Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro năm 2021

 

Vì đại dịch kéo dài, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành Lễ Tro, sáng thứ Tư, ngày 17/2/2021 tại Đền thờ thánh Phêrô, thay vì bắt đầu bằng cuộc rước thống hối, từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến nhà thờ thánh Sabina của dòng Đa Minh để cử hành thánh lễ tại đây, theo truyền thống lâu đời.

Thánh lễ lúc 9 giờ 30 sáng ngày 17/2 cũng thay cho buổi tiếp kiến chung của ngài. Hiện diện tại khu vực trước bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ, chỉ có hơn 150 tín hữu tham dự, và đồng tế với Đức Thánh cha có hơn 30 Hồng y hiện diện tại Roma.

Bài giảng

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha quảng diễn ý nghĩa hành trình Mùa chay, trở về cùng Chúa.

Đức Thánh cha nói:

Hãy trở về cùng Chúa

“Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa chay. Hành trình này được mở ra với những lời của ngôn sứ Giôen, chỉ rõ hướng đi cần theo. Có một lời mời gọi nảy sinh từ con tim của Thiên Chúa, mở rộng vòng tay và đôi mắt đầy nhung nhớ, nài nỉ chúng ta: “Hãy trở lại cùng Ta với trọn tâm hồn” (Gl 2,12). Hãy trở lại cùng Ta. Mùa chay là một hành trình trở về cùng Thiên Chúa. Bao nhiêu lần, hoặc vì quá bận rộn hoặc dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, chúng con sẽ đến cùng Chúa bữa khác… Hôm nay con không thể, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm cái gì đó cho tha nhân”. Giờ đây, Thiên Chúa kêu gọi tâm hồn chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta luôn có những điều phải làm, và có những cớ để thoái thác, nhưng nay là lúc trở về cùng Thiên Chúa.

Kiểm điểm cuộc sống

Chúa nói: “Hãy trở về cùng Ta với trọn tâm hồn”. Mùa chay là một hành trình bao gồm trọn cuộc sống của chúng ta, trọn con người chúng ta. Đó là thời điểm kiểm điểm những con đường chúng ta đang đi, để tìm lại con đường dẫn chúng ta về nhà, để tái khám phá liên hệ cơ bản với Thiên Chúa, Đấng mà mọi sự đều tùy thuộc. Mùa chay không phải là một tuyển tập những “tiểu kỳ hoa”, những danh ngôn, những gương lành, nhưng là phân định xem tâm hồn đang hướng về đâu. Chúng ta hãy thử tự hỏi: máy chỉ đường đời dẫn cuộc sống của tôi về đâu, về cùng Thiên Chúa hay về cái ngã của tôi? Tôi sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được người ta biết đến, ca ngợi và ưa chuộng hơn? Tôi có một con tim “nhảy nhót”, tiến một bước, lùi một bước, yêu Chúa một chút, yêu thế gian một chút, hay tôi có một con tim kiên vững trong Thiên Chúa? Phải chăng tôi hài lòng với những trò giả hình của tôi, hay là tôi chiến đấu để giải thoát con tim khỏi thái độ nước đôi hoặc khỏi những trò giả dối đang ràng buộc tôi?

Mùa chay: hành trình tiến đến tự do

Đức Thánh cha nói: “Hành trình Mùa chay là một cuộc xuất hành từ nô lệ đến tự do. Bốn mươi ngày nhắc nhớ bốn mươi năm dân Chúa đi trong sa mạc để trở về nguyên quán. Nhưng thật là khó dường nào khi rời bỏ Ai Cập! Trong hành trình ấy, vẫn luôn có cám dỗ hoài tưởng củ hành củ tỏi, trở lại đàng sau, gắn bó với những kỷ niệm quá khứ, với thần tượng nào đó. Cả chúng ta cũng vậy: hành trình trở về cùng Thiên Chúa bị cản trở vì những quyến luyến thiếu lành mạnh của chúng ta, bị những ràng buộc quyến rũ của những tật xấu, những an ninh giả tạo của tiền bạc và hào nhoáng bề ngoài, những than vãn làm tê liệt cứ nghĩ mình là nạn nhân. Để tiến bước cần vạch trần những ảo tưởng ấy.

Vậy phải tiến bước thế nào trong hành trình tiến về Thiên Chúa? Những hành trình trở về mà Lời Chúa kể lại giúp đỡ chúng ta trong vấn đề này.

Phải tiến bước thế nào trong Mùa chay?

Trở về cùng Chúa Cha

“Chúng ta hãy nhìn người con trai hoang đàng và hiểu rằng cả chúng ta nay đã đến lúc trở về cùng Cha. Như người con ấy, chúng ta cũng đã quên hương thơm gia đình, chúng ta đã phá tán của cải quí giá để đạt được những điều ít giá trị và rồi lâm vào tình trạng tay trắng với con tim bất mãn. Chúng ta đã sa ngã: chúng ta là những người con liên tục sa ngã, chúng ta như những trẻ nhỏ tìm bước đi nhưng rồi lại ngã xuống đất, và cần được người Cha nâng dậy mỗi lần. Chính sự tha thứ của Cha làm cho chúng ta luôn đứng vững: ơn tha thứ của Thiên Chúa, sự xưng tội, là bước đầu tiên trong hành trình trở về của chúng ta.

