Đừng sợ…  chúng ta còn quý giá hơn…

 

Đừng sợ…  chúng ta còn quý giá hơn…Sợ hay sợ hãi, đó là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Sự sợ hãi có thể khiến cho chúng ta có những phản ứng như: thẫn thờ và bất động. Sự sợ hãi có thể làm cho chúng ta không dám suy nghĩ và hành động đúng theo niềm xác tín của mình.

Mà, đã sống ở trên đời này, có ai trong chúng ta lại không hơn một  lần đối diện với sự sợ hãi, nhỉ! Có ai trong chúng ta lại không hơn một lần phải đối phó với những mối sợ hãi đặc biệt phát xuất từ sự đe dọa, đe dọa bởi một ai đó, bởi một thể chế nào đó, bởi một thế lực nào đó v.v…

Nhóm Mười Hai các môn đệ xưa, cũng không là ngoại lệ. Các ông đã sống trong một xã hội tràn ngập những mối sợ hãi phát xuất từ sự đe dọa bởi thế quyền lẫn thần quyền.

Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của các ông, biết. Ngài biết và Ngài đã có những lời truyền dạy, những lời truyền dạy hầu  đem lại cho các ông một niềm xác tín vững mạnh vào Cha của Ngài – Đấng ngự trên trời. Lời truyền dạy này đã được thánh Mát-thêu ghi lại như sau:

Vâng, hôm ấy, mở đầu cho lời  truyền dạy, Đức Giê-su dạy rằng: “Anh em đừng sợ người ta…”. “Người ta” là ai, phải chăng Đức Giê-su nói đến quý ông thuộc  nhóm thần quyền, là quý ông Phariseu, kinh sư, biệt phái!

“Người ta” là ai, phải chăng Ngài nói  đến quý  ông  thuộc  nhóm  thế quyền là các quan văn, quan võ của chính quyền Roma! Nếu… nếu đúng như vậy, thì họ phải là những người đáng sợ chứ, nhỉ!

Thế mà tại sao Đức Giê-su lại bảo là đừng sợ? Đừng  sợ  là đừng  sợ  thế nào! Thưa đừng sợ là  bởi, quý vị đó chỉ là phàm nhân, và Đức Giê-su nói họ chỉ là “những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn”.

Có sợ… vâng, hôm ấy, Đức Giê-su nói: “anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.

“Đấng có thể tiêu diệt” là Đấng toàn trí. Hôm ấy, mình chứng về một Thiên Chúa toàn trí, Đức Giê-su nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em”…

“Đấng có thể tiêu diệt” là Đấng toàn năng. Thật vậy, minh chứng về một Thiên Chúa toàn năng, Đức Giê-su nói: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi”.

Hôm ấy, kết thúc cho những lời truyền dạy, Đức Giê-su đưa ra một lời khuyên: “Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”. Chúng ta vừa nghe lại những lời truyền dạy của Đức Giê-su. Rất ngắn gọn, nhưng cũng đủ để nói về một Thiên Chúa, một “Đức Chúa hằng ở bên (chúng ta)”(x.Gr 20, 11)

Vâng, Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta. Và chính Đức Giê-su cũng có lời phán hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Thế nên, thật phải đạo khi hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: Chúa có ở bên tôi và tôi có ở bên Chúa”?

Nếu chúng ta  không có “Đức Chúa hằng ở bên” thì sao nhỉ? Thưa, nói mà không sợ sai, đó là do chúng ta vẫn còn “vương vấn bụi trần”. Nói rõ hơn, chúng ta vẫn còn vương vấn tội lụy.

Thật nguy hiểm khi chúng ta vẫn còn vương vấn tội lụy. Tại sao? Thưa, là bởi, tội làm chúng ta rơi vào tình trạng nơm nớp lo sợ.

Nguyên tổ Adam và Eva  như một minh chứng điển hình. Sau khi hai ông bà phạm tội,  Thiên Chúa gọi ‘Ngươi ở đâu’. Hai ông bà đã nói không nên lời, rằng: “ Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi…” Sự thể là vậy đó…

Vậy, chúng ta phải làm sao để Chúa có ở bên tôi và tôi có ở bên Chúa? Thưa, tông đồ Phao-lô có lời dạy “Tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác”.

Đúng vậy, nếu chúng ta nghe theo những dục vọng của thân xác, thì làm sao chúng ta nghe được tiếng Thiên Chúa!  Làm sao chúng ta nghe được tiếng ‘Chúa đứng trước cửa và gõ’, để chúng ta ‘mở cửa’, và để ‘Chúa sẽ vào nhà và dùng bữa với chúng ta’!

Không có Đức Chúa hằng ở bên chúng ta, chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ là một cuộc đời của ‘lo âu và sợ hãi’. Mà, có ai trong chúng ta lại muốn có một cuộc sống toàn gặp những lo âu và sợ hãi, nhỉ!.

Vì thế, điều trước nhất và quan trọng nhất mà chúng ta  cần làm , đó là ‘chê ghét mọi tội’ và ‘lánh xa dịp tội’. Đó… đó chính là tiền đề, để chúng ta không còn rơi vào tình trạng ‘nghe thấy tiếng Chúa, con sợ’. Đó chính là khởi điểm cho việc chúng ta sẵn sàng ‘tuyên bố nhận Chúa trước mặt thiên hạ’.

Điều này quan trọng lắm, thưa quý vị. Quan trọng vì Đức Giê-su đã có lời phán hứa: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Thế nên, đừng sợ  “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô”. Vì, có như thế, thánh Phao-lô nói, chúng ta sẽ  “thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em”.

****

Thế giới hôm nay có nhiều điều khiến chúng ta phải lo âu và sợ hãi. Một trong những lo âu và sợ hãi đang chi phối cả thế giới, nói theo cách nói của Đức Tổng Giám Mục Viganof, đó là ‘sự hình thành của hai mặt đối lập nhau, được mô tả như trong Kinh Thánh: những đứa trẻ của ánh sáng và những đứa trẻ của bóng tối’.

Những đứa trẻ của ánh sáng là ai ? Thưa, đó là con cái sự thiện. Còn, những đứa trẻ của bóng tối là ai? Thưa, đó là con cái ác thần. Vâng, con cái ác thần có vẻ như đang lấn lướt con cái sự thiện.

Con cái ác đang được lên ngôi. Con cái ác đang khuynh đảo cả thế giới. Nguy hiểm hơn nữa, đó là,  có một số nhỏ con cái sự thiện thỏa hiệp với con cái ác thần, một sự thỏa hiệp khiến cho không ít người thuộc con cái sự thiện, lo âu và sợ hãi.

Đức Giê-su, tất nhiên, Ngài biết. Và, nếu xưa kia Ngài đã truyền dạy với các môn đệ như thế nào, thì hôm nay, Ngài cũng sẽ truyền dạy với chúng ta như thế nấy. Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta rằng “Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”. Vâng, đừng sợ… “chúng ta còn quý giá hơn”.

Petrus.tran

 

Trả lời