Gia đình, cộng đoàn sống Lời Chúa

 

 

Gia đình, cộng đoàn sống Lời Chúa

Ngây ngất êm đềm khi tưởng nhớ

Ngôi nhà kiếp sống kẻ thường dân

Giêsu cứu Chúa người thầm lặng

Vui cảnh đơn sơ thú thanh bần.[1]

Gia đình, cộng đoàn sống Lời ChúaCùng với nhân loại, chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, một thế kỷ được mệnh danh thời đại văn minh khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin, đã làm cho cuộc sống con người ngày được nâng cao. Nhưng đáng tiếc thay, những giá trị đạo đức truyền thống bị xói mòn và luân lý đang bị đảo ngược bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo là cả một hệ lụy thật là khủng khiếp. Sự sống và phẩm giá con người đang bị đe dọa nghiêm trọng.[2]

Đứng trước thực trạng suy thoái về đạo đức của xã hội như thế, mỗi Kitô hữu và các gia đình Công giáo chúng ta không được quyền đứng đó mà nguyền rủa bóng đêm, nhưng cùng nhau thắp nên một ngọn nến để xua đi bóng đêm của nền “văn minh sự chết”, góp phần xây dựng nền “văn minh tình thương và sự sống.” Ánh sáng mà mỗi gia đình thắp lên đó chính là Lời Chúa, vì: “Lời Chúa là ngọn đền soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”[3]

Nhưng trước tiên, chúng ta cần phải thấy được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin, đem Lời Chúa vào cuộc sống gia đình và xây dựng gia đình trên nền tảng Lời Chúa. Để qua đó, chúng ta chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh[4],góp phần làm cho thế giới và xã hội này tốt đẹp hơn.

Tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin

Thánh Giêrônimô đã viết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.”[5]

Lời Chúa có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Giáo Hội cũng như đời sống người Kitô hữu. Công đồng Vatican II đã dành riêng Hiến chế Dei Verbum để nói về Lời Chúa. Ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa đối với đời sống Giáo Hội và đời sống người Kitô hữu, Công đồng khẳng định: “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu.”[6]

Lời Thiên Chúa được chứa đựng và diễn tả trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.[7] Dó vậy, Thánh chính là Lời yêu thương của Thiên Chúa ngỏ với con người. Lời yêu thương ấy phát xuất từ Thiên Chúa trong việc tạo dựng và cứu độ con người. Lời yêu thương ấy đã được thể hiện cách rõ ràng và sống động nơi Chúa Giêsu Kitô, qua cái chết và sự Phục sinh của Người. Người chính là Đường, là Chân Lý và là ánh sáng soi chiếu cho con người trên bước đường trần gian. Và Chúa Thánh Thần chính là Đấng đã soi sáng cho các thánh sử trong việc soạn thảo Thánh Kinh, cũng chính Người sẽ giúp cho tín hữu hiểu được lời yêu thương của Thiên Chúa trong Thánh Kinh.[8]

Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng, mọi kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người.[9] Vì lẽ đó, người Kitô hữu được mời gọi siêng năng tiếp cận với Thánh Kinh bằng việc ân cần đọc và suy niệm, để cho Lời Chúa trở thành nguồn trợ lực, sức sống thần thiêng giúp thăng tiến đời sống đức tin thường ngày. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.”[10]

Lời Chúa có sức mạnh vượt xa trí tưởng tượng của con người, và có ích trong việc giảng dạy, biện bác, khuyên răn, giáo dục, để trở nên người công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa trở nên hoàn hảo và thực thi được mọi việc lành.[11]

Ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa như thế, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta đưa Lời Chua vào trong cuộc sống thường ngày và áp dụng trong môi trương sống của mình, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.[12]

Đưa Lời Chúa vào trong gia đình

Gia đình, cộng đoàn sống Lời ChúaTrước công đồng Vatican II, Lời Chúa chỉ được công bố khi cử hành các bí tích và cử hành tại nhà thờ, nhà nguyện. Sở dĩ như thế là vì Lời Chúa được xem như là chứng cứ để biện minh rằng chính Chúa Giêsu đã lập các bí tích, hoặc để soi sáng đức tin của người đã lành nhận bí tích.[13]

