Đừng làm tôi Tiền Của

 

Đừng làm tôi Tiền CủaCách đây khá lâu, ở Hoa Kỳ, có một câu hỏi thăm dò được gửi đến người dân, câu hỏi rằng: cái gì là nhu cầu và làm cho quý vị căng thẳng nhất trong  cuộc sống hằng ngày? Không ngạc nhiên lắm khi đại đa số người được hỏi đều trả lời rằng: tiền bạc.

Vâng, tiền bạc, nhất là khi chúng ta đang sống trong một thời đại được gọi là thời đại kinh tế thị trường, một thời đại con người được đánh giá qua sự giàu sang, lắm tiền nhiều của thì quả đó là nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta.

Giáo Hội Công Giáo không ngăn cản người tín hữu kiếm tiền. Nhưng Giáo Hội khuyên người tín hữu nên cẩn trọng trước đồng tiền. Đừng nô lệ cho đồng tiền. Khuyên như thế vì vấn đề tiền bạc, vấn đề tài chính đã làm cho không ít người tăm tối thiếu khôn ngoan. Khuyên như thế vì vấn đề tiền bạc, vấn đề tài chính đã làm cho không ít người rơi vào tình trạng gian dối, lừa đảo, bất tín v.v…

Với Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã cho biết tiền bạc chính là rào cản làm cho con người khó vào Nước Trời. Hơn phân nửa những ẩn dụ, những dụ ngôn đã được Đức Giê-su dùng hình ảnh tiền bạc để dạy dỗ toàn dân. Một trong những dụ ngôn mà chúng ta có thể thấy rõ nét về một con người gian dối và bất tín, đó chính là dụ ngôn “người quản gia bất lương”.

Dụ ngôn đã được thánh sử Luca ghi lại như sau: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này phung phí của cải nhà ông”.

Vâng, chỉ nghe sơ qua lời tường thuật, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng, chàng quản gia này có phần chắc sẽ bị cho thôi việc.

Mà, đúng vậy. Khi những lời tố cáo đến tai ông chủ, chuyện kể rằng: “ông mới gọi anh ta đến mà bảo: Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”.

Cứ sự thường, một ai đó, khi thâm lạm tài sản của chủ, họ sẽ không ngần ngại “tẩu vi thượng sách”. Nhưng với anh quản gia này thì không.

Sau khi “cháy nhà ra mặt chuột”, chỉ sau một thoáng bối rối, con chuột quản gia nghĩ ngay ra một kế sách, một kế sách rất mưu mẹo. Thế là, “anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến”… và đây là kế sách của y. Anh ta “khuyến mãi” cho mỗi con nợ bằng cách “giảm nợ” tùy theo giá trị số nợ của họ.

Người thứ nhất nợ “một trăm thùng dầu ô-liu”, anh ta giảm 50% số nợ, tức là còn năm mươi thùng. Người thứ hai nợ “một ngàn giạ lúa”, anh ta giảm 20%, tức là còn tám trăm giạ.

Nghe tới đây, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng bái phục mưu kế của anh quản gia. Mà, quả thật, câu chuyện kể tiếp rằng “Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”.

Dụ ngôn được chấm dứt với một lời nói khiến chúng ta không thể không suy nghĩ:  “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”.

Chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào về sự khôn khéo của anh quản gia? Anh ta “sẽ có người đón rước mình về nhà họ?” Anh ta sẽ được một chân quản gia tại nhà những người được anh ta giảm nợ?

Không… không thấy thánh Luca nói gì về chuyện này. Thế nên, nếu có nghĩ đến sự khôn khéo ở đây, chúng ta hãy nghĩ đến việc khôn khéo khi “dùng tiền”, khôn khéo khi “sử dụng tiền” như chính Chúa Giê-su nói: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của… mà tạo lấy bạn bè”.

Đừng ngạc nhiên và hỏi tại sao… tại sao Chúa Giêsu lại đem hình ảnh một con người bất lương và xem đó như  là một bài học cho các môn đệ và cho chúng ta hôm nay? Bởi, nếu chúng ta đặt ra câu hỏi này, một cách nào đó, chúng ta đã đọc Tin Mừng một cách hời hợt.

Nên nhớ, đây là một dụ ngôn, và thường mỗi dụ ngôn đều chứa một ẩn ý nào đó. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta hành động như người quản gia bất lương.

Thông điệp Ngài muốn gửi đến chính là cái “tinh thần”, cái “cách làm” của người quản gia. Chúa Giêsu không khen “công việc” người quản gia đã làm nhưng Ngài khen cái “tinh thần, sự khôn ngoan, cách ứng xử” của người quản gia đó.

Cái “tinh thần, sự khôn ngoan, cách ứng xử” đó, nếu một người môn đệ của Ngài không có, thì, như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em”.

Qua dụ ngôn, một chi tiết mà chúng ta cần chú ý, đó là: một khi một người nào đó gian dối trong vấn đề tiền bạc, ngay lập tức người đó trở thành một con người bất tín.

Thế nên, điều chúng ta cần đó là cùng nghe lại lời truyền dạy của Đức Giê-su: “Nếu anh  em không trung tín trong việc sử  dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh  em của cải dành riêng cho anh em?”

Và, đây là lời truyền dạy thứ hai: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.

Tưởng chúng ta cần biết, hai chữ “Tiền Của” theo ngôn ngữ Aram, một thứ ngôn ngữ thông dụng vào thời Đức Giê-su, được gọi là “Mam-mon”, nó còn có nhiều ý nghĩa khác nữa, đó là: “thu hoạch, lợi nhuận, sự giàu có”.

Cho nên, lời truyền dạy nêu trên có thể đã được Đức Giê-su nói nguyên văn như sau: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Mam-mon được”. Nói cách khác, “Anh em không được vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa nô lệ vào sự giàu có”.

Khi Đức Giê-su đặt “Thiên Chúa” đối trọng với “Mam-mon”, Ngài muốn gởi đến chúng ta thông điệp rằng, trong hai phải chọn một. Bởi vì, Mam-mon, như là một đối thủ của Thiên Chúa, được coi như là công cụ mà Satan luôn dùng để cám dỗ.

Đừng quên, Satan đã dùng tiền của cám dỗ Đức Giê-su. Không, Đức Giê-su không lên án “Tiền Của”, chính Ngài cũng đã có một nghề nghiệp để nuôi sống bản thân mình. Điều Ngài truyền dạy, đó là đừng “làm tôi” nó. Hay nói mạnh mẽ hơn, “Anh em đừng làm nô lệ Tiền Của”. Làm thế nào để chúng ta không nô lệ tiền của?

Thưa, đừng để lòng mình ham muốn tiền bạc. Vâng, nghe có vẻ khó thực hiện nhỉ!

Thế nhưng, đừng quên lời thánh Phao-lô truyền dạy: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã xa lạc đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tim 6, 10)

Trong thực thế lời cảnh báo của thánh Phao-lô đã xảy ra. Xưa, chuyện Lã Bố trong Tam Quốc Chí như một điển hình. Chỉ vì tham lam  vàng bạc cùng với con ngựa xích thố do Đổng Trác ban cho, con người Lã Bố đã “sinh ra điều ác”, chém chết người cha nuôi là Đinh Nguyên, sau đó quy hàng Đổng Trác.

Và, mới đây là chuyện người anh ruột vì bị “nô lệ hóa” tiền của nên đã chém chết người em cùng ba người khác trong gia đình như một điển hình nữa.

Cuối cùng, và đây phương cách chính Đức Giê-su truyền dạy, đó là “Hãy chia sẻ”.  Ôi! lại càng khó thực hiện nhỉ!

Thế nhưng, khó cũng phải thi hành, bởi vì khi một chàng thanh niên đến xin đi theo Đức Giê-su, Ngài đã chẳng truyền dạy điều gì ngoài việc bào anh ta “hãy về bán của cải mình có và cho người nghèo rồi đến theo Ta”.

Thánh Phao-lô đã trải nghiệm được điều truyền dạy (nêu trên) của Đức Giê-su, nên ngài đã chia sẻ: “chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (x.1Tm 6, 6-7)

Vâng, quá  đúng. Thế nên, cớ gì chúng ta không thực hiện lời Chúa đã truyền dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Mam-mon được”. Nói vắn tắt: “Đừng làm tôi Tiền Của”.

Petrus.tran

 

Trả lời