ĐTC Công bố Sứ Điệp Phục Sinh và ban Ơn Toàn Xá


ĐTC Công bố Sứ Điệp Phục Sinh và ban Ơn Toàn Xá

ĐTC Công bố Sứ Điệp Phục Sinh và ban Ơn Toàn XáVATICAN. Sáng chúa nhật Phục Sinh, 8-4-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự Thánh Lễ mừng Chúa Phục Sinh, trước sự hiện diện của 100 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, rồi công bố Sứ điệp Phục Sinh và ban Phép Lành với ơn Toàn Xá cho dân chúng ở Roma và toàn thế giới.

Theo thói quen từ 27 năm nay, Hiệp Hội các nhà trồng hoa tại Hòa Lan đã tặng ĐTC hơn 42 ngàn bông hoa đủ loại để trang điểm khu vực Bàn Thờ trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô, biến địa điểm này trở thành một vườn hoa thật đẹp. Tổng cộng đã có hàng trăm đài truyền hình trên thế giới truyền đi thánh lễ và buổi công bố Sứ điệp Phục Sinh.

ĐTC tiến từ bên trong Đền thờ ra lễ đài trong khi ca đoàn xướng bài Tu es Petrus, Hỡi Phêrô, con là đá. Ngoài đoàn giúp lễ gồm gần 20 người trong đó có 4 thầy phó tế, còn có hai vị Hồng Y đẳng Phó Tế tháp tùng ĐTC mặc dù hai vị đều là GM, đó là ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng Phó Tế, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và ĐHY Raymond Burke, người Mỹ, Chủ tịch Tối cao pháp viện của Tòa Thánh.

Hiện diện ở bên tay trái bàn thờ, còn có nhiều vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, và bên tay phải có những hàng ghế dành cho 20 Hồng Y và hàng chục GM. Trước thềm đền thờ, bên phải có đoàn Liên quân danh dự của Italia cùng với ban nhạc liên hệ của Hiến binh nước này, bên phải có đoàn vệ binh Thụy sĩ và ban nhạc của Hiến binh Vatican.

Khi ĐTC đến trước bàn thờ, hai thầy Phó Tế mở ảnh Chúa Cứu Thế Cực Thánh để ngài và cộng đoàn tôn kính.
Sau lời chào phụng vụ, ĐTC đã cử hành nghi thức rảy nước thánh trên các tín hữu, gợi lại hồng ân bí tích rửa tội, qua đó chúng ta được dìm trong sự chết cứu độ của Chúa để được sống lại với Chúa trong đời sống mới.
Bài Tin Mừng được công bố bằng tiếng La tinh và Hy Lạp nói lên sự hòa hợp giữa hai truyền thống Đông và Tây phương trong Giáo Hội. ĐTC không giảng như mọi khi vì bài giảng được thay bằng Sứ điệp Phục Sinh ngài công bố sau Thánh Lễ.

Trong phần các ý nguyện phổ quát sau khi tuyên xưng đức tin, các tín hữu đã lần lượt cầu nguyện bằng tiếng Pháp, Malayalam ở bang Kerala Ấn độ, Tây Ban Nha, tiếng Hoa, và Aramaico, cầu cho Giáo Hội, cho ĐTC, các nhu cầu của con người, cho toàn thế giới và sau cùng là cho gia đình của Thiên Chúa đang họp nhau trong thánh lễ này.

Thánh lễ kéo dài hơn 1 giờ 30 phút và kết thúc lúc 11 giờ 45 phút. Sau khi ban phép lành cuối lễ và hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC và hai vị Hồng Y đẳng phó tế tiến lên bao lơn chính của Đền thờ Thánh Phêrô, để cử hành nghi thức công bố sứ điệp Phục Sinh. Quảng trường lúc này đã tăng thêm số tín hữu và lên tới khoảng 110 ngàn. Nhiều người đứng tràn ra đại lộ Hòa Giải ở phía cuối.
Buổi công bố sứ điệp bắt đầu lúc đúng 12 giờ trưa, với quốc thiều Vatican và Italia được hai ban quân nhạc trổi lên.
Trong Sứ điệp, ĐTC đi từ kinh nghiệm của thánh nữ Maria Madalena được gặp Chúa sống lại là niềm hy vọng của bà: nơi Ngài mọi ước mong thiện hảo được viễn tượng thành tựu. Nhưng Maria Madalena cũng như các môn đệ khác đã phải chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa, đến độ niềm hy vọng của họ như thể sụp đổ, nhưng rồi Chúa đã chiến thắng, tối tăm bị ánh sáng đánh tan. ĐTC cầu xin Chúa Phục Sinh ban hy vọng cho dân chúng tại những vùng đang gặp khó khăn, thử thách đau khổ, nhất là tại Trung Đông và một số nước Phi châu.

Nguyên văn Sứ Điệp Phục Sinh của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến ở Roma và toàn thế giới!

”Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi đã sống lại” (Ca tiếp liên phục sinh).

