Đức Giê-su, Ngài muôn thuở là Vua

 

Đức Giê-su, Ngài muôn thuở là VuaTheo lịch Công Giáo, hôm nay 24/ 11/2019 là Chúa Nhật cuối cùng của lịch Phụng Vụ. Và, như một truyền thống đẹp, hôm nay, toàn thể cộng đồng dân Chúa long trọng mừng kính Chúa Giêsu Kitô Vua.

Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua được thiết lập vào ngày 11 tháng 12 năm 1925.

Trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, con người hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.

Thật ra, không đợi để Giáo hội tôn Chúa Giêsu là vua; nhưng cách đây hơn hai ngàn năm, chính Thiên Chúa đã có chương trình tôn vinh Ngài là vua, bằng việc sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ tên là Maria và báo tin rằng “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33)

Những người đầu tiên tôn vinh Đức Giê-su là vua chính là mấy nhà chiêm tinh. Kinh Thánh ghi lại rằng: Khi thấy “có vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”, họ đã có một cuộc hành trình tìm kiếm để “bái lạy Người”.

Bắt đầu từ phương Đông, họ đến Giê-ru-sa-lem, ở đó họ được các thượng tế và kinh sư cho biết “Belem, miền đất Giu-đa… là nơi vị lãnh tụ… sẽ ra đời”. Nhờ lời chỉ dẫn đó, họ đã đến tận nơi, “và sấp mình thờ lạy”. (x.Mt 2, 6…11)

Và, trong những ngày thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, có không ít người nhìn Đức Giê-su như là một vị Vua – Vua của đời họ, khi lớn tiếng nói: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít”.

Rồi cao trào của sự tôn vinh, đó là hôm Ngài cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem, chuyện kể rằng: “nghe tin Đức Giê-su tới… họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng Vua Ít-ra-en” (Ga 12, 12-13).

Vâng, Đức Giê-su là Vua. Thế nhưng, cách mà Ngài lên ngôi, không giống như cách lên ngôi của những ông vua, những lãnh tụ trần thế.

Nếu những ông vua trần thế, (mà nay còn được gọi là Tổng Thống hay Chủ Tịch nước) lên ngôi bằng những mưu toan chính trị, bằng trò hề phổ thông đầu phiếu, bằng sức mạnh của họng súng, bằng những gian dối lừa bịp, bằng sự khủng bố đàn áp, để lên ngôi, để cướp chính quyền…

Thì… thì Vua Giêsu đã không làm như thế. Để lên ngôi, Ngài đã dùng sức mạnh của tình yêu thương, một thứ tình yêu, dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”.

Và quả thật, lịch sử ghi lại rằng: Vua Giê-su đã hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu, trên thập giá tại “Đồi Sọ”, cho việc “lên ngôi” của Ngài.

Lịch sử đã ghi lại ngày hôm ấy rất rõ ràng. Hôm ấy, nơi Đồi Sọ, với cảnh chiều lộng gió, người ta không nghe được một tiếng kèn, tiếng trống hay tiếng tung hô, nhưng là với những “tiếng chày tiếng búa nện đinh”, nện không thương tiếc vào hai bàn tay và đôi chân của Đức Giê-su bằng những chiếc đinh,  một cách để dán chặt cơ thể Ngài vào thập giá. Và cuối cùng thân xác Ngài được dương cao lên, người ta thấy trên thập giá có một dòng chữ “Người này là Giê-su, vua dân Do Thái”.

Vây quanh đồi Sọ, thật đau lòng là hàng ngàn người với những tiếng hò hét “buông lời nhạo báng”, với những lời thách thức ngạo mạn “Nếu ông là Vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi” v.v…

Trên thập giá, Vua Giê-su đã không xấu hổ về những lời nhục mạ đó. Trên thập giá, Vua Giê-su có thể  kêu cứu với Cha Ngài “cấp ngay cho Ngài mười hai đạo binh thiên thần” để giải cứu Ngài.

Thế nhưng, “như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?” Như thế thì lời tuyên phán:  “Như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”, làm sao trở thành hiện thực!

Hôm ấy, như là một vị Vua của tình yêu, Đức Giê-su đã có lời nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Thế đấy! Cách lên ngôi của Ngài là thế đấy. Và, với cái nhìn của thế gian, thì cách lên ngôi của Đức Giê-su là một cách lên ngôi đầy nhục nhã.  Ai… ai sẽ lớn tiếng tôn vinh Ngài là Vua? … Ai sẽ dám là thần dân của Ngài?

Có… có một người đã dám. Người đó là một tên gian phi. Chuyện kể rằng: Hôm đó, cùng bị hành hình với Ngài là hai tên gian phi, một tên “cũng nhục mạ người”. Nhưng tên kia thì không. Người gian phi này đã thưa với Đức Giêsu, rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”.

Trước lời khẩn cầu của tên gian phi, Vua Giê-su đã làm sao nhỉ?  Thưa, hôm ấy Ngài đã nói với anh ta, rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

Lời tuyên phán này chính là bằng chứng sống động, cho thấy Đức Giêsu đã thực hiện đúng lời rao giảng của mình, rằng: “Tôi đến là để chiên được sống và được sự sống sung mãn”…

“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Lời nguyện đã được thốt lên hơn hai ngàn năm trước và đã được Đức Giê-su nhậm lời. Và hôm nay, lời nguyện này vẫn còn có tính thời sự đốivới chúng ta.

Đức Giê-su đã vào Nước của Ngài. Và, Ngài luôn nhớ đến mỗi chúng ta… nhớ đến nỗi Ngài vẫn  đứng trước cửa tâm hồn của mỗi chúng ta và cất tiếng mời gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20)

Nhớ đến nỗi Ngài vẫn đứng trước bàn Tiệc Thánh mỗi ngày, qua vị linh mục, Ngài lớn tiếng mời gọi mỗi chúng ta, mời gọi rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian: Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Nhớ đến nỗi Ngài vẫn cùng đồng hành trên mọi nẻo đường chúng ta đi và luôn cất tiếng mời gọi chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có  lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh  em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng”. (x.Mt 11, 28-30)

Đây… đây là những lời mời gọi rất cần thiết cho những ai muốn được là “thần dân” của Vua Giê-su. Mà, đã là một Ki-tô hữu chẳng lẽ chúng ta không muốn được là thần dân của Ngài!

Thế nên, hãy trở về trong thinh lặng và tự hỏi mình rằng: Là một Ki-tô hữu, tôi có xem Đức Giê-su như là Vua của đời tôi? Tôi có “đến cùng Chúa, học với Chúa”?

Nói rõ hơn, tôi có tham dự Thánh Lễ (ít nhất là mỗi Chúa Nhật hàng tuần)? Tôi có đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh và thực hiện những gì Kinh Thánh dạy?

Vâng, trong một thế giới ngày một tục hóa, một thế giới cổ súy cho một nền văn hóa sự chết, một thế giới ngả theo chủ nghĩa thế tục. Nó bác bỏ mọi hình thức tôn giáo về đức tin và phụng tự. Nó rao giảng một học thuyết, theo đó, quyền lực, danh vọng, khoái lạc và tiền bạc là những mục tiêu duy nhất và là cứu cánh của cuộc sống.

Rất quyến rũ… rất dễ để chúng ta quên đi những lời mời gọi (nêu trên) của Đức Giê-su, phải không, thưa quý vị?

Thế nên, để chúng ta không rơi vào những quyến rũ đó. Để  chúng ta không trăn trở, rằng:  làm thế nào để không rơi vào những quyến rũ đó, hãy nhớ đến lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.

Và, thật là tốt nếu chúng ta đem lời của anh chàng “gian phi” làm thành lời cầu nguyện của chính mình mà thốt lên cùng Ngài, rằng: “Lạy Chúa Giê-su… xin nhớ đến con”.

Có Chúa, khi Chúa nhớ đến ta, thánh Phao-lô xem đó như là một phương cách để giải thoát những quyến rũ của thế gian.

Đây, chúng ta hãy đọc lại cảm nghiệm của thánh Phao-lô, khi ngài chia sẻ cảm nghiệm của mình với cộng đoàn Colose, rằng: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha… Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái, trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi” (x.Cl 1, 12…13)

Vâng, dưới gầm trời này, không ai có thể giải thoát chúng ta. Chỉ duy nhất một người, đó chính là Đức Giê-su. Thánh Phao-lô xác tín: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”, trong đó có chúng ta.

Thế nên,  hãy luôn nhớ rằng, đã là người môn đệ của Chúa, dù đang “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời”.

Thế nào là không sống như người đời? Thưa, đó là không xem những gì thuộc về thế gian như là cứu cánh cho cuộc đời của chúng ta., như là vua của đời chúng ta.

Không sống như người đời, đó là, mỗi sớm mai thức giấc, đừng vội nghĩ: hôm nay ăn gì mặc gì, hôm nay chứng khoán tăng hay giảm, “đô” lên hay xuống, hôm nay phải kiếm bao nhiêu tiền v.v… mà hãy nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, đọc lời khẩn nguyện “Ông Giêsu ơi!… xin nhớ đến tôi” với lòng xác tín rằng: Vua của chúng ta tên là Giê-su Ki-tô.

Vua của chúng ta tên là Giê-su Ki-tô, bởi vì, “khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (x.Pl 3, 10). Chỉ một tên duy nhất Giê-su Ki-tô – Ngài là Vua đời tôi.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải nhận Đức Giê-su là Vua của đời mình. Nếu không nhận, chúng ta chỉ là một Ki-tô hữu giả. Nếu không nhận, chúng ta chỉ là một Ki-tô hữu bại liệt.

Còn nếu đã nhận, tôi và bạn, chúng ta hãy cùng nhau lớn tiếng ca, ca  rằng: “Chúa Giê-su là Vua… Chúa muôn thuở là Chúa… Chúa muôn thuở là Vua  muôn Vua”.

Vâng, hãy ghi khắc trong con tim mình, rằng, Đức Giê-su: “Ngài muôn thuở là Vua”

Petrus.tran

 

Trả lời