Giá phải trả để trở nên người môn đệ Chúa Giêsu

 

Giá phải trả để trở nên người môn đệ Chúa Giêsu

 

Giá phải trả để trở nên người môn đệ Chúa GiêsuNgày 24/06/2013 vừa qua, toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng mừng kính sinh nhật thánh Gioan Tiền Hô. Nói tới Gioan Tiền Hô, không ai trong chúng ta lại không một lần nghe tới tiếng “hô” cảnh tỉnh của ngài khi bắt đầu thi hành sứ vụ: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”…

“Hãy sửa đường cho thẳng…” Vâng, cảm hứng từ tiếng “hô” này, linh mục Charles E.Miller chia sẻ: “Trước khi có thể mở một con đường mới, các công nhân phải dọn sạch bất cứ thứ gì trên lộ trình của nó. Đôi khi cây cối phải đốn hạ, đá to phải di dời đi nơi khác và đồi cao phải san bằng. Bất cứ gì cản trở công trình xây dựng con đường ấy, người ta đều phải dẹp bỏ”.

“Đức Giêsu…” linh mục E. Miller nói tiếp: “… Ngài cũng tâm niệm những điều tương tự khi mời gọi những ai muốn đi theo mình. Người đòi hỏi họ phải từ bỏ mọi sự trong đời sống thường nhật, từ bỏ bất cứ gì ngăn trở họ trên con đường trở thành môn đệ của Người”.

Những điều Đức Giêsu đòi hỏi đã được “minh bạch hóa” trong cả bốn sách Tin Mừng. Và hôm nay, chúng ta hãy trở về với sách Tin Mừng Luca (9, 51-62), nơi đây, chúng ta sẽ được nhìn rõ những đòi hỏi mà Đức Giêsu đã đòi hỏi những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.

**

Chuyện kể rằng, hôm đó, trong lúc Đức Giêsu cùng với các môn đệ đang “tay đan tay nhịp bước đi trên… đường” thì bỗng nhiên, có người đến bên Người và thưa rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”.

Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo ư! Vâng, trong ba năm Đức Giêsu ra đi rao giảng Tin Mừng, có rất nhiều người xin đi theo Ngài. Ngoại trừ nhóm mười hai các môn đệ, khi xin theo Đức Giêsu, họ đều “ra đi không vương thê nhi”, còn hầu hết những người khác, khi nghe đến những điều kiện “ắt có và đủ” để trở thành môn đệ của Ngài, họ đều thối lui.

Nhớ, có lần, cũng giống như lần này, khi Đức Giêsu vừa lên đường đi, thì có một chàng thanh niên đến và ngỏ lời muốn theo Ngài, nhưng khi vừa nghe Đức Giêsu đưa ra điều kiện “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”… Thiệt tình… khi anh ta nghe lời đó, chuyện kể rằng, “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…”

Hôm nay, với những nhân vật xin đi theo, Đức Giêsu không chỉ đưa ra điều kiện, Ngài còn nói lên tình trạng về cuộc sống mà người môn đệ đi theo Ngài sẽ phải đón nhận, một tình trạng tồi tệ hơn cả sự tồi tệ, rằng, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

Hơn thế nữa, những biểu hiện “buồn vui” của cuộc đời, người môn đệ theo Đức Giêsu đã được Ngài cho một lời khuyên, một lời khuyên hàm chứa sự “xác định” cho một “quyết định”, không áp đặt nhưng chỉ là mời gọi mà thôi..

Xin theo Ngài, chuyện gia đình chớ còn vấn vương. Với người chết ư! Đức Giêsu nói: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”. Chuyện từ biệt ư! Đức Giêsu bảo “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Vâng, tất cả những đòi hỏi nêu trên, chính là “Giá phải trả để trở nên môn đệ Đức Giêsu”.

***

Khi nói tới những cái “giá phải trả” nêu trên, đừng coi đó như là “Những lời bí ẩn”. Lm. E . Miller chia sẻ rằng “Những lời bí ẩn này không hàm ý (Chúa) phản đối việc chôn cất các thân nhân đã chết, mà Người muốn nói rằng, ai bác bỏ Người, thì, về mặt nào đó, cũng giống như những người chết bởi lẽ họ đã bác bỏ Chúa-sự-sống. Đồng thời, đây cũng là cách nói của Chúa Giêsu, rằng, chúng ta phải xác định không có gì quan trọng hơn là hết lòng hết dạ với Người”.

Tấm gương những người môn đệ đầu tiên là Anrê, Simon Phêrô, Gioan và Giacôbê, khi đáp lời mời gọi của Đức Giês, hẳn là một bài học tốt cho những ai muốn “Theo Chúa”. Chuyện kể lại rằng: các ông đã “lập tức… bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,22).

Đức Giêsu không “hoan nghênh” thái độ lấp lửng “xin phép cho tôi về… xin phép cho tôi từ biệt…” (Lc 9, 59…61)… rồi tôi sẽ v.v…và v.v…

Cái giá phải trả để theo Chúa chính là “sự từ bỏ”. Vâng, Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình…”(Lc 9,23).

Thánh Phaolô, sau này, có thể nói, chính là tấm gương mẫu mực của người môn đệ theo Chúa. Là một công dân Rôma, một thứ quyền “phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy” thế mà ngài dám “Từ bỏ” để trở nên người môn đệ của Chúa.

****

Giá phải trả để trở nên người môn đệ Chúa Giêsu chính là sự từ bỏ. Một tuần chỉ dành cho Chúa bốn mươi lăm phút bằng việc tham dự thánh lễ, thế mà lại cứ đi trễ do tại-vì-bị đủ thứ lý do, phải chăng, như thế, có khác gì chúng ta “xin Chúa, cho phép tôi về chôn cất những cái tại-vì-bị đó trước đã”?

Tự do, tự nguyện “Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời” … thế mà, một ngày đẹp trời nào đó, vô tình gặp một nàng-tiên-cá nào đó, để rồi trầm tư mặc tưởng… để rồi có những ước muốn bất chính… phải chăng, như thế, có khác nào chúng ta không từ bỏ chính mình, có khác nào chúng ta “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau…”?

Và còn nhiều điều khác nữa, như tật kiêu ngạo, hoặc tính vị kỷ thống trị chúng ta, nếu chúng ta không biết “từ bỏ chính mình” nó sẽ là một thảm họa cho chính đời sống chúng ta. Mà cái thảm họa lớn nhất, đó là, chúng ta mất đi danh hiệu “người môn đệ của Chúa Giêsu”.

Petrus.tran

 

Trả lời