Trở về cùng Chúa Giêsu

“Rồi chúng ta cần trở về cùng Chúa Giêsu, hành động như người phong cùi được chữa lành, quay trở lại để cám ơn Chúa. Trong mười người phong được lành, chỉ có người ấy được cứu thoát, vì đã trở lại cùng Chúa Giêsu (Xc Lc 17,12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật tâm linh, tự mình chúng ta không thể chữa lành chúng; tất cả chúng ta có những tật xấu ăn rễ sâu, tự mình chúng ta không thể nhổ bỏ chúng; tất cả chúng ta có những sợ hãi làm ta tê liệt, tự mình chúng ta không thể đánh bại chúng. Chúng ta cần noi gương người phong, trở lại gặp Chúa Giêsu và phủ phục trước chân Ngài. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, cần trình bày cho Ngài những vết thương của chúng ta và thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con đang ở đây, trước mặt Chúa, với tội của con, với những lầm than khốn nạn của con. Chúa là bác sĩ, Chúa có thể giải thoát con. Xin chữa lành con tim của con”.

Trở về cùng Chúa Thánh Linh

Và chúng ta cũng được kêu gọi trở về cùng Chúa Thánh Linh. Tro bỏ trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là bụi tro và sẽ trở về cùng tro bụi. Nhưng trên bụi tro của chúng ta, Thiên Chúa đã thổi sinh khí của Ngài. Vì thế, chúng ta không thể sống theo tro bụi, theo đuổi những điều nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về cùng Chúa Thánh Linh, Đấng ban sự sống, là Ngọn lửa hồi sinh những tro tàn của chúng ta. Chúng ta hãy tái cầu khẩn Thánh Linh, tái khám phá ngọn lửa chúc tụng, đốt cháy các tro tàn than vãn và cam chịu.

Chính Chúa chữa lành chúng ta

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em thân mến, cuộc hành trình này của chúng ta trở về cùng Thiên Chúa chỉ có thể xảy ra vì đã có hành trình của Chúa đến với chúng ta. Trước khi chúng ta đi tới Chúa, chính Chúa đã giáng trần, đến cùng chúng ta. Chúa đã đi trước chúng ta, đã đến gặp chúng ta. Vì chúng ta, Chúa đã hạ mình xuống quá mức độ chúng ta có thể tưởng tượng nổi: Chúa đã trở nên tội lỗi, đã trở thành sự chết. Đó là điều thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta: “Đấng không hề biết tội, Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21). Để không để chúng ta cô độc và đồng hành với chúng ta trong hành trình, Chúa đã xuống trong thân phận tội lỗi và cái chết của chúng ta. Vì thế, hành trình của chúng ta là để cho Chúa cầm tay. Chúa Cha kêu gọi chúng ta hãy trở về chính là Đấng đã ra khỏi nhà để đi tìm chúng ta; Chúa chữa lành chúng ta là Đấng để cho mình bị thương tích trên thập giá; Thánh Linh thay đổi chúng ta là Đấng đã mạnh mẽ và dịu dàng thổi vào tro bụi của chúng ta.

Không cậy dựa sức riêng

Đây là lời khẩn xin của thánh Tông đồ: “Anh chị em hãy hòa giải cùng Thiên Chúa” (v.20). Hãy để cho mình được hòa giải: hành trình này không dựa trên sức riêng của chúng ta. Sự hoán cải tâm hồn, với những cử chỉ và hành động biểu lộ hoán cải ấy, chỉ có thể nếu xuất phát từ hành động trước tiên của Thiên Chúa. Không phải những khả năng và công trạng biểu dương của chúng ta làm cho chúng ta trở về cùng Chúa, nhưng là ơn thánh của Chúa cần đón nhận. Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó trong Tin mừng: không phải sự công chính chúng ta thực hiện trước mắt người đời làm cho chúng ta được công chính, nhưng là tương quan chân thành với Chúa Cha. Khởi đầu sự trở về cùng Thiên Chúa là nhìn nhận chúng ta cần Chúa, cần lòng thương xót của Chúa. Đó chính là con đường đúng, con đường khiêm tốn.

Khiêm tốn hạ mình và tiến về tha nhân

“Ngày hôm nay chúng ta cúi đầu lãnh tro. Sau Mùa chay, chúng ta còn hạ mình hơn nữa để rửa chân cho anh em. Mùa chay là một sự khiêm tốn hạ mình trong chúng ta và tiến về tha nhân. Là hiểu rằng ơn cứu độ không phải là leo lên vinh quang, nhưng là hạ mình xuống vì tình yêu, là trở nên bé nhỏ. Trong hành trình này, để không lạc hướng, chúng ta hãy đặt mình trước thập giá Chúa Giêsu: đó là ngai tòa thinh lặng của Thiên Chúa. Mỗi ngày, chúng ta hãy nhìn các vết thương của Chúa. Trong các lỗ đinh ấy, chúng ta hãy nhận ra sự trống rỗng của mình, những thiếu sót của chúng ta, các vết thương tội lỗi, những ngón đòn làm cho chúng ta đau đớn. Nhưng chính tại đó, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không chỉ tay lên án chúng ta, nhưng Ngài mở rộng vòng tay. Các vết thương của Chúa mở rộng vì chúng ta và nhờ những vết thương ấy chúng ta được chữa lành (Xc 1 Pr 2,25; Is 53,5). Chúng ta hãy hôn các vết thương đó và hiểu rằng chính tại đó, nơi những lỗ đau thương nhất của cuộc sống, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô biên của Người. Vì tại đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta xấu hổ nhất, Chúa đã đến gặp chúng ta. Và giờ đây, Chúa mời gọi chúng ta trở về cùng Người, để tìm lại niềm vui được yêu thương.

Trong nghi thức sau bài giảng, Đức Thánh cha làm phép tro và ngài được Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô bỏ tro trên đầu rồi ngài bỏ tro cho các Hồng y, trong khi hai linh mục bỏ tro cho các tín hữu hiện diện.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Trả lời