Đức Thánh cha tiếp kiến phái đoàn trẻ thuộc Phong trào Con đường mới

 

Đức Thánh cha tiếp kiến phái đoàn trẻ thuộc Phong trào Con đường mớiSáng ngày 16 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 80 thành viên trẻ, tuổi từ 18 đến 35, thuộc nhiều nước khác nhau, của Phong trào Chemin Neuf-Con đường mới-, ở Pháp, và mời gọi dấn thân trong chính trị theo nghĩa đích thực của từ này, là phục vụ công ích, “một hình thức cao cả nhất của đức bác ái”.

Đây là một sáng kiến của một tu sinh dòng Tên, thầy Laurent Fabre. Sau một kinh nghiệm cầu nguyện trong một nhóm thuộc Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, đã quyết định xây dựng một Huynh đoàn loan báo Tin mừng và hoạt động cho công ích, vào năm 1972. Huynh đoàn chính trị của Phong trào “Con đường mới” được khai sinh từ đó. Nhiều thành viên chọn đến sống trong một khu phố nghèo ở Paris, lắng nghe những người nghèo. Tất cả đều theo đuổi công ích và phục vụ người nghèo, và vì thế muốn dấn thân trong chính trị.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha khẳng định rằng người ta nói “chính trị trước tiên là một nghệ thuật gặp gỡ”, được thực hành bằng cách đón nhận tha nhân và chấp nhận sự khác biệt của họ, trong một cuộc đối thoại tôn trọng”. Nhưng đối với các tín hữu Kitô, còn có cái gì hơn nữa: vì Tin mừng dạy chúng ta hãy yêu thương cả những kẻ thù của chúng ta. Ta không thể chỉ hài lòng với một cuối thoại bề ngoài và hình thức, như những cuộc thương lượng thường là đố kỵ giữa các đảng phái chính trị”.

Đức Thánh cha kêu gọi thay đổi cái nhìn như vậy và nói: “Chúng ta được kêu gọi sống cuộc gặp gỡ chính trị như một cuộc gặp gỡ huynh đệ, nhất là với những người ít đồng ý với chúng ta; và điều này có nghĩa là nhìn thấy nơi người đối thoại với chúng ta một người anh em, chị em đích thực, một người con được Thiên Chúa yêu thương”. Vì thế, “tất cả bắt đầu bằng một sự thay đổi cái nhìn về người khác”, bằng cách đón nhận và tôn trọng vô điều kiện con người của họ”.

Đức Thánh cha cảnh giác rằng: “Nếu sự thay đổi con tim ấy không xảy ra, thì chính trị có nguy cơ biến thành một cuộc đụng độ, nhiều khi mạnh mẽ để làm cho những ý tưởng và lập trường của mình được trổi vượt, trong một cuộc tìm kiếm tư lợi thay vì công ích, đi ngược với nguyên tắc “sự hiệp nhất phải trổi vượt hơn xung đột”.

(Vatican News 16-5-2022)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA