Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa ThánhVATICAN. ĐTC phê bình nước giàu mạnh áp đặt các ”nhân quyền mới” như ”quyền phá thai”, hôn nhân tính, v.v. cho các nước nghèo là một hình thức mới ”thực dân ý thức hệ”.

Trên đây là một trong những vấn đề được ĐTC đề cập đến trong diễn văn dài khi tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, lúc 10 giờ 30, sáng ngày 8-1-2018, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có các đại diện của 183 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ trên cấp đại sứ. Trong số này, có 83 đại sứ thường trú ở Roma và 100 vị khác từ các nhiệm sở khác cũng đến Vatican trong dịp này.

Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của Angola, Ông Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, ĐTC đã lên tiếng chào thăm và chúc mừng năm mới tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn. Ngài nhắc đến các vị đại sứ đến từ ngoài Roma với con số gia tăng, và một số hiệp định đã được ký kết trong năm qua giữa Tòa Thánh và một số nước như Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Liên bang Đức, và Liên bang Nga. ĐTC không quên nhắc đến những chuyến viếng thăm ngài thực hiện trong năm vừa qua như Ai Cập, Bồ đào nha, Colombia, Myanmar và Bangladesh.

Nội dung tổng quát

Trong diễn văn dài, ĐTC lần lượt đề cập đến những vấn đề thời sự của thế giới, từ việc kỷ niệm 70 năm công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ, cho đến hiện tượng nảy sinh những cái gọi là ”các nhân quyền mới” nhiều khi mâu thuẫn với nhau và không luôn luôn giúp thăng tiến các quan hệ thân hữu giữa các quốc gia. Ngài cũng nói về việc giải trừ võ trang, đặc biệt là các võ khí hạt nhân. ĐTC kêu gọi hỗ trợ mọi cố gắng đối thoại ở bán đảo Triều Tiên, và giải quyết hiện tượng số người di dân và tị nạn ngày càng gia tăng.

ĐTC nhắc đến những vùng khó khăn, từ tương quan giữa Israel và Palestine, tình trạng tại Venezuela, Nam Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo, Ucraina. Rồi ngài chống lại thái độ sợ hãi trước những người di dân và tị nạn, đồng thời ca ngợi những chính phủ quảng đại đón nhận và giúp đỡ nhiều ngừơi di dân và tị nạn, trong đó có những người Rohingya từ Myanmar chạy sang Bangladesh. Ngài hy vọng trong năm nay LHQ sẽ đạt tới hai hiệp ước hoàn cầu về người di dân và tị nạn, tiến tới sự di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp. Sau cùng ĐTC cũng tái khẳng định quyền có công ăn việc làm, nghĩa vụ bảo vệ trái đất như căn nhà chung của chúng ta. Sau đây là một số đoạn nổi bật trong diễn văn của ĐTC trước các vị đại sứ các nước.

Hòa bình

ĐTC nhắc đến kỷ niệm trong năm nay 100 năm chấm dứt thế chiến thứ I. ”Từ những tro tàn của Thế chiến này, người ta có thể rút ra những lời cảnh cáo, nhưng rất tiếc nhân loại không biết hiểu ngay những điều đó, để rồi 20 năm sau lại lâm vào thế chiến thứ hai tàn hại hơn trước.

Lời cảnh giác đầu tiên là: chiến thắng không bao giờ có nghĩa là hạ nhục đối phương bị thất trận. Hòa bình không được xây dựng như một sự khẳng định quyền của kẻ chiến thắng trên kẻ chiến bại. Không phải luật sợ hãi ngăn cản được những gây hấn trong tương lai, nhưng là sức mạnh của lý trí hiền lành thúc đẩy đối thoại và cảm thông lẫn nhau, để chữa lành những dị biệt. Từ đó có lời cảnh giác thứ hai, đó là hòa bình được củng cố khi các nước có thể đối chiếu với nhau trong bầu không khí bình đẳng..

ĐTC nhắc nhở rằng ”Cả các quan hệ giữa các quốc gia, cũng như các quan hệ giữa con người với nhau, phải được điều hành trong sự thật, công lý, trong tình liên đới thực sự và trong tự do”. Điều này bao gồm nguyên tắc theo đó toàn thể các cộng đồng chính trị bình đẳng với nhau về phẩm giá tự nhiên, cũng như sự nhìn nhận các quyền hỗ tương, cùng với sự chu toàn các nghĩa vụ tương ứơng. Để có thái độ như thế, điều tiên quyết là khẳng định phẩm giá của mỗi người; sự khinh rẻ và không nhìn nhận phẩm giá ấy sẽ đưa tới những hành vi man rợ, xúc phạm đến lương tâm của nhân loại.

 Kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC đề cập đến kỷ niệm 70 năm công bố tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, được LHQ công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948. Ngài nói:

“Đối với Tòa Thánh, nói về các quyền con người, có nghĩa trước tiên là tái đặt lại vị trí trung tâm của con người, trong tư cách được Thiên Chúa muốn và tạo dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa.. Trong nhãn giới Kitô giáo, có một tương quan ý nghĩa giữa sứ điệp Tin Mừng và sự nhìn nhận các quyền con người, trong tinh thần của những người đã soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền’.

