Đừng vắng mặt trong ngày Chúa Nhật…

 

Đừng vắng mặt trong ngày Chúa Nhật…Theo lịch Phụng Vụ, chúng ta vừa trải qua một tuần lễ được gọi là “tuần bát nhật Phục Sinh”. Trong tuần này, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe lại những biến cố đã xảy ra liên quan đến sự Phục Sinh của Đức Giê-su.  Từ những biến cố tưởng chừng như mơ hồ, như biến cố ngôi mộ trống, (thế mà đã đem lại niềm tin cho tông đồ Gio-an), cho đến biến cố Đức Giê-su hiện ra bên Biển Hồ Ti-bê-ri-a rồi cùng các ông ăn cá và bánh. Với biến cố này, theo Kinh Thánh ghi lại: “Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trổi dậy từ cõi chết’ (x.Ga 21, 1-14)

Đức Giêsu đã thật sự Phục Sinh. Các vị môn đệ xưa đã loan báo điều này. Với hai người môn đệ trên làng Emmau, các ông đã làm chứng, chứng rằng: “…mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”. Còn với nhóm Mười Một (thật ra chỉ có mười người, vì ông Tô-ma vắng mặt), đã khẳng định: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (x.Ga 20, 25)

Vâng, nếu hôm nay, các vị tông đồ này (hiện về) và nói với chúng ta như thế, chúng ta có tin không? Chắc hẳn là tin, vì đó là niềm tin tông truyền và đã được chúng ta tuyên xưng vào mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật hàng tuần, rằng:  tôi tin Đức Giêsu Kitô “Người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng. Ngày thứ ba Người sống lại đúng như lời Thánh Kinh”.

Thế nhưng, với tông đồ Tô-ma, hồi ấy, khi nghe những người anh em đồng môn của mình nói như thế, ông ta vẫn chưa tin. Chưa tin vì ngài Tô-ma muốn được “xem tận mắt, sờ tận tay”. Và, Đức  Giê-su đã cho ngài Tô-ma toại nguyện. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an.

Theo thánh sử Gio-an kể, thì, chuyện xảy ra vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. “Ngày thứ nhất” trong tuần là ngày nào? Thưa, với người Do Thái xưa, đó là ngày kế tiếp của ngày Sabat (thứ bảy). Còn với chúng ta hôm nay, đó là ngày Chúa Nhật. Vâng, hôm đó, chuyện được kể tiếp rằng: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín”.

Ô hay! Tại sao các cửa đều đóng kín? Thưa, vì “các ông sợ người Do Thái”. Tại sao lại sợ người Do Thái? Thưa, theo thánh sử Mát-thêu, các ông sợ là sợ sự vu khống của các ông thượng tế và kỳ mục. Quý ông này đã cho những người lính canh mộ Đức Giê-su một số tiền lớn và bảo họ tung tin đồn rằng, vào ban đêm “các môn đệ của ông Giêsu đã đến lấy trộm xác” (Mt 28, 13). Vào thời đó, trộm xác là một tội rất nặng. Thế nên, nơi các ông ở, cửa đóng kín là điều dễ hiểu.

Ngoài nỗi sợ hãi, chúng ta có thể tin rằng, tâm trí các ông còn mang nặng nỗi niềm hoang mang. Hãy nhìn xem, nếu ta tính từ hôm “thứ sáu sầu thảm”, là ngày Đức Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự tại núi Sọ, nay bước qua “chiều ngày thứ nhất”,  đã quá bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Sắp hết ba ngày rồi… Hỡi ơi! lời phán hứa của Thầy, rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31)… Sao vẫn chưa thấy ứng nghiệm!

Vâng, đang lúc tâm hồn các môn đệ “…như lá úa trong cơn mê chiều”, thì… không ai có thể tin được, “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”.

Là Thầy ư! Lời Thầy ứng nghiệm rồi sao! Thưa, đúng vậy. Chính Đức Giêsu, chứ không là ai khác, “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng. Thế là, nỗi niềm hoang mang nơi tâm hồn các ông tan biến. Thánh sử Gio-an cho biết: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa”.

Hôm đó, tiếc thay! tông đồ Tôma không có mặt ở đó. Chính sự vắng mặt của ông đã khiến ông không tin sự kiện Đức Giêsu hiện đến với các bạn đồng môn của mình. Ông ta quan niệm, rằng: “Bách văn bất như nhất kiến – Trăm nghe không bằng một thấy”.

