Gia đình… Ôi! hai tiếng yêu thương

 

Gia đình… Ôi! hai tiếng yêu thương

 

Gia đình… Ôi! hai tiếng yêu thươngXóm tôi là một xóm lao động nghèo. Trước kia, nơi đây là những cánh đồng ruộng, nhà cửa thưa thớt. Thế nhưng, kể từ khi có chính sách mở cửa, nhiều nhà đầu tư đến biến đồng ruộng thành khu chế xuất, khu công nghiệp, thế là cư dân địa phương đua nhau cất nhà trọ.  

Những người thuê nhà trọ đa số là công nhân, cũng có một số ít, họ làm nghề tự do như: thợ hồ, bán vé số, bán băng dĩa (dĩ nhiên là băng dĩa lậu).

Tập tục của người Việt Nam là “buôn có bạn, bán có phường”, vì thế, những người làm nghề tự do, họ quy tụ lại với nhau mướn những căn phòng trọ gần nhà tôi. Hơi dài dòng, nhưng đó là mấu chốt vấn đề mà tôi sẽ kể sau đây.

Vâng, sống gần họ, có nhiều điều hết sức bực bội, nhất là những khi họ đi bán về, nào là tiếng hò hét bởi nhóm người ăn nhậu, tiếng chồng chửi vợ, tiếng vợ cãi chồng, tiếng karaoke ầm ĩ. Đó là chưa nói tới lâu lâu lại xảy ra một vụ “đánh ghen”. Nói chung là rất mất trật tự.

Thế nhưng, hôm giữa tuần vừa qua, khoảng từ ngày 17 đến ngày 19/12/2012, tự nhiên, xóm tôi yên ắng hẳn. Theo nguồn tin của thông tấn xã “bà tám” cho biết, họ, những người ở trọ, lần lượt rủ nhau về quê.

Về quê làm gì! Đã tết đâu mà về quê! Xin thưa, cũng với nguồn tin trên, thì ra, vì họ sợ, sợ ngày 21/12/2012 sắp tới sẽ là “ngày tận thế”. Họ nói với nhau rằng, về quê, nếu có chết thì cùng chết chung với gia đình.

Cùng-chết-chung-với-gia-đình!… Gia đình… Ôi! hai tiếng yêu thương. Nhớ về biến cố 30/04/1975, nhiều người đã từ bỏ cơ hội di tản cũng chỉ vì: Ôi! yêu thương hai tiếng “Gia đình”.

**

“Gia đình”. Vâng, Thiên Chúa, trong chương trình sáng tạo, Người đã tạo dựng một gia đình hoàn thiện , gia đình Adam-Eva. Người đã đặt gia đình Adam-Eva vào một nơi gọi là vườn Eden. Tại đây, Thiên Chúa đã cho họ làm bá chủ “cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.

Nhưng than ôi! Gia đình Adam-Eva đã phạm tội bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa. Sự phạm tội của Adam-Eva không chỉ dẫn đến sự chìa lìa với Thiên Chúa mà còn xảy ra biết bao sự khủng hoảng trong gia đình.

Sự khủng hoảng đầu tiên, đó là, Adam và Eva mất đi sự gắn bó “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Mất đi sự gắn bó, gia đình Adam-Eva mất đi “hai tiếng yêu thương”. Mất đi hai tiếng yêu thương, “gia đình Adam-Eva” trở thành “chiến trường Cain-Abel”… để rồi kết thúc là một án mạng.

Kể từ đó, khi nói tới hai tiếng “gia đình”, người ta thường tự hỏi. “… là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục” (Honoré de Balzac)

***

Không! Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh chép, Người “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới dất” (Ep 3, 14). Cho nên, gia đình vẫn là nơi được Thiên Chúa chúc phúc, như xưa kia Người đã chúc phúc cho Adam, rằng “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Gia đình vẫn là nơi được Thiên Chúa ban phúc lành, như xưa kia Người đã “ban phúc lành cho ông Noe và các con ông” (St 9, 1)

Chính vì thế, “gia đình… hai tiếng yêu thương” vẫn nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không như một “Ngộ Không huyền thoại” với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng bằng hình hài một hài nhi được sinh ra tại Belem bởi một Trinh Nữ tên là Maria và người cha nuôi là Giuse.

Vâng, sự vâng lời của Đức Maria “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” và sự vâng phục của Thánh Giuse, sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy” đã gây chấn động toàn cõi Giêrusalem, chấn động bởi, Nazareth, nơi được cho là “làm sao có cái gì hay được” lại có một “Gia Đình Thánh – Thánh Giuse, Thánh Maria và Thánh Tử Giêsu”.

Gia-Đình-Thánh – không “thánh” bởi những “vần hào quang” mà các vị họa sĩ, khi vẽ, thường tô điểm trên khuôn mặt các Ngài. Gia-Đình-Thánh – không “thánh” do những lời đồn đãi bởi những “ngụy thư” mang tính chất “huyền thoại”.

Gia-Đình-Thánh – “thánh” bởi chính đời sống đức tin, đức cậy và đức mến.