Qua Công đồng Vantican II, Giáo Hội nhận ra Lời Chúa có sức tác động, thánh hóa và cải hoá tâm hồn con người, soi sáng các vấn nạn ngàn đời cũng như những vấn nạn của con người thời đại, đem lại niềm hy vọng cho thế giới đang khắc khoải hiện nay, nhất là đưa con người đi vào hiệp thông với chính Thiên Chúa, sẻ chia niềm vui nỗi buồn với tha nhân. “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”[14]

Với Hiến Chế Dei Verbum, Công Đồng Vatican II cho thấy Lời Chúa là chính Thiên Chúa đang nói với con người qua ngôn ngữ loài người, bằng chính cuộc sống con người.[15] Từ đó, các phong trào học hỏi Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa nở rộ trong Giáo Hội. Tại nhiều gia đình, Lời Chúa cũng được công bố trong những giờ kinh của gia đình.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI luôn hối thúc các Kitô hữu đọc Kinh Thánh như là phương thế để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô: “Tôi bày tỏ niềm mong ước chân thành về một sự nở rộ ‘một mùa xuân mới nơi mọi thành phần Dân Chúa đối với việc mến yêu Sách Thánh hơn, để việc đọc Thánh Kinh thấm đẫm lời cầu nguyện và đức tin, theo thời gian, sẽ khắc sâu mối tương quan cá vị của họ với Chúa Giêsu.’”[16]
Để thuận tiện cho việc đem Lời Chúa vào gia đình, Đức Bênêđictô XVI kêu gọi mỗi gia đình cần phải có một cuốn Thánh Kinh riêng, được “gìn giữ ở một nơi xứng đáng, dùng để đọc và cầu nguyện.”[17]

Trong những năm gần đây, Giáo Hội Việt Nam chúng ta đã có những sáng kiến đưa Lời Chúa vào gia đình rất thân thương, chẳng hạn như: mỗi gia đình nhận Lộc Thánh Lời Chúa trong thánh lễ đầu năm năm mới; đọc Lời Chúa trong giờ kinh gia đình, tổ liên gia, giáo khu, trong các buổi sinh hoạt của các hội đoàn. Ngoài ra, tại nhiều nơi, khi có lễ giỗ, khi tổ chức viếng xác, khi làm lễ gia tiên, tân gia… giáo dân cũng đọc và suy niệm Lời Chúa.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi tiếp cận với Lời Chúa, không những trong Phụng vụ mà còn trong đời sống thường ngày, đưa Lời Chúa vào môi trường sống của mình và trở nên chứng tá sống động của Lời Chúa giữa một xã hội đầy biến động này.

Trong Năm Phúc Âm hoá gia đình, chúng ta được mời gọichú tâm đặc biệt đến việc lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ sức sống của Lời Chúa cho nhau trong thánh lễ, trong giờ kinh gia đình, trong các sinh hoạt nhóm, để cùng nhau đem Lời Chúa vào cuộc sống. Lời Chúa được đón nhận trong tâm thế cầu nguyện, dưới ánh sáng và tác động của Thánh Thần Chân Lý, sẽ trở nên nguồn nước trong lành, vun tưới cho hạt mầm đức tin được phát triển và trổ sinh hoa thơm trái ngọt trong đời sống gia đình, cộng đoàn, và xã hội. Nhờ đó, chúng ta xây dựng được nền móng gia đình vững chắc.

Xây dựng gia đình trên nền tảng Lời Chúa

Khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân- gia đình, đôi bạn nào cũng ấp ủ rất nhiều mộng ước. Tuy nhiên, khi nhìn đến hiện trạng hôn nhân hiện nay, nhiều người không khỏi băn khoăn lo lắng. Trong những thập niên vừa qua, đời sống hôn nhân và gia đình trên thế giới đã gặp phải nhiều khủng hoảng với những khó khăn đưa đến tan vỡ. Ở Việt Nam, tỷ lệ các gia đình đổ vỡ, chia ly cũng đang ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại.

Vậy làm sao để xây dựng cuộc hôn nhân bền vững, làm sao để kiến tạo gia đình mình thành tổ ấm yêu thương, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trước những thách đố của thời đại hôm nay?

