội Phi chống lại đạo luật kế hoạch hóa dân số mà chính phủ Manila muốn được quốc hội biểu quyết chấp thuận); tự do và trách nhiệm cá nhân trong các quyết định về xã hội, tranh đấu để cho các linh mục không trực tiếp tham gia vào chính trị, thân ái với mọi người; nuôi dưỡng tình thân ái với giới truyền thông. Về vấn đề này, ông đưa ra thí dụ khi đề cập đến tầm quan trọng nếu duy trì được sự liên hệ tốt đẹp với các tác giả những tuồng tích chiếu trên đài truyền hình ở Phi luật tân; những show này đầy tính dục, hàm hồ và dốt nát về Kitô giáo. Ông nói: “Chỉ qua được mối tình thân ái mới giúp được các tác giả này thay đổi nội dung và đưa vào đó những giá trị đạo đức mới.”

Mọi phát biểu đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc huấn luyện giáo dân, đặt giá trị trên việc học hỏi và hiểu biết Giáo lý Hội thánh Công giáo và Toát yếu Học thuyết Xã hội của Giáo hội.

Về những dấu hiệu có một “tiến độ mới” trong sự dấn thân của giáo dân, Giám mục Padang (Indonesia) là Martinus Situmorang đưa ra hai trường hợp: một trường học ở thôn quê thuộc giáo phận của ngài, do giáo dân thành lập mà không có sự “can thiệp” nào từ phía các linh mục; và quyết tâm của một doanh gia Công giáo muốn thiết kế hầm mỏ của ông để tạo cuộc sống tốt đẹp và xứng đáng hơn cho công nhân hầm mỏ.

Buổi sáng đầu tiên của Hội nghị được đánh dấu bằng một cơn bão chạy dọc theo bờ biển Seoul, tạo ra mưa to gió lớn, những không làm đình trệ công việc của Hội nghị.

Phụng Nghi – Nguồn : VietCatholic


Trả lời