Ước gì tiếng nói vui mừng của Giáo Hội vọng đến tất cả anh chị em, với những lời mà bài thánh ca cổ kính đặt vào miệng của Thánh Nữ Maria Madalena, trước khi gặp Chúa Giêsu sống lại vào sáng ngày lễ Phục Sinh. Bà chạy đến gặp các môn đệ khác, và vui mừng loan báo cho họ: ”Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18). Cả chúng ta, là những người đã đi qua sa mạc mùa chay và những ngày đau thương của cuộc Khổ Nạn, hôm nay chúng ta nhường chỗ cho tiếng kêu chiến thắng: ”Chúa đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!”.

Mỗi tín hữu Kitô lại trải qua kinh nghiệm của Maria Madalena. Đó là một cuộc gặp gỡ đổi đời”: cuộc gặp gỡ với một Người duy nhất, làm cho chúng ta cảm nghiệm trọn vẹn lòng từ nhân và chân lý của Thiên Chúa, giải thoát chúng ta khỏi sự ác, không phải một cách hời hợt, nhất thời, nhưng là giải thoát tận căn, hoàn toàn chữa lành chúng ta và trả lại cho chúng ta phẩm giá. Đó là lý do tại sao bà Madalena đã gọi Chúa Giêsu là ”niềm hy vọng của tôi”: vì chính Chúa đã làm cho bà tái sinh, ban cho bà một tương lai mới, một cuộc sống tốt đẹp, được giải thoát khỏi sự ác. ”Chúa Kitô là niềm hy vọng của tôi” có nghĩa là mọi ước muốn thiện hảo của tôi đều tìm thấy nơi Chúa cơ may thực sự: với Ngài tôi có thể hy vọng rằng cuộc sống của tôi là tốt lành và sung mãn, trường cửu, vì chính Thiên Chúa đã trở nên gần gũi đến độ đi vào nhân tính của chúng ta.

Nhưng Maria Madelena, cũng như các môn đệ khác, đã phải thấy Chúa Giêsu bị các thủ lãnh dân chúng phủ nhận, bắt giữ, đánh đòn, kết án tử hình và đóng đanh. Thật là điều không thể chịu đựng nổi khi thấy Đấng là hiện thân của Sự Tốt lành phải chịu đựng sự gian ác như thế của con người, Chân Lý bị dối trá nhạo cười, Lòng Từ Bi bị báo thù lăng mạ. Với cái chết của Chúa Giêsu, dường như niềm hy vọng của những người tin nơi Ngài bị sụp đổ. Nhưng niềm tin ấy không bao giờ bị tàn lụi: nhất là trong tâm hồn Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, ngọn lửa tiếp tục cháy sáng nồng nàn, cả trong tối tăm của đêm đen. Niềm hy vọng như thế không thể không đương đầu với những cứng cỏi của sự ác. Không phải chỉ có bức tường sự chết mới cản trở hy vọng, nhưng hơn nữa, cả những mũi nhọn của ghen tương và kiêu ngạo, của dối trá và bạo lực nữa. Chúa Giêsu đã đi qua những mưu mô chết chóc ấy, để mở cho chúng ta lối vào Nước Sự sống. Có một lúc Chúa Giêsu dường như bị chiến bại: tối tăm dường như lan tràn trái đất, Thiên Chúa hoàn toàn im tiếng. Hy vọng dường như là một lời nói trống rỗng.

Và này đây, vào tảng sáng sau ngày Sabat, người ta thấy ngôi mộ trống rỗng. Rồi Chúa Giêsu tỏ mình ra cho bà Madalena, cho các phụ nữ khác, cho các môn đệ. Niềm tin tái sinh sống động và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nay trở thành không thể chiến bại, vì dựa trên một kinh nghiệm quyết định: “Sự chết và sự sống đã xung đột nhau, một cuộc song đấu lạ lùng. Chúa tể sự sống bị chết, nhưng giờ đây, Ngài sống, ngài chiến thắng”. Các dấu hiệu phục sinh làm chứng chiến thắng của sự sống trên sự chết, của tình yêu trên oán hận, của từ bi trên sự báo thù: ”Ngôi mộ của Chúa Kitô hằng sống / vinh quang của Chúa Kitô phục sinh / và các thiên thần của Ngài làm chứng / khăn liệm và các áo của Ngài”.

