Đức Thánh Cha chúc các Dân tộc mừng Tết Nguyên Đán

 

Đức Thánh Cha Biển Đức 16
Chúc các Dân tộc mừng Tết Nguyên Đán

Nguồn : Vietcatholicnews

Đức Thánh Cha chúc các Dân tộc mừng Tết Nguyên Đán

Chúc Mừng Xuân Nhâm Thìn

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ra cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. Nhân dịp Tân Xuân Nhâm Thìn Đức Thánh Cha đã chúc Tết các dân tộc Viễn Đông như sau:

“Anh chị em thân mến, trong các ngày này nhiều dân tộc Viễn Đông tươi vui mừng Năm Mới Âm Lịch.

Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội hiện nay tôi cầu chúc tất cả các dân tộc ấy một năm mới thực sự ghi dấu công lý và hòa bình, đem lại thoa dịu cho người khổ đau; tôi đặc biệt cầu chúc cho các bạn trẻ, với lòng hăng hái và sự thúc đẩy của lý tưởng, có thể cống hiến cho thế giới một niềm hy vọng mới.”


[youtube]MsVXuwpo_yM[/youtube]


Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông Năm 2012

“Trong các cụm từ ngắn gọn, thường không quá một câu Kinh Thánh, những suy tư sâu sắc có thể được truyền đạt” Bênêđíctô thứ 16 đã nhấn mạnh như trên trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2012.

Ngài lưu ý rằng hiệu quả của truyền thông đòi hỏi một sự im lặng và suy tư. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng ngày nay nhiều câu hỏi và câu trả lời quan trọng trong cuộc sống đang được tìm kiếm thông qua internet, nơi các câu hỏi và câu trả lời có thể trở nên một sự “dội bom” thông tin trên tư duy con người thông qua các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm 24 tháng Giêng là lễ kính thánh Phanxicô đệ Salê, nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 46 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 20 tháng 5 tới đây, với chủ đề “Thinh lặng và lời nói: con đường truyền giảng Tin Mừng”. Sứ điệp được Đức Tổng Giám Mục Claudio Marie Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, cùng với các vị phụ tá, giới thiệu trong cuộc họp báo lúc 11 giờ rưỡi sáng 24 tháng Giêng tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “thinh lặng và lời nói là hai yếu tố của truyền thông, phải được quân bình, nối tiếp và hội nhập với nhau để có thể có một cuộc đối thoại đích thực và sự gần gũi sâu xa giữa con người với nhau. Khi lời nói và thinh lặng loại trừ nhau, thì truyền thông bị suy thoái, hoặc nó tạo nên một sự choáng váng, hoặc trái lại, nó tạo nên một bầu không khí lạnh lùng”.

Theo Đức Thánh Cha, “Thinh lặng là thành phần của truyền thông và nếu không có nó thì sẽ không có những lời nói với nội dung xúc tích. Nơi nào các sứ điệp và thông tin dồi dào, thì thinh lặng càng trở nên thiết yếu để phân định điều gì là quan trọng và điều gì là vô ích hoặc phụ thuộc. Sự suy tư sâu xa giúp chúng ta khám phá quan hệ giữa các biến cố, thoạt nhìn chúng có vẻ không liên hệ với nhau. Nó cũng giúp thẩm định, phân tích các sứ điệp. Vì thế cần kiến tạo một môi trường thích hợp, giống như một hệ thống môi sinh biết giữ quân bình giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh”.

Cũng trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha nhận xét rằng thinh lặng là điều quí giá để dễ dàng có sự phân định cần thiết giữa bao nhiêu điều kích thích và bao nhiêu câu trả lời mà chúng ta nhận được, để nhận ra và tập trung vào những câu hỏi thực sự quan trọng.

Ngài viết: “Con người không thể chỉ hài lòng với một sự trao đổi trong tinh thần bao dung về những ý kiến ngờ vực và về kinh nghiệm cuộc sống: tất cả chúng ta hãy trở thành những người tìm kiếm chân lý và chia sẻ ước muốn sâu xa này, nhất là trong thời này, “khi con người trao đổi thông tin với nhau, họ cũng đang trao đổi chính bản thân, vũ trụ quan, những hy vọng và lý tưởng của họ cho nhau”.

Trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha cũng đề cao các mạng Internet, các thảo chương và mạng xã hội có thể giúp con người ngày nay sống những lúc suy tư và tự hỏi đích thực, cũng như tìm được những khoảng thinh lặng, cơ hội cầu nguyện, suy niệm hoặc chia sẻ Lời Chúa. Nếu Thiên Chúa nói với con người cả trong lúc thinh lặng, thì con người cũng có thể khám phá trong thinh lặng khả năng nói với Thiên Chúa và về Thiên Chúa”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Lời nói và thinh lặng, và việc tự giáo dục về truyền thông có nghĩa là học cách lắng nghe, chiêm niệm, ngoài lời nói, và điều này đặc biệt quan trọng đối với những ai rao giảng Tin Mừng. Thinh lặng và lời nói, cả hai đều là những yếu tố thiết yếu và bổ túc cho nhau trong hoạt động truyền thông của Giáo Hội, để loan báo Chúa Kitô một cách mới mẻ trong thế giới ngày nay”


Trả lời