ĐTC trao giây Pallium cho Đức Tổng giám mục Bùi Văn Đọc

 

ĐTC trao giây Pallium cho TGM Phaolô Bùi Văn Đọc
và 23 Tổng Giám Mục chính tòa

 

ĐTC trao giây Pallium cho Đức Tổng giám mục Bùi Văn ĐọcVATICAN. Lúc 9 giờ 30 sáng chúa nhật 29-6-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể mừng kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, và trao dây Pallium cho 24 vị TGM chính tòa, trong đó có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM Sàigòn.

24 vị TGM đến từ 22 quốc gia, trong đó có 6 vị từ Á châu là Việt Nam, Ấn độ, Pakistan, Indonesia, 2 vị Philippines. Từ Mỹ có Đức Cha Leonard Paul Blair, TGM giáo phận Hartfort (CT).

Ngoài ra có 3 vị TGM không đến được và xin nhận dây Pallium tại giáo phận thuộc quyền, do vị Đại diện Tòa Thánh trao.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

Đồng tế thánh lễ có 50 HY, 70 GM và 350 Linh mục tất cả đều trong phẩm phục màu đỏ, cùng với trên 8 ngàn tín hữu, trong đó có 7 người thuộc phái đoàn Đức TGM Sàigòn, đặc biệt là chị ruột của ngài là bà Bùi Thị Hữu.
Ở chỗ danh dự trước bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Ioannis hướng dẫn.

Nơi hông bên phái Đền thờ, tượng thánh Phêrô bằng đồng đen được mặc phẩm phục là áo choàng mầu đỏ, theo một thói quen rất cổ kính.

Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn ca đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, và ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” ở Roma.

Trao dây Pallium

Nghi thức trao dây Pallium thật đơn sơ và diễn ra vào đầu thánh lễ. 4 Phó tế xuống mộ Thánh Phêrô để mang 27 dây Pallium lên cạnh bàn thờ chính để ĐTC chuẩn bị làm phép.

ĐHY Renato Martino, tân Trưởng Đẳng Phó Tế, giới thiệu các vị TGM chính tòa lên ĐTC và xin ngài trao dây Pallium cho các vị. ĐHY cũng nhắc đến 3 vị TGM không thể đến Roma được và xin được nhận dây Pallium này trong giáo phận thuộc quyền, từ vị Đại diện Tòa Thánh, đó là các vị TGM giáo phận Lilongwe bên Malawi Phi châu, Mandaly bên Myanmar và Đức Cha Stepan Burger, thụ phong TGM cùng ngày hôm qua ở Freiburg im Breisgau bên Đức, nên không thể đến dự.

Kế đến các TGM tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.

ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

ĐTC cũng đọc công thức trong đó có đoạn nói rằng: ”Ước gì giây Pallium này, đối với anh em, là biểu hiệu sự hiệp nhất và là dấu chỉ sự hiệp thông với Tòa Thánh, là mối giây bác ái và là một khích lệ can đảm mạnh mẽ để trong ngày Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, vua của các Mục Tử, đến và tỏ hiện, anh em cùng với đoàn chiên được ủy thác cho anh em, có thể được mặc lấy áo của sự bất tử và vinh quang”.

Tiếp đến từng vị tân TGM tiến lên quỳ trước mặt ĐTC để ngài đeo dây Pallium cho. Sau cùng, Đức TGM Ilsonde Jesus Montanari, người Brazil, Tổng thư ký Bộ Giám Mục, đã tiến lên trước mặt ĐTC để nhận các dây Pallium còn lại để chuyển tới các vị TGM vắng mặt.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ, ĐTC quảng diễn sự kiện thánh Phêrô được Chúa giải thoát khỏi mọi sợ hãi và ngài mời gọi các vị Mục Tử và tín hữu tín thác và theo Chúa. Ngài nói:
Trong ngày lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô, bổn mạng chính của Roma, chúng ta vui mừng và biết ơn đón tiếp Phái đoàn do Đức Thượng Phụ chung, người anh em đáng kính và quí mến Bartolomeo gửi đến, và được Đức TGM Ioannis hướng dẫn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho cuộc viếng thăm này có thể củng cố các mối giây huynh đệ của chúng ta trong hành trình tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai Giáo Hội anh em, mà chúng ta rất mong ước.

”Chúa đã sai thiên thần của Ngài và giải thoát tôi khỏi tay Hêrôđê” (Cv 12,11). Vào đầu sứ vụ của Phêrô trong cộng đồng Kitô ở Jerusalem, vẫn còn một sự sợ hãi lớn vì những bách hại của vua Hêrôđê chống lại một số thành phần của Giáo Hội. Thánh Giacôbê đã bị giết và giờ đây chính thánh Phêrô cũng bị cầm tù để làm hài lòng dân chúng. Trong khi thánh nhân bị giam trong ngục và bị xiềng xích, Người nghe tiếng thiên thần nói: ‘Hãy đứng lên! .. thắt lưng và đi dép vào… mặc áo và theo tôi!” (Cv 12,7-8). Xiềng xích rơi xuống và cửa nhà tù tự động mở ra. Phêrô nhận thấy rằng mình được Chúa giải thoát khỏi sợ hãi và xích xiềng. Đúng vậy, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi và mọi xiềng xích để chúng ta có thể thực sự tự do. Buổi lễ hôm nay diễn tả thật rõ thực tại ấy với những lời trong điệp khúc trong thánh vịnh đáp ca: ”Chúa đã giải thoát tôi khỏi mọi sợ hãi”.

Đây là vấn đề đối với chúng ta ngày nay: sợ hãi và những nương náu mục vụ.

Anh em GM thân mến, tôi tự hỏi: chúng ta có sợ hãi hay không? Chúng ta sợ cái gì? và nếu có sợ thì đâu là nơi nương náu chúng ta tìm kiếm trong đời sống mục vụ để được an toàn chắc chắn? Phải chăng chúng ta tìm kiếm sự hỗ trợ của những người quyền lực trần thế? Hoặc chúng ta để cho mình bị lừa đảo vì kiêu ngạo tìm kiếm những thỏa mãn và ca tụng, tuyên dương, và chúng ta tưởng sẽ được an toàn như thế? Chúng ta đặt an ninh của chúng ta ở đâu?

ĐTC nói tiếp:

”Chứng từ của thánh Phêrô Tông Đồ nhắc nhở chúng ta rằng nơi nương náu đích thực của chúng ta là lòng tín thác nơi Thiên Chúa: lòng tín thác ấy đẩy xa mọi sợ hãi và làm cho chúng ta được giải thoát khỏi mọi nô lệ và cám dỗ trần tục. Ngày nay, GM Roma và các GM khác, đặc biệt là các vị TGM đã nhận dây Pallium, cảm thấy được gương của thánh Phêrô gọi hỏi hãy kiểm chứng lòng tín thác nơi Chúa.

Thánh Phêrô tìm lại được niềm tín thác khi Chúa Giêsu ba lần nói với Người: ”Hãy chăn các chiên của Thầy” (Ga 21.15.16.17). Và đồng thời, thánh nhân, Simon, ba lần tuyên xưng lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, qua đó thánh nhân chữa lành ba lần chối Chúa trong cuộc khổ nạn. Phêrô còn cảm thấy bị thiêu đốt trong tâm hồn vì vết thương làm cho Chúa đau buồn trong đêm phản bội. Giờ đây Chúa hỏi thánh nhân: ”Con có yêu mến Thầy không?”. Phêrô không tín thác nơi bản thân và sức riêng của mình, nhưng nơi Chúa Giêsu và lòng từ bi của Ngài: ”Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con rất mến Thầy” (Ga 21.17). Và thấy là sợ hãi, tình trạng bất an và nhút nhát biến mất.

”Phêrô đã nghiệm thấy rằng lòng trung tín của Thiên Chúa lớn hơn những bất trung của chúng ta và mạnh mẽ hơn những chối bỏ của chúng ta. Người nhận thấy rằng lòng trung tín của Chúa xua tan sợ hãi của chúng ta và vượt lên trên mọi tưởng tượng của con người. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta: ”Con có mến Thầy không?” Chúa hỏi như thế vì Ngài biết những sợ hãi và cơ cực của chúng ta. Phêrô chỉ đường cho chúng ta: hãy tín thác nơi Chúa, Đấng ‘biết mọi sự’ về chúng ta, Chúa tin tưởng không phải nơi khả năng trung thành của chúng ta đối với Ngài, nhưng về lòng trung tín không thể lay chuyển của Ngài. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Ngài không thể chối bỏ chính mính (Xv 2 Tm 2,13). Lòng trung tín – mà Thiên Chúa không ngừng khẳng định cả với các Mục Tử chúng ta, vượt lên trên những công trạng của chúng ta, – chính là nguồn mạch lòng tín thác và an bình của chúng ta. Lòng trung tín của Chúa đối với chúng ta luôn khơi lên nơi chúng ta ước muốn phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em trong tình bác ái.

Tình yêu của Chúa Giêsu phải đủ cho Phêrô. Thánh nhân không được chiều theo cám dỗ tò mò, ghen tương, như khi thấy Gioan ở cạnh, thánh nhân hỏi Chúa Giêsu: ”Lạy Chúa, anh ấy sẽ ra sao?” (Ga 21,21). Chúa trả lời Phêrô: ”Điều ấy có hệ gì đến con? Phần con hãy theo Thầy” (Ga 21,22).

Và ĐTC kết luận rằng:
”Hỡi các anh em TGM quí mến, kinh nghiệm này của Phêrô là một sứ điệp quan trọng cho cả chúng ta ngày nay. Hôm nay Chúa cũng lập lại với tôi, với anh em, và với tất cả các Mục Tử: Hãy theo Thầy! Đừng mất thời giờ trong những câu hỏi hoặc những chuyện tầm phào vô ích; đừng dừng lại ở những điều phụ thuộc, nhưng hãy nhìn điều cốt yêu và theo Thầy. Hãy theo Thầy mặc dù có những khó khăn. Hãy theo Thầy trong việc rao giảng Tin Mừng. Hãy theo Thầy trong cuộc sống chứng tá tương ứng với hồng ân phép rửa tội và truyền chức thánh. Hãy theo Thầy khi nói về Thầy với những người anh em đang sống, ngày qua ngày, trong những cơ cực cảu công việc, đối thoại và tình thân hữu. Hãy theo Thầy trong việc loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, nhất là những người rốt cùng, để không một ai bị thiếu Lời Sự Sống, giải thoát khỏi mọi sợ hãi và mang lại lòng tín thác nơi lòng trung tín của Thiên Chúa”.

Các lời nguyện giáo dân đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Nga, Bồ đào nha, tiếng Hoa, Pháp, và tiếng Yoruba ở miền tây nam Nigeria và tây Phi châu, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tân TGM nhận dây Pallium, cho các dân tộc trên trái đất và các nhà cầm quyền, người nghèo, bệnh nhân, những người lẻ loi và đau khổ, sau cùng là cho toàn thể các tín hữu Kitô.

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 40 phút và kết thúc lúc 11 giờ 10, với bài ca: ”Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa:

ĐTC đã cùng với vị TGM trưởng Phái đoàn chính thống Constantinople xuống cầu nguyện trước tại Mộ của Thánh Phêrô Tông Đồ và trước tượng thánh nhân bên hông Đền Thờ.

Sau đó, ngài về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quang trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh OP

Trả lời