Đức Thánh cha gặp gỡ các thổ dân tại giáo xứ Thánh Tâm, Edmonton

Đức Thánh cha gặp gỡ các thổ dân tại giáo xứ Thánh Tâm, Edmonton
Trong cuộc gặp gỡ các thổ dân và tín hữu Công giáo thuộc giáo xứ Thánh Tâm ở Edmonton, Canada vào lúc 4 giờ 30 chiều, thứ Hai, ngày 25 tháng Bảy, Đức Thánh cha khuyến khích mọi người cộng tác vào hành trình chữa lành và hòa giải giữa các thổ dân và Giáo hội, đồng thời nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Nhà thờ Thánh Tâm cổ kính của “Các dân tộc đầu tiên” thuộc một khu phố nghèo ở thành Edmonton, được kiến thiết năm 1913 và thuộc vào số những nhà thờ cổ kính nhất trong thành phố này. Năm 1991, Đức Tổng giám mục Joseph MacNeil sở tại hồi đó đã chỉ định giáo xứ địa phương là xứ đạo toàn quốc đầu tiên những người thuộc các dân tộc đầu tiên, người lai và người Inuit. Nhà thờ có nhiều tác phẩm duy nhất về nghệ thuật thánh do các nghệ nhân thổ dân sáng chế. Qua dòng thời gian, giáo xứ có thêm nhiều giáo dân là những người di dân và tị nạn đến từ các nơi trên thế giới, nhưng tại đây đức tin Công giáo vẫn được biểu lộ trong bối cảnh văn hóa thổ dân. Hồi tháng Tám năm 2020, thánh đường bị hỏa hoạn, nên phải đóng cửa trong hai năm trời để tu bổ và mới được hoàn thành, kịp để đón tiếp Đức Thánh cha trong dịp này.

Đến nhà thờ Thánh Tâm vào lúc gần 5 giờ chiều, Đức Thánh cha được linh mục Susai Jesu, thuộc dòng Thừa sai Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, gọi tắt là OMI, cha sở giáo xứ và mọi người đón tiếp nồng nhiệt.

Trong lời chào mừng, cha sở đã cám ơn Đức Thánh cha vì đã hy sinh kỳ nghỉ hè để đến Canada, gần gũi với các thổ dân tại Canada này. Cha nói: “Từ nhiều năm rồi, giáo xứ chúng con là nơi thánh để gặp gỡ, đối thoại, hòa giải và phục vụ. Chúng con cảm thấy rất hân hạnh được đón tiếp Đức Thánh cha tại đây và nhận phép lành của Đức Thánh cha trên nhiều sứ vụ được cống hiến cho Dân Chúa đến đây với chúng con. Chúng con muốn hiệp với Đức Thánh cha trong cuộc hành hương chữa lành, hòa giải và hy vọng này. Chúng con muốn đồng hành với Đức Thánh cha và đi tới những nơi đau thương để cống hiến sự chữa lành do Chúa Giêsu mang lại”.

Tiếp lời cha sở, hai đại diện giáo dân trong Hội đồng giáo xứ, bà Candida Sherpherd thuộc cộng đồng người lai ở bang Alberta, và ông Bill Perdue, cũng là người lai, chủ tịch ban tài chánh của giáo xứ, đã chào mừng Đức Thánh cha và trình bày lịch sử và hoạt động hiện nay của giáo xứ Thánh Tâm. Cả hai đều tỏ ra hãnh diện về nguồn gốc của mình.

Họ cũng kể lại rằng, dưới sự hướng dẫn của cha Garu Lacoucane, linh mục gốc thổ dân, thuộc dòng OMI, đã bắt đầu biểu lộ các truyền thống thổ dân trong việc phụng tự Công giáo. Ngày nay giáo xứ có nhiều dịch vụ trợ giúp người nghèo. Mỗi ngày có hàng trăm người đến gõ cửa giáo xứ, để xin được giúp đỡ về lương thực, y phục, được xin được khích lệ và cầu nguyện, với sự cộng tác của nhiều tổ chức bác ái Công giáo và cả Đạo binh cứu độ và tổng giáo phận Edmonton. “Chúng con nghèo về tài chánh nhưng giàu về đức tin Công giáo và thực hành các việc thương xót”.

Giáo xứ góp phần vào tiến trình hòa giải giữa các thổ dân và Giáo hội Công giáo, đương đầu với những thách đố do hệ thống các trường nội trú thổ dân để lại. “Nhà thờ giáo xứ chúng con là nơi trong đó những người sống sót chấn thương các trường này có thể đến với gia đình họ, hội họp như một cộng đoàn bao gồm. Giáo xứ chúng con là nơi, trong đó chúng con sẽ tiếp tục bảo tồn và sinh động hóa các ngôn ngữ, nghệ thuật, âm nhạc thổ dân, nuôi dưỡng sự hãnh diện cho các thế hệ trẻ”.

Huấn từ của Đức Thánh cha

Về phần Đức Thánh cha, trong bài huấn dụ, ngài bày tỏ vui mừng vì thấy trong giáo xứ này có những người thuộc các cộng đoàn “các dân tộc đầu tiên, người lai và người Inuit, cùng với những người không thuộc thổ dân từ các khu phố địa phương và nhiều anh chị em di dân. Đây thực là nhà của tất cả mọi người, cởi mở và bao gồm, Giáo hội cũng phải như vậy, là gia đình của các con cái Thiên Chúa… Và tôi cũng muốn cám ơn anh chị em vì sự gần gũi cụ thể đối với bao nhiêu người nghèo qua đức bác ái, họ đông đảo trong đất nước giàu có này.”

Cỏ dại và lúa tốt trong Giáo hội

Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng: “Chúng ta không được quên rằng cả trong Giáo hội, lúa tốt xen lẫn với cỏ dại. Chính vì những cỏ dại này, tôi đã muốn thực hiện cuộc hành hương thống hối này, và sáng nay, tôi đã nhắc đến những sự ác mà các thổ dân phải chịu, từ phía bao nhiêu Kitô hữu, và đau đớn xin lỗi. Tôi cảm thấy bị tổn thương khi nghĩ rằng có những tín hữu Công giáo đã góp phần vào chính sách đồng hóa và giải phóng, mang theo một mặc cảm tự ti, tước đoạt của các cộng đoàn và cá nhân căn tính văn hóa và tinh thần của họ, cắt bỏ căn cội của họ và nuôi dưỡng những thái độ thành kiến và kỳ thị, và họ làm những điều đó nhân danh một nền giáo dục mà họ cho là Kitô. Sự giáo dục phải luôn khởi hành từ sự tôn trọng và thăng tiến các tài năng đã có sẵn nơi con người. Nó không bao giờ là cái gì tiền chế để áp đặt, vì giáo dục là một cuộc phiêu lưu thám hiểm, và cùng nhau khám phá mầu nhiệm sự sống. Cám ơn Chúa, trong những giáo xứ như thế này, qua sự gặp gỡ, người ta xây dựng, ngày qua ngày, những nền tảng cho sự chữa lành và hòa giải”.

Ý nghĩa sự hòa giải trong Chúa

Đức Thánh cha cũng trình bày thêm vài suy tư về sự hòa giải. “Thánh Phaolô giải thích rằng Chúa Giêsu hòa giải bằng cách đặt hai thực tại xa cách thành một thực tại duy nhất, một dân tộc duy nhất, và Chúa thực hiện điều đó qua thập giá (Xc Ep 2,14). Chính Chúa Giêsu hòa giải chúng ta trên thập giá, trên cây sự sống như các tín hữu Kitô xưa kia quen gọi”. Và ngài nói:

“Anh chị em thổ dân thân mến, anh chị em có rất nhiều điều để dạy về ý nghĩa sinh động của cây, cùng với đất từ gốc, cây mang lại dưỡng khi qua các lá cây và nuôi sống chúng ta bằng hoa trái của nó. Thật là đẹp khi thấy biểu tượng cây được diễn tả qua hình dạng của nhà thờ này, một thân cây nối mặt đất với một bàn thờ trên đó Chúa Kitô hòa giải chúng ta trong bí tích Thánh Thể… Chính Chúa Kitô, trên thánh giá, hòa giải, đặt chung với nhau những gì dường như không thể tưởng nghĩ và tha thứ được, ôm lấy mọi người và mọi sự”.

Giáo hội, nơi hòa giải

Đức Thánh cha cũng khẳng định rằng “Giáo hội là căn nhà nơi ta tái hòa giải với nhau, nơi chúng ta họp nhau để tái khởi hành và tăng trưởng với nhau. Đó là nơi chúng ta ngưng suy nghĩ như những cá nhân để nhìn nhận nhau như anh chị em, nhìn tận mắt, đón nhận những lịch sử và văn hóa của người khác, để cho việc ở cùng nhau, là điều rất đẹp lòng Thánh Linh, giúp chữa lành ký ức đã bị thương tổn. Đó là con đường: không quyết định cho những người khác, không đóng khung mọi người trong những khuôn mẫu tiền chế, nhưng đặt mình trước Chúa Chịu Đóng Đanh và trước người anh chị em để học cách đồng hành với nhau. Đó là Giáo hội, là nơi mà thực tại cao trọng hơn ý tưởng.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chúa Giêsu là Đấng chịu đóng đinh và sống lại, ở trong dân Chúa đây, đang muốn chiếu tỏa rạng ngời qua các cộng đoàn và văn hóa của chúng ta, xin Chúa cầm tay và hướng dẫn bước đường của chúng ta trên con đường hòa giải, kể cả qua những sa mạc lịch sử của chúng ta. Amen”.

Buổi gặp gỡ kết thúc với kinh Lạy Cha và Đức Thánh cha ban phép lành cho mọi người. Ngài còn bắt tay chào thăm một số tín hữu trong giáo xứ và làm phép thánh nữ Kateri Tekakwitha (1656-1580), vị thánh thổ dân đầu tiên ở Bắc Mỹ, xuất thân từ làng người Mohawk ở bang New York, Hoa Kỳ, được Giáo hội tuyên thánh.

Giã từ thánh đường Giáo xứ Thánh Tâm, khoảng 6 giờ chiều, Đức Thánh cha đã trở về Đại chủng viện thánh Giuse cách đó bốn cây số rưỡi để dùng bữa tối và qua đêm thứ hai trên đất Canada.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA