Đức Sứ thần Tòa Thánh kêu gọi Giáo hội tại Đức hãy hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ

 

Đức Sứ thần Tòa Thánh kêu gọi Giáo hội tại Đức hãy hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũĐức Tổng giám mục Nikola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, kêu gọi các thành viên Con đường Công nghị tại Đức hãy hiệp nhất với Giáo hội Công giáo hoàn vũ, đứng trước tình trạng Công nghị này đề ra những đường hướng trái với truyền thống đạo lý và thực hành của Giáo hội.

Khóa họp toàn thể thứ ba và cũng là khóa họp chót của “Con đường Công nghị” Giáo hội Công giáo Đức, đã tiến hành từ ngày 03 đến ngày 05 tháng Hai vừa qua, tại thành phố Frankfurt am Main, với sự tham dự của 213 đại biểu và đã thông qua với hai phần ba số phiếu các văn kiện kêu gọi Giáo hội mở đường cho việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, thay đổi luân lý Công giáo về tính dục, công nhận hôn nhân đồng phái, thay đổi luật độc thân giáo sĩ, và để cho giáo dân tham gia vào việc tuyển chọn giám mục, v.v.

Đức Tổng giám mục Eterovic đã đến thăm trong phiên họp chót của Công nghị, với tư cách quan sát viên. Ngài tuyên bố rằng Đức Thánh cha Phanxicô rất quan tâm đến sự đồng hành của mọi thành phần Giáo hội, nhưng điều này không có nghĩa là tìm kiếm sự đồng thuận của đa số. “Đức Thánh cha thường nói về Sinodality, đồng hành, và khía cạnh tích cực của nó, nhưng đồng thời ngài khuyến khích chúng ta tránh những hiểu lầm và lầm lẫn. Trong số các khía cạnh đặc thù của sự đồng hành, Đức Thánh cha đề cập trước tiên tới điều này: Đồng hành hay Hiệp hành là một ơn của Chúa Thánh Linh, đó là con đường dẫn tới một cộng đồng Giáo hội với sứ mạng là truyền giáo, loan báo Tin mừng cho thế giới ngày nay; một Giáo hội đồng hành đòi sự tham gia của mọi người, tuy ở các cấp độ khác nhau. Đồng thời, Đức Thánh cha Phanxicô cảnh giác chống lại chủ trương duy như quốc hội, vụ hình thức, duy trí thức và duy giáo sĩ”.

Đức Sứ thần trưng dẫn diễn văn của Đức Thánh cha Phanxicô nói với các tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ Giáo lý đức tin, ngày 21 tháng Giêng vừa qua, rằng: “Có lẽ anh em có thể nghĩ rằng tiến trình đồng hành là lắng nghe mỗi người, thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến và trình báo kết quả. Nhiều tiếng nói khác nhau. Không, không phải vậy. Một tiến trình đồng hành mà không có sự phân định thì không phải tiến trình đồng hành. Trên hành trình công nghị đồng hành, cần liên tục phân định các ý kiến, các quan điểm và suy tư. Ta không thể tham gia tiến trình đồng hành mà không phân định…”

Trong bài tham luận, Đức Tổng giám mục Eterovic cũng nhắc đến tầm quan trọng của Kinh thánh: Kinh thánh cần phải được công bố, lắng nghe, đọc, đón nhận và sống như Lời Chúa, theo truyền thống tông đồ là hai điều không thể tách rời nhau”.

Đức Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh kết thúc với lời trưng dẫn từ sách “Chống Lạc Giáo” (Adversus haeresus) của thánh Irénée thành Lyon, mới được tôn phong Tiến sĩ Hội thánh: “Mặc dù giáo huấn và sự tuyên xưng đức tin này – như chúng tôi đã nói – được Giáo hội trên toàn thế giới thừa hưởng, nhưng nó được một gia đình sinh động cẩn giữ, và các chân lý này cũng được tin nhận như thể nó được một linh hồn và một con tim và đồng thanh giảng dạy, và thông truyền như thể bằng một miệng duy nhất. Vì tuy có nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên thế giới, sức mạnh của truyền thống là một như nhau. Dù Giáo hội được thành lập tại Đức cũng không nói khác với Giáo hội tại Iberia, Celtic, Libya, Đông, Ai Cập và ở trung tâm thế giới”. (1:10,1-2)

(Ekai 5-2-2022)

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA