Đức Giê-su: đến để chiên được sống

Đức Giê-su: đến để chiên được sống

Đức Giê-su: đến để chiên được sốngThế giới hôm nay, có thể nói, là một thế giới đầy bất ổn, bất ổn vì sự khủng hoảng kinh tế, bởi nạn thất nghiệp tràn lan, bởi sự tiềm ẩn của những mối đe dọa chiến tranh và khủng bố, bởi sự đạo đức băng hoại, cuối cùng là bởi tội lỗi ngày một gian ác, ngày một gia tăng. 

Khi phải sống chung với những gánh nặng của sự bất ổn đó, con người luôn cảm thấy bất an. Và theo lẽ thường tình, khi cuộc sống gặp sự bất an, con người thường tìm đến một ai đó để nương náu, nhờ cậy. Chỉ tiếc rằng, không ít người, họ đã nương náu, nhờ cậy vào những nơi, những chốn không đem đến cho họ một cuộc sống bình an, một đời sống sung mãn.

Với người Ki-tô hữu, đứng trước những nan đề nêu trên, thông điệp được gửi đến, đó là: hãy nương cậy vào Đức Giê-su Ki-tô.

**

Hãy nương cậy vào Đức Giê-su Ki-tô ư! Vâng, đó chính là thông điệp của Ngài, rằng: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10)

Thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần, khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến. Đức Giêsu không khỏi “chạnh lòng thương xót !”… Đã có lần, khi nhìn đoàn dân lũ lượt đi theo, Đức Giêsu đã phải thốt lên với các môn đệ rằng : “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34)

Tại sao Đức Giê-su lại có cái nhìn về những người đi theo Ngài như thế? Thưa, là bởi, họ đang phải sống trong sự bất ổn trước ách thống trị của bạo quyền Roma. Đồng thời, họ còn đang phải oằn vai gánh nặng với những luật lệ do “các kinh sư và người Pharisieu” đặt ra hết sức phi lý.

Có tệ không kia chứ! Có ai lại chỉ biết “ngồi trên tòa Mô-sê giảng dạy… rủ  cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục…”.

Với bối cảnh như thế, những người đi theo Đức Giê-su có khác gì đang bị những kẻ “chăn thuê” dẫn dắt, họ có khác nào những con chiên lạc của nhà Israel !?

Chính vì thế,  một lần nọ, bất chấp những căng thẳng vốn đã xảy ra giữa Ngài và nhóm Pharisieu. Đức Giêsu tuyên bố rằng, “mọi kẻ đến trước tôi đều là tên trộm cướp” Và tiếp theo đó, Ngài khẳng định, rằng “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9).

***

Hôm đó, chỉ với một câu chuyện rất đời thường, sát với thực tế của cuộc sống, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy thế nào là người mục tử chân chính, thế nào là kẻ chăn thuê.. Là mục tử chân chính, Đức Giê-su nói:  Đó  chính  là  những  ai “Đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử”.

Là mục tử chân chính, Đức Giê-su mô tả, rằng: họ chính là người “đi trước và chiên đi theo sau”. Vâng, hình ảnh người mục tử “đi trước và chiên đi theo sau” gợi cho chúng ta nhớ đến Thánh Vịnh thứ hai mươi ba. Chỉ trong sáu câu ngắn ngủi nhưng Thánh Vịnh hai mươi ba đã  mô tả đầy đủ hình ảnh người mục tử chân chính đầy quyền uy.

Với “côn trượng” trên tay, người mục tử dẫn đưa đoàn chiên tới “dòng nước trong lành”. Quả thật là quá an toàn và chẳng có gì phải sợ nguy khốn.

Nếu xưa kia, con người cất tiếng mừng vui vì được “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. (Tv 23, 1-2). Thì hôm nay, niềm vui đó như được nhân đôi, nhân đôi là vì chính Chúa Giêsu đã cất tiếng hòa theo nhịp điệu mừng vui đó, rằng: “Thật, tôi bảo thật: Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Và rằng: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10)

****

Hôm nay, Chúa Nhật IV – Phục Sinh. Theo truyền thống, vào Chúa Nhật này, Giáo Hôi cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục. Nói tới ơn thiên triệu, không ít người lo sợ rằng, với một thế giới cổ suý cho chủ nghĩa thế tục, thật khó để mà có nhiều người từ bỏ hết mọi sự, “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”.

Thật ra, điều đáng để sợ, đó là sợ rằng,  những người đã-được-Chúa-tuyển-chọn, thế mà, dù đã được năm, mười năm… dù đã vượt qua “kim khánh” thế mà vẫn chưa thấy quý  ngài  “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.

Bởi vì chỉ khi “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”, người linh mục hôm nay mới có thể cùng Đức Giêsu “đi trước” chứ không phải “đi giữa hay đi sau” đoàn chiên và có thể cất tiếng “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, cuối cùng, đủ dũng cảm như “anh cả Phêrô” dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.

Về điểm này, Đức Giêsu nói “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”. Vâng, chỉ khi thực thi mệnh lệnh đó, người mục tử hôm nay mới có thể được ghi nhận là người mục-tử-nhân-lành – “người mục tử đích thực”.

****

Trở lại câu chuyện nêu trên, vâng, chúng ta  có thể thấy rằng, để có thể “đi theo sau” người mục tử, “ra vào và gặp đồng cỏ” chiên phải nghe tiếng của người mục tử, phải  nhận biết tiếng của người mục tử.

Cuộc đời của một Kitô hữu, một cuộc đời đi theo Chúa, phải chăng cũng giống như hình ảnh một con chiên bước theo sau người mục tử! Và phải chăng, để có thể đi-theo-Chúa, người Kitô cũng cần phải nghe tiếng Chúa và nhận ra tiếng nói của Ngài?

Thưa, đúng vậy. Chính vì thế, giờ đây, chúng ta hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và tự hỏi rằng: Đã nhiều năm đi-theo-Chúa nhưng thật sự chúng ta đã “nghe tiếng Chúa” và “nhận biết tiếng Chúa gọi” trong cuộc đời mình!?

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ truyền thông hiện đại. Một trong những đặc tính của cuộc sống hôm nay là có quá nhiều tiếng gọi, có quá nhiều điều được rao giảng, được tuyên truyền trên trần gian này.

Thế nhưng, không phải tiếng gọi nào chúng ta cũng có thể đáp lời. Bởi  có thể tiếng gọi đó của Satan, của cám dỗ, của sự dữ, của “kẻ chăn thuê”.

Không phải lời rao giảng nào chúng ta cũng nghe theo. Bởi có thể đó là lời rao giảng của “tà giáo – tà quyền”. Không phải lời tuyên truyền nào cũng dẫn đưa đến một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc. Bởi có thể đó là lời tuyên truyền láo khoét.

Hãy nhớ, Samuel chỉ có thể nghe tiếng Đức Chúa gọi trong đêm thanh vắng. Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể nghe tiếng Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.

Cũng đừng quên, Thánh Kinh chính là nơi chúng ta nhận ra tiếng người mục tử, và Thánh Thể chính là nơi chúng ta sẽ nhận được một thứ cỏ, không phải “cỏ dại” nhưng là chính Mình Máu Thánh Đức Giêsu. Một thứ cỏ cho chúng ta “được sống và sống dồi dào”.

Petrus.tran

Trả lời