Tình Yêu là Đức Kitô

 

TÌNH YÊU, đó là Đức Giêsu Kitô

 

Tình Yêu là Đức Kitô1. Tình yêu của con người

Tình yêu làm nên cuộc sống con người. Nhưng tình yêu cũng làm ra bao nhiêu tội ác trong cuộc sống con người. Đó chẳng phải chỉ là những là những thứ tình yêu ghen tuông, tình yêu mù quáng; nhưng đó còn là biết bao tội tham nhũng, bất công, gian tham… mà trong thâm sâu chúng cũng có phần dính dáng đến một thứ tình yêu nào đó. Tình yêu làm nên cuộc sống con người, nhưng con người thường chỉ đạt được một thứ tình yêu “nửa chừng xuân”, tình yêu vụn vặt và què quặt, khiến cho cuộc sống con ngươi cứ mãi loay hoay; khổ vì yêu mà không yêu cũng khổ; yêu để sống nhưng nhiều khi vì yêu mà không còn muốn sống….

Thật ra con người khao khát yêu thương, nhưng lại không có đủ phẩm cách xứng tầm của tình yêu. Thế rồi, trong mức độ giới hạn của mình, người ta vẫn cứ yêu, yêu một cách méo mó, lệch lạc. Cái nguy lớn là những thứ tình yêu méo mó ấy ru ngủ, hoặc trói chặt con người. Con người tưởng rằng mình cũng biết yêu, để lâng lâng ca tụng tình yêu. Con người lao vào tình yêu méo mó, nhưng lại không đủ khả năng ra khỏi hoặc vươn lên trên tình yêu ấy…. Quả thật, trong cuộc sống hằng ngày, có quá nhiều thứ tình yêu bị biến chất làm cho con người bị lạc hướng trong khu rừng của tình yêu; và người ta có thể nói về tình yêu rằng : “rượu càng ngon thì dấm càng chua”; nghĩa là sự biến chất của một điều càng cao qúi bao nhiêu thì lại càng trở nên tệ hại bất nhiêu.

* Tình yêu, xa và gần

Chúng ta thử tiếp cận tình yêu dưới khía cạnh đối tượng của tình yêu. Vấn đề dặt ra là : Tình yêu đi từ cái chung đến cái riêng hay đi từ cái riêng đến cái chung ? Đó là một vấn đề rất thực tế mà cũng rất nan giải của cuộc sống hằng ngày. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể thấy, người ta luôn luôn sa vào một lựa chọn để loại trừ. Khi tình yêu “gần” thì không thể “xa”, và ngược lại. Khi người ta yêu người thân của mình và không còn đủ năng lực để có thể cống hiến đúng mực cho những người ngoài vòng yêu thương của mình. Khi người ta muốn giang rộng đôi tay yêu hết mọi người, thì người ta lại không bao giờ có thể yêu hết mình một ai cả. Cái tình cảm tréo ngoe đó làm cho tình yêu của con người luôn luôn hé lộ một khiếm khuyết không thể vượt qua.

* Tình yêu, lý trí và tình cảm

Ta thử tiếp cận một khía cạnh năng lực của chủ thể trong hành trình đi đến tình yêu. Ở đây, người ta thấy rằng cái tình cảm thì bao giờ cũng hướng tới một đối tượng cụ thể, không thể có cái tình cảm của một tình yêu chung chung, phổ quát. Ngược lại, cái nhận thức của lý trí thì, bình thường, lại nhằm tới đối tượng là sự phổ quát. Như thế, Khi người ta bị lôi cuốn bởi cái eros như một cơn “đam mê xuất thần”, thì thứ tình yêu ấy bất cần mọi sự, nhiều khi bất cần cả luân thường đạo lý. Nhưng nếu người ta quá thiên về lý tri, yêu như là một thứ Philein, thì chính thứ tình yêu ấy lại chống đối lại tình yêu hy sinh mạng sống cho bạn hữu; và chính vì thế mà người Hy Lạp coi thập giá là một sự điên rồ : “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”. (1 Cr 1,22-23)

* Tình yêu, phong phú và triệt để

Ta thử tiếp cận một khía cạnh phẩm chất của tình yêu con người, khía cạnh phong phú và triệt để, nghĩa là xét đến khía cạnh tình cảm, đến chính con tim của chủ thể yêu. Hai tính chất phong phú và triệt để là những tiêu chuẩn căn bản của tình yêu chân chính, nhưng hai tính chất ấy lại luôn đi ngược chiều nhau. Chúng ta có thể thấy là tình yêu thì luôn phải phong phú, tuôn trào, rộng mở. Bởi vì giới hạn của tình yêu là tình yêu không giới hạn; bởi vì tình yêu mà lại chấp nhận loại trừ một phần nào đó, loại trừ một ai đó, thì đó đã là điều gì có nguy cơ phản lại chính tình yêu. Tính chất phong phú của tình yêu có nghĩa là tình yêu càng cho đi thì càng mạnh mẽ; tình yêu càng chia sẻ cho nhiều người thì lại càng sung mãn và mãnh liệt.

Tính cách triệt để của tình yêu có nghĩa là tình yêu thôi thúc ta dâng trọn vẹn cả bản thân mình cho người mình yêu; tình yêu không phải là một sự tính toán chía phần con tim, để yêu người này một chút, yêu người kia một chút. Tình yêu của hai người với nhau, để đạt đến mức triệt để, cần phải thể hiện như sự dâng trọn vẹn bản thân cho nhau, trong suốt cuộc hành trình cuộc đời …

Làm sao để có được tính chất “triệt để – phổ quát” nơi tình yêu con người ? Đó là một nan đề mà con người không dễ giải quyết được.

2. Mạc khải của Thánh Kinh

Tình Yêu là Đức KitôTrong cách nhìn của Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận biết rằng, với tội lỗi, con người không còn có thể sống trọn vẹn “hình ảnh Thiên Chúa” nơi bản thân của mình được nữa. Con người được sáng tạo nên giống Thiên Chúa, nghĩa là con người được mời gọi để sống với Chúa. Nhưng khi không sống được trọn khao khát yêu thương khi sống với Chúa, con người ta bộc lộ khao khát yêu thương của mình thành những phản ứng nổi loạn. Cách sống tình yêu của con người, trong hiện trạng, giống giống như là :

– Giống như một người nhận tiền để mua nhà, nhưng vì chưa mua được nhà, nên tiêu xài vụn vặt hết tiền; cũng thế, vì con người không tìm thấy được một tình yêu chân thật, nên người ta sử dụng tình yêu vào những chuyện vớ vẩn, như yêu sự vật thay vì là yêu ai khác…

– Giống như một người nhận được một cây gậy để hái quả ngọt trên cây, nhưng vì không hái được quả, nên người đó dùng gậy đập phá lung tung; cũng thế, vì con người không tìm thấy được tình yêu chân thật, nên người ta “trả thù đời” bằng ghen tương, bằng lợi dụng, lừa đảo trong tình yêu…

– Giống như một người con, nhận được những món quà của mẹ như một bằng chứng về tình yêu, tình yêu dâng trọn bản thân cho đứa con, nhưng đứa con lại quá ham mê những món quà, quá ham mê hưởng thụ cho mình mà quên mất tình nghĩa, nên đòi hỏi thứ này điều kia; cũng thế, con người đón nhận được tình yêu để đi đến với tình yêu thương của ai khác, nhưng vì ham hưởng thụ, vì quá hời hợt, nên đứa con chỉ biết tìm cho mình những đồ vật.

*** Thật ra con người không thể tự mình đi trọn được con đường yêu thương. Tình yêu thôi thúc con người, như sóng dạt dào, nhưng là những ngọn sống “không có chân”, không có nền, nên cứ ào ạt rồi lịm tắt, cứ mãnh liệt nhưng rồi lại đuối sức để rồi chìm lắng….

3. Tình yêu chân chính, đó là Đức Giêsu Kitô

Thật ra, con người được Chúa dựng nên có thể xác, nên tình yêu của con người phải bắt đầu từ con người cụ thể. Thiên Chúa cũng bắt đầu chọn cho Ngài một Dân riêng, và Chúa Giêsu cũng chọn cho Ngài các tông đồ, trong đó, còn có vị tông đồ “được Chúa thương mến”. Thế nhưng không bao giờ một Dân riêng hay người môn đệ yêu quí có thể dừng lại ở mối tình riêng để hủ hỉ với Chúa, nhưng luôn được mời gọi để trở thành sứ giả mang Tin Mừng của Chúa đến cho người khác. Đó là cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Ngược lại, con người chỉ có thể hoàn thành ước vọng yêu thương của mình bằng cuộc gặp gỡ yêu thương với nhân vật trọng tâm của ơn cứu độ, Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là một con người cụ thể, một nhân vật lịch sử, nhưng Ngài lại cũng là Đức Kitô, Đấng cứu độ muôn người. Chỉ trong cuộc gặp gỡ ấy, con người mới có được một khởi đầu cụ thể của tình yêu, nhưng khởi đầu ấy lại mở ra không cùng trên con đường yêu thương tron vẹn đối với muôn người. Ơn cứu độ chính là yêu mến đức Giêsu và để cho Ngài dẫn dắt mỗi người chúng ta trên hành trình yêu thương trọn vẹn. Chính vì thế mà mỗi người phải tự trả lại câu hổi căn bản của niềm tin : “Con anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Mt 16,15)

 

Trả lời