Đức Thánh cha: Tình huynh đệ là thách đố cho Irak và toàn thế giới

 

Sáng thứ Tư, 10/3/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến thứ bảy tính từ đầu năm nay, vẫn tại thư viện trong dinh Giáo hoàng, vào lúc 9 giờ 15 phút và không có tín hữu nào hiện diện, ngoài hai chức sắc liên hệ và tám linh mục thông dịch viên.

Tôn vinh Lời Chúa

Đức Thánh cha: Tình huynh đệ là thách đố cho Irak và toàn thế giớiBuổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn, trích từ đoạn 12 của sách Sáng thế, kể lại Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ Abraham: “Chúa nói với Abram: “Hãy ra khỏi đất ngươi, khỏi họ hàng và nhà cha ngươi, để tiến về đất Ta sẽ chỉ cho người” … Bấy giờ Abram ra đi như Chúa đã truyền […]

Rồi Chúa nói với Abram: Hãy nhìn lên trời và đếm các vì sao, nếu ngươi đếm được, và Chúa nói thêm: “Dòng dõi của ngươi cũng sẽ như vậy”. Abram tin vào Chúa, và Ngài gọi ông là người công chính”.

Bài huấn giáo

Trong phần giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha đã gác lại loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện, để thuật lại cuộc tông du ngài mới thực hiện tại Irak, từ ngày 5 đến 8/3 vừa qua, với những tâm tình của ngài.

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những ngày qua, Chúa đã ban cho tôi được viếng thăm Irak, thực hiện một dự án của thánh Gioan Phaolô II. Chưa bao giờ một Giáo hoàng ở trên đất của tổ phụ Abraham; Chúa Quan Phòng đã muốn điều ấy xảy ra bây giờ, như dấu chỉ hy vọng sau những năm chiến tranh và khủng bố, và trong một đại dịch cam go.

Cám ơn

Sau cuộc viếng thăm ấy, tâm hồn tôi tràn đầy lòng biết ơn. Biết ơn đối với Thiên Chúa và tất cả những người đã làm cho cuộc viếng thăm ấy có thể thực hiện được: tôi cám ơn tổng thống và chính phủ Irak, các vị thượng phụ và giám mục tại nước này, cùng với tất cả các thừa tác viên và các tín hữu thuộc các Giáo hội liên hệ; tôi biết ơn các vị lãnh đạo tôn giáo, bắt đầu từ Đại Ayatollah Al-Sistani, vị tôi đã có một cuộc gặp gỡ không thể quên được trong nhà của ngài ở thành Najaf.”

Tâm tình đau khổ, vui mừng và hy vọng

“Tôi đã cảm thấy ý nghĩa thống hối mạnh mẽ của cuộc hành hương này: tôi không thể đến gần một dân tộc đã chịu đau khổ, Giáo hội tử đạo, mà không đón lấy trên mình, nhân danh Giáo hội Công giáo, thập giá họ đang vác từ bao năm nay; một thánh giá lớn, như thánh giá được dựng ở cửa vào thành Qaraqosh. Tôi đặc biệt cảm thấy điều đó khi thấy những vết thương còn mở toang của các cuộc tàn phá, hơn nữa khi gặp gỡ và lắng nghe những chứng nhân còn sống sót sau bạo lực, bách hại và lưu đày… Và đồng thời tôi đã thấy chung quanh tôi niềm vui được đón sứ giả của Chúa Kitô; tôi đã thấy niềm hy vọng mở ra một chân trời hòa bình và huynh đệ, được tóm tắt trong những lời của Chúa Giêsu, được chọn làm khẩu hiệu của cuộc viếng thăm: “Tất cả các con là anh chị em với nhau” (Mt 23,8). Tôi đã gặp niềm hy vọng này trong bài diễn văn của tổng thống, tôi đã tìm thấy hy vọng ấy trong bao nhiêu lời chào và chứng từ, trong các bài ca và cử chỉ của dân chúng. Tôi đã đọc thấy hy vọng ấy trên những khuôn mặt của những người trẻ, và trong đôi mắt linh hoạt của những người già.

Bênh vực dân tộc Irak

Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Dân tộc Irak có quyền được sống trong an bình, có quyền tìm lại phẩm giá của mình. Những căn cội tôn giáo và văn hóa ngàn năm: miền Mesopotamia là chiếc nôi của nền văn minh; Baghdad trong lịch sử là một thành phố quan trọng hàng đầu, đã đón tiếp, qua bao thế kỷ, thư viện phong phú nhất của thế giới. Vậy cái gì đã phá hủy nó? Chiến tranh. Luôn luôn chiến tranh là con quái vật, qua các thời kỳ, nó biến đổi và tiếp tục nuốt chửng nhân loại. Nhưng câu trả lời cho chiến tranh không phải là một cuộc chiến tranh khác, câu trả lời cho võ khí không phải là những võ khí khác. Câu trả lời chính là tình huynh đệ. Đây là thách đố đối với Irak, và không phải chỉ Irak: đó là thách cho bao nhiêu miền có xung đột, và xét cho cùng là cho toàn thế giới.

Gặp gỡ cầu nguyện

“Vì thế, chúng tôi đã gặp nhau và cầu nguyện, các tín hữu Kitô và Hồi giáo, với các đại diện các tôn giáo khác, tại Ur, nơi tổ phụ Abraham đã nhận được lời kêu gọi của Thiên Chúa cách đây khoảng 4.000 năm. Abraham là tổ phụ trong đức tin vài ngài đã nghe tiếng Thiên Chúa hứa một dòng dõi, đã bỏ mọi sự và ra đi. Thiên Chúa trung tín với những lời hứa của Ngài và ngày nay Chúa còn hướng dẫn những bước chân hòa bình, hướng dẫn bước chân của những người bước đi trên trái đất, hướng mắt nhìn Trời Cao. Và tại Ur, cùng đứng dưới bầu trời rạng ngời ấy, cùng bầu trời, trong đó tổ phụ Abraham của chúng ta đã thấy chúng ta là dòng dõi của Ngài, dường như còn vang vọng trong tâm hồn câu này: Tất cả các con là anh chị em với nhau.”

Giáo hội tử đạo tại Irak

Một sứ điệp huynh đệ đã đến từ cuộc gặp gỡ Giáo hội trong nhà thờ chính tòa Công giáo Siriac ở Baghdad, nơi mà vào năm 2010, bốn mươi tám người đã bị giết, trong đó có hai linh mục, trong khi cử hành thánh lễ.

Giáo hội tại Irak là một Giáo hội tử đạo và trong thánh đường ấy có ghi khắc kỷ niệm của các vị tử đạo, vang vọng niềm vui gặp gỡ: sự ngạc nhiên của tôi ở giữa họ dựa trên niềm vui của họ được gặp Đức Giáo hoàng.

Sứ điệp tình huynh đệ giữa những đau thương

“Một sứ điệp về tình huynh đệ đã được gióng lên từ Mossul và Qaraqosh, bên bờ sông Tigre, gần những đổ nát của Ninive xưa kia. Cuộc chiếm đóng của nhóm nhà nước Hồi giáo IS đã tạo nên cuộc chạy trốn của hàng ngàn ngàn người dân, trong đó có nhiều Kitô hữu thuộc các hệ phái và các nhóm dân thiểu số khác bị bách hại, đặc biệt là những người Yazedi. Căn tính cổ kính của thành này bị băng hoại. Giờ đây, người ta đang tìm cách tái thiết trong cơ cực; những người Hồi giáo đã mời gọi các tín hữu Kitô trở về, và cùng nhau tái thiết các thánh đường Kitô và đền thờ Hồi giáo. Và xin anh chị em, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta bị thử thách dường ấy, để họ can đảm bắt đầu lại. Và khi nghĩ đến bao nhiêu người Irak xuất cư, tôi muốn nói với họ: anh chị em đã bỏ mọi sự, như tổ phụ Abraham, và như ngài, anh chị em hãy gìn giữ đức tin và niềm hy vọng, và hãy trở thành những người xây dựng tình bạn và tình huynh đệ tại nơi anh chị em đang sống.”

Hai thánh lễ

“Một sứ điệp huynh đệ đến từ hai buổi cử hành thánh lễ: tại Baghdad theo nghi lễ Canđê, và thánh lễ tại thành Erbil, nơi tôi đã được vị Chủ tịch miền và Thủ tướng, chính quyền và dân chúng đón tiếp. Niềm hy vọng của tổ phụ Abraham và dòng dõi của ngài được thể hiện trong mầu nhiệm mà chúng tôi đã cử hành, trong Chúa Giêsu, Người Con mà Thiên Chúa Cha không dung tha, và đã ban để cứu độ tất cả: qua cái chết và sống lại, Chúa đã mở cho chúng ta con đường dẫn đến đất nước, đến cuộc sống mới, trong đó nước mắt được lau khô, những vết thương được chữa lành, anh chị em được hòa giải với nhau.”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa vì cuộc viếng thăm lịch sử này và chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho phần đất Irak và Trung Đông. Tại Irak, mặc dù những tiếng vang dội của tàn phá và võ khí, những cây dừa, biểu tượng của đất nước và niềm hy vọng, đã tiếp tục tăng trưởng và mang lại hoa trái. Cũng vậy đối với tình huynh đệ: nó không gây ồn ào, nhưng có kết quả và làm cho chúng ta tăng trưởng. Xin Thiên Chúa là an bình, ban một tương lai huynh đệ cho Irak, cho Trung Đông và toàn thế giới!

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Tôi nồng nhiệt chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Khi tiếp tục hành trình Mùa chay, anh chị em hãy để cho hoạt động của Chúa Thánh Linh hướng dẫn, Đấng dẫn dắt chúng ta theo chân Chúa Kitô tiến về thành Jerusalem, nơi Người sẽ hoàn tất sứ vụ cứu chuộc.”

“Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi cầu xin ơn Chúa cho mỗi người, để, dù trong tuổi trẻ hay trong đau khổ, trong tình yêu vợ chồng đối với nhau, anh chị em có thể đạt tới niềm vui Phục sinh, được củng cố nhờ hành trình hoán cải và thống hối mà chúng ta đang sống.”

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

 

Trả lời