”Các quyền ấy rút tiền đề của chúng ta bản tính chung của mỗi người trong nhân loại. Các quyền ấy được tuyên bố để loại bỏ những bức tường chia cách, phân rẽ gia đình nhân loại và tạo điều kiện thuận lợi cho điều mà giáo huấn xã hội Công Giáo gọi là ”sự phát triển nhân bản toàn diện” vì nó nhắm thăng tiến mọi người và toàn diện con người, bao trùm cả toàn thể nhân loại. Trái lại, quan niệm hẹp hòi về con người mở đường cho sự phổ biến bất công, bất bình đẳng và tham nhũng.

ĐTC nhận xét rằng qua dòng thời gian, nhất là theo sau những phong trào xã hội hồi năm 1968, người ta dần dần giải thích các quyền con người và thay đổi chung, đến độ bao gồm nhiều thứ quyền mới nhiều khi trái ngược nhau. Tình trạng này không giúp thăng tiến các quan hệ thân hữu giữa các quốc gia, vì người ta khẳng định những ý niệm gây tranh cãi về các quyền con ngươi, tương phản với văn hóa của nhiều nước, vì thế các nước này cảm thấy không được tôn trọng trong các truyền thống văn hóa xã hội của mình, nhưng các nước ấy lại bị lơ là trước những nhu cầu thực sự mà họ phải đương đầu. Vì thế có nguy cơ là nhân dành cũng những nhân quyền, người ta thiết lập những hình thức mới về sự thực dân hóa ý thức hệ của những kẻ giàu mạnh hơn trên những người yếu nghèo hơn. Đồng thời cần để ý rằng các truyền thống của mỗi dân tộc không thể được nại đến như cái cớ để lơ là nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền căn bản được nói đến trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

ĐTC khẳng định rằng ”70 năm sau khi công bố tuyên ngôn nhân quyền ấy, thật là đau lòng mà phải nhận rằng nhiều quyền căn bản ngày nay vẫn còn bị chà đạp. Đứng đầu là quyền sống, quyền được tự do, sự bất khả xâm phảm của mỗi nhân vị. Không những chiến tranh hoặc bạo lực làm thương tổn các quyền ấy nhưng ngày nay còn có những hình thức tinh vi hơn: trước tiên tôi nghĩ đến các trẻ em vô tội bị gạt bỏ trước khi sinh ra; nhiều khi các em không được người ta muốn chì vì các em bị tật hoặc dị hình, hoặc vì sự ích kỷ của người lớn. Tôi nghĩ đến những người già, nhiều khi họ cũng bị gạt bỏ, nhất là nếu họ bệnh tật, bị coi là gánh nặng. Tôi nghĩ đến các phụ nữ, nhiều khi bị bạo hành, nhất là trong gia đình họ. Tôi nghĩ đến bao nhiêu nạn nhân của nạn buôn người, tệ nạn này vi phạm luật cấm mọi hình thức nô lệ. Bao nhiêu người, nhất là để trốn chạy nghèo đói và chiến tranh, đã bị biến thành những món hàng của những kẻ vô lương tâm.

 Tôn trọng quyền được săn sóc sức khỏe

ĐTC nói thêm rằng ”bảo vệ quyền sống và sự toàn vẹn thể lý, có nghĩa là bảo vệ quyền được sức khỏe cho bản thân và gia đình. Quyền này bao hàm những điều vượt quá ý hướng ban đầu của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, nhắm khẳng định quyền của mỗi người được săn sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết. Trong viễn tượng này tôi cầu mong rằng trong các diễn đàn quốc tế có thẩm quyền, các vị hữu trách nỗ lực tạo điều kiện để mọi người có thể được hưởng sự săn sóc sức khỏe. Điều quan trọng là cần hiệp lực để có thể có những chính sách có thể đảm bảo với giá phải chăng sự cung cấp các thuốc men thiết yếu cho sự sống còn của những người nghèo, mà không lơ là với việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp chữa trị, dù chúng không quan trọng về kinh tế đối với thị trường. Những nghiên cứu và phát triển ấy giữ vai trò chủ yếu trong việc cứu vãn sinh mạng con người.

ĐTC nhận xét rằng liên quan tới bảo vệ sự sống là nỗ lực tích cực xây dựng hòa bình, và từ đó ngài nói đến sự giải giáp toàn diện và sự phát triển toàn diện, hai điều có liên hệ mật thiết với nhau. Đàng khác, sự tìm kiếm hòa bình là điều kiện tiên quyết để phát triển, nó bao hàm sự bài trừ những bất công và loại bỏ một cách ôn hòa những nguyên nhân gây ra bất thuận đưa tới chiến tranh.

