Đức Thánh cha gặp gỡ các giới chức chính quyền và xã hội Malta

 

Trong cuộc gặp gỡ các giới chức chính quyền, đạo đời và xã hội tại Malta, Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi dân chúng nước này đừng quên cội rễ của mình, trong khi cởi mở đón nhận các trào lưu khác. Ngài cũng bênh vực việc đón tiếp di dân, đồng thời lên án những đe dọa hòa bình.

Cuộc gặp gỡ 150 đại diện các tầng lớp xã hội Malta diễn ra lúc gần 12 giờ trưa, ngày 02 tháng Tư vừa qua, tại Phủ Tổng thống, sau khi Đức Thánh cha hội kiến riêng với Tổng thống và thủ tướng nước này.

Diễn từ của Đức Thánh cha

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống George William Vella, Đức Thánh cha nhắc đến vị trí của Malta được gọi là “con tim của Địa Trung Hải”. Nhưng không phải chỉ về mặt địa lý mà thôi, “tại đây có có sự gặp gỡ giữa các biến cố lịch sử và các dân tộc, biến những đảo này thành một trung tâm sinh động, văn hóa, tinh thần và vẻ đẹp, một ngã tư đã biết đón nhận và hòa hợp các ảnh hưởng đến từ nhiều phía”.

Từ hiện tượng này, Đức Thánh cha mượn hình ảnh “hoa hồng gió” hay là “ngôi sao gió” được áp dụng cho Malta, biểu tượng sự xuất phát của các luồng gió tứ phương để gợi lên những đặc tính, các vấn đề và đề nghị hướng đi thích hợp. Phần lớn các luồng gió thổi vào các đảo Malta.

Bài trừ nạn tham nhũng và nạn bất hợp pháp

Phía bắc gợi lại Âu châu, đặc biệt là nhà của Liên hiệp Âu châu, được kiến tạo vì ở đó có đại gia đình liên kết trong việc bảo vệ hòa bình. Hiệp nhất và hòa bình là những hồng ân mà nhân dân Malta cầu xin Chúa mỗi khi quốc ca được xướng lên.

Đức Thánh cha nhận xét rằng “Để bảo đảm một sự sống chung xã hội, nếu chỉ củng cố cảm thức cùng thuộc về một nước, thì không đủ, còn phải củng cố những nền tảng của sự sống chung, dựa trên luật pháp và sự tôn trọng luật pháp, tinh thần bổn phận và sự minh bạch, đó là những cột trụ thiết yếu của một xã hội dân sự tiến bộ. Vì thế, quyết tâm loại bỏ tình trạng bất hợp pháp và nạn tham ô hối lộ phải mạnh mẽ, như ngọn gió từ phương bắc quét qua các bờ biển của đất nước này. Cần luôn luôn vun trồng sự tôn trọng luật pháp và minh bạch, giúp loại trừ tệ nạn bất lương và tội phạm, không hành động dưới ánh sáng mặt trời”.

Bảo vệ thiên nhiên và môi trường

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “Tại Malta, thiên nhiên xuất hiện như một hồng ân, giữa bao nhiêu thử thách của lịch sử và cuộc sống, nhắc nhớ vẻ đẹp được ở trên trái đất. Vì thế, cần bảo vệ thiên nhiên chống lại sự tham lam, ham hố tiền bạc và nạn đầu tư xây cất, để những tệ nạn này khỏi ảnh hưởng đến thiên nhiên nhưng cả tương lai của đất nước nữa. Thay vào đó, việc bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, chuẩn bị tương lai và chúng là con đường tuyệt vời để làm cho giới trẻ say mê nền chính trị tốt, giải thoát họ khỏi những cám dễ thờ ơ và không dấn thân”.