“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”[18]

Đó là bí quyết tuyệt vời mà Mẹ Maria đã chỉ cho đôi bạn trẻ năm xưa tại làng Cana. Và quả thật, niềm vui và hạnh phúc ngập tràn cuộc đời của đôi bạn khi vâng nghe Mẹ, thực thi Lời Thầy Giêsu truyền dạy. Trải qua hai ngàn năm nay, bí quyết đó vẫn còn nguyên giá trị cho thời đại hôm nay và mai sau. Chỉ những ai trung thành lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới xây dựng được gia đình hạnh phúc. Khi làm theo Lời Chúa dạy, người người ý thức và nỗ lực sống hiếu thảo với Chúa, sống tình huynh đệ hợp nhất với nhau, đồng cảm và chia sẻ với mọi người.

Chỉ những ai xây dựng gia đình mình trên nền móng vững chắc là Lời Chúa thì ngôi nhà ấy mới đứng vững trước phong ba bão táp cuộc đời, và không thách đố nào có thể làm sụp đổ được.[19] Bởi vì Lời Chúa là Lời ban sự sống mới, là ánh sáng Chân Lý, Tình Yêu, Bình An, cho những ai chuyên cần lắng nghe, suy gẫm, đón nhận và đem ra thực hành trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.[20] Vì thế, Lời Chúa vừa là nền tảng vững chắc, vừa là con đường dẫn con người đi sâu vào đời sống hiệp thông sâu xa trong tình Chúa, tình người.Nhờ chăm chú lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa, gia đình tìm được ánh sáng và sức mạnh của Chúa để bước đi trong sự thật, tình yêu và hy vọng, hầu xây dựng gia đình nên một cộng đoàn đức tin, yêu thương, thủy chung và hạnh phúc, tạo điều kiện cho việc giáo dục con cái nên những công dân tốt lành và những Kitô hữu trưởng thành.

Tạm kết

Để kết thúc tâm tình chia sẻ, người viết xin được trích lại lời nhắn nhủ của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn gia đình rằng: “Bởi vì gia đình Kitô hữu dự phần vào sự sống và sứ mệnh của Hội Thánh, một Hội Thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa với tâm tình tôn giáo và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình Kitô sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Thiên Chúa : Như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đoàn tin và loan báo Tin Mừng.”[21]

Trong một xã hội đầy biến động và thách đố hôm nay, việc đọc và suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn lúc nào hết. Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức. Ước mong sao Lời Chúa trở nên sức mạnh nâng đỡ đời sống đức tin người Kitô hữu và trở thành “cẩm nang” xây dựng hạnh phúc cho các gia đình Công giáo. Để rồi qua đời sống chứng tá của mình, chúng ta trở thành Tin Mừng cho anh chị em trên quê hương Việt Nam thân yêu này.

Pet. Võ Tá Đương, OP



Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Sách Lễ Thánh Gia Thất.

Xc. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia đình, số 01.

TV 119, 105.

Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung năm 2013, số 03

Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý về Mặc khải Thiên Chúa, Dei Verbum, số 25.

Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý về Mặc khải Thiên Chúa, Dei Verbum, số 21.

Xc. Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý về Mặc khải Thiên Chúa, Dei Verbum, số 10.

Xc. Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý về Mặc khải Thiên Chúa, Dei Verbum, số 02, 03.

Xc. Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý về Mặc khải Thiên Chúa, Dei Verbum, số 25.

Hr, 4, 12.

Xc. 2Tm 3,16-17.

Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung năm 2013, số 04.

http://www.chungnhanduckito.net/doithoai/dualoichuavaotronggiadinh.htm

Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ, Gaudium et Spes, số 01.

Xc. Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín Lý về Mặc khải Thiên Chúa, Dei Verbum, số 06.

ĐTC Bênêđictô XV, Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 72.

Xc. ĐTC Bênêđictô XV, Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 85.

Ga, 2, 5.

Xc. Mt 7, 24- 27; Lc 6, 46- 49.

Xc. Ga 6, 68.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia đình, số 51.

Trả lời