Đức Thánh cha tiếp kiến Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma

 

Đức Thánh cha tiếp kiến Tòa Thượng Thẩm Rota ở RomaTrong buổi tiếp kiến sáng ngày 27 tháng Giêng năm 2023, dành cho đoàn thẩm phán cùng với các luật sư và viên chức của Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi tái khám phá ý nghĩa và giá trị của hôn nhân giữa người nam và người nữ, là căn bản của gia đình, đứng trước cuộc khủng hoảng của bao nhiêu gia đình.

Phần lớn các hoạt động của Tòa Rota ở Roma hiện nay là cứu xét, từ cấp hai trở lên, các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tòa này có 22 thẩm phán thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, dưới sự điều động của một vị niên trưởng.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh cha nhận định rằng một khía cạnh quan trọng trong cuộc khủng hoảng hiện nay về gia đình là sự dốt nát trong thực hành nơi bản thân và tập thể, về hôn nhân.

“Tin mừng về gia đình gợi lại ý định của Thiên Chúa khi sáng tạo người nam và người nữ, tức là “ngay từ đầu”, “Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người có nam có nữ và nói: vì thế, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hiệp với vợ mình, và cả hai trở nên một thân thể. Vì thế, họ không còn lại hai nữa, nhưng là một. Do đó con người không được phân rẽ những gì Thiên Chúa đã kết hiệp” (Mt 19,4-6).

Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng “Hôn nhân, theo Mạc khải Kitô, không phải là một lễ nghi hay một biến cố xã hội, cũng không phải là một hình thức, và chẳng phải là một lý tưởng trừu tượng: đó là một thực tại với thực chất rõ ràng, không phải chỉ là một hình thức thỏa mãn tình cảm mà người ta có thể tạo nên bằng bất cứ cách nào và thay đổi theo sự nhạy cảm của mỗi người” (E.G 66).

Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng mỗi hôn nhân là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho đôi vợ chồng, kể cả hôn nhân không bí tích. “Sự chung thủy trong hôn nhân dựa trên sự chung thủy của Thiên Chúa, sự phong phú của hôn nhân dựa trên sự phong phú của Chúa. Người nam và người nữ được kêu gọi đón nhận hồng ân ấy và tự nguyện đáp lời qua sự hiến thân cho nhau”.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh cha cũng đề cao vai trò của tình yêu trong hôn nhân và ngài bác bỏ quan niệm cho rằng hôn nhân chỉ kéo dài bao lâu còn tình yêu. Ở đây cần hiểu đúng tình yêu hôn nhân, vì nhiều khi nó bị thu hẹp vào mặt tình cảm hoặc những thỏa mãn ích kỷ. “Trái lại, tình yêu hôn nhân không thể tách rời khỏi chính hôn nhân, trong đó tình yêu con người, mong manh và giới hạn, gặp tình yêu Thiên Chúa, luôn trung tín và thương xót. Nhưng có thể có một tình yêu “phải có” hay không? Câu trả lời chúng ta tìm thấy trong giới răn yêu thương, như Chúa Kitô đã ban cho chúng ta: “Thầy ban cho các con một giới răn mới, đó là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng yêu thương nhau như vậy” (Ga 13,34). Chúng ta có thể áp dụng giới răn này cho tình yêu vợ chồng, đây cũng là một hồng ân của Chúa”.

Đức Thánh cha cũng nhắn nhủ rằng: “Cần tái khám phá thực tại trường tồn của hôn nhân như một mối dây ràng buộc. Từ này nhiều khi bị nhìn với sự ngờ vực, như thể đó là một sự áp đặt từ bên ngoài, một gánh nặng, một “cái bẫy” trái ngược với đặc tính chân thực và tự do của tình yêu. Trái lại, nếu mối dây ràng buộc được hiểu như mối dây yêu thương, thì nó tỏ ra là cốt lõi của hôn nhân, như một hồng ân của Chúa, vốn là nguồn mạch của tự do và bảo tồn đời sống hôn nhân”.

(Rei 27-1-2023)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA