Đức Giêsu… thật sự là Vua của đời tôi!

 

Đức Giêsu… thật sự là Vua của đời tôi!

 

Đức Giêsu… thật sự là Vua của đời tôi!Theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo kết thức năm phụng vụ bằng thánh lễ kính trọng thể Chúa Giêsu Kitô Vua. Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua được thiết lập cách nay hơn tám mươi năm, chính xác là vào ngày 11 tháng 12 năm 1925.

Trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, con người hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.

Thật ra, không đợi để giáo hội tôn Chúa Giêsu là vua; nhưng cách đây hơn hai ngàn năm, chính Thiên Chúa đã có chương trình tôn vinh Người là vua, bằng việc sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ tên là Maria và báo tin rằng “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33)

Có điều là, hôm nay, Chúa Giêsu được tôn vinh là Vua muôn Vua, là Chúa các Chúa trong sự trang nghiêm, cung kính nơi thánh đường. Còn xưa kia…

…..

Vâng, xưa kia, tại Palestina của hơn hai ngàn năm xa trước đó. Đang lúc cư dân Giêrusalem chìm đắm trong giấc ngủ, thì tại vườn Giếtsêmani, một khung cảnh hỗn loạn xảy ra. Đức Giêsu đang bị bao vây bởi một nhóm người. Họ là quân binh cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Phariseu.

Vài hôm trước, khi Đức Giêsu tới Giêrusalem. Một rừng người đã cầm nhánh thiên tuế ra đón Người và reo hò “Hoan hô! Hoan hô!… Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel”.

Làm sao không chúc tụng Đức Giêsu như thế cho được. Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu đã để lại nơi mọi người hình ảnh Ngài là Vua, một vị Vua “ưa sự nhân từ”, một vị Vua “hiền lành và khiêm nhường”, một vị Vua luôn “chạnh lòng thương xót”, một vị Vua “đến để phục vụ”, một vị Vua dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”…

Người ta thường nói, “tiếng lành đồn xa”. Vì thế, “tiếng lành” về Đức Giêsu được dân chúng chúc tụng là vua Israel “đồn” đến tai các thượng tế và nhóm Pharisêu, lập tức, họ quyết định tìm Ngài…

Tìm Đức Giêsu để tôn Ngài làm vua ư! Thưa không. Họ tìm để bắt Ngài. Bắt Ngài vì họ cho rằng cuộc rước sách đó chính là là nguyên nhân dẫn đến việc Roma sẽ phá hủy thành thánh. Do Thái đang bị cai trị bởi Roma. Ngoài hoàng đế Cesar … ai dám tôn xưng là vua!

Tên phản bội Giuda biết rõ nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Y đã thông báo cho các thượng tế và nhóm Phariseu. Giếtsêmani bị phong tỏa bởi một đội cơ binh. Và rồi, khi tìm thấy Đức Giêsu, như con thú đói mồi, Giuda xông đến trước mặt Ngài.

Nụ hôn của tên phản bội chính là sự điểm chỉ, nhóm cơ binh chờ có thế và xông vào trói Ngài lại. Họ điệu Ngài đến trước các ông Kha-nan và thượng tế Cai-pha, chức sắc cao cấp của người Do Thái.

 Sau những màn sỉ nhục và đánh đập diễn ra, họ dẫn giải Ngài đến trước tổng trấn Phi-la-tô. 

Tại đây, không tra tấn, không đánh đập nhưng thật tệ vì những câu hỏi, những câu hỏi không đáng hỏi của quan lớn Philatô.

“Ông đã làm gì? Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Ôi! Không phải là người Do Thái, làm sao quan tổng trấn Phi-la-tô có thể hiểu được vai trò và sứ mạng của Đức Giêsu khi Ngài đến thế gian!

Đức Giêsu đến thế gian để “làm gì” ư? Hơn bảy trăm năm trước, Israel đã được ngôn sứ Mikha tiên báo rằng, “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel” (Mk 5, 1).