Không xa rời cội rễ

Quyện với ngọn gió từ phương bắc, có gió từ phương tây thổi tới Malta. Đặc biệt giới trẻ Malta chia sẻ lối sống và tư duy của Tây phương, từ đó có những điều rất tốt đẹp như các giá trị tự do và dân chủ, nhưng Đức Thánh cha cũng nhắc đến những nguy cơ cần đề phòng, để “sự ham muốn tiến bộ không làm cho ta tách rời khỏi cội rễ của mình. Malta là một “phòng thí nghiệm tuyệt vời về sự phát triển hòa hợp”, trong đó tiến bộ không có nghĩa là cắt bỏ những cội rễ với quá, như nhân danh sự thịnh vượng giả tạo do sự đòi hỏi của lợi nhuận, những nhu cầu và sự tiêu thụ, không kể quyền được bất kỳ quyền gì. Để có sự phát triển lành mạnh, điều quan trọng là bảo tồn ký ức và liên kết, trong tinh thần tôn trọng, sự hòa hợp giữa các thế hệ, không để mình bị mất hút trong sự đồng hóa giả tạo và sự thực dân hóa ý thức hệ. Nơi căn cội của một sự tăng trưởng vững chắc có nhân vị con người, tôn trọng sự sống và phẩm giá của mỗi người nam nữ”.

Bảo vệ sự sống từ khởi đầu

Trong chiều hướng này, Đức Thánh cha đặc biệt khích lệ nhân dân Malta trong nỗ lực “bảo vệ sự sống từ lúc mới khởi đầu cho đến lúc chết tự nhiên, đồng thời gìn giữ sự sống luôn chống lại sự gạt bỏ và lơ là coi nhẹ, đặc biệt là phẩm giá các công nhân, người già và các bệnh nhân.” Ngài cũng nghĩ đến những người trẻ có nguy cơ vứt bỏ thiện ích bao la, là chính bản thân họ, khi theo đuổi những ảo ảnh chỉ để lại trong nội tâm họ bao nhiêu trống rỗng. Đó là điều mà trào lưu duy tiêu thụ thái quá, sự khép kín đối với những nhu cầu của tha nhân và tệ nạn ma túy bóp nghẹt tự do khi tạo nên sự nghiện ngập”.

Vấn đề di dân

Sang đến những ngọn gió thổi từ phương nam vào Malta, Đức Thánh cha nhắc đến bao nhiêu anh chị em từ miền nam đi tìm kiếm hy vọng. Ngài cám ơn chính quyền và nhân dân Malta dành cho những người di dân, nhân danh Tin mừng, lòng nhân đạo và tinh thần hiếu khách tiêu biểu của người Malta. Nhưng vấn đề là làn sóng di dân đang gia tăng trong những năm gần đây, những sợ hãi và bất an tạo nên sự nản chí và bất mãn. Trước tình trạng này, Đức Thánh cha đề nghị một lối tiếp cận vấn đề di dân phức tạp trong những viễn tượng rộng lớn hơn trong không gian và thời gian.

Vấn đề di cư không phải là một hoàn cảnh của thời điểm này, nhưng nó đánh dấu thời đại chúng ta. Nó mang theo bao nhiêu món nợ của bất công trong quá khứ, bao nhiêu sự bóc lột, thay đổi khí hậu, những phiêu lưu xung đột mà ta đang phải chịu hậu quả. Từ miền nam nghèo và đông dân, đông đảo người di chuyển về phương bắc giàu có hơn: đó là một sự kiện thực tế mà ta không thể xua đuổi bằng những khép kín lỗi thời, vì sẽ không có thịnh vượng và hội nhập trong sự cô lập. Và rồi cũng cần cứu xét không gian: tình trạng nới rộng sự di cư khẩn cấp – chúng ta hãy nghĩ đến những người tị nạn từ Ucraina đang bị tàn phá, – đòi phải có những câu trả lời rộng rãi và chung với nhau. Không thể chỉ vài nước đảm nhận toàn thể vấn đề trong sự dửng dưng của các nước khác! Và những nước văn minh không thể vì tư lợi, thiết lập những thỏa thuận đen đối với những kẻ bất lương đang biến con người thành nô lệ. Địa Trung Hải cần tinh thần đồng trách nhiệm của Âu châu, để tái trở thành một diễn trường liên đới và khỏi trở thành tiền đồn của một sự đắm chìm của nền văn minh”.

