Đức Thánh cha: Chúng ta hãy nhìn nhận nơi mỗi người nhân phẩm của họ, bất luận họ là ai

 

Đức Thánh cha: Chúng ta hãy nhìn nhận nơi mỗi người nhân phẩm của họ, bất luận họ là aiNhư thường lệ, lúc gần 9 giờ 30 sáng thứ Tư, 12/8/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến trực tuyến lần thứ 17, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh Tông tòa.

Đền thờ thánh Phêrô đã được mở lại từ lâu cho các tín hữu đến cầu nguyện và thăm viếng, nhưng các tín hữu hành hương vẫn còn rất ít ỏi, vì nhiều nước còn bị phong tỏa, nhất là ngoài Âu châu. Những ngày này, số người bị lây nhiễm tái gia tăng, vì thế các buổi tiếp kiến bình thường với sự hiện diện của nhiều người vẫn chưa thể mở lại tại Vatican.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến tại thư viện dinh Tông tòa, có tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ Khanh thông dịch viên, Đức ông Sapienza, quyền chủ tịch phủ Giáo hoàng và một giám chức người Argentina phụ giúp Đức Thánh cha.

Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, với đoạn sách trích từ Sáng thế ký: Chúa dựng nên loài người theo hình ảnh giống Thiên Chúa, có nam có nữ, và Ngài đặt họ trong vườn địa đàng (St. 1,27ss).

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục nói về nghĩa vụ bác ái của các Kitô hữu trong thời đại dịch, đặc biệt là sự cần thiết phải thay đổi cái nhìn, nhìn nhận tha nhân như anh chị em. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đại dịch đã cho thấy rõ tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương và có liên hệ với nhau. Nếu chúng ta không chăm sóc nhau, từ những người rốt cùng, từ những người bị tổn thương nhất, kể cả thiên nhiên, thì chúng ta không thể chữa lành thế giới.

Căn bệnh sâu xa: cái nhìn lệch lạc về tha nhân

Điều đáng ca ngợi là sự dấn thân của bao nhiêu người, trong những tháng này đang chứng tỏ tình thương nhân bản và theo tinh thần Kitô đối với tha nhân, tận tụy săn sóc các bệnh nhân, nhiều khi rủi ro cho chính sức khỏe của mình. Tuy nhiên, coronavirus không phải là căn bệnh duy nhất cần phải bài trừ, nhưng đại dịch đã đưa ra ánh sáng những thứ bệnh xã hội rộng lớn hơn. Một trong những bệnh ấy là cái nhìn lệch lạc về con người, một cái nhìn cố tình không biết đến phẩm giá và đặc tính tương quan của họ. Nhiều khi chúng ta nhìn tha nhân như những đồ vật, dùng rồi vứt bỏ đi. Trong thực tế, cái nhìn như thế làm mù quáng và nuôi dưỡng một thứ văn hóa gạt bỏ cá nhân chủ nghĩa và gây hấn, biến con người thành một đồ tiêu thụ (xc. Tông huấn Evangelii gaudium, 53; Thông điệp Laudato sì [LS], 22).

Nhìn nhận nhân vị của tha nhân

Trái lại, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta biết rằng Thiên Chúa nhìn con người, nam và nữ, một cách thức khác. Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải như những đồ vật, nhưng như những nhân vị được yêu mến và có khả năng yêu thương, theo hình ảnh giống Ngài (xc. St 1,27). Theo cách thức đó, Chúa đã ban cho chúng ta phẩm giá độc nhất, mời gọi chúng ta sống trong tình hiệp thông với Ngài, với anh chị em chúng ta, trong sự tôn trọng thiên nhiên. Và trong tình hiệp thông ấy, Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng sinh sản và giữ gìn sự sống (xc. St 1,28-29), làm việc và săn sóc trái đất (xc. St 2,15, LS 67).

Loại trừ các nhân chủ nghĩa

Về cái nhìn cá nhân chủ nghĩa ấy, chúng ta có một ví dụ trong các sách Tin mừng, trong lời thỉnh cầu của bà mẹ hai môn đệ Giacôbê và Gioan với Chúa Giêsu (xc. Mt 20,20-28). Bà muốn cho các con của bà được ngồi bên hữu và bên tả của vị tân vương. Nhưng Chúa Giêsu đề nghị một cách nhìn mới: cái nhìn phục vụ và hiến mạng sống mình vì tha nhân, và Ngài khẳng định điều ấy ngay sau đó, khi cho hai người mù được thấy và làm cho họ trở thành môn đệ của Ngài (xc. Mt 20,29-34). Tìm cách leo lên trong cuộc sống, trổi hơn người khác, phá hủy sự hài hòa. Đó là chủ trương thống trị, thống trị tha nhân. Sự hài hòa thì khác hẳn, đó là sự phục vụ.

Quan tâm đến những người đau khổ

Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đôi mắt chú ý đến các anh chị em, nhất là những người đang đau khổ. Trong tư cách là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không muốn dửng dưng và theo chủ nghĩa cá nhân, hai thái độ này là xấu xa, đi ngược với sự hòa hợp. Dửng dưng: ngoảnh mặt đi nơi khác vì chỉ biết tư lợi của mình và cá nhân chủ nghĩa: chỉ dành cho tôi. Sự hòa hợp do Thiên Chúa tạo nên, đòi chúng ta nhìn tha nhân, những nhu cầu, những vấn đề của người khác, Chúa đòi chúng ta ở trong tình hiệp thông. Chúng ta hãy nhìn nhận nơi mỗi người nhân phẩm của họ, bất luận họ thuộc chủng tộc, ngôn ngữ hoặc giai tầng nào. Sự hòa hợp làm cho ta nhìn nhận phẩm giá con người, sự hòa hợp do Thiên Chúa tạo nên, có con người ở trung tâm.