Trước mặt tổng trấn Philatô, bất chấp bạo lực và chết chóc, Đức Giêsu trả lời rằng “Chính Ngài nói tôi là vua”.

Vâng, đến thế gian, Đức Giêsu là vua để thi hành sứ-mạng-thống-lĩnh-Israel. Thống lĩnh Israel nhưng Ngài không thống lĩnh quốc gia “thuộc về thế gian này” mà là thống lĩnh con dân Israel trở về với chân lý và sự thật, “làm chứng cho sự thật và đứng về phía sự thật”. (Ga 18, 37)

**

“Sự thật là gì?” Sự thật Chúa Giêsu thật sự là Vua?

Qua việc tổng trấn Philatô đã “cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái”, vâng, dẫu cho có là vô tình thì điều đó cũng có thể nói lên rằng “ý dân không bằng ý trời”.

Thế còn chúng ta! Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Sự thật là gì? Giêsu… thật sự là Vua của đời tôi! Và tôi có là con dân của Người?

Hay, phải chăng, chủ nghĩa thế tục đẻ ra những “vương quốc thế tục” được cai trị bởi những “ông vua thế tục” với sức mạnh bởi nòng súng hoặc mền mỏng bởi những chính sách mị dân, cho phép tự do luyến ái, tự do phá thai, kết hôn đồng tính v.v… lôi cuốn chúng ta, thuyết phục chúng ta bái lạy nó!

Và phải chăng, chủ nghĩa duy vật đẻ ra những “vương quốc của cải” được cai trị bởi những ông-vua-duy-vật-chất, rao giảng một học thuyết cho rằng, những tiện nghi vật chất, những khoái lạc và dục vọng, tiền bạc và danh vọng v.v… mới thật sự là vua của đời tôi?

Tưởng cũng nên nhắc tới “vương quốc game” một vương quốc được lập nên bởi chủ nghĩa của cải và thế tục. Vâng, nó đã làm gì cho thần dân của nó! Hạnh phúc ư! Sự sống đời đời ư! Hay nó chỉ đem lại cho thần dân của nó bạo lực, chém giết và sự chết?

Hãy nhớ lời Đức Giêsu đã phán “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì” và luôn phải nhớ, đã là người môn đệ của Chúa, dù đang “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời”.

***

Thế giới vẫn đang hướng tới chủ nghĩa thế tục, và chúng ta hãy biết rằng, một chủ nghĩa thế tục dù có ôn hòa hay trung lập cũng sẽ có ngày trở thành một thế lực “hung hãn”, nó sẵn sàng “cưỡng chế” mọi người, thông qua những đạo luật nghe cứ tưởng như là tự do dân chủ, đạo luật Obamacare, một sản phẩm của chủ nghĩa thế tục, là một ví dụ điển hình.

Nghe ra có đáng sợ không? Thưa không, để có thể chiến thắng chủ nghĩa thế tục, tông đồ Phaolô có lời khuyên rằng “anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người” (Ep 6, 10)

Sức mạnh trong Chúa và uy lực toàn năng của Người chính là “đức tin và Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6, 16-17).

Tuy nhiên, sức mạnh và uy lực đó sẽ vô dụng nếu chúng ta còn vấn vương bởi những sự quyến rũ của chủ nghĩa thế tục và duy vật. Lời Thiên Chúa phán dạy rất rõ ràng, rằng “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi đó, để các ngươi không tham dự vào các tội lỗi của nó và để các ngươi không chia phần tai ương với chúng” (x. Kh 18, 1-4)

Vâng, là một Kitô hữu “Hãy ra khỏi vương quốc thế tục và duy vật đó đi”, còn chần chờ gì nữa, lỡ ngay khi chúng ta vừa đọc xong bài suy tư này, Vua Giêsu Kitô “Người ngự đến giữa đám mây” chúng ta sẽ không phải “đấm ngực than khóc khi thấy Người” nhưng chúng ta có thể nhìn Người mà nói: Lạy Chúa Giêsu! “Ngài… thật sự là Vua của đời tôi”.

Petrus.tran

 

Trả lời