Đức Thánh Cha chúc Tết Việt Nam

 

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI chúc các dân tộc Á châu
duy trì truyền thống gia đình nhân dịp Tết

Đức Thánh Cha chúc Tết Việt Nam

 

Cũng như những năm trước đây, nhân dịp Đầu năm Âm lịch, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào thăm các dân tộc Ấ đông trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày 14.02.2010 tại quảng trường thánh Phêrô, sau khi ban phép lành Tòa thánh, với những lời như sau:

Các bạn thân mến. Tại vài quốc gia Á châu, tôi nghĩ đến nước Trung Hoa và Việt nam, và tại nhiều cộng đồng rải rắc khắp nơi trên thế giới, hôm nay là ngày đầu năm Âm lịch. Đây là đại lễ, cơ hội độc đáo để thắt chặt mối tình trong gia đình và giữa các thế hệ. Tôi cầu chúc cho tất cả mọi người biết duy trì và tăng cường gia sản phong phú của các giá trị tinh thần và luân lý đã đâm rễ sâu trong nền văn hoá của các dân tộc.

 

Bài huấn dụ về “các mối phúc”

 

Như mọi người đã biết, bài giảng các mối phúc trong Tin mừng thánh Luca có vài nét đặc trưng khác với thánh Matthêu. Điều khác biệt thứ nhất là về địa điểm. Trong Tin mừng theo thánh Matthêu, bài giảng được đặt ở trên núi, nơi Thiên Chúa mặc khải ý định của Ngài giống như cho ông Môisen trước đây trong Cựu ước; còn thánh Luca thì muốn dành núi làm nơi cầu nguyện, vì thế khi rao giảng sứ điệp các mối phúc thì Chúa Giêsu xuống núi đến bình nguyên. Sự khác biệt nữa là thánh Matthêu nói đến tám mối phúc, còn thánh Luca nói đến bốn “chân phúc” và bốn cái “vô phúc”. Tất cả được nhìn dưới nhãn giới của “công lý của Thiên Chúa”, khác xa với công lý của người đời, bởi vì là công lý của tình thương. Các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi thực thi công lý này hướng đến những người nghèo đói, những người sống bên lề xã hội…. Phục vụ công lý của Thiên Chúa cũng là đề tài của sứ điệp Mùa Bốn mươi (quen gọi là mùa chay) bắt đầu từ thứ tư sắp đến.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

 

Năm phụng vụ là một lộ trình đức tin mà Giáo hội thực hiện dưới sự hướng dẫn của Đức Trinh nữ Maria. Trong các chúa nhật Thường niên, hành trình của năm nay được đánh dấu bởi các bài đọc Tin mừng thánh Luca. Hôm nay chúng ta được dẫn đến “bình nguyên” (Lc. 6, 17), nơi mà Chúa Giêsu dừng lại cùng với nhóm Mười Hai, và trước mặt là đám đông gồm các môn đệ khác và dân chúng từ khắp nơi đến nghe Chúa giảng. Bài công bố các mối phúc được đặt trong bối cảnh đó (Lc 6,20-26; x. Mt 5,1-12).

Nhìn các môn đệ, Chúa nói: “Phúc cho các bạn, những người nghèo. .. phúc cho các bạn, những người đói … phúc cho các bạn đang khóc than … phúc cho các bạn … khi bị người đời thoá mạ” vì tôi. Tại sao họ được gọi là có phúc? Bởi vì công lý của Thiên Chúa sẽ làm cho họ được sung túc, hoan hỉ, đền bù các lời bêu xấu, nói tắt một lời, bởi vì Thiên Chúa đón tiếp họ vào vương quốc của ngài ngay từ bây giờ. Các mối phúc đặt nền tảng trên công lý của Thiên Chúa, nâng dậy kẻ bị hạ nhục cách bất công và triệt hạ kẻ tự tâng cao (x. Lc 14,11).

Thực vậy, Tin mừng thánh Luca, sau bốn mối phúc đã thêm bốn lời cảnh cáo: “khốn cho các người, những kẻ giàu có … khốn cho các người, những kẻ đang no nê … khốn cho các người, những kẻ đang cười” và “khốn cho những kẻ được thiên hạ tâng bốc”, bởi vì, như Chúa nói, tình thế sẽ bị lật ngược, kẻ ở cuối sẽ lên đầu và kẻ ở đầu sẽ trở thành cuối (x. Lc 13,30).

Công lý và các phúc này được thực hiện trong “Vương quốc của trời”, hay “Vương quốc của Chúa”, tuy sẽ được thành tựu vào thời tận cùng nhưng đã hiện hữu ngay trong lịch sử. Ở đâu mà người nghèo được an ủi và được đưa vào bàn tiệc của cuộc sống, thì ở công lý của Thiên Chúa được biểu lộ. Đây là một nghĩa vụ mà các môn đệ của Chúa được mời gọi thực thi ngay trong xã hội hiện nay. Tôi nghĩ đến nhà trọ của cơ quan Caritas Roma ở nhà ga Termini mà tôi đến thăm viếng sáng nay: tôi hết lòng khuyến khích những ai đang hoạt động trong cơ sở đáng quý này, và những ai trên khắp thế giới đang tình nguyện dấn thân trong các chương trình của công lý và bác ái.

Tôi đã dành sứ điệp Mùa Chay năm nay, bắt đầu từ thứ tư lễ tro sắp đến, cho đề tài công lý. Vì thế hôm nay tôi muốn trao cho anh chị em sứ điệp này và mời hãy đọc và suy nghĩ. Tin Mừng Chúa Kitô đáp ứng cách tích cực lòng khao khát công lý của con nguời, nhưng với một cách thức bất ngờ và vô lường. Chúa Giêsu không đề ra một cuộc cách mạng chính trị xã hội, nhưng là cuộc cách mạng tình thương mà ngài đích thân thực hành bằng Thập giá và cuộc Phục sinh của mình. Các mối phúc được đặt nền ở trên đó, mở ra một viễn tượng mới về công lý, khởi đi từ cuộc Phục sinh, nhờ vậy mà chúng ta có thể trở nên công chính và kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

Các bạn thân mến, giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh nữ Maria. Mọi thế hệ tuyên bố Mẹ thật là có phúc, bởi vì đã tin vào Tin mừng mà Con của Mẹ đã loan báo (x. Lc 1,45,48). Chúng ta hãy để cho Mẹ dìu dắt trên hành trình mùa Bốn Mươi, ngõ hầu chúng ta được giải thoát khỏi cái ảo giác tự mãn, và biết nhìn nhận rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa, cần đến lòng thương xót của Ngài, và nhờ vậy, chúng ta được gia nhập Vương quốc công lý, tình thương và bình an.

Bình Hòa

Trả lời