Vượt thắng tâm trạng sợ hãi di dân

Trong viễn tượng này, Đức Thánh cha kêu gọi vượt thắng tâm trạng sợ người di dân xâm lăng để rồi bảo vệ an ninh của mình bằng mọi giá. Ngài nói: “Chúng ta hãy giúp đỡ nhau để khỏi coi người di dân như một đe dọa và khỏi chiều theo cám dỗ dựng lên những cái cầu treo và thiết lập các bức tường. Tha nhân không phải là virus ta cần tự vệ, nhưng là một người cần được tiếp đón, và “lý tưởng Kitô giáo luôn mời gọi vượt thắng sự nghi ngờ, sự thiếu tín nhiệm trường kỳ, nỗi lo sợ bị xâm chiếm, những thái độ tự vệ mà thế giới hiện nay đang áp đặt cho chúng ta” (E.V 88).

Chiến tranh từ Đông phương

Sau cùng là ngọn gió đến từ Đông phương: Đông âu, Đông phương nơi ánh sáng xuất hiện trước, nhưng những bóng tối chiến tranh cũng đến từ đây. Trong bối cảnh này, ám chỉ đến chiến tranh đang xảy ra tại Ucraina, Đức Thánh cha nhắc đến những cuộc xâm lăng, những cuộc chiến tàn bạo trên các đường phố, những đe dọa võ khí hạt nhân đang vùi dập mạng sống của bao nhiêu người. “Một lần nữa, vài cường lực khép kín trong những chủ trương lạc hậu về lợi ích quốc gia chủ nghĩa, khơi lên và kích động những cuộc xung đột, những người dân thường cảm thấy nhu cầu cần xây dựng tương lai, có thể cùng nhau hoặc không như vậy. Giờ đây trong đêm tối của chiến tranh đang bao phủ nhân loại, chúng ta đừng làm tiêu tán giấc mơ hòa bình”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng “Thật là buồn khi thấy sự hăng say đối với hòa bình, sau thời Thế chiến thứ hai, đang bị suy yếu trong những thập niên gần đây cũng như con đường của cộng đồng quốc tế, với vài cường quốc tiến bước theo lợi ích riêng, tìm kiếm những không gian và vùng ảnh hưởng cho mình. Vì thế, không những hòa bình nhưng cả bao nhiêu vấn đề lớn, như cuộc chiến đấu chống nạn đói và sự chênh lệch bị loại khỏi những chương trình chính trong các hoạt động chính trị.

“Nhưng giải pháp cho cuộc khủng hoảng của mỗi người là chữa trị những khủng hoảng của tất cả mọi người, vì các vấn đề hoàn cầu đòi những giải pháp hoàn vũ. Chúng ta hãy lắng nghe khát vọng hòa bình của dân chúng, làm việc để đạt những căn bản đối thoại ngày càng rộng lớn, chúng ta hãy tái họp nhau trong các hội nghị quốc tế về hòa bình, trong đó vấn đề trung tâm là giải trừ võ trang, với cái nhìn hướng về các thế hệ tương lai.

Sau cùng, khi nhìn về Đông phương, Đức Thánh cha không quên nhắc đến các nước đang gặp khó khăn, như Liban, Syria, Yemen và các vùng khác đang bị xâu xé vì bạo lực và các vấn đề khác.

Sau diễn văn, Đức Thánh cha, Tổng thống, Thủ tướng, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Parolin, cùng với Đức Tổng giám mục giáo phận Malta và Đức giám mục giáo phận Gozo, tiến ra bao lơn của khuôn viên Phủ Tổng thống để chào thăm dân chúng, ngồi chờ Đức Thánh cha xuất hiện.

Tiếp đến, Đức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, cách đó 13 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA