Đức Thánh cha: Một cuộc sống luôn xem mình là trung tâm thì không dẫn đến niềm vui

 

Đức Thánh cha: Một cuộc sống luôn xem mình là trung tâm thì không dẫn đến niềm vuiLúc 12 giờ trưa, Chúa nhật 10/5/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trực tuyến tại thư viện dinh Tông Tòa. Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, ngài giải thích bài Tin mừng theo thánh Gioan (14,1-14), qua đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách thức vượt thắng lo âu, xao xuyến, và con đường dẫn đến Chúa Cha là chính Chúa Giêsu.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin mừng hôm nay (Xc Ga 14,1-12), chúng ta nghe đoạn đầu “Diễn văn giã từ” của Chúa Giêsu. Đó là những lời Chúa nói với các môn đệ vào cuối bữa tiệc ly, liền trước cuộc khổ nạn. Trong một lúc bi thảm như thế, Chúa Giêsu bắt đầu nói: “Tâm hồn các con đừng xao xuyến” (v.1). Chúa cũng nói điều đó với chúng ta, trong những thảm trạng của cuộc sống. Nhưng làm sao để tâm hồn khỏi bị xao xuyến?

Hai phương dược chống xao xuyến

Chúa chỉ hai phương dược chữa trị sự xao xuyến. Trước tiên là “Các con hãy tin tưởng nơi Thầy” (v.1). Đây có vẻ là một lời khuyên hơi lý thuyết, trừu tượng. Trái lại, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta một điều chính xác. Ngài biết rằng, trong cuộc sống, lo âu nặng nề, xao xuyến, nảy sinh từ cảm giác sẽ không thành công, từ cảm tưởng mình cô độc và không có những điểm tham chiếu đứng trước những gì đang xảy ra. Sự lo âu, trong đó có khó khăn này tới khó khăn khác, ta không thể một mình vượt thắng được. Vì thế, Chúa Giêsu yêu cầu hãy tin tưởng nơi Ngài, nghĩa là đừng cậy dựa vào mình, nhưng dựa vào Chúa. Vì sự giải thoát khỏi sự xao xuyến tiến qua sự tín thác. Và Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống là để luôn ở cạnh chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con tin rằng Chúa đã sống lại và đang ở cạnh con. Con tin rằng Chúa đang lắng nghe con. Con trình bày với Chúa điều đang làm con xao xuyến, những cơ cực của con: con tin tưởng nơi Chúa và tín thác vào Chúa”.

Phương dược thứ hai

Rồi có một phương dược thứ hai chữa trị sự xao xuyến, Chúa Giêsu diễn tả qua những lời này: “Trong nhà Cha thầy có nhiều chỗ. […]. Thầy đi dọn chỗ cho các con” (v.2). Đó là điều Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta: Ngài giữ chỗ cho chúng ta ở trên trời. Chúa đã mang lấy nhân tính của chúng ta để đưa nó vượt qua cái chết, tiến đến một nơi mới mẻ, ở trên trời, để chúng ta cũng được ở nơi Ngài đang ở. Chính niềm xác tín đó an ủi chúng ta: có một chỗ dành riêng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta không sống không có mục đích và đích điểm. Chúng ta đáng được chờ đợi, chúng ta quí giá. Thiên Chúa yêu vẻ đẹp của các con cái Ngài. Và Ngài đã chuẩn bị chỗ xứng đáng và đẹp nhất cho chúng ta: đó là thiên đàng. Chúng ta đừng quên điều này: nơi ở đang chờ đợi chúng ta là thiên đàng. Ở trần thế này chúng ta chỉ đi qua đường tạm bợ. Chúng ta được tạo dựng để sống trên trời, để sống vĩnh cửu, sống mãi mãi. Mãi mãi; đó là điều mà bây giờ chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Nhưng điều càng đẹp hơn nữa khi nghĩ rằng sự mãi mãi này sẽ hoàn toàn diễn ra trong vui mừng, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với tha nhân, không còn khóc lóc, oán hận, chia rẽ và xao xuyến.

Chúa Giêsu là đường dẫn đến thiên đàng

Nhưng làm sao đạt tới thiên đàng? Đâu là con đường? Câu nói quyết định của Chúa Giêsu hôm nay là: “Thầy là đường” (v.6). Để lên trời, con đường là Chúa Giêsu: đó là có tương quan sinh động với Chúa, là noi gương Chúa trong tình yêu, là bước theo những vết chân của Ngài. Và tôi, Kitô hữu, tôi có thể tự hỏi: “Đâu là con đường tôi đang theo?”. Có những con đường không dẫn lên trời: con đường quyền lực, con đường trần tục, những con đường tự khẳng định mình. Và có con đường của Chúa Giêsu: con đường tình thương khiêm tốn, con đường cầu nguyện, hiền lành, tín thác. Không phải là con đường “tôi là nhân vật chính”, nhưng là con đường “Chúa Giêsu giữ vai chính trong cuộc sống của tôi”. Đó là mỗi ngày tiến bước thưa với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa nghĩ gì về sự chọn lựa của con? Chúa sẽ làm gì trong tình cảnh này, với những người này?”. Hỏi Chúa Giêsu như thế thật là điều tốt, Chúa là đường, là những chỉ dẫn để lên trời.

Và Đức Thánh cha kết luận với lời khẩn nguyện:

“Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương Thiên Quốc, xin giúp chúng con theo Chúa Giêsu, là Đấng đã mở thiên đàng cho chúng con”.

Nhắn nhủ và mời gọi

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói thêm rằng:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi nghĩ đến Âu châu và Phi châu. Nghĩ đến Âu châu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Schumann, ngày 9 tháng 5 năm 1950. Tuyên ngôn này đã soi sáng cho tiến trình hội nhập Âu châu, giúp hòa giải các dân tộc tại đại lục này, sau thế chiến thứ hai, và thời kỳ dài ổn định và an bình mà chúng ta đang được hưởng ngày nay. Ước gì tinh thần Tuyên ngôn Schuman cũng soi sáng cho những người đang có trách nhiệm trong Liên hiệp Âu châu, đang được kêu gọi đương đầu với những hậu quả xã hội và kinh tế do đại dịch gây ra, trong tinh thần hòa hợp và cộng tác.

Và tôi cũng nhìn sang Phi châu, vì ngày 10/5 năm 1980, thánh Gioan Phaolô II, trong cuộc viếng thăm đầu tiên của ngài tại đại lục này, đã kêu thay cho các dân tộc ở vùng Sahel bị thử thách cam go vì nạn hạn hán. Hôm nay tôi chúc mừng một nhóm bạn trẻ các nước vùng Sahel và Hoa Kỳ, vì sự phát động sáng kiến “Laudato sì các cây xanh”. Mục đích là trồng trong vùng Sahel ít là một triệu cây để trở thành như một “Đại trường thành xanh của Phi châu”. Tôi cầu mong rằng nhiều người chúng ta có thể noi gương liên đới của các bạn trẻ ấy.

Hôm nay tại nhiều nước, có cử hành lễ Hiền Mẫu. Với lòng biết ơn và quí mến, tôi muốn nhắc đến tất cả các bà mẹ, phó thác họ cho sự bảo vệ của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Quốc của chúng ta. Tôi cũng nghĩ đến các bà mẹ đã qua đời và đang đồng hành với chúng ta từ trên trời. Rồi Đức Thánh cha mời gọi mọi người thinh lặng một chút để mỗi người nhớ về người mẹ của mình.

Sau hết, Đức Thánh cha nói: “Tôi cầu chúc tất cả mọi người một Chúa nhật tốt đẹp, và xin anh chị em đừng quên: xin cầu nguyện cho tôi”.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Trả lời