Nhìn nhận phẩm giá bất khả nhượng của tha nhân

Công đồng chung Vatican II nhấn mạnh rằng phẩm giá ấy là bất khả nhượng, vì “đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” (GS 12). Phẩm giá ấy làm căn bản của toàn thể đời sống xã hội và xác định những nguyên tắc hoạt động xã hội. Trong nền văn hóa hiện nay, sự tham chiếu gần nguyên tắc phẩm giá bất cả nhượng của con người là Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, mà thánh Gioan Phaolô II đã định nghĩa là “hòn đá tảng được đặt trên hành trình dài dẵng và khó khăn của nhân loại” [1] và như “một trong những biểu hiện cao cả nhất của lương tâm con người”. [2] Các quyền không những có tính chất cá nhân, nhưng cả về xã hội, của các dân nước nữa. [3] Thực vậy, làm người, trong phẩm giá bản thân của họ, là một thực tại xã hội, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta là những người có tương quan xã hội, chúng ta cần sống sự hòa hợp xã hội, nhưng khi có sự ích kỷ, thì chúng ta không nhìn đến người khác, đến cộng đoàn, mà chỉ quay về mình, và thái độ này làm cho chúng ta xấu xa, ích kỷ, phá hủy sự hòa hợp.

Những hệ luận của sự nhìn nhận nhân phẩm

Ý thức mới mẻ này về phẩm giá mỗi người, có một loạt những hệ luận xã hội, kinh tế và chính trị. Nhìn người anh em và toàn thể thụ tạo như một hồng ân do tình thương của Chúa Cha ban, gợi lên một thái độ quan tâm, chăm sóc và kinh ngạc. Vì thế, tín hữu, khi chiêm ngắm tha nhân như một người anh em chứ không phải như một người xa lạ, thì sẽ nhìn họ với lòng cảm thương và thiện cảm, không coi rẻ hoặc đố kỵ. Khi chiêm ngắm thế giới dưới ánh sáng đức tin, ta cố gắng phát triển, với sự trợ giúp của ơn thánh, tinh thần sáng tạo và lòng hăng say để giải quyết các thảm trạng của lịch sử. Họ quan niệm và phát triển những khả năng của mình như trách nhiệm nảy sinh từ đức tin của mình (4), như hồng ân của Thiên Chúa cần sử dụng để phục vụ nhân loại và công trình tạo dựng.

Chữa lành cái nhìn dửng dưng

Trong khi chúng ta làm việc để chữa trị khỏi một virus tấn công mọi người, không phân biệt ai, đức tin nhắn nhủ chúng ta hãy dấn thân nghiêm túc và chú tâm để chống lại sự dửng dưng, trước những vi phạm phẩm giá con người. Đức tin luôn đòi chúng ta phải để cho mình được chữa lành và hoán cải từ bỏ tính cá nhân chủ nghĩa, về mặt cá nhân cũng như tập thể.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Ước gì Chúa “trả lại thị giác” cho chúng ta để tái khám phá thấy ý nghĩa là chi thể của gia đình nhân loại. Và ước gì cái nhìn ấy có thể được diễn tả qua những hành động cụ thể cảm thương và tôn trọng đối với mỗi người và chăm sóc, gìn giữ cho căn nhà chung của chúng ta.”

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Ba Lan.

Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói:

“Tôi thân ái chào các tín hữu Ba Lan. Nhất là tôi đồng hành trong tinh thần với hàng trăm tín hữu hành hương từ Varsava, Cracovia và các thành phố khác, đang đi bộ về Đền thánh Đức Mẹ Đen. Ước gì cuộc hành hương này được tiến hành thận trọng vì đại dịch, trở thành thời gian suy tư, cầu nguyện và huynh đệ đối với tất cả mọi người trong niềm tin yêu.”

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Ngày 15/8 trùng vào kỷ niệm 100 năm chiến thắng của quân đội Ba Lan, quen gọi là “Phép lạ trên sông Vistola”, mà tổ tiên anh chị em xác tín là nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria. Ước gì ngày nay, Mẹ Thiên Chúa giúp nhân loại đánh bại coronavirus và giúp anh chị em, gia đình anh chị em và dân tộc Ba Lan được dồi dào ơn thánh. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em!”

Sau cùng, bằng tiếng Ý Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Hôm qua, 11/8 chúng ta đã kính nhớ thánh nữ Clara, thành Assisi. Tôi mời gọi anh chị em hãy noi gương sáng ngời của thánh nữ, quảng đại gắn bó với Chúa Kitô.”

“Sau cùng, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy can đảm đương đầu với những lúc khó khăn của cuộc sống, tín thác nơi sự phù trợ của Thiên Chúa và của Đức Mẹ.

Buổi tiếp kiến trực tuyến dài 45 phút, kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha cho mọi người.

G. Trần Đức Anh, O.P.


[1] Diễn Văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, 2/10/1979, n.7.

[2] Diễn Văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, 5/10/1995. n.2.

[3] Xc. Toát yếu Đạo lý xã hội của Hội Thánh, 157.

 

 

Trả lời