Đức Thánh Cha: Thánh Phaolô dạy chúng ta sống những thử thách bằng cách bám chặt vào Chúa Kitô

 

Đức Thánh Cha: Thánh Phaolô dạy chúng ta sống những thử thách bằng cách bám chặt vào Chúa KitôLúc quá 9 giờ sáng Thứ Tư, 08/01/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 7 ngàn tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong năm mới 2020 này.

Tại hàng ghế ở bên tay trái của Đức Thánh Cha có hàng chục hồng y và giám mục.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa. Mọi người nghe đọc bằng các ngôn ngữ chính một đoạn trong sách Tông đồ Công vụ, kể lại vụ thánh Phaolô và những người cùng đi trong cuộc hải hành bị đắm tàu và trôi dạt vào đảo Malta”.

Bài huấn giáo

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ Công Vụ. Bài thứ 19 lần này có tựa đề là: “Thử thách đắm tàu: giữa sự cứu thoát của Chúa và lòng hiếu khách của người dân đảo Malta”.

Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sách Tông Đồ Công Vụ, trong phần chót, kể lại rằng “Tin Mừng tiếp tục hành trình không những qua đường bộ nhưng cả qua đường biển”, trên một con tàu chở thánh Phaolô tù nhân, từ thành Cesarea về Roma (Xc. Cv 27,1-28,16), trung tâm đế quốc, để ứng nghiệm lời Chúa Phục Sinh đã báo: “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy […] cho đến tận bờ cõi trái đất” (Cv 1,8).

Cuộc hải hành, ngay từ đầu đã gặp phải những điều kiện bất lợi. Hành trình trở nên nguy hiểm và buộc phải ghé lại Mira và lên một con tàu khác, đi dọc theo bờ biển phía nam đảo Creta. Thánh Phaolô khuyên không nên tiếp tục đi bằng đường biển, nhưng quan bách quân không nghe lời thánh nhân và tin tưởng nơi hoa tiêu và chủ tàu. Cuộc hành trình tiếp tục và bỗng nổi lên một cơn bão mạnh mẽ đến độ thủy thủ đoàn không còn kiểm soát được con tàu và để cho nó trôi dạt.

Khi cái chết dường như gần kề và tuyệt vọng xâm chiếm mọi người, thánh Phaolô can thiệp. Ngài là người có đức tin và biết rằng cả “cơn nguy tử” (2 Cr 11,23) cũng không thể tách rời ngài khỏi tình yêu Chúa Kitô (Xc Rm 8,35) và khỏi trách vụ ngài đã nhận lãnh. Vì thế thánh nhân trấn an những người đồng hành và nói: “Đêm qua một thiên thần hiện ra với tôi, thiên thần của Thiên Chúa mà tôi tùng phục và phụng sự, nói với tôi: “Phaolô, đừng sợ; người sẽ phải trình diện trước Hoàng đế Cesare, và này đây, Thiên Chúa đã muốn giữ gìn ngươi với tất cả những người cùng đi trong cuộc hải hành” (Cv 27,23-24). Cả trong thử thách, thánh nhân không ngừng là người gìn giữ mạng sống của những người khác và giúp họ hy vọng.

Qua những điều đó, Thánh Luca tỏ cho chúng ta thấy kế hoạch dẫn đưa Phaolô về Roma đã cứu thoát, không những Thánh Tông Đồ, nhưng cả những người cùng đi, và cuộc đắm tàu, vốn là điều bất hạnh đã trở thành cơ hội Chúa muốn, và sự kiện được dìm trong nước nhắc nhớ kinh nghiệm phép rửa chịu chết và sống lại, và cảm nghiệm được sự ân cần của Thiên Chúa và quyền năng cứu độ của Chúa.

Sau khi tàu đắm, những người đi tàu trôi dạt vào đảo Malta, và dân chúng tỏ ra ân cần tiếp đón. Trời mưa và lạnh, nên họ đốt một đống củi để sưởi ấm và nghỉ ngơi. Tại đây, Phaolô, như một môn đệ đích thực của Chúa Kitô, giúp mồi lửa với một vài cành cây. Trong lúc làm như vậy, ngài bị một con rắn hổ mang cắn nhưng không bị thiệt hại nào. Khi nhìn thấy sự kiện đó, dân chúng nói: “Người này phải là một đại tội nhân, vì tuy đã thoát chết khỏi đắm tàu, nhưng rồi lại bị rắn cắn! chúng ta hãy đợi xem ông ta ngã xuống chết”. Nhưng thánh nhân không chịu thiệt hại nào và thậm chí còn được người ta coi như một thần minh. Trong thực tế, ơn lành ấy đến từ Chúa Phục Sinh, Đấng trợ giúp thánh nhân, theo lời hứa trước khi Chúa về trời, Chúa nói với các tín hữu: “Họ sẽ cầm rắn trong tay, và nếu có uống phải độc dược, thì cũng không bị thiệt hại nào; họ sẽ đặt tay trên các bệnh nhân và những người này sẽ được chữa lành” (Mc 16,18). Người ta kể chuyện rằng từ lúc đó, không có rắn độc ở Malta nữa. Đây là một phúc lành của Thiên Chúa vì sự đón tiếp của dân tộc tốt lành dường ấy.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Quả thực, những ngày lưu lại Malta trở thành cơ hội cho thánh Phaolô chứng minh lời ngài loan báo và qua đó, thực thi một sứ vụ cảm thương qua việc chữa lành các bệnh nhân. Luật của Tin Mừng là: khi một tín hữu cảm nghiệm được ơn cứu độ thì họ không giữ riêng cho mình, nhưng trao ban cho người khác. “Điều thiện hảo luôn lan tỏa ra. Mỗi kinh nghiệm về thiện mỹ đều tìm cách lan tỏa và khi một người trải qua một sự giải thoát sâu xa thì càng tỏ ra nhạy cảm hơn đối với những người khác” (Evangelii Gaudium, 9). Một Kitô hữu bị thử thách có thể trở nên gần gũi hơn với người đau khổ và làm cho con tim mình cởi mở, nhạy cảm liên đới hơn đối với những người khác.”

“Thánh Phaolô dạy chúng ta sống những thử thách bằng cách bám chặt vào Chúa Kitô, để tăng trưởng xác tín, theo đó “Thiên Chúa có thể hành động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cả khi giữa những tình trạng có vẻ là thất bại”, và xác tín người nào hiến thân, dâng mình cho Thiên Chúa vì yêu thương, thì chắc chắn sẽ được phong phú” (Ibid. 279).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Hôm nay chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta sống mọi thử thách, được năng lực đức tin nâng đỡ, và nhạy cảm đối với bao nhiêu người bị đắm tàu đang trôi dạt vào những bờ biển chúng ta, để cả chúng ta cũng biết đón tiếp họ với tình huynh đệ, đến từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chính điều đó cứu khỏi giá lạnh của sự dửng dưng và thiếu tình nhân đạo”.

Chào thăm các tín hữu

Buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm lược bài huấn dụ của Đức Thánh Cha bằng nhiều ngôn ngữ, cùng với những lời chào thăm của ngài được các linh mục tại Tòa Thánh chuyển dịch cho các khách hành hương.

Trong phần chào thăm bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đặc biệt chào các thành viên các dòng tu và hội đoàn theo linh đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô và một nhóm linh mục thuộc Tổng giáo phận Genova, bắc Italia, được Đức Hồng y Tổng giám mục Angelo Bagnasco hướng dẫn. Ngài không quên chào đoàn xiệc Aqua đã trình diễn trong buổi tiếp kiến.

Ngài cũng bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Australia, trong những tuần qua, đang chịu những trận hỏa hoạn nặng nề. Đức Thánh Cha xin tất cả mọi người cầu nguyện cho đất nước và dân Australia.

Sau cùng, Đức Thánh Cha chào thăm các bạn trẻ, những người cao niên, các bệnh nhân và những đôi vợ chồng mới cưới, đồng thời ngài nhắc nhở rằng: “Chúa nhật tới đây, chúng ta sẽ cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chúng ta hãy tái khám phá ơn của bí tích này và hãy biết diễn tả ơn ấy trong những công tác của đời sống thường nhật”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Trả lời