Đức Thánh cha: Vua Đavít dạy chúng ta đưa tất cả cuộc sống vào trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa

 

Đức Thánh cha: Vua Đavít dạy chúng ta đưa tất cả cuộc sống vào trong cuộc đối thoại với Thiên ChúaLúc gần 9 giờ 30, sáng thứ Tư, 24/6/2020, lễ kính sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến trực tuyến lần thứ 15, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa.

Đức Thánh cha Phanxicô thường nghỉ hè trong tháng Bảy, nên có thể đây là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trước khi vào hè.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến tại thư viện dinh Tông tòa, có tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ Khanh thông dịch viên, Đức ông Sapienza, quyền chủ tịch phủ Giáo hoàng và một giám chức người Argentina phụ giúp Đức Thánh cha.

Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, qua đoạn sách trích từ thánh vịnh 18 (Tv 18,2-3.29.33), ghi lại lời cầu nguyện của thánh vương Đavít:

“Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ. Vâng, lạy Chúa, là Thiên Chúa con thờ, Chúa làm cho ngọn đèn của con sáng tỏ, Ngài soi chiếu vào đời con tăm tối mịt mù…”

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Tiếp đến, Đức Thánh cha đã trình bày bài giáo lý thứ tám về cầu nguyện, và diễn giải kinh nguyện vua Đavít. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vai trò đặc biệt của vua Đavít

Trong hành trình huấn giáo của chúng ta về sự cầu nguyện, hôm nay, chúng ta gặp vua Đavít. Ngài được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt từ hồi còn là thiếu niên, được Chúa chọn để thi hành một sứ vụ có một không hai, giữ một vai trò trung tâm trong lịch sử dân Thiên Chúa và của chính đức tin chúng ta. Trong các sách Tin mừng, Chúa Giêsu nhiều lần được gọi là “Con vua Đavít”; thực vậy, như Đavít, Chúa cũng sinh ra tại Bethlehem. Đấng Messia đến từ dòng dõi Đavít, theo như lời hứa: một vị Vua hoàn toàn theo con tim của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, hoạt động mà ngài thực hiện hoàn toàn phù hợp với kế hoạch cứu độ của Chúa (Xc. Sách GLCG, 2579).

Đavít, người chăn đoàn vật

Câu chuyện về vua Đavít bắt đầu trên những ngọn đồi quanh Bethlehem, nơi cậu đang chăn đoàn vật của cha là ông Jesse. Cậu còn là một thiếu niên, con út trong nhiều người anh em. Đến độ khi ngôn sứ Samuel, theo lệnh của Thiên Chúa, lên đường đi tìm vua mới, hầu như người cha quên hẳn người con nhỏ nhất này (Xc. 1 Sam 16,1-13). Đavít làm việc ngoài trời, chúng ta nghĩ cậu ta là bạn của gió, của những tiếng thiên nhiên, những tia sáng mặt trời. Cậu chỉ có người bạn duy nhất an ủi tâm hồn là cây đàn dây; và trong những ngày dài cô tịch, Đavít ưa gẩy đàn và hát ca chúc tụng Thiên Chúa. Và cả chơi bắn ná nữa.

Vì thế, Đavít trước tiên là một mục đồng: một người chăm sóc súc vật, bảo vệ chúng khi nguy hiểm ập tới, lo cho chúng được ăn uống. Khi Đavít, do ý Chúa, phải chăm sóc dân, nhà vua sẽ không phải thi hành những hoạt động khác nhiều so với những hoạt động này. Và vì thế, trong Kinh thánh, hình ảnh người mục tử thường được nhắc đến. Cả Chúa Giêsu cũng tự định nghĩa là “Mục tử nhân lành”, cách cư xử của Ngài khác với những người chăn thuê; Ngài hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, hướng dẫn họ, Ngài biết tên từng con chiên (Xc. Ga 10,11-18).

Từ nghề đầu tiên, Đavít học hỏi được nhiều. Vì thế, khi ngôn sứ Nathan trách cứ vua Đavít về tội rất nặng (Xc. 2 Sm 12,1-15), vua Đavít hiểu ngay mình là mục tử xấu, vì đã cướp mất của người khác con chiên duy nhất mà họ yêu mến, biết mình không còn là một người phục vụ khiêm tốn, nhưng là một người bệnh hoạn, ham hố quyền hành, một người săn trộm, giết người và cướp của.

Đavít thi sĩ

Một nét đặc biệt thứ hai trong ơn gọi của vua Đavít là tâm hồn thi sĩ. Từ nhận xét bé nhỏ này, chúng ta suy ra Đavít không phải là một người thô tục, như thường thấy xảy ra cho những người bó buộc phải sống cô lập trong thời gian dài khỏi xã hội. Trái lại, vua Đavít là một người nhạy cảm, thích âm nhạc và ca hát. Cây đàn luôn đồng hành với nhà vua: nhiều khi để dâng lên Thiên Chúa một bài ca hân hoan (Xc. 2 Sm 6,16), nhiều lần khác để biểu lộ một lời than vãn, hoặc để xưng thú tội lỗi của mình (Xc. Tv 51,3).

Kinh nguyện của vua Đavít, tác giả thánh vịnh

Thế giới xuất hiện trước mắt nhà vua không phải là một cảnh tượng câm: cái nhìn của vua đón nhận một mầu nhiệm cao cả hơn, đằng sau diễn tiến của sự việc. Kinh nguyện nảy sinh từ đó; từ xác tín, theo đó cuộc sống không phải là một cái gì đổ ập trên chúng ta, nhưng là một mầu nhiệm làm kinh ngạc, gợi lên nơi chúng ta bài thơ, âm nhạc, lòng biết ơn, lời chúc tụng hoặc than van, cầu khẩn. Khi một người thiếu chiều kích thơ phú, thì tâm hồn họ khập khiễng. Vì thế, truyền thống muốn rằng vua Đavít là người đã sáng tác các thánh vịnh. Ban đầu các thánh vịnh này nói rõ ràng về vua của Israel, và một số biến cố hơn kém cao thượng trong cuộc sống của vua.

Vua Đavít mục tử nhân lành

Vì thế, vua Đavít có một ước mơ, đó là trở thành người mục tử tốt. Vài lần vua đã thành công với nhiệm vụ cao cả này, nhiều lần khác thì không; nhưng điều đáng kể hơn, trong bối cảnh lịch sử cứu độ, chính là tính chất loan báo về một vị vua khác, vua Đavít chỉ là lời loan báo và tiên báo.

Vua Đavít: thánh nhân và tội nhân

Thánh nhân và tội nhân, bị bách hại và là người bách hại, nạn nhân và đồ tể. Vua Đavít là tất cả những điều ấy. Và cả chúng ta cũng ghi nhận trong cuộc sống của mình những nét nhiều khi trái ngược nhau; trong cuộc sống, tất cả thường phạm tội nói một đàng làm một nẻo. Đó là sợi chỉ đỏ duy nhất trong cuộc sống của vua Đavít, mang lại sự thống nhất cho tất cả những gì xảy ra: đó là kinh nguyện. Kinh nguyện là tiếng nói không bao giờ tắt lịm. Dù có những cung giọng vui mừng hay than vãn, kinh nguyện vẫn luôn là kinh nguyện, chỉ có điệu nhạc thay đổi. Và khi làm như thế, vua Đavít dạy chúng ta đưa tất cả vào trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa: vui mừng cũng như tội lỗi, tình thương cũng như đau khổ, tình bạn cũng như bệnh tật. Tất cả có thể trở thành lời đối thoại nói với Chúa, Đấng luôn lắng nghe chúng ta.

Vua Đavít đã từng trải qua cô đơn, trong thực tế, ngài không bao giờ bị cô đơn! Xét cho cùng, đó là sức mạnh của kinh nguyện, nơi tất cả những người dành chỗ cho cầu nguyện trong cuộc sống của họ: kinh nguyện có khả năng bảo đảm tương quan với Thiên Chúa, Đấng là người Đồng Hành đích thực của con người, giữa bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập…

Đặc biệt, khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, chúng ta đang vào mùa nghỉ hè. Tuy phải giữ tất cả những biện pháp an ninh liên quan đến đe dọa lan lây coronavirus, ước gì đây là thời kỳ nghỉ ngơi thanh thản, hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và củng cố các mối liên hệ giữa con người với nhau và với Thiên Chúa. Noi gương vua Đavít, chúng ta hãy cầu xin Chúa khi gặp điều tốt lành cũng như bất hạnh, và chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì mọi ơn chúng ta nhận được từ trái tim đầy tình thương của Chúa đối với chúng ta. Xin phúc lành của Chúa ở cùng anh chị em luôn mãi!”

Sau cùng, bằng tiếng Ý Đức Thánh cha nói: “Tôi chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi cầu mong kỳ nghỉ hè này có thể là thời thanh thản và một cơ hội tốt để chiêm ngắm Thiên Chúa trong kỳ công tạo dựng của Ngài.”

“Tôi nghĩ đến những người già, các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Hôm nay là lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Chúng ta hãy học từ nơi vị Tiền Hô của Chúa Giêsu khả năng can đảm làm chứng cho Tin mừng, vượt lên trên những khác biệt của mình, gìn giữ sự hòa thuận và tình bạn, tạo nên uy tín cho bất kỳ việc loan báo đức tin nào.”

Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha cho mọi người.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Trả lời