Thế nên, dù đã được các bạn đồng môn quả quyết “Chúng tôi đã được thấy Chúa”, ông vẫn không tin. Không tin, ông còn lớn tiếng nói rằng “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Tám ngày sau, cũng giống như lần trước, mặc cho “các cửa còn đóng kín” Đức Giêsu hiện đến, Ngài đứng giữa các ông, và nói:  “Bình an cho anh em”, rồi Ngài bảo với ông Tôma rằng, “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27).

Nhìn Thầy Giê-su, một Giê-su bằng xương bằng thịt, với tất cả dấu tích của cuộc khổ hình, sự hồ nghi đã biến khỏi tâm hồn của ông, hình ảnh một Đức Giê-su Phục Sinh rõ mồn một trước đôi mắt ông. Và rồi, ông đã cất tiếng thưa với Ngài , rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Hôm ấy, không một lời trách cứ Tô-ma, Đức Giê-su nhẹ nhàng nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Là một người Ki-tô hữu trưởng thành, có lẽ chúng ta quá quen thuộc câu chuyện này. Và, phải chăng vì quá quen thuộc nên khi câu chuyện này được nhắc đến, chúng ta chỉ nghĩ đến ngài Tô-ma, ông tổ của những kẻ cứng lòng tin?

Thật ra, đâu chỉ có mình tông đồ Tô-ma cứng lòng tin. Còn đó là cả nhóm mười người trong họ, dù đã nghe bà Maria Mác-đa-la nói “(Chúa) đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin”. (x.Mc 16, 11)

Dẫu sao, sự cứng lòng tin của Tô-ma, sự chậm tin của những môn đệ khác, đã chứng minh rằng: họ không hề là những người có một đức tin “mù quáng, tin đại”, trái lại, họ là những người có một niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh, đích thực. Nói cách khác, các Ngài đã thật sự gặp được Đức Giê-su Phục Sinh.

Cuối cùng, nhờ sự cứng lòng tin của Tô-ma, nên các ông (và hôm nay là chúng ta) được Đức Giê-su tặng thêm một lời chúc phúc, “Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Đức Giê-su đã Phục Sinh. Người không hiện ra với Hê-rô-đê, hoặc với Phi-la-tô để làm cho quý ông này hoảng sợ. Người đã hiện ra với các môn đệ mình. Hiện ra với các môn đệ, không phải để “tính sổ” các ông, không phải để trách móc những yếu đuối của các ông.

Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng, Ngài đã chiến thắng sự chết như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.

Hơn nữa, Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến còn là để biểu lộ tình yêu thương của Ngài, qua việc “Ban Bình An” cho các ông, một thứ bình an, như Ngài đã nói, “không theo kiểu thế gian” ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31). Vì thế, hôm nay, khi nghe lại câu chuyện này, điều đầu tiên, đó là: chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi có được sự bình an của Chúa”?

Tại sao lại không có nhỉ? Khi hôm nay, chúng ta đang phải sống trong một xã hội đầy bất an và bất ổn, bất an bởi những “bác tài phê đá”, bất ổn bởi sự “mất giá” của đồng tiền. Đó là chưa nói đến luôn nơm nớp lo sợ phải đối mặt với  những con người bất nhân, bất nghĩa v.v.. Cho nên lời chúc “Bình An cho anh em” là lời chúc rất cần thiết cho chúng ta.

Vâng, thật là cần thiết để nhận được sự bình an từ nơi Chúa đến.  Đừng quên, siêu sao điện ảnh Mỹ, Marylin Monroe, dầu đã có một cuộc sống vật chất quá dư thừa, nhưng cô ta vẫn còn thiếu một thứ. Sau khi cô ta tự tử, người ta tìm thấy bức thư tuyệt mạng của cô ta với dòng chữ ngắn: “Tôi không tìm thấy sự bình an”.

Đức Giê-su Phục Sinh không keo kiệt đến độ không ban cho chúng ta sự bình an. Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đang hiện  hiện trong Thánh Lễ. Qua vị Linh Mục chủ tế, Người vẫn nói với chúng ta, rằng: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”.

Đức Giê-su Phục Sinh vẫn hiện diện nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi chúng ta có thể, như tông đồ Tô-ma xưa, “đặt bàn tay (mình) vào thân thể Người”. Chúng ta muốn “Bình An của Chúa ở cùng”?  Chúng ta muốn được “đặt bàn tay (mình) vào thân thể Người”?

Nếu muốn! Đừng vắng mặt như tông đồ Tô-ma vào “ngày thứ nhất trong tuần”. Nói rõ hơn, muốn Bình An của Chúa ở cùng  và muốn được đặt bàn tay (mình) vào thân thể Người, chúng ta đừng vắng mặt trong Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Vâng, chúng ta đừng… “đừng vắng mặt trong ngày Chúa Nhật”.

Petrus.tran

 

Trả lời