Vâng, hãy trở về làng Nazareth cổ kính năm xưa mà xem, có gia đình nào “sống đức tin” như gia đình Giuse-Maria-Giêsu!

Thật vậy, dẫu biết rằng Giêsu, “Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”, nhưng không vì thế mà Maria-Giuse lại có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Trái lại, các Ngài vẫn trung thành với lề luật do “Đấng Tối Cao”, qua Apraham hoặc Mosê, đã công bố.  

Luật Đấng-Tối-Cao dạy rằng “mọi đàn ông con trai… sẽ phải chịu cắt bì”, Hài Nhi Giêsu-Con Đấng Tối Cao, khi đủ tám ngày, đã “làm lễ cắt bì” (Lc 2, 21).

Luật Đấng-Tối-Cao dạy “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, ông bà Giuse-Maria đã giữ đúng luật “đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa”

Thế nhưng, chính hôm cả gia đình Giuse-Maria-Giêsu “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” người ta mới có thể thấy đức tin, đức cậy và đức mến nơi Gia-Đình-Thánh vững mạnh như thế nào.

Chuyện kể lại rằng, hôm đó, sau khi “xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêsusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (Lc 2, 43).

Ôi! Phải chăng cha mẹ Đức Giêsu vô tâm, thiếu trách nhiệm với con cái?

Thưa không. Chuyện là thế này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích. Cho nên, việc ông bà Giuse-Maria “cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành” là điều không có gì đáng trách.

Mà có gì phải đáng trách chứ! Hãy nhìn xem, sau khi tìm kiếm con giữa đám bà con và người thân thuộc… “Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2, 45). Hãy nhìn xem, cha mẹ Đức Giêsu đã phải “cực lòng tìm con” như thế nào!

Nếu… nếu cần trách… Vâng, thưa quý vị, hãy trách những “ai đó” đã dùng lời con trẻ Giêsu nói với Mẹ Maria rằng, “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”, để lấy đó như là lý lẽ biện minh cho việc “không cần coi ‘bà Mari và ông Giôsép’ như là mẫu mực của đức tin, đức cậy và đức mến”.

Đúng… đúng là “bà Mari và ông Giôsép” đã “không hiểu lời Người vừa nói”, nhưng, liệu điều đó có tác động xấu đến đức tin của hai ông bà? Thưa không, hãy nhìn xem, Đức Maria và Thánh Giuse tuy không hiểu, nhưng các Ngài vẫn đặt niềm tin vào lời “Con Đấng Tối Cao”… Bởi tin, nên các Ngài đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, …51).

Khép lại câu chuyện gia đình Giuse-Maria-Giêsu “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”, thánh sử Luca ghi lại rằng, Đức Giêsu đã “cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài”. Người “càng ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”…

Vâng, một gia đình như thế, quả là một gia-đình-thánh, một gia đình gói ghém trong “hai tiếng yêu thương”.

****

Là một Kitô hữu, một người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta đã nhìn, đã lấy gia đình Giuse-Maria-Giêsu như là mẫu mực cho cuộc sống gia đình của chúng ta?

Hay chúng ta cho rằng, mô hình “gia đình Giuse-Maria-Giêsu” thật khó thích hợp với chúng ta, chỉ là những phàm nhân, đầy yếu đuối và tội lỗi, làm sao có thể so sánh với một gia đình có hai “vị thánh Maria-Giuse” và một vị là “Con Đấng Tối Cao”!

Ôi! Nghĩ như thế có quá thiển cận không? Có đấy. Chữ “thánh” được đứng trước tên Maria và Giuse là do chúng ta “nhét” vào, sau khi các Ngài không còn ở trần thế. Đối với các tông đồ, Đức Maria và thánh Giuse chỉ là cha mẹ Đức Giêsu, là ông bà Giuse-Maria.

Bàn tới, bàn lui cho vui vậy thôi. Chứ các Ngài quả là “thánh” nhưng cách trở nên “thánh” của các Ngài, chúng ta không thể nói là không noi theo được. Vâng, rất giản dị, chỉ hai chữ “vâng lời” đối với Đức Maria và “vâng phục” đối với Thánh Giuse.

Đừng nghĩ rằng, Thiên Chúa cũng sẽ bắt chúng ta “vâng lời và vâng phục” Người giống như cách Đức Maria và thánh Giuse xưa kia đã “vâng lời và vâng phục” .

Hôm nay, điều chúng ta cần vâng lời và vâng phục, chính là “tuân giữ các điều răn của (Thiên Chúa) và làm những gì đẹp ý Người” (1Ga 3, …22).

Thế nào là làm đẹp ý Người? Vâng, tác giả sách Huấn Ca cho biết rằng, đẹp-lòng-Đức-Chúa, đó là, đừng bao giờ làm cho gia đình mất đi bầu không khí yêu thương “anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” (Hc 25, 1).

Chúng ta ước ao có được cả ba điều đó trong gia đình chúng ta? Nếu chúng ta thật sự ước ao, chắc chắn khi nói tới “Gia đình”, chúng ta sẽ không ngần ngại mà thốt lên rằng, “Gia đình… Ôi! Hai tiếng yêu thương”.

Petrus.tran

 

 

Trả lời