Đừng nói: chuyện tôi can gì đến Chúa

 

Đừng nói: chuyện tôi can gì đến ChúaThiên Chúa là Đấng quyền năng. Quyền năng của Thiên Chúa luôn được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử con người.

Nếu quyền năng của Thiên Chúa vào thời Cựu Ước thường được nhìn thấy qua  sự “trừng phạt”, như sự trừng phạt thành Sô-đô-ma. Hoặc như sự trừng phạt dân Ai Cập, vào thời ông Mô-sê,   thì vào thời Tân Ước, quyền năng của Thiên Chúa luôn được thể hiện qua những phép lạ “chữa lành”. Và, Đức Giê-su chính là người thể hiện những điều đó.

Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết: trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su không chỉ “giảng dạy, loan báo Tin Mừng cứu độ”, nhưng Ngài còn dùng quyền năng mình “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (x.Mt 4, 23-25).

Nếu những lời giảng dạy của Đức Giê-su luôn làm cho nhiều người “kinh ngạc”, thì quyền năng (phép lạ hay dấu lạ) mà Đức Giê-su đã làm, đã làm cho mọi người “sửng sốt”.  Có rất… rất nhiều người chứng kiến  và họ đã đồn ra mọi nơi. Sự kiện này được ghi lại trong Tin mừng thánh Mác-cô.

Theo thánh sử Mác-cô, một ngày nọ: “Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phac-na-um”.  Đến Ca-phác-na-um,  Ngài cùng các môn đệ vào hội đường, bởi đó là ngày Sa-bát.

Tưởng chúng ta nên biết, ngày Sabat chính là “ngày thánh”.  ngày toàn dân Israel “kính ĐỨC CHÚA… không được làm công việc nào”. (x.Xh 20, 9). Thế nên, việc Đức Giê-su vào hội đường là điều phải đạo.

Còn “hội đường” ư! Vâng, theo lịch sử ghi chép, hội đường bắt đầu xuất hiện từ thời người Do Thái bị đi đày bên Babylon. Đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh trong lúc bị lưu đày nơi đất khách quê người. Truyền thống đó vẫn được duy trì khi người Do Thái trở về cố hương.

Trong buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Trở lại câu chuyện của Đức Giêsu, theo lời thánh Mác-cô, thì: “Người vào hội đường giảng dạy”. Như vậy, Đức Giê-su, hôm ấy, Ngài chính là người thực hiện công việc danh dự này.

Không ai có thể ngờ được, Đức Giê-su đã có một bài giảng khiến cho mọi người “phải sửng sốt”. Một sự so sánh đã được các cử tọa bàn tán xôn xao: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.

Và, sửng sốt hơn nữa khi “Đấng có thẩm quyền” đã thực hiện một phép lạ vô tiền khoáng hậu. Chuyện là, trong hội đường “có một người bị thần ô uế nhập”,  Bất ngờ thay! người này la lên, rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”.

Chưa hết, thần ô uế, qua thân xác người nó nhập vào, đã la tiếp rằng “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Ơ hay! Sao “ông thần” này lại biết rõ về Đức Giê-su thế nhỉ? Phải chăng, y chính là ma quỷ? Vâng, không thấy thánh sử Mác-cô bình luận gì, chỉ biết rằng; sau những lời la hét lung tung đó, Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Chuyện kể rằng: “Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất ra khỏi anh ta” (x. Mc 1, 25-26)

Kinh ngạc… vâng, từ sửng sốt mọi người hiện diện nơi đó đã kinh ngạc và xầm xì bàn tán với nhau về Đức Giê-su, rằng: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Hôm ấy, quyền năng của Đức Giê-su, không chỉ được mọi người  ở Ca-phác-na-um biết đến, nhưng còn được đồn ra khắp nơi,  khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

Thật ra, Thiên Chúa của bất cứ vào thời kỳ nào cũng đều là Thiên Chúa của tình yêu. Lời Chúa qua môi miệng tiên tri Ê-dê-ki-en cho biết: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề… Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống”.(x.Ed 33, 11)

Quyền năng của Thiên Chúa, nếu có được thể hiện, thì không phải để tiêu diệt “kẻ ác” nhưng là tiêu diệt “cái ác”. Thì đây, qua câu chuyện Đức Giê-su “chữa lành một người bị quỷ ám”, Ngài đâu có “tiêu diệt” người bị ám, nhưng là “diệt trừ” con quỷ ám người, mà thôi.

Quyền năng của Thiên Chúa, nếu có được thể hiện, cũng chỉ là để đem lại cho con người được sống, một cuộc sống đời đời.