Giải trừ võ trang

ĐTC khẳng định rằng ”sự lan tràn võ khí chắc chắn là làm cho những tình trạng xung đột trở nên trầm trọng hơn và bao gồm những tốn phí lớn lao về nhân mạng và vật chất, làm tổn hại cho sự phát triển và tìm kiếm hòa bình lâu dài.”

Ngài nhắc lại sự kiện Tòa Thánh đã ký nhận và phê chuẩn Hiệp ước cấm các võ khí hạt nhân, trong viễn tượng đã được thánh Gioan 23 Giáo Hoàng trình bày trong thông điệp Hòa bình dưới thế, theo đó ”công lý, sự khôn ngoan và tình nhân đạo đòi phải ngưng cuộc chạy đua võ trang, đồng thời cùng nhau giảm bớt các võ khí hiện hữu, nghiêm cấm các võ khí hạt nhân”.

Hỗ trợ sáng kiến đối thoại tại Bán đảo Triều Tiên

Trong viễn tượng trên đây, ĐTC nói: ”Điều rất quan trọng là có thể hỗ trợ mọi cố gắng đối thoại ở bán đảo Triều Tiên, với mục đích tìm ra những con đường mới để vượt lên trên những đối nghịch hiện nay, gia tăng sự tín nhiệm nhau và đảm bảo một tương lai an bình cho dân tộc Đại Hàn và cho toàn thế giới.

 Hòa bình tại Siria và Irak

Cũng vậy, điều quan trọng là tiếp tục những sáng kiến hòa bình khác nhau hiện nay để giúp đỡ Siria, hầu chấm dứt cuộc xung đột kéo dài, gây ra những đau khổ vô biên cho dân nước này. Mong ước của mọi người là sau bao nhiêu tàn phá, nay đã đến lúc tái thiết. Điều quan trọng hơn việc tái thiết nhà cửa, đó là tái tạo con tim, dệt lại sự tín nhiệm nhau, là tiền đề không thể thiếu được để cho bất kỳ xã hội nào có thể triển nở. Vì thế cần cố gắng làm việc để tạo ra những điều kiện pháp lý, chính trị và an ninh, để phục hồi đời sống xã hội, trong có mỗi công dân Siria, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo, có thể tham gia vào việc phát triển đất nước. Trong chiều hướng này, cần phải bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, trong đó có các tín hữu Kitô, từ bao thể kỷ họ vẫn tích cực góp phần cho lịch sử của Siria.

ĐTC nhấn mạnh rằng điều quan trọng là làm sao giúp hồi hương những người tị nạn Siria ở các nước láng giềng, đặc biệt là Giordani, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngài cũng cổ võ ý chí cần thiết cho cuộc đối thoại tại Irak, để các thành phần chủng tộc và tôn giáo khác nhau có thể tìm lại con đường hòa giải và sống chung hòa bình, cộng tác với nhau. Điều này cũng cần phải thực hiện ở Yemen, và các ni khác trong vùng, cũng như tại Afganistan.

 Israel và Palestine

ĐTC nói thêm rằng: Tôi đặc biệt nghĩ đến người Israel và Palestine, sau những căng thẳng trong những tuần lễ gần đây. Tòa Thánh bày tỏ đau buồn vì những người bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ gần đây, và tái tha thiết kêu gọi nghĩ đến các sáng kiến để tránh làm gia tăng sự đối nghịch, đồng thời Tòa Thánh mời gọi cùng dấn thấn tôn trọng các nghị quyết của LHQ liên quan đến qui chế hiện nay của thành Jerusalem, Thành Thánh đố với các tín hữu Kitô, Do thái và Hồi giáo.

 Di dân và tị nạn

Đề cập thêm về vấn đề di dân và tị nạn, ĐTC nhận xét rằng: Ngày nay người ta nói nhiều về những người di dân và các cuộc di cư, nhiều khi chỉ nhắm khơi lên sự sợ hãi truyền thống. Không được quên rằng các cuộc di cư vẫn luôn có trong lịch sử nhân loại. Trong truyền thống Do thái Kitô, lịch sử cứu độ chủ yếu là lịch sự các cuộc di cư. Không được quên rằng tự do di chuyển, cũng như tự do rời bỏ quê hương mình, và trở lại đó, thuộc về những quyền căn bản của con người. Vì thế cần phải ra khỏi những lập luận gần đây về vấn đề di cư, và đi từ nhận xét cốt yếu theo đó, những kẻ đứng trước chúng ta, trước tiên là những con người.

ĐTC tái cám ơn những chính quyền quốc gia trong những năm qua đã giúp đỡ nhiều người di dân đến biên giới đất nước liên hệ, trong đó có nhiều nước Á Phi. Ngài nói: ”Tôi vẫn còn nhớ cuộc gặp gỡ tại Dacca với một số người tị nạn thuộc dân tộc Roghingya và tái bày tỏ tâm tình biết ơn đối với chính quyền Bangladesh vì đã giúp đỡ họ trên lãnh thổ của mình”.

 G. Trần Đức Anh OP

 

Trả lời