Anh chị em thân mến! Nếu Chúa Giêsu đã sống lại, thì – và chỉ như thế, mới xảy ra cái gì thực sự là mới mẻ, biến đổi thân phận con người và thế giới. Như thế, Ngài, Chúa Giêsu, là một vị chúng ta có thể tuyệt đối tín thác, và không phải chỉ tín thác nơi sứ điệp của Ngài, nhưng nơi chính Ngài, vì Đấng Phục Sinh không thuộc về quá khứ, nhưng là hiện tại hôm nay, sinh động. Chúa Kitô là niềm hy vọng và an ủi đặc biệt đối với những cộng đoàn Kitô đang bị thử thách nhiều vì đức tin, vì bị kỳ thị và bách hại. Và Ngài hiện diện như sức mạnh hy vọng qua Giáo Hội của Ngài, gần gũi với mỗi hoàn cảnh con người bị đau khổ và bất công.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh ban hy vọng cho Vùng Trung Đông, để mọi thành phần chủng tộc, văn hóa và tôn giáo của vùng ấy cộng tác vào công ích và tôn trọng các quyền con người. Đặc biệt tại Syrie, tình trạng đổ máu được chấm dứt và bắt đầu ngay con đường tôn trọng, đối thoại và hòa giải, như cộng động quốc tế cũng mong muốn. Ước gì đông đảo những người tị nạn từ nước ấy và những người đang cần được trợ giúp về nhân đạo, được đón tiếp và liên đới có thể thoa dịu những đau khổ cơ cực của họ. Ước gì chiến thắng Phục Sinh khích lệ nhân dân Irak đừng nề hà một cố gắng nào để tiến bước trên con đường ổn định và phát triển. Ước gì tại Thánh Địa, người Israel và Palestine can đảm mở lại tiến trình hòa bình.

Xin Chúa chiến thắng trên sự ác và sự chết, nâng đỡ các cộng đoàn Kitô tại Phi châu, ban cho họ hy vọng để đương đầu với những khó khăn, làm cho họ trở thành những người xây dựng hòa bình và phát triển xã hội của họ.
Xin Chúa Giêsu Phục sinh an ủi các dân tộc đang đau khổ ở vùng Sừng của Phi châu và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa giải; xin Chúa giúp Vùng Đại Hồ, Sudan, và Nam Sudan, mang cho dân chúng liên hệ sức mạnh của tha thứ. Xin Chúa Kitô Vinh Hiển ban cho nước Mali, đang trải qua thời điểm chính trị tế nhị, được an bình và ổn định. Xin niềm vui phục sinh của Chúa đổ tràn năng lực cần thiết cho Nigeria, trong thời gian gần đây là nơi diễn ra những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu, để nước này mở lại công trình xây dựng một xã hội an bình và tôn trọng tự do tôn giáo của các công dân.

Chúc mừng tất cả anh chị em một lễ Phục Sinh tốt đẹp!

Chúc mừng Phục Sinh bằng 65 thứ tiếng

Sau sứ điệp, ĐTC đã đọc những lời chúc mừng lễ Phục Sinh bằng 65 thứ tiếng khác nhau, bắt đầu là tiếng Italia:
”Tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến những người đang nghe tôi trong các ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Ý: Chúc mừng Lễ Phục Sinh tốt đẹp cho anh chị em, những người nam nữ ở Roma và Italia! Anh chị em hãy luôn tìm kiếm Chúa Kitô Phục Sinh, ánh sáng Chân Lý, đã phá tan bóng đêm của sự chết và đã mang sự huy hoàng của Thiên Chúa vào trong trần thế. Hãy gìn giữ trong tâm hồn sự chiếu tỏa an bình và vui tươi đến từ sự Sống Lại của Chúa Kitô, Đấng ban sức mạnh và ý nghĩa cho mọi mong đợi và mọi dự phóng thiện hảo.”

Rồi tới các thứ tiếng châu Âu khác như Bồ đào nha, Hy lạp. Đặc biệt bằng tiếng Hòa Lan, ngài nồng nhiệt cám ơn vì những hoa đẹp đến từ Hòa Lan, trang điểm cho Quảng trường Thánh Phêrô nhân thánh lễ Phục Sinh. Tiếp đến là 20 ngôn ngữ của các nước Đông Âu, sang tới các tiếng châu Phi, rồi đến Á châu, bắt đầu là tiếng Hindi, Tamil, Malayalam, Bengali, Birman, Urdu ở Ấn và Pakistan. Sang tới vùng Đông Á, ĐTC lần lượt chúc mừng Phục Sinh bằng các thứ tiếng Trung hoa, Nhật bản, Đại Hàn, Việt Nam (Chúc Mừng Phục Sinh), Sri Lanka, Indonesia.

Ban Phép Lành Toàn Xá

Phần cuối của buổi đọc sứ điệp phục sinh sinh trưa hôm qua là nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới. Phép lành này được ban cho các tín hữu mỗi năm hai lần vào dịp lễ giáng sinh và phục sinh.
ĐHY Tauran, trưởng đẳng Phó tế, thông báo chủ ý của ĐTC Biển Đức 16 ban ơn toàn xá cho các tín hữu hiện diện lãnh nhận phép lành của ngài, và các những người tham dự qua các đài phát thanh và truyền hình, cũng như các kỹ thuật truyền thông mới, miễn là giữ các điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý ĐTC. ĐHY cũng nói thêm rằng ”chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa toàn năng giữ gìn ĐGH lâu dài để hướng dẫn Giáo hội, cũng như xin Chúa ban an bình và hiệp nhất cho Giáo Hội trên toàn thể giới.

Tiếp đến, ĐTC đã đọc lời nguyện với kinh xá giải: Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen. Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen. Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa thánh thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen. Và tiếp theo là phép lành của ĐTC.

Buổi công bố sứ điệp Phục Sinh của ĐTC kết thúc lúc gần 12 giờ 15 giữa tiếng reo vui của các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP

Trả lời