Vua David xưa kia, rất nhiều lần bị kẻ thù hãm hại. Thê thảm nhất là một người con ruột tên là Apsalon, làm phản.Thế nhưng, ông ta đã được quyền năng của Thiên Chúa giải thoát. Chúng ta hãy nghe lời cảm nghiệm của ông ta: “Dù tôi đi trong trũng bóng chết, tôi vẫn không sợ gì, vì Chúa ở cùng tôi”.

Chúng ta thường nghĩ rằng, xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội vô thần. Thật ra, phải nói là một xã hội “đa thần”, mới đúng. Nói đa thần là bởi, con người hôm nay đang bị mê hoặc bởi một thứ chủ nghĩa duy vật. Con người xem vật chất như là thước đo cho sự thành công của mình.

Và, khi coi vật chất như là cứu cánh cho cuộc sống. Điều chúng ta sẽ thấy, đó là rất nhiều loại “quỷ thần” xuất hiện. Đó là những loại quỷ thần, đại loại như: “thần danh vọng… thần quyền lực… thần ma men… thần tiền bạc… thần ganh tỵ… thần bè phái… thần dâm bôn…thần tranh chấp… thần chia rẽ” v.v…

Thế nên, biết đâu chúng đang “ám” chúng ta, và tìm đủ mọi cách “nhập” vào đời sống của chúng ta? Làm sao để những loại “quỷ thần” này không thể ám, không thể nhập vào chúng ta? Thưa, hãy nhìn Đức Giê-su, và hãy học theo Ngài.

Thật vậy, xưa, trong bốn mươi ngày ở hoang địa, để chiến thắng việc bị “quỷ ám” , Đức Giê-su đã dùng một thứ vũ khí tối thượng, đó chính là “Lời Chúa”. Thì nay, cũng vậy đối với chúng ta, phải có Lời Chúa, nếu không,  chúng ta không thể thoát khỏi sự cám dỗ của Satan và thế lực của nó là thế gian này.

Đừng bao giờ xem nhẹ Lời Chúa. Nếu chúng ta ghi khắc Lời Chúa dạy rằng: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”, ai… ai dám bảo rằng, ta không thể trục xuất con “quỷ mamon – quỷ tiền bạc, quỷ quyền lực, quỷ danh vọng” ra khỏi tâm hồn ta!

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: rằng, tôi đã tiếp nhận Lời Chúa như thế nào và sống Lời Chúa ra sao? Tôi đã có quyển Kinh Thánh chưa?

Nếu bạn chưa có quyển Kinh Thánh, phải có ngay trong hôm nay. Bởi đó chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”(Tv 119. 105). Bởi, đọc và sống Lời Chúa, như lời thánh Phao-lô nói, ta sẽ “được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”, tất nhiên là không bị giằng co giữa Thiên Chúa và những lũ quỷ thần, nêu trên.

Còn… còn nếu chúng ta lỡ “sa vào chước cám dỗ” của những loại quỷ thần nêu trên! Thưa, đừng sợ. Hãy can đảm đi đến “nhà thờ”, đến nhà thờ và hãy bước vào tòa cáo giải. Nói rõ hơn, chúng ta hãy đến với Bí Tích giải tội.

Ở đó, chúng ta sẽ được Đức Giê-su, qua vị linh mục, trục những loại quỷ thần nêu trên, bằng việc ban phép giải tội cho ta. Và, phần còn lại của chúng ta, đó là; “sám hối và tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa”.

Cuối cùng, đừng bao giờ để cho cuộc hành trình về Thiên Quốc của chúng ta trong trạng thái cô đơn một mình, mà hãy ở trong trạng thái “một người đi với một người”.

Đi với người nào? Tất nhiên, không phải là đi với những loại quỷ thần nêu trên, mà, đó là “đi cùng Đức Ki-tô”.  Nói rõ hơn, đó chính là đi cùng “Mình Thánh Chúa Ki-tô”, đó chính là đi cùng “Bí Tích Thánh Thể” – bảo chứng của sự sống đời đời.

Sống trong một xã hội tràn ngập lũ quỷ thần nêu trên, hành trang mang trên vai của chúng ta phải là “Thánh Kinh và Thánh Thể” bởi chỉ có thế, ta mới có thể nói, rằng: “Dù tôi có phải sống chung với lũ quỷ (nêu trên), tôi vẫn không sợ gì, vì có Chúa ở cùng tôi”.

Sống trong một xã hội tràn ngập lũ quỷ thần, đâu đâu cũng thấy toàn là quỷ, không gì tốt hơn là chúng ta hãy cất tiếng khẩn cầu với Đức Gê-su, như lời khẩn cầu khi xưa của hai môn đệ trên đường Emmau: “Mời ông ở lại với chúng tôi”. Đừng bao giờ nói: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông..”

Vâng, đừng bao giờ nói: chuyện tôi can gì đến Chúa.

Petrus.tran

 

Trả lời